Chuyện vui trong hành trình thăm Trường Sa

19/09/2018 12:57

Mỗi chuyến thăm Trường Sa của các đoàn công tác thường kéo dài khoảng 10 ngày. Hành trình vượt sóng, những câu chuyện vui trên tàu không chỉ giúp chúng tôi quên đi mệt mỏi của những cơn say nắng, say sóng, mà còn giúp mọi người xích lại gần nhau hơn…

1. Ngày đầu vượt sóng, đoàn công tác số 12 tổ chức đêm giao lưu văn nghệ trên tàu để kết nối các đoàn, tạo khí thế phấn khởi cho chuyến đi. Nòng cốt là đoàn ca múa nhạc tổng hợp tỉnh An Giang. Tuy nhiên, để chương trình thêm phong phú, ngay sau khi các đại biểu vừa nhận phòng, Ban tổ chức chương trình đã tới từng phòng động viên, lấy danh sách đại biểu đăng ký tham gia.

Phòng tôi ở có 12 nữ, đến từ các địa phương, đơn vị: Lạng Sơn, Kon Tum, Gia Lai, Hải quan Bắc Ninh và Bộ Quốc phòng. Tuy chưa kịp làm quen, song với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa thân yêu”, chúng tôi nhanh chóng hội ý và quyết định đăng ký 1 tiết mục tốp ca của phòng.

Sau bữa ăn sáng, hơn nửa số chị em trong phòng đã có biểu hiện say sóng, song tất cả đều cố gắng vượt lên và hăng say luyện tập. Đêm văn nghệ diễn ra với sân khấu là bãi đỗ trực thăng, khi con tàu vẫn băng băng vượt sóng, chòng chành, lắc lư. Sau tiết mục mở màn của đoàn ca múa nhạc tổng hợp tỉnh An Giang, tốp ca nữ phòng 325 chúng tôi tự tin lên biểu diễn trong sự ngỡ ngàng cùng những tràng pháo tay  cổ vũ không ngớt của đại biểu…

Bằng tinh thần, ý thức trách nhiệm cao, sau đêm giao lưu, phòng 325 tiếp tục được “tín nhiệm” chuẩn bị 1 tiết mục để tham gia trong lễ tổng kết vào ngày cuối của hành trình. Vậy là những ngày trên tàu, tối nào chúng tôi cũng dành ra 1 tiếng hồ để tập luyện.

Được biết, trước đó đã có rất nhiều đoàn đi thăm Trường Sa, nhưng đây là lần đầu tiên có tiết mục văn nghệ huy động được sự tham gia đầy đủ, nhiệt tình của một tập thể phòng. Ngoài văn nghệ, chị em phòng 325 còn động viên, khích lệ nhau tham gia cuộc thi sáng tác thơ ca, ảnh nghệ thuật và tìm hiểu về Trường Sa, nhà giàn DK1. Kết quả, 4 thành viên trong phòng đã đạt các giải Nhất, Nhì, Ba…

Hăng say luyện tập quên cả mệt mỏi. Ảnh: H.T

 

Việc tham gia các hoạt động không chỉ mang lại niềm vui, tạo nên sự phấn chấn trong suốt hành trình mà còn giúp các thành viên trong phòng đoàn kết, gắn bó với nhau hơn…

2. Buổi sáng thứ hai của hành trình, nhiều đại biểu vẫn bỏ bữa và “nằm bẹp” trong phòng do say sóng. 7 giờ 30 phút, tiếng loa phát thanh vang lên: “Toàn tàu xin thông báo, có đàn cá heo đang bơi trước mũi tàu!”. Quên cả say sóng, tất cùng bật dậy, nháo nhào tìm máy ảnh, điện thoại, nhiều người không kịp mang giày dép, rầm rập chạy lên boong tàu. Những tiếng hò reo, cổ vũ vang lên. Tuy nhiên, do khoảng cách từ các phòng tới boong tàu khá xa, việc di chuyển lại khá khó khăn nên chỉ một số ít đại biểu nhanh chân được trực tiếp chiêm ngưỡng và quay lại khoảnh khắc những chú cá heo tinh nghịch, nô đùa nhảy múa trên sóng. Những người chậm chân hơn đành chuyền tay nhau điện thoại để xem lại trong những tiếng xuýt xoa, tiếc nuối…

3. Trong không khí phấn khởi, chộn rộn về màn biểu diễn của đàn cá heo, chúng tôi càng vui hơn khi tàu thông báo đang chuẩn bị thả neo. Vậy là hơn 30 giờ đạp sóng, chúng tôi sẽ được đặt chân lên điểm đảo đầu tiên là đảo Song Tử Tây và đảo Đá Nam. Do hai đảo này khá gần nhau nên để đảm bảo lịch trình, Ban tổ chức đã sắp xếp đại biểu thành 2 đoàn, mỗi đoàn đi thăm một đảo. Mặc dù tàu đã phát thông báo: 11 giờ 30 ăn trưa, 12 giờ 30 báo thức, từ 13 giờ tập trung để xuống xuồng vào đảo… Lịch trình rõ ràng như vậy, nhưng chưa đến 12 giờ, các đại biểu đã áo mũ chỉnh tề, tập trung hết ra ngoài hành lang lối lên xuống tàu để chờ giây phút được đặt chân lên đảo trong tâm trạng háo hức. Người đứng, người ngồi, người đi qua, đi lại, chuyện trò râm ran. Dù thời tiết khá nóng, nhưng trên khuôn mặt, ai cũng rạng rỡ niềm vui…

Háo hức chuẩn bị chờ giây phút được đặt chân lên đảo

 

4. Tàu KN-491 của Kiểm ngư Việt Nam là loại tàu tuần tra xa bờ dài ngày, kết hợp tìm kiếm cứu nạn. Đây là con tàu khá hiện đại và tiện ích. Tàu có chiều dài 90,5m, chiều rộng hơn 18m, có sân bay trực thăng, có hệ thống chứa dầu và nước ngọt dung tích lớn. Tuy nhiên, các phòng ở không phải phòng nào cũng rộng rãi. Nhiều đại biểu nam được bố trí ở tầng hầm, có phòng chỉ rộng chừng 12 m2, được bố trí thành 4 ô, mỗi ô có 3 giường tầng. Mỗi giường có chiều dài 2,2m, rộng 0,8m, khoảng cách các tầng là 0,5m. Với khoảng cách các tầng như vậy, lên giường chỉ có thể nằm chứ không thể ngồi được. Bởi vậy, trừ khi đi ngủ và đi thăm đảo, thời gian còn lại, cánh nam giới đều tập trung ra lan can tàu. Nhóm hí hoáy ghi chép, nhóm chơi cờ tướng, nhóm uống trà, nhóm câu cá trong lúc tàu thả neo. Những câu chuyện góp vui, những tiếng cười, tiếng vỗ tay, tiếng hò reo vang xa mỗi khi có đại biểu kéo lên boong tàu một chú cá béo múp. Bất chấp nắng gió của biển khơi, không khí trên tàu luôn náo nhiệt...

Tiếng vỗ tay, tiếng hò reo vang lên khi chú cá béo núc được kéo lên boong tàu

 

Trường Sa – hai tiếng thiêng liêng đã gắn kết chúng tôi lại gần nhau hơn. Với tất cả những ai đã may mắn được đến với Trường Sa, hẳn không bao giờ quên được những chuyện vui, những kỷ niệm đẹp đẽ trong hành trình đầy ý nghĩa này.

                                                                                       Hoàng Thúy

Chuyên mục khác