Vang danh nếp than Đăk Long

02/09/2020 13:30

Không rõ vì sao mà từ lâu gạo nếp than ở xã Đăk Long (huyện Đăk Hà) khi nấu cơm lam, làm bánh toxoi koe (bánh sừng trâu), rượu ghè nổi tiếng thơm ngon. Gạo nếp than, rượu ghè nếp than... đang được người dân và chính quyền địa phương quan tâm xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh phát triển.

Sản vật trời ban

Đã lâu lắm rồi, không ai còn nhớ nữa, người Xơ Đăng ở xã Đăk Long thường sản xuất lúa nếp than. Và khi phát rẫy cho mùa vụ mới, hầu như nhà nào cũng thường dành ra một diện tích đất thích hợp để trỉa hay cấy lúa nếp.

Gắn bó với địa phương, ông Hoàng Công Ái – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Long cùng nhiều cán bộ ở xã rất thích làm cơm nếp, rượu cần nếp than. Theo ông Ái, gạo nếp than, rượu cần nếp than được cấp ủy, chính quyền địa phương chọn là sản phẩm đặc trưng và hỗ trợ cho một số hộ gia đình trồng, chế biến và xây dựng thương hiệu theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

“Gạo nếp than có màu sẫm như màu nho chín, khá bắt mắt, ngoài việc dùng chế biến rượu cần nếp than, người dân còn chế cơm lam nếp than, bánh sừng trâu nếp than... Các sản phẩm chế biến từ nếp than có hương thơm nhẹ, khó lẫn lộn với các loại nếp khác. Gạo nếp than lại có nhiều dinh dưỡng, chính vì vậy, người dân ở đây trân quý nếp than. Gạo nếp than được các điểm buôn bán, thu mua với giá cao và thường được khách hàng mua đem về xuôi làm quà cho người thân.”- ông Ái tâm sự.

Mặc dù diện tích đất trỉa lúa, cấy lúa không nhiều do phần lớn diện tích đất đồi trồng lúa trước đây bạc màu được bà con chuyển sang trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê), cây ăn quả, mì, nhưng hàng năm, nhiều hộ gia đình vẫn dành một khoảnh rẫy, khoảnh ruộng để gieo, cấy nếp than.

A Bơ đang mời khách thưởng thức rượu cần nếp than. Ảnh: V.N 

 

Nghe nói đến việc xây dựng thương hiệu gạo nếp than, rượu nếp than, ông A Bơ (thôn Tua Team, xã Đăk Long) mắt sáng lên, bày tỏ niềm tự hào: Từ lâu rồi, người dân xã có truyền thống làm lúa nếp. Gạo nếp than tuy không phải là lương thực chính, nhưng trong các lễ hội quan trọng như: bắt giọt nước, mừng nhà rông, đâm trâu, mừng lúa mới, năm mới... thường không thể thiếu các sản phẩm từ nếp than.

“Gạo nếp than được bà con dùng nấu cơm lam, bánh sừng trâu, rượu cần nếp than... Các sản phẩm này trước là để tế Giàng, thần linh và sau là cùng nhau ăn, uống vui vẻ và đãi khách quý. Gạo nếp than, rượu cần nếp than... là sản vật trời ban!”- A Bơ chia sẻ.

Thơm nồng hương rượu A Bơ

Quý nếp than, năm nào ông  A Bơ cũng trồng nếp than để làm rượu hay nấu cơm lam nếp, bánh sừng trâu khi trong nhà có việc cần. “Gia đình tôi năm nào cũng dành khoảng gần 1 sào ruộng trồng nếp than. Bên cạnh việc dùng nếp than chế biến cơm lam nếp than, bánh sừng trâu phục vụ lễ hội truyền thống, gia đình tôi thường dùng nếp than chế biến rượu cần. Rượu cần nếp than của gia đình, ai uống cũng khen ngon, nhiều người tìm mua về chiêu đãi khách hay tặng bạn bè. Nhất là trong những ngày Tết, khách hàng đặt nấu rượu nếp than để uống vui xuân và mua gửi về quê làm quà rất nhiều, gạo nếp than không đủ để chế biến rượu”- ông Bơ cho biết. 

Với lòng hiếu khách, ông Bơ bưng ra một vò rượu cần thơm lừng. Cẩn thận làm sạch ruột cần rượu, ông cắm cần xuống ghè và mời tôi uống cạn một cang. Rượu thơm lại có vị vừa đắng, vừa ngọt và chua nhẹ... rất thú vị. Uống cạn mấy cang rượu, mặt đỏ bừng, cơ thể nóng lên, người tôi cảm thấy lâng lâng, nhưng không mệt.

Hỏi rượu cần làm bằng men gì, có giống với men rượu của người Ba Na không mà rượu ngon thế, A Bơ không giấu giếm: Người Ba Na làm men rượu bằng cây gì thì tôi không rõ, nhưng men của người Xơ Đăng ở đây làm bằng rễ cây ớt rừng và thêm một loại rễ dây rừng nữa. Loại dây này, bà con chỉ truyền nhau từ đời này qua đời khác, không ai biết tên dây bằng tiếng phổ thông là gì.

“Hai loại rễ cây này khi nhổ về, rửa sạch và cho vào cối giã. Sau đó, lấy rễ đã giã đem ngâm rồi lọc lấy nước trộn với bột gạo nếp bóp thành bánh men. Đem bánh men đó phơi ra ngoài nắng hoặc gác lên giàn bếp (cách xa lửa, nhưng đủ ấm) để hong khô khoảng 3 – 4 ngày là được. Khi dùng, giã bánh men hoặc bóp thành bột, trộn với cơm nếp than để nguội. Đem cơm trộn men này bỏ vào ghè bịt lá lại và khoảng 10 ngày hoặc 2 tuần là thành rượu ghè. Rượu ghè để càng lâu, uống càng ngon”- ông A Bơ chia sẻ.

Rượu ghè nếp than được ông A Bơ bán từ 150 – 400 nghìn đồng/ghè (tùy theo ghè lớn hay nhỏ), không cao hơn giá thị trường. Ở thôn Tua Team có nhiều người làm rượu nếp ngon như ông A Niêng, A Kol..., nhưng rượu nếp của A Bơ nổi tiếng và được nhiều người chuộng nhất.

Là người dân địa phương, ông A Kim – Thôn trưởng thôn Tua Team cho biết, từng uống nhiều rượu ghè của các gia đình khác trong thôn, trong xã, nhưng rượu ghè nếp than của A Bơ thơm nồng hơn. 

Đưa sản phẩm vươn xa

“Gạo nếp than, rượu ghè nếp than... là sản phẩm đặc trưng ở xã Đăk Long. Người dân xã Đăk Long rất tự hào khi thấy gạo nếp than, rượu ghè nếp than... ở địa phương đang được chính quyền quan tâm hỗ trợ phát triển để đưa sản phẩm vươn xa. Việc trồng lúa nếp, sản xuất gạo nếp, rượu ghè nếp than... là giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc”- A Kim tự hào. 

Trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu gạo nếp than, rượu nếp than, ông Hoàng Công Ái cho biết, những năm gần đây, xã hỗ trợ giống, phân bón cho nhiều hộ sản xuất lúa nếp than; hỗ trợ làm nhãn mác, bao bì đóng gói tiêu thụ sản phẩm. Riêng năm nay, xã hỗ trợ giống, phân bón cho 25 hộ gia đình sản xuất 2 ha lúa nếp than. Qua hỗ trợ sản xuất và xây dựng thương hiệu, giá trị sản phẩm từ nếp than liên tục tăng lên.

Ông Ái giới thiệu về người được xã trực tiếp giao nhiệm vụ góp phần đưa gạo nếp than, rượu cần nếp than vươn xa là ông Lâm Ngọc Khánh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Long. Phát huy vai trò, nhiệm vụ được giao, ông Khánh cho biết mình dành nhiều thời gian trong việc tuyên truyền, vận động và trực tiếp gắn bó với nông dân phát triển cây lúa nếp và đưa thêm giống lúa nếp than ngắn cây, ngắn ngày hơn, nhưng chất lượng không thua kém vào sản xuất ở địa phương.

Ngoài việc vận động dân mở rộng sản xuất, ông Khánh còn thu mua lúa nếp than về xay xát, đóng gói bao bì, nhãn mác và đưa gạo nếp than tiêu thụ nhiều nơi. Thóc nếp, gạo nếp than hiện không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với tầm nhìn xa, ông Khánh đang đặt quyết tâm trong thời gian đến sẽ phối hợp với các hộ ủ rượu có tiếng ở địa phương xây dựng thương hiệu rượu cần nếp than đáp ứng yêu cầu theo Chương trình OCOP, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.   

Văn Nhiên

Chuyên mục khác