“Vẽ” lại màu xanh cho núi đồi

23/08/2023 06:00

Với tinh thần xung kích, tình nguyện, không ngại khó, ngại khổ, hàng trăm đoàn viên, thanh niên thành phố Kon Tum đã và đang đồng lòng cùng nhau trồng cây tạo dựng màu xanh những cánh rừng cho ngày mai.

Cơn mưa rừng dai dẳng và ngày càng thêm nặng hạt khiến những cung đường cheo leo lại càng dễ trơn trượt. Từ chân núi trở lên, con đường thêm gồ ghề với những khúc cua gập ghềnh, khiến chúng tôi luôn phải chú ý quan sát dò dẫm từng bước chân để đảm bảo an toàn khi leo dốc. Cho dù thời tiết khá bất lợi, nhưng các đoàn viên, thanh niên vẫn hăng hái nối nhau thành hàng dài, kiên trì hành quân. Bởi mỗi người đều ý thức được mục đích tốt đẹp của chuyến đi này, chính là phủ xanh đất trống đồi trọc tại 2 địa bàn xã Chư Hreng và xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum).

Góp sức trẻ trồng rừng. Ảnh: T.T

 

Mất khoảng 30 phút, đoàn viên, thanh niên mới di chuyển được đến khu vực trồng rừng được phân công. Quên đi những khó khăn đối mặt của chặng đường leo dốc vừa qua, các đoàn viên, thanh niên hồ hởi bắt tay ngay vào phần công việc được phân công.

Quệt những giọt mồ hôi trộn lẫn nước mưa ướt đẫm trên trán, chị Đỗ Thị Hồng Hạnh - Bí thư Thành đoàn Kon Tum chia sẻ: Đợt cao điểm trồng rừng được chúng tôi lên kế hoạch kéo dài trong 3 tháng (6 - 8/2023). Trong đó, tuổi trẻ thành phố Kon Tum nỗ lực phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đất chưa có rừng. Hoạt động này nhằm góp phần tăng tỷ lệ che phủ rừng, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ đất cho sản xuất nông nghiệp và môi trường sinh thái, đồng thời lan tỏa phong trào tuổi trẻ thành phố Kon Tum hưởng ứng “Chương trình Vì một Việt Nam xanh”, Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ.

Theo kế hoạch, lực lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan trồng rừng trên địa bàn xã Đăk Rơ Wa và xã Chư Hreng, với số lượng 400 ngày công (trong đó, xã Chư Hreng 300 công; xã Đăk Rơ Wa 100 công). Qua các đợt phát động của Thành đoàn, hoạt động trồng rừng này đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm, chia sẻ và lan tỏa trong tầng lớp thanh niên thành phố Kon Tum. Chính vì vậy, số lượng đoàn viên, thanh niên đăng kí tham gia hoạt động này đều vượt kế hoạch đề ra.

Đoàn viên, thanh niên phân thành từng nhóm để triển khai công việc. Ảnh: T.T

 

Để công tác trồng rừng được diễn ra hiệu quả, các đoàn viên, thanh niên không tập trung lại một chỗ, mà phân ra thành từng nhóm để triển khai. Mỗi nhóm khoảng 3 - 4 người, đảm nhận các phần việc như dọn thực bì, đào hố trồng, vận chuyển cây giống.

Thở từng hơi dốc khi đào những hố sâu, anh Nam Thanh (Đoàn phường Quang Trung) cười lạc quan: “Vừa mặc áo mưa vừa làm việc thế này cũng khó chịu thật đấy! Nhưng cũng nhờ có mưa mà đất trở nên ẩm ướt, anh em thanh niên đào hố cũng dễ dàng hơn. Hơn nữa, cây thông mới trồng xuống đất, gặp mưa, sẽ phát triển tốt, không sợ bị chết héo. Hi vọng thời gian sau quay lại, toàn bộ số cây trồng tại đây sẽ phát triển tốt, tạo cảnh quan cho nơi này”.

Không chỉ góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, việc phủ xanh đồi núi trọc còn góp phần tạo cảnh quan, phát triển du lịch tại địa bàn xã Chư Hreng. Những năm gần đây, chính quyền xã Chư Hreng đã chú trọng tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng và bảo vệ rừng để phát triển du lịch. Việc phát triển du lịch tại địa bàn là hướng đi trọng tâm đang được đặt ra ở địa phương.

Chị Đỗ Thị Hồng Hạnh chia sẻ: Thời gian qua, Thành đoàn Kon Tum tích cực tuyên truyền đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Thành đoàn Kon Tum đặt mục tiêu cùng phối hợp với các lực lượng liên quan, phấn đấu trồng 1.000ha rừng trên địa bàn thành phố Kon Tum. Trong năm 2021 và 2022, đơn vị đã tổ chức trồng dặm rừng với diện tích 168,95ha.

Trước những đợt phát động trồng rừng, Thành đoàn đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hướng dẫn về kỹ thuật lâm sinh, trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng trồng cho đoàn viên, thanh niên. Đồng thời, Thành đoàn đã phân bổ chỉ tiêu trồng cây xanh cho các tổ chức đoàn trực thuộc; chỉ đạo các tổ chức đoàn đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên trồng cây gây rừng tại các địa phương, đơn vị; thành lập mới, kết nối các câu lạc bộ, tổ đội nhóm tình nguyện trồng, chăm sóc cây xanh; lựa chọn các mô hình, cách làm hiệu quả, thiết thực để triển khai thực hiện.

Với tinh thần chung tay bảo vệ môi trường, hướng đến những cánh rừng tươi xanh, các đoàn viên, thanh niên làm không biết mệt. Các bạn mải mê với việc đào đất, trồng cây, chẳng mấy chốc mặt trời đã quá đỉnh đầu. Ánh nắng chói chang giờ đây đã thế chỗ cho cơn mưa dai dẳng hồi đầu sáng. Nhiệt độ không khí tăng cao, các đoàn viên, thanh niên ai nấy đều đầm đìa mồ hôi. Dù vậy, bầu không khí nhiệt huyết với công việc của các đoàn viên, thanh niên vẫn không hề suy giảm.

Những bữa ăn trưa “dã chiến” . Ảnh: T.T

 

Khi đã quá trưa, thay vì trở lại xuống núi, các đoàn viên, thanh niên dùng bữa tại chỗ. Bữa trưa “dã chiến” chỉ đơn giản với cơm trắng, rau và trứng. Có lẽ phần vì đói do làm việc liên tục cả buổi sáng, phần vì mọi người quây quần vui vẻ, khiến bữa cơm trên núi lại càng thêm ấm cúng, ngon miệng. Trong bữa ăn, câu chuyện vẫn chủ yếu xoay quanh việc trồng rừng, bao gồm liệt kê về những phần việc đã hoàn thành trong buổi sáng và cả những kế hoạch dự kiến trồng cây tiếp theo trong những ngày tới.

Tranh thủ lúc nghỉ trưa chớp nhoáng, tôi gặp gỡ một số đoàn viên, thanh niên tại địa bàn xã Chư Hreng để ghi lại những cảm nhận của các bạn khi tham gia trồng rừng tại chính địa phương mình.

Ngồi dưới một gốc đa lớn, đang phe phẩy chiếc mũ tai bèo, A Nhất (Đoàn xã Chư Hreng) chia sẻ: “Mình cảm thấy việc trồng rừng là rất cần thiết và có ý nghĩa về nhiều mặt. Rừng có tác dụng bảo vệ môi trường. Những cánh rừng mọc lên sẽ giúp ngăn ngừa xói mòn, sạt lở đất mỗi khi mùa mưa đến. Thông qua hoạt động trồng rừng này, mình tin rằng mỗi đoàn viên, thanh niên sẽ hiểu hơn về tầm quan trọng của rừng đối với môi trường, với đời sống con người”.

Theo chị Đỗ Thị Hồng Hạnh, đến thời điểm hiện tại, diện tích rừng thanh niên trồng trên địa bàn thành phố trong năm 2023 đã vượt chỉ tiêu đề ra. Với phương châm “Trồng cây nào sống cây đó, trồng diện tích nào, thành rừng diện tích đó ”, các đoàn viên, thanh niên phát huy tốt tinh thần cống hiến, xung kích của tuổi trẻ trong thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời, đơn vị cũng chủ động lựa chọn các loài cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn để cây trồng dễ phát triển tốt, đem lại hiệu quả cao.

Nhìn những cây thông trồng rung rinh trước gió, tôi tin mai này những đồi núi đất trống này sẽ thành rừng, trở thành vành đai xanh góp phần làm cho môi trường thành phố mát mẻ, trong lành và tươi đẹp hơn.

Tất Thành

Chuyên mục khác