Ươm nụ chờ xuân

05/12/2017 07:31

​Mấy luống đất lấm tấm mầm xanh, hay dãy chậu xi măng đã rung rinh thân cây đón gió, bóng người miệt mài với bộn bề công việc không tên... là những hình ảnh quen thuộc ở bất cứ nhà vườn trồng hoa Tết nào trong dịp này. Từ tháng 9 âm lịch, những người trồng hoa đã phải bắt đầu chuỗi ngày ăn không ngon, ngủ không tròn giấc để ươm nụ chờ xuân...

Nghề “ăn đất nằm sương”

Chiều muộn. Những ngôi nhà đã bắt đầu sáng đèn, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Đình Thân (đường Đống Đa, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) vẫn lui cui với công việc. Mấy hôm nay trở gió nên tiết trời lạnh. Ông Thân cẩn thận dồn lớp đất rơi vãi thành đống, rồi đó đứng dậy, vươn vai, vặn lưng kêu lục cục. Mặc cho vợ (bà Phạm Thị Hà) giục giã làm thêm một số việc lặt vặt, ông Thân vẫn say sưa đứng ngắm những chậu hoa cúc đang vươn mình, ánh mắt sáng lên niềm hy vọng.

Như giật mình khi nhớ lại có người còn đứng chờ bên vườn, ông Thân xoa xoa 2 bàn tay dính đất vào áo, cười dí dỏm: Đấy, cháu xem, người ta nói, người trồng hoa là đem hương sắc mùa xuân đến cho đời, nên chắc đẹp đẽ và thơm tho như hoa, nhưng thật ra, đây là nghề “ăn đất nằm sương”, vất vả lắm. Phần lớn thời gian trong ngày của vợ chồng tôi đều dồn cho hoa, hết tưới nước cho hoa cúc, cho đất vào chậu để trồng hoa mào gà, lại chẻ tre làm nan để mai mốt tạo dáng cho cúc. Khi cây vươn lên là trắng đêm thắp đèn…

Vườn cúc của vợ chồng ông Thân và bà Hà. Ảnh: Đ.T

 

Vất vả là hẳn rồi, nhưng ít ngày nữa, nhìn cúc đơm nụ, lá xanh mượt hay hoa mào gà đỏ rực đón nắng sẽ vui sướng, nôn nao đến không ngủ được ấy chứ chú nhỉ - tôi bắt chuyện.

Ông Thân niềm nở: Đúng là thế rồi. Nghề này nó lạ lắm! Say mê đến mức khiến người ta mất ăn mất ngủ. Nói thật, nếu không say mê, không cẩn thận, tỉ mỉ thì khó mà có được chậu hoa đẹp...

Nhớ năm ngoái vào thời điểm này, tôi đến nhà vườn ông Thân để đặt mấy chậu hoa cúc cũng chứng kiến sự tất bật của vợ chồng ông. “Nghe đâu năm ngoái vợ chồng chú trúng vụ hoa Tết à?-  tôi hỏi. Ông Thân cười: Giá cũng nhỉnh hơn chút đỉnh, có điều, may mắn là ngày cuối cùng của năm, tôi không bị tồn đọng lại chậu hoa nào, như vậy cũng đã là may mắn rồi.

Tôi chợt buồn vì câu nói của ông Thân. Hình ảnh 2 cha con người bán hoa Tết ở quê tôi chợt hiện lên trong đầu. Đêm cuối năm, đã gần đến giao thừa, chị em tôi gần như là những người cuối cùng rời chợ hoa, bên góc đường, đứng tần ngần giữa những chậu cúc là 2 cha con người bán hoa. Cậu bé hỏi: Giờ sao ba? Giọng người cha trầm nặng: Bỏ đi con, gom đem về cho kịp giao thừa. Nghe sao mà chua chát quá!

“Bấp bênh vậy sao vợ chồng chú còn gắng theo chi cái nghề này? – tôi hỏi tiếp. Ông Thân ngập ngừng một lúc rồi bảo: Nghề trồng hoa Tết cũng như người ta nuôi heo đất vậy. Thay vì các nghề khác mỗi tháng đều có thu nhập thì nghề này đến cuối năm mới gom góp thu một lần, có thể giải quyết được nhiều công việc lớn trong gia đình nên cũng đỡ lắm.

Nếu so với những nhà vườn trồng hoa lâu năm ở Thắng Lợi, Đoàn Kết, Hòa Bình, vợ chồng ông Thân không có “thâm niên” bằng, nhưng cũng đã “ăn đất nằm sương” mười mấy năm.

Ông Thân không trồng các loài hoa vốn được xem là “sang chảnh” trên thị trường hoa Tết như ly hay đồng tiền mà chủ yếu trồng hoa cúc, với nhiều chủng loại, như cúc đại đóa, cúc pham, cúc pha lê... Bởi theo ông, đây là loài hoa dân dã, dễ trồng, dễ chăm sóc và cũng dễ chơi. Tết đến xuân về, dù cơ man nào là hoa ly, hoa mai, hoa đào, nhưng có nhà nào không rinh về vài ba chậu cúc để trước cửa cho thêm xuân?

Đi giữa những hàng hoa cúc xanh thẫm, tôi nhẩm tính có đến hơn 500 chậu. Cả 2 tháng nay, ông Thân bắt đầu thắp đèn cho hoa. Theo kinh nghiệm của ông, sau khi xuống giống hoa, là đã phải thắp đèn, nếu không cây sẽ không phát triển được chiều cao.

Tiết trời đang hanh bất chợt đổ mưa, vợ chồng ông Thân lo lắng ra mặt. “Thời tiết kiểu này, sâu bệnh sẽ hoành hành. Phải hết sức chú ý, chăm bẵm, nếu không cây hoa sẽ không đủ sức bung nụ khỏe, đẹp đúng Tết”- ông Thân lẩm bẩm như chỉ để cho mình nghe.

Ươm nụ chờ xuân

Trời nhá nhem tối, hình ảnh anh Đoàn Vũ Huy (đường Đinh Tiên Hoàng, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) vẫn lom khom dùng chiếc xe đẩy tự chế nâng từng chậu hoa cúc đưa vào hiên nhà đã thu hút sự chú ý của tôi.

Tôi hỏi: Anh đang làm gì vậy? Quệt mồ hôi trên trán, anh đáp rằng: Tôi đang chuẩn bị cắm nan tre chuốt sẵn để tạo dáng cho hoa cúc. Nhìn từng chiếc nan tre được anh Huy đi lấy từ rừng về rồi tỉ mỉ chuốt đều tay, cắm vào chậu hoa, mỗi chậu mất khoảng 20 phút cho công đoạn này, tôi mới thấy việc chăm bẵm cho hoa cúc vụ Tết kỳ công đến nhường nào.

Anh Huy bảo, trồng hoa gì cũng có cái khó riêng của nó và hoa cúc cho ngày Tết cũng vậy. Để có những chậu cúc bán đúng dịp Tết, từ tháng 2, anh đã phải mua phân bò về ủ đến 5-6 tháng cho mục nát để tránh mầm bệnh cho cây; rồi tự đúc cả ngàn cái chậu (để tiết kiệm chi phí), chuẩn bị sẵn sàng cho việc xuống giống hoa. Đến đầu tháng 8 âm lịch, anh bắt đầu lấy các giống hoa cúc ở Đà Lạt như cúc đại đóa, cúc pha lê, cúc pham về xuống giống.

“Nghề trồng hoa nhọc nhằn lắm cô ơi - anh Huy kể - Tháng 8 vào chậu là không ngày nào ngơi tay, vất vả nhất là tầm tháng 11 cho đến Tết. Bất kể nắng hay mưa, thời tiết thế nào cũng phải lo hết cả… Nắng có cái lo của nắng, mưa có cái lo của mưa, làm sao cho cây ra hoa đúng dịp Tết.

Trung bình một ngày, anh Huy phải mất từ 10-12 tiếng đồng hồ để chăm cho cả ngàn chậu hoa. Mỗi giống hoa cúc có những đặc điểm khác nhau nên quá trình sinh trưởng và phát triển cũng khác nhau. Nếu nhà vườn không hiểu được đặc tính từng loại hoa cúc dẫn đến chăm sóc không đúng cách, cây sẽ chậm phát triển hoặc cho hoa không đúng vụ.

Anh Huy chỉ vào hàng cúc đại đóa có chiều cao khoảng 50cm, gấp 2 lần so với chiều cao của những cây cúc pham hay cúc pha lê gần đấy và bảo với chúng tôi: Như với giống cúc này thời gian thắp đèn cho cây hoa phải kéo dài trong vòng 3 tháng; còn các giống cúc còn lại rút ngắn trong vòng 2 tháng.

Dẫu nghề trồng hoa Tết lắm cực nhọc nhưng đó là cái nghề truyền thống của gia đình từ rất lâu rồi, nên sau khi xuất ngũ, tôi tiếp tục theo nghề cho đến bây giờ, tính ra cũng mười mấy năm rồi - anh Huy bộc bạch.

Cứ cắm xong nan cho một chậu, anh Huy lại lùi ra xa ngắm nghía, rồi lại chỉnh sửa, lùi ra xa ngắm nghía, cho đến khi vừa ý mới thôi. Nhìn những cây hoa mập mạp, lá vươn xanh mơn mởn, bên trong lớp vỏ mỏng manh là dòng nhựa sống đang ươm nụ chờ xuân, tôi chợt có niềm tin mãnh liệt rằng, những tháng cuối năm này, thời tiết sẽ thuận lợi để cho hoa cúc khoe sắc đúng xuân…

Phố đã lên đèn! Tôi đi dọc các vườn hoa nằm xen giữa các tòa nhà cao tầng trên các tuyến phố ở thành phố Kon Tum như Bà Triệu, Nguyễn Viết Xuân, Trần Văn Hai… đâu đâu cũng thấy nhà vườn thắp đèn cho hoa cúc. Nhìn những bóng đèn vàng soi rọi những vườn hoa được trồng ngay hàng thẳng lối trải một màu xanh thẳm tạo cho con người cái cảm giác ấm áp giữa tiết trời se lạnh về đêm.

Những vườn hoa cúc sáng rực ở góc phố đang mời gọi xuân về!

Tú Quyên

Chuyên mục khác