Hành trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1

14/05/2018 07:03

​Xuất phát từ Cảng quốc tế Cam Ranh, trong 9 ngày, từ 2-10/5, tàu Kiểm ngư Việt Nam KN – 491 đã vượt hành trình trên 1.000 hải lý đưa đoàn công tác số 12, với hơn 200 đại biểu của các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Vĩnh Long, Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh, đoàn nghệ thuật tỉnh An Giang và các đơn vị: Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Học viện Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, UBDSGĐ&TE (Bộ Quốc phòng), Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), Tập đoàn Bảo Việt (trong đó, tỉnh Kon Tum có 20 đại biểu) ra thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.

5h ngày 2/5, trời còn mờ sương, hàng chục chuyến xe của Quân chủng Hải quân đã lần lượt chở đại biểu từ nơi nghỉ đến cảng Cam Ranh. Sau khi đại biểu xuống tàu, nhận phòng, ổn định chỗ ở, đúng 7h, sau nghi lễ tiễn tàu, 3 hồi còi chào cảng vang lên, tàu nhổ neo lướt sóng ra khơi.

Càng xa bờ, biển càng xanh, càng rộng, những con sóng nhấp nhô, mềm mại như những dải lụa khổng lồ, lấp lánh dưới nắng vàng làm mê hoặc lòng người.

Thăm đảo chìm Tốc Tan (A)

 

Sau hơn 30 giờ vượt sóng, 13h ngày 3/5, tàu thả neo. Dù buổi sáng đã nhận được thông báo: 14h các chuyến xuồng sẽ đưa đại biểu đi thăm đảo Song Tử Tây và đảo Đá Nam, tuy nhiên với tâm trạng háo hức, sau bữa cơm trưa vào lúc 11h, hầu hết các đại biểu đã tập trung ra hành lang lối lên xuống tàu, đi lại chuyện trò rôm rả đợi đến giờ xuống xuồng vào đảo.

Đá Nam và đảo Song Tử Tây chỉ cách nhau khoảng 3,5 hải lý (6,5km), để đảm bảo kế hoạch hành quân, Ban tổ chức đã bố trí 2 chuyến xuồng đưa 20 đại biểu thăm Đá Nam, 16 chuyến xuồng đưa gần 200 đại biểu thăm đảo Song Tử Tây.

Các ngày tiếp theo, từ ngày 4-7/5, đoàn công tác lần lượt tới thăm các đảo: Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Đá Len Đao, Tốc Tan (A), Núi Le (A), Đá Tây (B) và Trường Sa (Trường Sa Lớn).

Trong số 10 đảo, điểm đảo đoàn đến thăm, có 5 đảo nổi là: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông và Trường Sa. Số còn lại là đảo chìm.

Nhìn từ xa, các đảo nổi như một làng quê yên bình, được bao phủ bởi màu xanh của các loại cây như: phong ba, bão táp, phi lao, bàng vuông, tra biển…, đặc biệt, đảo Nam Yết có rất nhiều dừa nên được mệnh danh là đảo dừa.

Đảo Sơn Ca có đài tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có chùa Sơn Linh; đảo Nam Yết có tượng đài Trần Quốc Tuấn, chùa Nam Huyên; đảo Trường Sa có nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa và chùa Trường Sa…

Ở các đảo nổi, ngoài việc trồng rau xanh, còn chăn nuôi thêm bò, heo, gà, vịt…, góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, chiến sĩ.

So với các đảo nổi, ở đảo chìm, cuộc sống, điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ gian nan, vất vả hơn rất nhiều. Đảo chìm được xây dựng trên nền san hô nằm dưới mực nước biển, trơ trọi giữa bốn bề sóng nước, không một bóng cây. Các đảo chìm đều có kiến trúc giống nhau. Để xây dựng 1 đảo chìm đòi hỏi rất nhiều công sức, bởi vậy diện tích của các đảo chìm thường rất nhỏ, chỉ vài trăm mét vuông…

Mỗi ngày đoàn đi thăm 2 đảo, giờ vào đảo buổi sáng thường là 6h30 phút, buổi chiều là 13h30 phút. Thời gian lưu lại mỗi đảo chỉ từ 2-3 tiếng. Riêng đảo Trường Sa, tàu cập được vào đảo nên thời gian ở đảo được nhiều hơn, khoảng 7 tiếng.

Trời nắng nóng, di chuyển liên tục, nhiều đại biểu đã thấm mệt, da sạm đen, một số đại biểu say sóng, bỏ cả cơm. Vậy nhưng mỗi lần tàu thả neo, loa phát thanh thông báo thời gian lên đảo, không khí háo hức lại trỗi dậy.

Tới các đảo, ngoài tham gia các hoạt động chung của đoàn như: tham dự lễ chào cờ, duyệt đội ngũ; gặp mặt, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo…, nhiều đại biểu đã tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi đi thăm nơi ăn, chốn ở, gặp gỡ, trò chuyện, động viên anh em chiến sĩ và người dân sinh sống ở đảo.

Ngày thứ bảy trong hành trình, sáng 8/5, đoàn đến thăm điểm cuối cùng là Nhà giàn DK 1/7, còn gọi là Nhà giàn Huyền Trân. Nhà giàn DK 1/7 được xây dựng trên bãi cạn Huyền Trân thuộc thềm lục địa phía nam. Đây là nhà giàn có ngọn hải đăng và trạm quan sát khí tượng Huyền Trân.

Nhà giàn Huyền Trân được đặt ở vị trí có độ sâu từ mặt san hô đến mặt nước biển khoảng 12-15m, độ cao từ mặt nước biển lên sân thượng khoảng 15m. Nhà giàn làm bằng hợp kim sắt thép, lên xuống bằng các bậc thang dốc đứng…

Nhiều đại biểu sợ độ cao, đặc biệt là các đại biểu nữ, vậy nhưng vẫn cố gắng leo lên “lâu đài thép” để thăm hỏi, động viên, chụp hình lưu niệm cùng cán bộ, chiến sĩ và cũng để hiểu hơn về sự vất vả, gian truân của những người lính giữa biển khơi…

Đến thăm các đảo và nhà giàn, lúc đi háo hức, phấn khởi bao nhiêu thì giây phút chia tay lưu luyến, bịn rịn bấy nhiêu. Những cái xiết tay thật chặt, những đôi mắt đỏ hoe của cả người đi và người ở lại, xúc động khôn nguôi…

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa

 

Trong hải trình đi thăm đảo và Nhà giàn Huyền Trân, ngay trên tàu giữa biển trời mênh mông, đoàn công tác đã tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa và lễ tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.

Trong không khí trang nghiêm, ca khúc Hồn tử sĩ vang lên bi tráng và da diết. Nghẹn ngào, những giọt nước mắt lăn dài, những bông hoa cúc được thả xuống biển cùng lời nguyện cầu cho các anh an lòng yên nghỉ trong lòng biển mẹ, tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ hôm nay và mai sau ý chí, quyết tâm giữ vững Trường Sa và giữ yên biển trời thiêng liêng của Tổ quốc…

Hành trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK 1/7 của đoàn công tác số 12 kết thúc tốt đẹp vào ngày 10/5. Chuyến thăm đã giúp các đại biểu hiểu rõ hơn về biển, đảo, thấy được những khó khăn, sự cống hiến, hy sinh của các chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ biển, đảo, thềm lục địa - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Chuyến thăm cũng đã để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, những ấn tượng khó quên, những trăn trở, cảm xúc khó nói nên lời.

Tạm biệt Trường Sa, những đảo chìm, đảo nổi. Tạm biệt các chiến sĩ - những pháo đài giữ biển. Cả nước luôn hướng về các anh, hướng về biển, đảo thân yêu.

Bài, ảnh: Hoàng Thúy

Chuyên mục khác