Đất thiêng Côn Đảo

02/08/2016 18:07

Với lịch sử oai hùng, Côn Đảo được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 tầm nhìn 2030, Côn Đảo sẽ xây dựng trở thành đặc khu kinh tế phát triển theo hướng kinh tế du lịch - dịch vụ chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển các loại hình du lịch biển đảo, sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa - lịch sử.

Chỉ mất khoảng 12 giờ cho hành trình bằng tàu thủy xuất phát từ Vũng Tàu hoặc 60 phút cho chuyến bay từ Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ có mặt ở Côn Đảo, một quần đảo tiền tiêu nằm ở phía đông nam nước ta, thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Dải đất thiêng Côn Đảo, nơi in đậm dấu tích của một thời được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nay là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế đến nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên, lịch sử…

Từ “Địa ngục trần gian”

Đúng 60 phút kể từ lúc cất cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), chiếc ATR 72, loại cánh quạt đã đưa gần 70 hành khách đến sân bay Côn Đảo. Giữa trời xanh, rừng xanh, biển xanh, một màu xanh trải dài ngút tầm mắt, quần đảo thiêng hiện lên đẹp đến nao lòng. Thật không thể tin nổi, đây lại là “địa ngục trần gian” trong quá khứ.

Theo tài liệu được lưu giữ tại Bảo tàng Côn Đảo, khi xâm lược Việt Nam, Pháp đã khẩn cấp đặt vấn đề đánh chiếm Côn Đảo. Ngày 28-11-1861, Bôna (Bonard)- thủy sư đô đốc Pháp hạ lệnh cho tàu Norzagaray tiến chiếm Côn Đảo và chỉ hơn 60 ngày sau đó, ngày 01-02-1862, Bôna ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo. Mặc dù thời điểm đó, trên đất liền, từ Bắc tới Nam, chúng đã lập ra hàng loạt nhà tù để giam cầm những nhà cách mạng, những người yêu nước và đồng bào quật khởi. Tuy nhiên, với vị trí địa lý đặc trưng, bao quanh nhà tù là biển cả không bờ, không bến, vì thế chúng cho rằng Côn Đảo hội tụ đủ những điều kiện tối ưu nhất để câu lưu, hãm hại người tù, bởi giữa biển cả mênh mông ấy, cho dù người tù có bị đàn áp, hành hạ, giết chóc đến bao nhiêu đi chăng nữa thì những tiếng kêu phẫn uất cũng chỉ vang vọng giữa trời xanh và biển cả, công luận trong nước và quốc tế không thể nào biết được. Với ý đồ như vậy, qua 2 thời kỳ Pháp- Mỹ, chúng đã xây dựng tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “biệt lập chuồng cọp” cùng các sở tù để đày ải người tù. Trong 113 năm tồn tại (1862-1975), “địa ngục trần gian” đã giam cầm, đày đọa hàng chục vạn chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước thuộc nhiều thế hệ

Người tù bị cùm chân vào những thanh sắt dài

 

Sống và làm việc ở Kon Tum, mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần phóng sự “Ngục Kon Tum” của tác giả Lê Văn Hiến- một cựu tù chính trị tại Nhà lao Kon Tum, đến thăm di tích lịch sử Ngục Kon Tum, di tích lịch sử Ngục Đăk Glei. Tôi đã rùng mình, đau xót, căm phẫn tột cùng trước những tội ác dã man, các hình thức lao động khổ sai, đánh đập và thủ tiêu bằng nhiều hình thức… của chế độ lao tù thực dân đối với chính trị phạm tại Ngục Kon Tum. Nhưng quả thực, khi tới Côn Đảo, tận mắt chứng kiến hệ thống các nhà tù, trại giam còn lưu giữ được nguyên trạng qua nhiều biến cố, thăng trầm của thời gian, với những hình ảnh người tù khẳng khiu, quần áo rách tươm, thậm chí không quần, không áo…được phục dựng lại nhốt trong khám, trong xà lim, hầm tối, trong khu biệt giam; nghe những câu chuyện kể về các hình thức hành hạ tù nhân…tôi mới hiểu được sự khủng khiếp ở “địa ngục trần gian” này như thế nào. Đánh đập, tra tấn, xiềng đơn, xiềng kép, xiềng hai người làm một, cùm một chân, cùm hai chân, ăn cơm nhạt, uống nước lã, bắt nhịn đói…là những hình phạt thường xuyên đối với người tù. Trong các xà lim, hàng trăm, hàng ngàn người tù bị ken dày, “đứng không được, mà ngồi cũng không xong”, vậy mà bất kể ngày đêm, những thân thể da bọc xương ấy luôn bị những tên cai ngục đứng trên hành lang, dùng những cây lao dài đầu nhọn, bịt đồng, tấn công tới tấp vào người. Khi da thịt những người tù bị rách nát, lở loét, chúng tung vôi bột, dội nước lạnh, nước thải xuống làm cho mù mắt, cháy da, cháy thịt. Táng tận lương tâm hơn, để buộc người tù phải ly khai, đầu hàng, chúng còn trói người tù lại, dùng gậy dìm xuống hầm phân bò sâu 3 mét để tra tấn, hành hạ…

Một hình thức tra tấn, hành hạ tù nhân

 

Không chỉ bị giam cầm, tra tấn, chúng còn bắt người tù lao động khổ sai, với các hình thức như dọn tàu, lấy san hô, đốn gỗ, đập đá, làm đường… Đói, rét, tai nạn cộng với đòn roi của kẻ thù đã cướp đi sinh mạng của hàng ngàn tù nhân. Chứng tích tội ác của kẻ thù còn đó với những con số được khắc trên những tấm bia đá ở các di tích lịch sử, mà bất cứ ai đọc lên cũng phải uất nghẹn: 365 tù nhân thiệt mạng khi mới chỉ làm được 2 mố cầu Ma Thiên Lãnh (mỗi mố cao khoảng 8 mét); còn với Cầu tàu 914, không ai biết được một cách chính xác có bao nhiêu người bị núi lở, đá đè hoặc chết vì đòn roi, con số 914 chỉ là con số ước lệ do người tù nhẩm tính những người đã chết trong quá trình khổ sai làm cầu tàu đẫm máu này. Và nghĩa trang Hàng Dương- nơi chất chứa nỗi đau bất tận với hàng chục nghìn ngôi mộ, trong đó có rất nhiều ngôi mộ tập thể, hàng nghìn ngôi mộ không tên…chính là nơi ghi dấu tội ác man rợ của kẻ thù.

“Núi Côn Lôn được pha bằng máu

Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người

Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời

Mỗi tảng đá là một trời đau khổ”…

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, một thời đau thương tột cùng đã đi vào vào quá khứ, song “địa ngục trần gian” Côn Đảo, nơi hơn 22.000 chiến sỹ cách mạng và những người yêu nước đã hy sinh và nằm lại nơi đây, vẫn mãi hằn sâu trong ký ức các thế hệ người Việt Nam.

Tỏa sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng

“Địa ngục trần gian” Côn Đảo, nơi tập trung điển hình chính sách đàn áp tù chính trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, cũng là nơi tập trung điển hình những phẩm chất anh hùng, bất khuất của những người yêu nước và cách mạng Việt Nam. Kẻ thù biến Côn Đảo thành “địa ngục” thì những người cộng sản lại biến “địa ngục” thành vườn ươm của cách mạng Việt Nam.

Thăm các di tích lịch sử cách mạng ở Côn Đảo, chúng ta căm thù, phẫn nộ những hành động dã man, phi nhân tính của bọn thực dân, đế quốc cùng chính quyền tay sai của chúng bao nhiêu, thì chúng ta lại cảm phục, tự hào hơn bấy nhiêu về ý chí kiên cường, bất khuất của các chiến sỹ cách mạng bị giam cầm nơi đây. Trong bóng tối của “địa ngục trần gian”, “chất ngọc” của người cộng sản vẫn luôn tỏa sáng.  

Tôi đã lặng người xúc động khi đứng trước các xà lim, phòng “biệt lập chuồng cọp”…nghe hướng dẫn viên kể những câu chuyện đầy bi hùng của những người tù chính trị. Bất chấp roi vọt và sự tra tấn dã man, những người tù vẫn học tập chính trị, văn hoá và cất lên tiếng hát để át đi tiếng gông xiềng. Trong ngục tù tối tăm, những chiến sỹ cách mạng kiên trung đã bí mật thành lập chi bộ Đảng để tập hợp, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị hà khắc, vô nhân đạo của thực dân Pháp, biến nhà tù thành trường học cách mạng. Ở một nơi bị vây hãm khắc nghiệt, vượt ngục thực sự là cuộc đấu tranh sinh tử, chạy  đua với tử thần, đi vào chỗ chết để tìm sự sống, nhưng những người tù Côn Đảo không chịu bó tay, không chịu thúc thủ, họ vẫn tổ chức hàng trăm cuộc vượt ngục. Có những cuộc vượt ngục không thành, những người tù bị bắt lại và bị giết ngay sau đó. Tuy nhiên, với khát vọng trở về đất liền để tiếp tục hoạt động cách mạng, bất chấp mọi hiểm nguy, với sự mưu lược và can trường, nhiều chuyến vượt ngục đã thành công, để lại bao nỗi kinh hoàng cho kẻ thù. Rồi chuyện trong khám tử hình, dù bị kiểm soát hết sức nghiêm ngặt, chân bị cùm, vậy mà những người tù chính trị vẫn bí mật chuẩn bị và tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ vào đúng 1 giờ sáng ngày 19/5/1948. Rồi chuyện kẻ thù chỉ cần anh em tù chính trị hạ bút “ly khai Đảng Cộng sản”, chỉ cần họ hô lên “đả đảo Hồ Chí Minh” hoặc chỉ cần họ chấp nhận đứng nghiêm dưới lá cờ nền vàng, 3 sọc đỏ…, chỉ thế thôi, là sẽ không bị lao động khổ sai, không bị xiềng xích, không bị rắc vôi bột, không bị dìm trong hầm phân bò, được ra khỏi nơi biệt giam…Vậy mà không, những người tù chính trị thà chết chứ không chịu đầu hàng, thà chết chứ không ly khai Đảng Cộng sản, thà chết chứ không đả đảo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không để mất khí tiết của người cách mạng. Mua chuộc, dụ dỗ không được, chúng điên cuồng lao vào tra tấn, hành hạ người tù đến thập tử nhất sinh. Vậy mà, nhiều người trước khi trút hơi thở cuối cùng vẫn ráng lấy chút sức lực còn lại hô vang “Hồ Chí Minh muôn năm”…Tinh thần, khí tiết cách mạng của những người cộng sản đã làm cho kẻ thù vừa run sợ, vừa kính nể…

113 năm tồn tại, hơn 22.000 người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc tại “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Máu, xương của thế hệ cha anh đã thấm vào từng tấc đất, cho hôm nay đất thép nở hoa.

Giờ đây, Côn Đảo không chỉ là địa chỉ đỏ cho các thế hệ người Việt Nam đến tham quan, học tập, bồi dưỡng lòng yêu nước và truyền thống cách mạng, viên ngọc xanh Côn Đảo đã và đang trở thành khu du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng với vẻ đẹp thanh bình làm say đắm lòng người. Ai đã một lần đặt chân đến đây, chắc hẳn không thể quên được những cảnh sắc kỳ thú của đất trời mà thiên nhiên đã ban tặng cho Côn Đảo. Biển xanh trong với những bãi cát trắng dài phẳng mịn, bao quanh những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn làm cho không khí thật trong lành, thuần khiết. Đặc biệt, những cây bàng cổ thụ có tuổi đời từ 130-150 năm, trong đó có 53 cây được trồng từ những năm đầu thực dân Pháp ra Côn Đảo xây nhà tù, đã được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây Di sản. Sần sùi, trầm mặc và uy nghi, những cây bàng này đã chứng kiến cảnh bị giam cầm, đày đọa của những người tù, và chúng cũng là vị cứu tinh của họ. Mỗi lần đi lao động, những người tù Côn Đảo thường hái lá bàng non, giấu trong người mang về buồng giam cho đồng đội ăn, còn các hốc ngoằn ngoèo ở thân cây, gốc cây, là nơi các chiến sĩ cách mạng cất giấu thư từ liên lạc…

Vẻ thanh bình của Côn Đảo hôm nay

 

Ôm trọn quá khứ đau thương mà hào hùng, Côn Đảo đã trở thành dải đất thiêng liêng, được xem như “Bàn thờ Tổ quốc”, là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là trường học giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ. Thật hiếm có nơi nào lại có sự gắn kết tuyệt vời giữa thiên nhiên kỳ thú và lịch sử oai hùng đến vậy.

Hoàng Thúy

Chuyên mục khác