Chuyện bếp núc trên tàu thăm Trường Sa

05/08/2018 07:28

Mỗi chuyến thăm Trường Sa của các đoàn công tác, trên tàu luôn có một tổ chuyên phục vụ nấu ăn nhằm đảm bảo sức khỏe cho đại biểu, qua đó góp phần không nhỏ vào thành công của các chuyến đi…

Đầu tháng 5/2018, tàu Kiểm ngư mang số hiệu KN - 491 đã vượt hành trình trên 1.000 hải lý đưa 250 đại biểu của đoàn công tác số 12 ra thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

Hải trình 9 ngày, ngoài thời gian đi thăm các đảo và nhà giàn (khoảng từ 3-4 tiếng/ngày), thời gian còn lại, mọi sinh hoạt của đại biểu đều diễn ra ở trên tàu.

Phòng tôi ở đối diện với nhà bếp của tàu, bởi thế những lúc rảnh rỗi, chị em chúng tôi thường qua lại trò chuyện, động viên, hỗ trợ anh em nhặt rau, rửa chén...

Khi đã trở nên thân mật, bếp trưởng Lê Duy Phong cởi mở chia sẻ: Tổ phục vụ nấu ăn có 17 người, tất cả đều là lính Hải quân và không phải là tay bếp chuyên nghiệp. Khi có các chuyến tàu đưa đại biểu đi công tác Trường Sa, anh em được trưng tập từ nhiều bộ phận khác nhau như: kỹ thuật, máy tàu, lái xe…lên tàu làm nhiệm vụ phục vụ đoàn. Tuy không ở cùng đơn vị, không được đào tạo về nấu ăn, nhưng khi nhận nhiệm vụ, anh em coi nhau như người một nhà, người đi trước có kinh nghiệm sẽ hướng dẫn, hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho người đi sau. Như chuyến đi này, ngoài bếp trưởng Phong, còn có Thiếu úy Trịnh Anh Tuấn và Thiếu úy Nguyễn Hoàng Việt đã 3 lần được điều động vào tổ nấu ăn, một số anh em khác cũng đã tham gia 1-2 chuyến phục vụ đoàn đi Trường Sa, do vậy anh em cơ bản đã quen việc.

Mỗi ngày, các anh nuôi phải bắt tay vào công việc từ lúc 3 giờ sáng. Ảnh: H.T

 

Bếp trưởng Phong cho biết thêm, do việc nấu ăn trên tàu không đơn giản như ở đất liền, có những hôm gặp áp thấp nhiệt đới bất thường, sóng đánh cao, tàu rung lắc dữ dội, anh em nhà bếp phải vật lộn với sóng dữ, đôi khi cơm đã dọn lên bàn bị sóng đánh đổ, thế là lại phải dọn dẹp và nấu lại, vì thế tiêu chuẩn quan trọng để được chọn vào tổ nấu ăn là phải trẻ, khỏe, năng nổ, nhiệt tình, chịu đựng được sóng gió…

Trăm nghe không bằng một thấy, tận mắt chứng kiến hàng núi công việc bếp núc mỗi ngày mới thấy việc nấu ăn trên tàu quả thực vô cùng vất vả. Để đảm bảo phục vụ 4 bữa ăn/ngày (sáng, trưa, chiều, đêm) cho 250 đại biểu, 17 cán bộ, chiến sĩ trong tổ nấu ăn phải làm việc cật lực. Thức dậy từ 3 giờ sáng, bắt tay ngay vào công việc mới kịp cho bữa ăn đầu tiên trong ngày vào lúc 6 giờ. Sau bữa sáng, khi các đại biểu đi thăm đảo, anh em nhà bếp lại tất bật dọn rửa, nấu nướng chuẩn bị cho bữa trưa vào lúc 11 giờ 30… Công việc cứ thế tiếp diễn và thường đến 12 giờ đêm mới dọn dẹp xong. Trung bình mỗi ngày, các anh nuôi chỉ được nghỉ ngơi khoảng 3 tiếng đồng hồ.

Vất vả là vậy, ngày nào cũng phải thức khuya, dậy sớm, làm việc không ngơi tay, nhưng tinh thần, thái độ phục vụ của các anh nuôi luôn chu đáo, vui vẻ.

Được biết, mỗi chuyến thăm Trường Sa của các đoàn thường kéo dài từ 10-12 ngày, vì vậy công tác hậu cần, phục vụ là khâu quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe cho đại biểu. Trước chuyến đi cả tháng, tổ hậu cần phải lên kế hoạch và định lượng lương thực, thực phẩm phục vụ đoàn một cách khoa học, hợp lý nhất. Tiếp đến là khâu lựa chọn thực phẩm đưa lên tàu cũng được thực hiện kỹ càng, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước khi tàu nhổ neo, thực đơn cho từng bữa, từng ngày đã được tính toán tỉ mỉ, chi tiết, tổ phục vụ sẽ căn cứ vào đó để chế biến. Tuy nhiên, sau mỗi bữa ăn, anh em nhà bếp luôn để ý xem món ăn nào còn dư nhiều, đồng thời tham khảo thêm ý kiến để có sự thay đổi, điều chỉnh món ăn hợp khẩu vị với số đông đại biểu. Với những đại biểu bị say sóng, say nắng không xuống phòng ăn được, anh em nấu cháo, pha nước chanh đưa đến tận phòng, ân cần hỏi han, phục vụ như đối với người thân trong gia đình.

Vượt qua 9 ngày hành quân trên biển trong điều kiện sóng gió, thời tiết, khí hậu thất thường, chuyến thăm, làm việc với quân, dân huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 của đoàn công tác chúng tôi đã thành công tốt đẹp. Trong sự nỗ lực, cố gắng chung, có sự đóng góp không nhỏ của tổ phục vụ nấu ăn trên tàu. Bằng sự tận tâm, chu đáo của các anh nuôi, những bữa cơm ngon miệng, cân bằng chất dinh dưỡng hàng ngày đã giúp chúng tôi đảm bảo sức khỏe để vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong chuyến đi.

Tạm biệt Trường Sa về với đất liền, trong tôi vẫn văng vẳng câu thông báo đã trở nên thân thuộc với các đại biểu trong những ngày ở trên tàu: “Tổ phục vụ xin thông báo, đã đến giờ ăn sáng (trưa, chiều, đêm). Kính mời thủ trưởng và đoàn công tác về các vị trí theo quy định để dùng bữa!”.

 Nhớ Trường Sa, nhớ con tàu KN - 491 thân thương. Và nhớ lắm hình ảnh những chiến sĩ Hải quân - những đầu bếp không chuyên, tuy ngày đêm vất vả phục vụ nhưng nụ cười vẫn luôn nở trên môi.

                                                                             Hoàng Thúy

Chuyên mục khác