Gắn kết tình đồng chí từ một cuộc vận động ở Trường Sa Đông

13/09/2017 06:02

​Trường Sa Đông là hòn đảo nổi có vị trí rất quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, quốc phòng - an ninh. Nằm ở phía đông đông bắc của đảo Trường Sa, từ Trường Sa Đông đến các đảo trong quần đảo Trường Sa không xa, thuận tiện cho việc giao lưu, trao đổi, học tập, xây dựng đảo không ngừng tiến bộ về mọi mặt. Nhân chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) vào trung tuần tháng 5/2017, tôi đã có dịp đến với đảo Trường Sa Đông, ghi lại những điều mắt thấy, tai nghe về đời sống sinh hoạt, thắm đượm tình đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Từ Trạm xá quân y Trường Sa Đông bước ra, chưa kịp thực hiện dự định dạo bộ quanh đảo, khám phá cảnh quan, môi trường và tìm hiểu thêm về đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo, thì bất chợt, tôi đã bị một đồng nghiệp chặn đường “bắt cóc”. Bằng giác quan nghề nghiệp, đoán chắc có đề tài hay, bạn mới rủ mình, nên tôi không hỏi nguyên do mà đi theo luôn. Đồng nghiệp của tôi là chị Nguyễn Trần Thùy Vinh - Đại úy, phóng viên Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội.

Đi trên đường nội bộ, từ Ban chỉ huy đến khu ở của chiến sĩ, nhà báo Vinh kể: Em rủ anh đi cùng vì có đề tài hay! Hôm qua, lúc trên tàu khi nói chuyện với các anh chỉ huy Vùng 4 Hải quân, em được biết, tập thể cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông là một đơn vị tiêu biểu của Cuộc vận động “Phát huy sáng kiến, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”.

Cán bộ, chiến sĩ tích cực tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ảnh: T.T

 

Vinh cho biết thêm, cô đã hẹn với chỉ huy đảo để chuyện trò, phỏng vấn một số cán bộ, chiến sĩ. Sở dĩ chọn địa điểm tác nghiệp tại nơi ở của chiến sĩ, vì ở khu trung tâm, đang chuẩn bị chương trình giao lưu văn nghệ của đoàn công tác với cán bộ, chiến sĩ Hải quân, nên tiếng ồn khá lớn.

Đảo không rộng, cũng chỉ vài trăm cuốc bộ, chúng tôi đã tới các dãy nhà ở. Đó là những dãy nhà xây cấp 4, nằm khiêm nhường bên các hàng cây. Dọc đường chúng tôi vừa đi qua, cho đến nơi ở này, chỗ nào cũng sạch sẽ, không hề vương một cọng rác nhỏ. Khoảng sân trước và sau mái hè, rợp bóng mát cây xanh. Thế mới biết lính Hải quân đi đến đâu là màu xanh cây lá lại trỗi dậy ở đó, cho dù đất đai có khô cằn và khí hậu khá khắc nghiệt – tôi chợt nghĩ.

Một người lính như đã chờ sẵn trước hiên, đon đả mời chúng tôi vào nhà. Bên trong nhà là một căn phòng sinh hoạt chung, không vách ngăn, có không gian thoáng đãng, ngăn nắp. Các đồ dùng, tư trang cá nhân của chiến sĩ được  sắp xếp gọn gàng, vuông vức, từng hàng thẳng tưng “đầy chất lính”.

Ngồi nhâm nhi li nước lọc, chờ đợi chừng vài phút, Trung tá Trần Minh Đức – Chính trị viên đảo Trường Sa Đông, người hẹn tiếp chúng tôi đã có mặt. Dường như nhận thấy sự chậm trễ của mình, anh có vẻ áy náy cho chúng tôi biết lý do, vì phải chuẩn bị một số việc phát sinh để kịp đón các đại biểu lên thăm đảo.

Mào đầu câu chuyện trước khi đồng nghiệp tôi thực hiện phỏng vấn, Trung tá Đức tâm sự: Cuộc vận động “Phát huy sáng kiến, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” được thực hiện ở Trường Sa Đông đến nay đã ba năm. Xác định đây là cuộc vận động lớn trong toàn quân, nên ngay sau khi được các cấp quán triệt về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, toàn thể cán bộ, chiến sĩ của đảo luôn coi đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của đơn vị. Chính vì vậy mà  Cuộc vận động sớm có sức lan tỏa thực tiễn, ngày càng đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến tích cực trong các mặt hoạt động của đơn vị.

Trung tá Đức cho biết, để thực hiện tốt Cuộc vận động, ngay từ đầu đơn vị xác định: trước hết phải xây dựng đơn vị là một tập thể đoàn kết, thân ái, cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác.

Anh ví von: “Tư tưởng không thông, khoác bình đông cũng nặng”, ở đây lại là hải đảo, biệt lập với đất liền, nên công tác quan tâm đến đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế, đơn vị đã thành lập hẳn một “Hội đồng tư vấn về tình cảm” để kịp thời nắm bắt, động viên cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là những chiến sĩ trẻ mới ra đảo công tác lần đầu khi gặp khó khăn. Nhờ sự sâu sát, phát hiện và hóa giải kịp thời những vướng mắc về nội tâm, tư tưởng... nên  cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đều an tâm công tác, luôn coi “đảo là nhà, biển cả là quê hương”.

Cùng với sự quan tâm về đời sống tinh thần, hằng tháng, cán bộ, chỉ huy đảo duy trì nề nếp sinh hoạt tập thể, trên tinh thần phát huy dân chủ để cùng nhìn nhận, đánh giá, góp ý cho nhau những mặt ưu, mặt khuyết của từng người một cách chân thành, bình đẳng. Chính vì vậy mà cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn thấu hiểu, gần gũi nhau nhiều hơn, tạo nên sự đoàn kết, gắn bó.

Để tìm hiểu thêm về cách thức tổ chức xây dựng cuộc sống sinh hoạt  của cán bộ chiến sĩ trên đảo, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Thượng úy Vũ Văn Huân - Chính trị viên Cụm chiến đấu 1 Trường Sa Đông. Khi đề cập về xây dựng tình đoàn kết của cán bộ, chiến sĩ trong cụm, Thượng úy Huân bộc bạch chia sẻ: Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị, hầu hết mỗi người mỗi quê khác nhau. Nhưng khi đã ra đây, chúng tôi đều trở thành anh em một nhà. Từ cán bộ, cho đến chiến sĩ luôn gần gũi, quan tâm giúp đỡ, động viên nhau những lúc khó khăn trong luyện rèn, cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Thượng úy Huân cũng cho biết, việc xây dựng mối đoàn kết, thân ái, Cụm còn thông qua nhiều hình thức hoạt động phong phú khác như sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao... Ví dụ như những ngày nghỉ, giờ nghỉ anh em tổ chức thi hát karaoke, hàng tuần các chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ sẽ được đề nghị chỉ huy cho mượn điện thoại của đơn vị để liên lạc hỏi thăm gia đình, bạn bè... Chính vì vậy mà ngay cả với chiến sĩ trẻ mới ra đảo lần đầu, họ đã nhanh chóng hòa đồng vào đại gia đình chung, an tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ Hải quân.

Các đồ dùng, tư trang cá nhân của chiến sĩ được sắp xếp gọn gàng vuông vức. Ảnh: T.T

 

Khi thực hiện bài viết này, tôi vẫn còn nhớ đại ý lời tâm sự của một lính trẻ, Trung sĩ Đậu Đức Hương – chiến sĩ vừa tròn 23 tuổi, quê Quỳnh Lưu, Nghệ An: Lần đầu tiên ra đảo có rất nhiều bỡ ngỡ, cuộc sống sinh hoạt ở đây nhiều thứ không hình dung hết, nhưng khi được thủ trưởng và những đồng đội đi trước hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, nên cũng sớm bắt nhịp với môi trường mới. Các thủ trưởng và đồng đội đi trước ở đây, họ thực sự như người cha, người chú, người anh đối với cánh lính trẻ trong một đại gia đình.

Ở Trường Sa Đông, sự đoàn kết, thương yêu đùm bọc của tập thể cán bộ chiến sĩ luôn được đặt lên hàng đầu, đã trở thành sức mạnh vững vàng của đơn vị. Qua đánh giá thi đua, 3 năm liền Trường Sa Đông đều đạt đơn vị quyết thắng; tổ chức Đảng đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh”; cấp ủy cấp trên công nhận “Tổ chức Đảng tiêu biểu xuất sắc”.

Đến Trường Sa Đông hôm nay, bên cạnh hình ảnh về những người lính đang tích cực luyện rèn nơi thao trường, bãi tập, tích cực tăng gia sản xuất xây dựng cuộc sống..., chúng ta còn cảm nhận rõ cuộc sống yêu đời, chứa chan tình đồng chí, đồng đội ở một đảo tiền tiêu, họ đang ngày, đêm vững vàng tay súng canh giữ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

TT

Chuyên mục khác