Chúng tôi đến với quần đảo Trường Sa

02/02/2024 13:08

Từ ngày 3-20/1, Đoàn công tác của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đưa chúng tôi - những người làm báo trong cả nước đến thăm, tặng quà, chúc Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sinh sống, lao động, chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa.

Đúng 16 giờ 30 phút, ngày 3/1, tiếng còi tàu mang số hiệu HQ-561 của Vùng 4 Hải quân hú dài rồi từ từ rời quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để đưa đoàn nhà báo chúng tôi đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa.

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ lướt sóng, con tàu HQ-561 ra khơi xa dần bờ biển, nhiều người bắt đầu chếnh choáng nằm im lìm. Thế nhưng, hình ảnh đảo xa vẫn cứ hiện ra trong mắt chúng tôi như gần hơn, đẹp hơn và thân thiết hơn.

Thuyền Hải quân chở các nhà báo vào đảo Đá Tây B tác nghiệp. Ảnh: TVP

 

Sau 38 tiếng đồng hồ băng qua bao đợt sóng gió cấp 5, có lúc vượt lên cấp 6, tàu HQ-561 cập bến đảo Trường Sa trong niềm vui khôn tả. Đây rồi, một đảo Trường Sa rộng lớn với màu xanh của những loài cây đầy sức sống như phong ba, bàng vuông, phi lao hiên ngang trước biển, làm cho chúng tôi phấn chấn khi nghĩ về người lính Hải quân can trường trước sóng gió trùng khơi.

Đại tá Lê Đình Hải- Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, Trưởng Đoàn công tác tàu HQ-561, cho biết: Chúng ta ra đảo dịp này không chỉ thăm, tặng quà, chúc Tết cổ truyền mà còn tìm hiểu, khám phá cuộc sống lao động, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các nhà báo hãy thể hiện tình cảm của mình thông qua ngòi bút, bức ảnh, thước phim để gửi gắm cho nhân dân cả nước biết được tình quân dân trên quần đảo Trường Sa luôn hướng về đất liền thân yêu. Qua đó, cả nước trao gửi tình yêu thương đến với Trường Sa, và ngược lại, Trường Sa gửi lại cả nước niềm tin sắt son về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn được bảo vệ vững chắc và toàn vẹn.

Như được tiếp thêm sức mạnh và lòng tự hào dân tộc, chúng tôi bước lên đảo Trường Sa với tấm lòng nhiệt huyết của người làm báo cách mạng. Anh Nhan Minh Luân - phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Cà Mau - nhiều lần đi biển để đến với cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân cho biết: Mặc dù sóng gió trên quần đảo Trường Sa lớn hơn nhiều so với các vùng biển khác ở miền Nam, nhưng được ra biển, đảo với các đồng nghiệp trong cả nước, đặc biệt ra với quần đảo Trường Sa, tôi thấy rất nhiều niềm vui và hạnh phúc. Được cán bộ, chiến sĩ Hải quân trên các đảo đón tiếp tận tình, chúng tôi miệt mài ghi hình, nhiều lúc quên cả ăn uống để có được những thước phim “mãn nhãn” đem về “khoe” với bạn bè, đồng nghiệp và để làm tư liệu mỗi khi viết về biển, đảo Việt Nam.  

Tàu HQ - 561 cập bến an toàn. Ảnh: T.V.P

 

Mỗi nhà báo có một niềm khao khát khác nhau về dự định của mình đối với quần đảo Trường Sa, nhưng điểm gặp nhau vẫn là tìm tòi, khám phá, phát hiện những hình ảnh đẹp, những thời khắc của những bức ảnh nghệ thuật. Anh Huỳnh Văn Truyền - hội viên Hội Nhiếp ảnh thành phố Đà Nẵng, chia sẻ: Nhiều lần đi đảo rồi, nhưng lần này ra quần đảo Trường Sa mới thấy nhiều đổi thay đến diệu kỳ. Tâm đắc nhất của tôi là những bức ảnh chụp về sự đa dạng sinh học trên đảo, trong đó đẹp nhất là các loài hoa, loài bướm và cả những loài cây chịu sự khắc nghiệt của nắng gió, bão biển để vươn lên, tạo sắc màu đa dạng, phong phú cho đảo. Hy vọng khi trở về đất liền, tôi sẽ có nhiều bức ảnh nghệ thuật cùng với những “sản vật” của biển, đảo để thực hiện thành công một cuộc triển lãm ngoạn mục cho người xem.

Nhà báo Tạ Ngọc Hải - Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Định, tâm sự: Tôi nhiều lần ra với biển, đảo quê hương, nhưng lần này tôi thấy các đảo như Trường Sa, An Bang, Đá Tây trong quần đảo Trường Sa thật đẹp. Bởi các đảo này, không còn là bãi cát dài, là những rạn đá san hô xanh biếc nổi lên giữa Biển Đông, mà nó đã lên xanh các loại cây cối nhờ bàn tay của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân sinh sống trên các đảo. Càng thích thú bao nhiêu, tôi càng hăng say tìm kiếm, phát hiện những điểm mới của các công trình như: chùa chiền, nhà tưởng niệm, tượng đài các vị anh hùng dân tộc, đặc biệt là các cột mốc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc với hình tượng người lính Hải quân bồng súng trang nghiêm canh giữ biển trời quê hương với tinh thần “bất khả xâm phạm”. 

Nhà báo Hứa Ngọc Hòa- công tác tại Báo Khánh Hòa, vui vẻ kể: Mặc dù tôi đi công tác ở huyện, bởi Trường Sa là huyện đảo của tỉnh nhà, nhưng đâu phải nhà báo nào cũng được đi và mỗi năm nếu “ưu ái” lắm mới được ra đảo 2 lần để thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo. Vì vậy, trong cuộc đời làm báo, đến nay, tôi có trên 10 lần ra quần đảo Trường Sa. Mỗi lần như vậy, tôi nhận thấy các đảo đều có những cái đẹp riêng, đặc biệt về đêm đảo càng lung linh giữa biển trời với những cơn sóng bạc đầu. Từ đó, trong tác nghiệp của tôi đối với quần đảo Trường Sa luôn được đổi mới để phản ánh trung thực sức sống mãnh liệt của các đảo qua từng bức ảnh và từng bài viết sinh động.

Đại diện Đoàn nhà báo tặng album ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Giang Sơn Đông cho đảo Đá Tây B. Ảnh: T.V.P

 

Còn tôi, theo cách gọi của các đồng nghiệp trên tàu 561-HQ là “nhà báo già”, tôi rất lấy làm hạnh phúc với nghề khi được hai lần ra biển đảo tác nghiệp. Nhưng khác với lần trước vào năm 2019 ra với Nhà giàn DK1, lần này, tôi được lên các đảo, được tâm tình với những người dân và các cháu học sinh, được lắng nghe tiếng chuông chùa đồng vọng với sóng gió đại dương, gần gũi và thân thương quá đỗi. Và thế, tôi say sưa tác nghiệp và ghi lại rất nhiều tư liệu về quần đảo Trường Sa- “núm ruột” của nước nhà.

Quần đảo Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc thân yêu và luôn nhận được nhiều tình cảm thân thương của nhân dân cả nước, trong đó có đội ngũ những người làm báo của chúng tôi. Đặc biệt, được đến thăm và chúc Tết cổ truyền, được ghi lại những khoảnh khắc trong hải trình đến với biển đảo quê hương, chúng tôi vô cùng xúc động khi phải chia tay trở về đất liền sau 18 ngày đi qua 8 đảo lớn, nhỏ trên quần đảo Trường Sa yêu dấu.

Tàu HQ-561 rời xa đảo Đá Tây A của quần đảo Trường Sa để thẳng tiến vào đất liền sau hơn 30 tiếng đồng hồ lướt sóng, để lại phía sau là những hòn đảo thân yêu giữa biển trùng khơi. Nơi đó, những người con đất Việt là cán bộ, chiến sĩ Hải quân, Biên phòng và nhân dân các dân tộc Việt Nam quyết chung tay bám trụ giữ biển đảo, giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà tổ tiên chúng ta để lại cho muôn đời nay.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác