Xóa mù chữ cho người Xơ Đăng vùng rốn lũ

25/06/2024 13:09

Sau mỗi ngày vất vả với ruộng rẫy, tối đến, một số người đồng bào Xơ Đăng chưa biết chữ tại vùng rốn lũ Tu Mơ Rông lại chạy xe đến lớp xóa mù để học chữ. Nét chữ tròn trịa được viết ra bởi đôi bàn tay thô ráp khiến người dân vô cùng sung sướng, tin tưởng cuộc sống tốt đẹp hơn khi biết chữ. Lớp học được duy trì đông đủ là cả hành trình đầy gian nan của cán bộ, giáo viên và sự quan tâm, đồng hành của chính quyền địa phương.

Gian nan hành trình vận động bà con đến lớp

Tu Mơ Rông là huyện nghèo lại phải thường xuyên hứng chịu sự tàn phá nặng nề của thiên tai nên đời sống của đồng bào dân tộc Xơ Đăng nơi đây còn nhiều khó khăn, đặc biệt, tỷ lệ người không biết chữ, tái mù chữ còn cao. Việc không biết chữ khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như việc tính toán làm ăn.

Thực hiện chủ trương xóa mù chữ cho bà con đồng bào Xơ Đăng chưa biết chữ và tái mù chữ, khoảng gần 2 tháng trở lại đây, các xã Đăk Rơ Ông, Măng Ri, Đăk Tờ Kan lần lượt mở các lớp xóa mù chữ để dạy con chữ cho đồng bào Xơ Đăng. Có tổng cộng 90 người theo học các lớp này. Lớp học diễn ra từ 18 giờ đến 20 giờ, từ thứ 2 đến thứ 6, do giáo viên giỏi tại các trường đứng chân trên địa bàn trực tiếp giảng dạy. Lớp học đã mở được gần 2 tháng và cho đến nay, các lớp học này vẫn giữ ổn định sĩ số và tỷ lệ chuyên cần của học viên. Tuy nhiên, để có được kết quả đó là cả một hành trình đầy gian nan, vất vả của đội ngũ cán bộ, giáo viên và sự quan tâm, đồng hành của chính quyền địa phương. 

Đội ngũ giáo viên luôn tận tình và trách nhiệm với công việc. Ảnh: P.N

 

Ở vùng rốn lũ Tu Mơ Rông, ngay cả với những học sinh trong độ tuổi đến trường, việc vận động đến lớp đã vất vả thì với những người lớn tuổi đến lớp lại càng gian nan và vất vả gấp bội. Bởi, họ mặc cảm, xấu hổ và ngại ngùng nên để vận động được họ đến lớp rất khó khăn, vất vả.

Chia sẻ điều này, cô Cù Thị Hồng Nhung- giáo viên Trường TH-THCS xã Đăk Rơ Ông cho biết: Để có được lớp học đầy đủ như hôm nay, chúng tôi đã nhiều ngày “ăn chực nằm chờ” ở thôn làng, đến từng hộ tuyên truyền, vận động, khuyên nhủ, động viên và phân tích những lợi ích của việc học chữ để bà con hiểu và đến lớp học đều đặn. “Để bà con chuyên cần đến lớp nhiều như hiện nay là cả một quá trình đi vận động. Nhiều trường hợp đi một hai lần vẫn không được thì chúng tôi phải đi lại nhiều lần để thuyết phục. Vất vả lắm, nhưng vì bà con nên chúng tôi vẫn cố gắng hết mình”- cô Nhung cho hay.

Thầy Bùi Văn Na- Hiệu trưởng Trường TH-THCS xã Đăk Rơ Ông chia sẻ: Xóa mù chữ cho các học viên có độ tuổi từ 15 đến 60 tại các thôn thuộc xã Đăk Rơ Ông nhằm góp phần tăng tỉ lệ số người biết chữ, giảm tái mù chữ trong cộng đồng từ không biết chữ đến biết đọc, biết viết, biết tính toán và hiểu thêm về kiến thức, kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp trong cộng đồng, giúp các học viên tiếp thu được kiến thức, biết vận dụng vào trong đời sống lao động sản xuất, thực hiện có hiệu quả công tác xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Vì thế, dù khó khăn, vất vả, chúng tôi cũng luôn động viên các thầy cô giáo cố gắng khắc phục vì đồng bào mình.

Giáo viên hướng dẫn học viên viết từng chữ. Ảnh: P.N

 

Còn bà Mai Thị Luận- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông chia sẻ, địa phương xác định việc xóa mù chữ có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, giúp người dân áp dụng vào thực tiễn để phát triển kinh tế. Vì thế, ngoài việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, huy động các tổ chức đoàn thể, phối hợp với đội ngũ già làng, trưởng thôn trong công tác tuyên truyền, vận động, xã đã có nhiều chính sách để khuyến khích người dân theo học, như tặng bút, sách, vở, phấn; khi hoàn thành khóa học sẽ được hỗ trợ kinh phí. Tín hiệu vui là sau gần 2 tháng học, nhiều người đã biết đọc, biết viết.

“Ngoài lớp xóa mù chữ cho 32 người, địa phương còn khoảng 140 người chưa biết chữ. Định hướng đến năm 2025, xã sẽ xóa mù chữ cho những người còn lại này. Trước mắt, vào tháng 9 năm nay sẽ mở lớp xóa mù cho 35/140 người”- bà Luận cho biết.

Quyết tâm học lấy con chữ

Một ngày đầu tháng 6, chúng tôi vượt hơn 80 km trên con đường ngoằn nghèo đến với vùng rốn lũ xã Đăk Rơ Ông. Tìm về làng Kon Hia 3- nơi đang có lớp xóa mù chữ cho bà con đồng bào Xơ Đăng được mở tại thôn khi trời đã chập choạng tối. Khi nhà nhà đã bắt đầu lên đèn thì cũng là lúc những học viên đặc biệt ở lứa tuổi trung niên, thậm chí có người đã lên chức ông bà cầm vở, bút, đội đèn pin đến lớp với niềm háo hức, vui mừng được học con chữ.

Tại lớp xóa mù chữ ở xã Đăk Rơ Ông được mở tại điểm trường thôn Kon Hia 3, chúng tôi nhìn thấy từng nhóm bà con lần lượt chạy xe đến lớp học. Những người đi học gồm cả nam lẫn nữ, tuổi từ 16 đến 60. Khi tiếng chuông reo lên, người học bước vào bàn, đem sách vở ra học theo chỉ dẫn của giáo viên. Họ được giáo viên tận tình uốn nắn từng nét chữ đầu tiên. Mới đầu, nét chữ cứ nguệch ngoạc nhưng rồi sau đó cũng thẳng và đều dần.

Theo cô Nhung, gần 2 tháng nay, đều đặn các buổi tối trong tuần, những người nông dân vốn chân lấm, tay bùn vẫn say sưa nắn nót từng nét chữ, con số với mong muốn hết sức giản dị: Biết viết tên mình, tính toán các con số để không bị nhầm lẫn khi mua, bán nông sản cho các thương lái.

Những học viên lớp xóa mù ở làng Kon Hia 3 tích cực học tập. Ảnh: P.N

 

Đặc biệt, điều mà các thầy cô giáo mừng nhất là dù tuổi đã cao nhưng bà con vẫn nhiệt tình đến lớp để quyết học lấy con chữ. Dù tuổi đã lớn nhưng họ không hề ngại ngùng. Buổi học nào họ cũng say sưa, sẵn sàng hỏi những chuyện chưa hiểu với các thầy cô giáo chỉ mới bằng tuổi con cháu mình.

Bà Y Trang (57 tuổi, thôn Kon Hia 3) vui sướng: “Hồi nhỏ nhà nghèo, không có điều kiện đến lớp nên không biết chữ. Mà thiếu chữ thì không làm được gì, nhiều lúc chở mì đi bán cũng không biết tính toán để lấy tiền. Vừa rồi xã vận động đi học, mình cũng đắn đo vì nghĩ bản thân đã già, sợ học không được. Thế rồi được con cháu động viên, mình quyết tâm đi học. Lên lớp thầy cô tận tình hướng dẫn tập viết, tập làm phép tính, nhắn tin trên Zalo. Giờ đây mình đã biết viết. Mình sẽ cố gắng hoàn thành khóa học để áp dụng trong cuộc sống.

Anh A Gih (55 tuổi, thôn Kon Hia 3, xã Đăk Rơ Ông) chia sẻ: “Sau gần 2 tháng được thầy cô dạy, đến nay, mình đã biết ký được tên mình, biết cộng trừ, tính toán các con số nhỏ rồi. Mình vui lắm. Cảm ơn các thầy cô đã dạy cho mình biết được con chữ. Mình sẽ cố gắng học tập tốt hơn nữa”.

Ông Lê Văn Hoàng- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Để giúp người dân tiếp thu kiến thức nhanh, hiệu quả nhất, Phòng đã giao các trường chọn những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm để giảng dạy. Chương trình dạy phải sát với thực tế để người dân áp dụng được vào thực tiễn cuộc sống. Các trường cũng đã đưa máy tính bảng vào giảng dạy. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện mở thêm các lớp xóa mù chữ để người dân có thể đi học, nắm bắt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chăm lo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, vươn lên trong cuộc sống.

Tiếng đọc bài của các học sinh đặc biệt ở lớp xóa mù vẫn vang lên vào những buổi tối trong tuần ở vùng rốn lũ Tu Mơ Rông. Những lớp học này thể hiện rất rõ tinh thần học tập suốt đời của những người Xơ Đăng vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông. Dù tuổi cao nhưng họ vẫn hăng say học tập để nâng cao nhận thức và để xây dựng cuộc sống của mình ngày càng no ấm hơn.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác