Về lại “rừng xà nu”

01/12/2014 08:11

Lần theo câu văn đẹp như mời gọi, chúng tôi tìm về lại nơi nhà văn Nguyễn Trung Thành đã viết như thế từ năm 1965. Gần nửa thế kỷ qua, truyện ngắn “Rừng xà nu” như một nỗi ám ảnh đẹp từ cảnh sắc đến con người giữa chốn ngàn xanh...

“Ba người đứng ở đấy nhìn ra xa. Đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”…

Lần theo câu văn đẹp như mời gọi ấy chúng tôi tìm về lại nơi nhà văn Nguyễn Trung Thành (tức Nguyên Ngọc) đã viết như thế từ năm 1965. Gần nửa thế kỷ qua, truyện ngắn “Rừng xà nu” như một nỗi ám ảnh đẹp từ cảnh sắc đến con người giữa chốn ngàn xanh. Truyện lấy bối cảnh vùng núi Ngọc Linh, nơi nhà văn đã từng hoạt động trong thời kháng chiến.

 
Rừng thông ba lá - nguyên mẫu tạo nên hình tượng văn học "Rừng xà nu"

Trước khi tìm vào làng Xốp Nghét ở xã Xốp, là nơi có “đại gia đình” A Mét – nguyên mẫu của truyện ngắn nói trên – cư ngụ, chúng tôi tìm gặp ông Đinh Như Rươn, con trai cả của cụ Mét tại thị trấn Đăk Glei. Ông Rươn thừa hưởng gien bố nên có dáng hình to cao, đẹp lão. Cụ Mét đã mất nên mọi khai thác chỉ trông vào ông Rươn và các con cháu khác.

Qua ông Rươn, có thể vắn tắt cuộc đời A Mét như sau: - A Mét tên thật là Đinh Môn, ra đời cùng năm có Nghị định thành lập tỉnh Kon Tum – năm 1913. Sau thời gian anh thanh niên Đinh Môn cùng một số người tự tổ chức dân làng đánh Pháp theo kiểu du kích tự phát, rồi được các cán bộ “3 cùng” từ miền xuôi lên lập cơ sở, chỉ đạo thống nhất, đã khiến cho quân Pháp ở những đồn quanh khu vực núi Ngọc Linh điên đầu đối phó, đến cuối năm 1954 Đinh Môn được phiên vào Trung đoàn 120 Tây Nguyên đi tập kết ra Bắc, mang theo vợ Y Ruân, con gái Y Rênh và con trai A Rươn 3 tuổi.

Đinh Môn được đi học tập văn hóa và chính trị tại Hà Đông. Năm 1958, Y Ruân bị bệnh và mất ở Bệnh viện Bạch Mai. Mất vợ, Đinh Môn buồn, một hai xin về lại miền Nam.

Ngày 24/4/1959, để lại các con theo học ở Bắc, Đinh Môn vượt Trường Sơn về lại quê nhà tiếp tục tổ chức dân làng và chỉ huy những đơn vị quân sự chiến đấu với tên gọi mới là A Mét.

Lần này A Mét cũng lại khiến cho quân Mỹ và nguỵ không hiểu nổi tại sao “bình định” những làng chiến đấu ở nơi này vô cùng khó khăn đến thế. Lúc này A Mét đã lấy vợ sau là Y Cháp, sinh ra con gái Y Léo và hai trai A Mết, A Phim. Cả ba hiện nay đang sinh sống tại làng Xốp Nghét.

Sau ngày giải phóng (1975), A Mét làm Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đăk Glei cho đến ngày về hưu năm 1980. Lúc này, một lần nữa ông lại goá vợ khi Y Cháp mất đi. A Mét lấy vợ thứ ba là bà Y Muội ở làng Kon Liên, có với nhau 1 con trai A Rơn.

Các bà vợ của A Mét đều là những người phụ nữ “mẫu mực” của thời chiến tranh – chấp nhận mọi khó khổ, cô đơn để chồng dồn hết tâm lực đánh giặc ngày đêm.

Năm 1996, A Mét xin lấy lại tên thật Đinh Môn trong các thủ tục giấy tờ. Và, đúng vào năm cuối cùng của thế kỷ XX – năm 2000 – Đinh Môn, người con của núi rừng xà nu đến lúc kết thúc một vòng đời, thọ 87 tuổi. Ngày 27/4/2012, ông được truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Đời chiến đấu của A Mét để lại nhiều chuyện kể. Ví dụ chuyện Mét cải trang chủ động gặp Pháp bảo có thích giết A Mét không thì chỉ điểm cho. Lính Pháp tin thật đi theo, liền bị A Mét bố trí giết chết. Lại có chuyện kể rằng Pháp bắn tin nếu A Mét chịu quy phục sẽ được phong hàm Thiếu tướng. Lại có chuyện kể sau nhiều năm vắng mặt (tập kết ra Bắc) khi về lại, có người nhận ra A Mét do chiếc răng vàng, A Mét bèn gỡ bỏ luôn răng để khỏi bị lộ...

A Mét tổ chức đánh địch rất giỏi bằng mọi cách kiểu du kích, từ làm bẫy đá, bẫy thò, tên nỏ đến việc thu súng trường Mát của địch trang bị cho dân quân…

Có lần ông Trần Kiên (Trưởng Ban Thanh tra Đảng lúc bấy giờ) nói với ông Rươn: -“Không biết cha mày đánh địch cách sao mà không lần nào Pháp, Mỹ chạy thoát được”.

A Phim, con trai út của A Mét thì kể: -“Ông già suốt ngày chỉ lo đi chiến đấu thôi, không biết gì đến nhà cả! Khi hết giặc quay về, thấy vợ con cả đàn cả đống, ông già vui lắm”

Ông Rươn kể: Có lần cha ông về nhà chìa ra một cuốn sách, bảo: -“Thằng Ngọc nó viết về tao đó! Cụ Mết trong sách là tao đó. Bây giờ tao đổi tên Đinh Môn rồi. Chúng bay đọc đi, tao không biết chữ, không đọc được !”

Hỏi về cái làng Xô Man của “cụ Mết”, ông Rươn bảo rắc rối lắm! Cả huyện Đăk Glei không đâu có tên làng Xô Man. Có lẽ nhà văn đã sáng tạo như từng gọi làng Xi Tơ của Anh hùng Núp là Kông Hoa trong “Đất nước đứng lên” vậy.

Ông Rươn chỉ nhớ ngày xưa làng nằm sâu tít trong chân núi Ngọc Linh, hình như tên là Xốp Dùi thì phải. Qua nhiều lần chuyển dời, nay là làng định cư Xốp Nghét, cách nơi cũ bảy, tám mươi cây số. Ông Rươn nhớ không nhầm, vì qua điện thoại, nhà văn Nguyên Ngọc cho biết chính là làng Xốp Dùi, nhưng bởi sáng tác nên ông đã đổi tên thành Xô Man.

Mấy năm trước, có đoàn làm phim tư liệu “Từ trang sách bước ra đời thật” nhờ chúng tôi dẫn đi thực địa. Sau khi quay phim lấy cảnh làng quê và con cháu A Mét xong bèn hỏi đâu là rừng xà nu để quay vài trường đoạn. Chỉ vào đôi vạt rừng thông lưa thưa, chúng tôi bảo đấy là rừng xà nu. Các vị “người thành phố” lộ vẻ ngơ ngác, ngỡ ngàng trước những cây thông ba lá. Thì ra « xà nu» cũng là cái tên có lẽ do nhà văn sáng tạo, vì cây thông ba lá, người dân tộc Jẻ gọi là loong rúh, người Xê Đăng nhánh Tơ-đră quanh đấy gọi là cây hơ-ngua, người Kinh gọi theo là cây Ngo. (Có lẽ do âm “ngua” gần với “ngo” nên người Kinh gọi chệch theo như vậy). Loài cây này chứa nhiều nhựa thơm, dùng để nhóm lửa là tốt nhất, bà con rất quý.

Cả đoàn đứng sững ngậm ngùi nhớ lại những câu văn: « Những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời” và: -“Tnú lại ra đi. Cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu bên con nước lớn. Trận đại bác đêm qua đã đánh ngã bốn năm cây xà nu to. Nhựa ứa ra ở những vết thương đang đọng lại, lóng lánh nắng hè. Quanh đó vô số những cây con đang mọc lên. Có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắc như những mũi lê”... là tả rừng của những… ngày xửa ngày xưa. Ngày nay nạn phá rừng đã khiến cho rừng xà nu nơi đây trở thành nham nhở, hoang tàn, còn đâu cảnh ấy!

Về lại nơi nguyên mẫu của «Rừng xà nu» không thấy bóng xà nu, chúng tôi đành phải dẫn đoàn làm phim ngược đường về lại thành phố Kon Tum để đến khu sinh thái Măng Đen thuộc huyện Kon Plông ở mé Đông Trường Sơn, nơi còn lưu giữ được những vạt rừng xà nu bạt ngàn để quay mấy trường đoạn phim làm tư liệu, minh họa cho những trang sách “Rừng xà nu”. Không những rừng xà nu, mà rồi đây không khéo những «rừng» khác của Tây Nguyên cũng chỉ còn trong ký ức, khi mà nạn khai thác rừng bừa bãi chưa được ngăn chặn triệt để.

 Tạ Văn Sỹ           

Chuyên mục khác