Truyện cổ người Ba Na với trẻ em Ba Na ở Kon Tum

15/04/2019 06:08

Vừa qua, Dự án Truyện cổ người Ba Na với trẻ em Ba Na ở Kon Tum của nhóm nữ sinh Hồ Nguyễn Nghi Dung và Lê Hoàng Nhật Lam (Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành) đã đạt giải Nhất tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông năm học 2018- 2019. Thành quả dự án mang lại: Bộ sưu tầm danh sách 80 truyện cổ Ba Na; 15 truyện cổ Ba Na được chuyển thể thành song ngữ tiếng Việt - Ba Na, trong đó có 6 truyện cổ song ngữ có tranh vẽ minh họa sống động, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc... Các sản phẩm được giới thiệu ở một số trường học, được học sinh và giáo viên đón nhận tích cực.

Từ những chuyến đi thiện nguyện

Các em Hồ Nguyễn Nghi Dung (học sinh lớp 11 Sử) và Lê Hoàng Nhật Lam (học sinh lớp 12 Văn) đều là học sinh giỏi của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành.

Hai nữ sinh này có chung niềm yêu thích hoạt động thiện nguyện, mê đọc sách và có năng khiếu mỹ thuật. Những yếu tố tích cực này đã giúp các em tự tin, thỏa sức sáng tạo các sản phẩm của Dự án nghiên cứu khoa học “Truyện cổ người Ba Na với trẻ em Ba Na ở Kon Tum” sau này.

Nói về nghiên cứu khoa học, em Nhật Lam khẳng định: Các hoạt động tình nguyện, trải nghiệm giao lưu, trợ giúp, chia sẻ với trẻ em DTTS mồ côi ở các cơ sở bảo trợ xã hội trong tỉnh đã giúp chúng em hình thành nên những ý tưởng tích cực cho dự án thực tế.

Em Nghi Dung nói thêm, từ năm 2016 đến nay, em và Lam đã tham gia tích cực các hoạt động thiện nguyện dành cho các bạn nhỏ mồ côi, do Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Elephent Book (thuộc Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành) tổ chức như quyên góp quần áo cũ, vở, các loại sách văn học, truyện tranh để tặng cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội Vinh Sơn I, II, III trong tỉnh.

Theo Nhật Lam, thời gian gần gũi, tâm sự với các trẻ em DTTS mồ côi học lớp 6 đến lớp 9, bản thân đã phát hiện các em đều không có các tập truyện, hay sách viết về những truyện cổ dân tộc như: Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai... Nhiều em còn giãi bày không biết truyện cổ dân tộc là gì... Trước thực tế này, Nhật Lam đã chia sẻ với Nghi Dung về ý định sưu tầm các loại sách văn học, các bài báo viết về đồng bào DTTS, nhất là văn hóa dân tộc Ba Na để tặng các trẻ em mồ côi.

Thật bất ngờ khi Nghi Dung cho biết cũng có ý nghĩ tương tự như Nhật Lam. Nghi Dung còn táo bạo hơn khi đề xuất với Nhật Lam: "Chúng ta hãy cùng làm một cuộc khảo sát nho nhỏ có bao nhiêu bạn học sinh DTTS ở thành phố Kon Tum biết về truyện cổ dân tộc. Ở thành phố Kon Tum, đa phần là người Ba Na sinh sống, thì có bao nhiêu học sinh dân tộc này biết về truyện cổ của dân tộc mình?...". Đây là những ý tưởng, câu hỏi ban đầu để đưa đôi bạn đến với nghiên cứu khoa học. 

Lam và Dung bên các sản phẩm của dự án. Ảnh: MT

 

Từ trăn trở trên, hai nữ sinh đã đưa những ý tưởng thực hiện Dự án “Truyện cổ người Ba Na với trẻ em Ba Na ở Kon Tum” để nhờ thầy cô tư vấn. Kết quả, Nghi Dung và Nhật Lam nhận được sự ủng hộ tích cực ở trường, trong đó có sự ủng hộ của cô Nguyễn Thị Thủy Tiên - giáo viên, đồng thời là phụ huynh học sinh Hồ Nguyễn Nghi Dung và thầy Hồ Hữu Sơn - giáo viên dạy Toán Tin, phụ trách công tác hỗ trợ nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật cho học sinh. Từ đây, các thầy cô đã nhiệt tình gợi mở, hướng dẫn các em xây dựng đề tài của dự án, theo dõi và hỗ trợ kịp thời để sản phẩm ra đời.

Góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc

“Mục tiêu của dự án đặt ra là đưa truyện cổ Ba Na đến với trẻ em DTTS Ba Na dưới hình thức mới, chuyển thể song ngữ tiếng Việt - Ba Na sinh động, hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi; qua đó, góp phần giáo dục thẩm mỹ, nâng cao cảm xúc thẩm mỹ, rèn luyện kĩ năng đọc tiếng mẹ đẻ của học sinh DTTS, khơi dậy niềm tự hào về kho tàng văn học dân gian của dân tộc… Cũng từ đó giúp trẻ em Ba Na có ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời, ở các trường học, sản phẩm của dự án sẽ là nguồn tư liệu cho giáo viên giảng dạy văn học địa phương, cũng như hoạt động ngoài giờ lên lớp” - Nhật Lam nói.

Để thực hiện các tiêu chí dự án đề ra, 2 em đã có 2 năm (2017-2018) tiến hành thực hiện khảo sát khoảng 10 ngàn thanh thiếu niên DTTS là học sinh ở các trường học trên địa bàn thành phố về hiểu biết truyện cổ dân tộc Ba Na.

Kết quả cho thấy, có đến 90% số học sinh là người Ba Na đang học ở các trường (có thư viện, có tủ sách tự đọc hoặc có chương trình ngữ văn nói về văn học địa phương) đều phản ánh có biết đến vài cuốn sách nói về văn hóa, văn học DTTS, nhưng nói riêng về văn hóa người Ba Na hầu như không biết.

Mặt khác, theo phản ánh của các giáo viên, học sinh tiểu học người Ba Na có vốn tiếng Việt còn hạn chế, nên việc đọc văn bản tiếng Việt gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các em không có thói quen đọc sách và hầu như không biết đến truyện cổ dân tộc mình.

Trong hành trình sưu tầm, nghiên cứu những tư liệu, bộ truyện cổ dân tộc Ba Na, Nghi Dung và Nhật Lam còn nảy ra các ý tưởng tìm ra cách truyền tải, thu hút các bạn nhỏ DTTS tìm đến với sách, yêu thích và say mê đọc sách dân tộc...

Theo đó, các bạn dành trọn thời gian rảnh sau giờ học ở lớp hoặc ngày chủ nhật được nghỉ học để đến từng thôn, làng trên địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Kon Rẫy. Ở đó, 2 em lần lượt tiếp cận, gặp gỡ, trao đổi với 15 nghệ nhân, già làng người Ba Na để sưu tầm, khảo cứu truyện cổ, thông qua việc nghe kể sử thi, kể truyện cổ dân tộc hoặc gặp gỡ các em nhỏ DTTS, tham gia sinh hoạt ở cộng đồng...

Những tư liệu “sống” có được, các em đều ghi chép, nghiên cứu cẩn thận, sau đó tham khảo ý kiến các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc ở Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nhóm nghiên cứu dự án còn thực hiện thu thập dữ liệu, phân tích từ nghiên cứu lý thuyết gắn với đời sống văn hóa của người Ba Na ở Kon Tum và có sự so sánh, tìm hiểu, khảo cứu từ dữ liệu lưu trữ của hệ thống thư viện tỉnh về truyện cổ đã được in thành sách, xuất bản trên thị trường của các tác giả có uy tín trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật ở Việt Nam, quốc tế...

Kết quả cuối cùng của dự án, nhóm đã có bộ sưu tập danh sách 80 truyện cổ Ba Na; hoàn thành 15 ấn phẩm truyện cổ của người Ba Na được được in bằng song ngữ Việt và Ba Na, trong đó có 6 truyện cổ tiêu biểu chuyển thể thành truyện tranh song ngữ Việt - Ba Na sống động, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, bao gồm “Chuyện người đi âm phủ”, “Nguồn gốc các dân tộc”, “Hổ và rùa”, “Hrơ và Hrit”, “Con thỏ và con cọp”, “Sự tích nước giọt”...

Đôi bạn Nhật Lam và Nghi Dung hào hứng “khoe”, các em đã đưa những sản phẩm của dự án về một số trường học ở thành phố Kon Tum. Qua nhiều ý kiến của học sinh, giáo viên bậc mầm non đến phổ thông cho thấy: Các tập truyện chuyển thể song ngữ có hình ảnh minh họa thu hút, tạo hứng thú cho người xem bởi màu sắc, hình ảnh sống động. Học sinh phổ thông đều hiểu được nội dung câu chuyện, nhận thức được ý nghĩa, giá trị tác phẩm (theo các mức độ ở câu hỏi khảo sát). Riêng học sinh tiểu học, truyện có hình ảnh minh họa đã giúp các em tiếp xúc dễ dàng hơn, kích thích phát triển tư duy tốt hơn. Các sản phẩm còn là tư liệu của tủ sách văn học ở lớp học để truyền cảm hứng văn hóa đọc sách cho học sinh; gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc Ba Na qua truyện cổ.

Cô Nguyễn Thị Thủy Tiên - giáo viên hỗ trợ, hướng dẫn cho nhóm nghiên cứu khoa học chia sẻ: Quá trình tư vấn, hỗ trợ Nhật Lam và Nghi Dung nghiên cứu khoa học, chúng tôi mong muốn các em hình thành tư duy độc lập, đồng thời tự rèn luyện tính kiên nhẫn, phát huy tính sáng tạo, năng khiếu, năng lực sẵn có của các em. Những yêu cầu đặt ra, học sinh đã làm được, các yếu tố này đã góp phần giúp cá nhân các em gặt hái được một số kết quả tích cực từ dự án...

Còn nghệ nhân A Biu ở làng Plei Klăch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum hy vọng rằng, dự án này sẽ sớm được các nhà nghiên cứu khoa học, các nhà giáo dục học quan tâm lựa chọn, tạo thành sách đưa vào trường học, có thể thay thế một vài truyện cổ in dưới dạng văn bản thô hiện nay, nhằm giúp cho học sinh DTTS hứng thú hơn, biết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa DTTS Ba Na ở địa phương.

Trao đổi với nghệ nhân A Biu. Ảnh: MT

Mai Trâm

 

Chuyên mục khác