Câu cá ở Trường Sa

17/12/2017 18:03

39 thành viên đoàn công tác tỉnh Kon Tum, trong đó có 12 diễn viên Đoàn nghệ thuật tỉnh do đồng chí Đặng Thanh Long – Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ làm trưởng đoàn đã nhanh chóng hoà nhập với đoàn công tác số 11 thăm quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.

Đoàn công tác số 11 gồm 220 thành viên khắp mọi miền Tổ quốc, thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương và Kho bạc Nhà nước Việt Nam, do Chuẩn Đô đốc Đoàn Văn Chiều – Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn, Đoàn được chia thành 12 tổ, trong đó đoàn Kon Tum được phân thành 2 tổ, mang tên hai hòn đảo là tổ Trường Sa Đông và tổ Sơn Ca.

Đúng 8h ngày 7/5/2017, tại cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân long trọng làm lễ chào đoàn công tác. Tàu KN 491 chở các thành viên đoàn hú ba hồi còi dài vang động cảng Cát Lái, báo hiệu tàu xuất bến, rẽ sóng biển khơi, vượt hành trình 470 hải lý, hướng tới quần đảo Trường Sa thân yêu.

Đoàn công tác tại đảo Sơn Ca

 

Trước sự gần gũi, thân thiện của cán bộ chiến sĩ hải quân Lữ đoàn 125 thuộc Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, mọi thành viên trong đoàn sớm hòa nhập, trở nên gần gũi, quen thân hơn. Cái cảm giác hồi hộp, lo lắng, bỡ ngỡ ban đầu được xóa bỏ. Mơ ước một lần trong đời được ra thăm quần đảo Trường Sa nay đã thành hiện thực, hạnh phúc vỡ oà, niềm vui và sự mãn nguyện hiện rõ trên nét mặt mỗi người.

Khi đã làm quen với con sóng nơi biển khơi, các “đồ nghề” đã chuẩn bị trước đó được các thành viên lần lượt lấy ra. Trong đoàn tỉnh Kon Tum có hai thành viên chuẩn bị sẵn đồ nghề câu cá, đó là anh Phạm Thanh Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Kon Tum và anh Trịnh Tâm - Tổng Biên tập Báo Kon Tum. Anh Hà chuẩn bị tới hai bộ cần câu cá rất hiện đại, thấy chúng tôi quá háo hức với việc câu cá, nên anh nhường để chúng tôi trải nghiệm.

Sau khi thăm đảo Song Tử Tây, nghe trưởng đoàn công tác phát đi thông báo đêm nay đoàn nghỉ lại, tôi và Nhà báo Trịnh Tâm “nháy” nhau vì đây là cơ hội tốt để được thả mình theo dòng nước… giăng câu.

Thấy tôi lịch kịch lên boong tàu cầm theo bộ cần câu xịn “ké” của anh Phạm Thanh Hà, các bạn câu cứ nhìn và xuýt xoa vì… đẳng cấp quá!

Tôi kéo ghế ngồi chăm chú thả câu, dây cước thả hết 100m rồi mà một thủy thủ nói rằng vẫn chưa đủ độ sâu so với thềm lục địa. Có lẽ cũng vì lý do này mà: Một tiếng, rồi hai tiếng… mỗi lần kéo lên thấy mồi câu vẫn còn y nguyên, không một chú cá nào màng tới, tôi thêm mồi và kiên trì chờ đợi với niềm tin sẽ “giật” được một chú cá.

Chờ mãi, chờ mãi rồi… thất vọng! Mỗi lần đưa lên vẫn chỉ một cục mồi to tướng. Hàng chục bạn câu với tôi lần lượt rời boong tàu, nét mặt cũng không khá hơn tôi là mấy.

Đêm Trường Sa, nước biển màu xanh đậm, sóng vẫn từng cuộn từng cuộn vỗ vào thân tàu. Đồng hồ chỉ 22h đêm, cuối cùng tôi cũng không đủ kiên nhẫn và phải rời boong tàu để về phòng ngủ.

Tôi đi qua chỗ giữa tàu phát hiện Nhà báo Trịnh Tâm vẫn kiên trì “bám biển”, mắt anh đau đáu nhìn theo sợi dây cước, với niềm tin đến lạ - sẽ “kéo” được con cá lên boong tàu ngay tại quần đảo Trường Sa - còn gì thú vị bằng!

Nhà báo Trịnh Tâm còn háo hức kể, đợt Nhà báo Văn Hiển - Đài Truyền hình Kon Tum ra đây câu được một con cá to, khi đưa lên boong tàu, bỗng con cá ấy bị… nổ mắt! Làm ai nấy đều nuôi hy vọng sẽ giật được cá và chứng kiến cảnh cá nổ mắt như thế nào.

Mạn thuyền nơi thường đứng câu cá

 

Mắt không rời cần câu, bỗng Nhà báo Trịnh Tâm kêu lên: “Ôi sao mà nhẹ thế này!”. Khi kéo sợi dây cước lên, ôi mất hẳn cả lưỡi câu, anh đoán đã có một con cá cực lớn đã cắn câu, cắn đứt luôn sợi dây cước và “tha” đi mất. Đêm đã về khuya, chúng tôi trở về phòng ngủ và suy nghĩ về số phận con cá đã nuốt lưỡi câu…

Sáng sớm hôm sau, khi tất cả các thành viên trong đoàn lên boong tàu ăn sáng. Tôi và Nhà báo Trịnh Tâm nhâm nhi ly trà nóng hổi, cảm nhận bình minh trên biển Trường Sa và vẫn còn lo lắng cho số phận con cá lỡ cắn câu nuốt vào bụng. Tôi chợt thấy phía trên đầu lùng nhùng một mớ dây cước và có cả lưỡi câu, Nhà báo Trịnh Tâm xem rồi xác nhận, dây cước này, lưỡi câu này đúng là của mình. Rồi anh không khỏi ngỡ ngàng và thắc mắc, sao cá đã cắt đứt lưỡi câu, tha xuống biển khơi mà giờ cả dây cước, cả lưỡi câu lại còn đây.

Một thành viên thuộc Kho bạc Nhà nước, có tham gia câu cá đêm hôm qua kể lại, đêm qua anh và một số người ngồi câu mạn tàu phía bên kia, khi kéo lên thấy dây cước và lưỡi câu của ai đó quấn vào, rối rắm không gỡ nổi nên đã cắt và treo lên đó. À, vậy là mọi chuyện đã rõ! Hoá ra vẫn không có một chú cá nào màng tới mồi câu của Nhà báo Trịnh Tâm.

Bài và ảnh:Trần Kim Sơn

Chuyên mục khác