Ấn tượng “đội cảm tử” ở đảo An Bang

13/04/2018 13:01

​Nằm ở phía Đông Nam của quần đảo Trường Sa, đảo nổi An Bang gây nhiều ấn tượng với chúng tôi khi lần đầu tiên đến đảo. Ấn tượng với An Bang không chỉ bởi vẻ đẹp dịu dàng của đảo mà còn bởi việc tiếp cận và là hòn đảo khó vào nhất...

“Đẹp dịu dàng Tiên Nữ, An Bang”- đó là câu hát mà chúng tôi thường xuyên được nghe trong suốt hải trình vượt sóng ra Trường Sa trên con tàu 561 những ngày đầu năm 2018. Vì vậy, trong chúng tôi, ai cũng mong muốn được đến đảo An Bang để chứng kiến nét đẹp “dịu dàng” ấy.

Trong hải trình của tàu 561, đảo An Bang là điểm đến cuối cùng trong tổng số 6 đảo, 12 điểm đảo, nhưng đại tá Phan Ngọc Quang - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác lại quyết định tới An Bang trước sau đó mới quay về đảo Thuyền Chài.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, đại tá Quang nói với anh em nhà báo: Biển luôn chứa đựng những điều bất ngờ. Hôm nay, trời xanh biển lặng là thế, ngay ngày mai bão gió lại nổi cơn giận dữ không biết thế nào, vì thế tôi mới quyết định đi thẳng tới An Bang trước. Hy vọng biển lặng thế này có thể vào đảo An Bang được. Nhưng dù biển lặng thì việc vào đảo cũng rất khó khăn. Đây là đảo vào khó nhất. Nhiều chuyến tàu từ đất liền đến thăm cán bộ chiến sĩ đảo An Bang vào đúng mùa sóng dữ đã không thể vào được đảo.

“Các đồng chí đến được An Bang, nếm mùi sóng gió An Bang là xem như đã đi hết quần đảo Trường Sa rồi”- đại tá Quang nói vui.

Trong hành trình di chuyển đến đảo, chúng tôi đã được giới thiệu sơ lược rằng, An Bang có địa hình rất đặc biệt, đảo nằm trên đỉnh thềm san hô hình cây nấm, được bao bọc bởi các tảng đá san hô lớn. Bờ Tây là một dải cát hẹp, bờ Nam bãi cát thường hay thay đổi theo mùa, vì vậy, cồn cát trắng cũng dịch chuyển xung quanh đảo. Cứ vậy, chu kỳ một năm, bãi cát lại quay về vị trí cũ.

Cũng vì thế mà An Bang còn hay được gọi là đảo “đồng hồ”, bởi những người lính đảo ở đây thường nhìn vào vòng xoay của bãi cát để đếm thời gian.

Đảo An Bang có vị trí rất quan trọng như là cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tạo thành lá chắn vòng ngoài ngăn chặn các  hoạt động chống phá, tiến công của kẻ thù trên hướng biển.

Đội cảm tử hỗ trợ đoàn côgn tác vào đảo. Ảnh: V.P

 

Sở dĩ không có tàu thuyền nào dám mạo hiểm tiến gần bờ đảo An Bang vì bước chân ra đã là mép biển xanh thẫm, với thềm san hô dựng đứng, sóng dội ầm ầm. Xung quanh đảo luôn có sóng dồn dập và càng dữ dội khi biển động. Sóng ở đảo An Bang có những lúc rất cao, trùm cả cột đèn chiếu sáng hơn 6m.

Cũng vì đặc điểm đó, nên ở An Bang không thể xây dựng cầu cảng vào đảo. Việc ra vào đảo vì thế gặp muôn vàn khó khăn, ngay cả khi thời tiết thuận lợi nhất.

Sau một ngày đêm hành trình trên biển, tàu chúng tôi cũng đến được  An Bang. Tàu 561 neo cách đảo An Bang khoảng 2 hải lý nhưng nhìn từ xa An Bang  hiện lên ấn tượng với vẻ đẹp kỳ vĩ. Đứng trên mũi tàu nhìn về phía đảo, những chồi non của cây bàng vuông, cây tra, phong ba mới bị cơn bão số 16 tàn phá đang hồi sinh sau bão.

 Dù sóng vẫn dữ dội kèm theo gió giật nhưng đại tá Phan Ngọc Quang vẫn quyết định vào đảo theo kế hoạch. Hàng hóa, cùng thành viên đoàn công tác cơ động xuống 2 chiếc xuồng để di chuyển dần vào đảo.

Trước khi lên xuồng, trung úy Nguyễn Đình Minh - Trưởng ngành hàng hải tàu 561 dặn đi dặn lại anh em phóng viên: Lên xuồng phải ngồi xuống và lùi về phía sau. Nghe theo hiệu lệnh của chỉ huy. Mọi hành động phải thật nhanh và chính xác thì mới có thể đảm bảo an toàn.

Chuyến xuồng đầu tiên chở đoàn công tác (trong đó có tôi) lướt sóng dữ vào đảo. Đường vào đảo như thu hẹp lại mà những con sóng vẫn chưa chịu buông tha.

Khi đến gần, lái xuồng lựa theo cơn sóng tiến gần đảo rồi thuyền viên Lê Văn Khánh cố gắng ném dây thừng về phía các chiến sĩ đang đợi ở trên bờ hai lần, nhưng đều thất bại vì gió to, sóng mạnh.

Chiếc xuống chở đoàn quay thêm vòng nữa, thuyền viên Khánh tiếp tục quăng dây thừng cho các chiến sĩ trên bờ. Khi các chiến sĩ chộp được dây thừng thì đúng lúc cơn sóng mạnh khiến xuồng chao đảo, các chiến sĩ trên bờ nhanh chóng triển khai ứng cứu cùng hô kéo xuồng lên bờ.

Sau một lúc vật lộn với những con sóng, chiếc xuồng tròng trành cập sát vào bờ cát, người đội trưởng chỉ huy hơn 20 chiến sĩ giữ chắc dây, nhóm khác nhanh chóng hỗ trợ người và hàng hóa xuống xuồng hết sức khẩn trương.

Sau hơn nửa tiếng loay hoay, với sự hỗ trợ của các chiến sĩ đảo chúng tôi cũng cập được đảo An Bang an toàn. Những chuyến xuồng còn lại với những cuộc “chạy sóng” vẫn diễn ra khẩn cấp, gấp gáp và căng thẳng. Sau nhiều giờ “vật lộn” với sóng dữ, người và hàng cũng vào bờ an toàn.

Chúng tôi đón chào nhau, nở nụ cười tươi như đã quen biết tự khi nào, lúc này, đại úy Đỗ Văn Vui - Phó chỉ huy trưởng đảo An Bang (sau tôi được biết anh đồng thời là chỉ huy “đội cảm tử” của đảo) giãi bày: Đây là chuyến đầu tiên từ sau cơn bão số 16 mà anh em trên đảo đón. Hôm nay, vị trí cập xuồng không được thuận lợi, bãi cát gần như là dựng đứng 70- 80 độ. Nhưng rất may đợt này các thuyền đều cập bờ an toàn cả.

Chính trị viên đảo An Bang, thiếu tá Vũ Quang Minh, chia sẻ: Do thường xuyên phải hứng chịu những trận cuồng phong và địa hình của đảo rất khắc nghiệt, vì thế đảo đã thành lập một đội công tác đặc biệt gồm trên 20 chiến sĩ khỏe mạnh, rất thiện chiến, giỏi bơi lội, có trách nhiệm đón đưa khách và vận chuyển hàng hóa, kéo xuồng để giúp những chuyến thuyền ra vào đảo được an toàn. Đây là một nhiệm vụ, nhưng cũng là bài tập rèn luyện sức khỏe cho anh em chiến sĩ.

“Các cán bộ chiến sĩ mới đến chúng tôi cho đứng phía sau, gần bờ, những cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm, bơi giỏi đứng ở xa để sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố lật thuyền…”- đại úy Vui nói thêm.

Vẻ đẹp của đảo An Bang. Ảnh: V.P

 

Cũng theo đại úy Vui, do thời tiết khó đoán, sóng gió ngoài đảo thất thường nên việc huấn luyện được thực hiện hằng ngày, hằng tuần với các kỹ năng bơi lội, kinh nghiệm đón sóng, nhìn con nước... nhưng điều quan trọng nhất là huấn luyện lòng dũng cảm, sẵn sàng đối đầu với hiểm nguy, vì vậy, đội được gọi là “đội cảm tử”.

Theo cán bộ chiến sĩ đảo An Bang, tên “đội cảm tử” chính do các đoàn công tác đến đảo thấy hình ảnh và sự dũng cảm của cán bộ chiến sĩ nên đặt tên như vậy.

Cứ như vậy, “đội cảm tử” đảo An Bang đã trở thành cầu nối bảo vệ, đưa đón từng đoàn công tác ra vào đảo cùng hàng trăm tấn hàng hóa, lương thực, thực phẩm, quân dụng được vận chuyển nhanh chóng, an toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và quân sự của cán bộ chiến sĩ trên đảo.

Câu chuyện về “đội cảm tử” cứ lưu truyền mãi bao thế hệ chiến sĩ của đảo như một huyền thoại về những người lính Hải quân kiên cường, dũng cảm nơi tiền tiêu Tổ quốc.

Đầu giờ chiều, những chuyến xuồng chở đoàn công tác chúng tôi trở lại tàu tiếp tục được “đội cảm tử” hỗ trợ đưa ra khỏi những cơn sóng gần bờ an toàn. Rồi những cái vẫy tay, câu chào tạm biệt vội vã trao nhau giữa chúng tôi và cán bộ chiến sĩ qua con sóng dập dềnh khiến chúng tôi xúc động, thầm cám ơn người chiến sĩ hải quân đảo An Bang.

Chia tay cán bộ chiến sĩ đảo An Bang, chúng tôi mãi ấn tượng và không thể nào quên được “cú vượt sóng vào đảo” với sự hỗ trợ của “đội cảm tử” chỉ có ở hòn đảo An Bang này.

Văn Phương

Chuyên mục khác