Tình người trong lũ

09/09/2018 17:59

​Đến bây giờ người dân ở huyện Ia H’Drai vẫn không thể nào quên đêm mà cơn lũ quét ngang xã Ia Đal, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Nhiều hộ nông dân qua một đêm lũ về đã rơi vào cảnh khó khăn. Bằng tất cả nỗ lực, chính quyền và nhân dân nơi đây đang từng bước khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống…

Trở lại vùng lũ trong những ngày đầu tháng Chín, tôi được chứng kiến không khí khẩn trương của quân và dân huyện Ia H’Drai đang nỗ lực khắc phục hậu quả cơn lũ và chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới 2018-2019.

Qua mấy tháng mưa ròng rã, trời Ia H’Drai giờ đang hửng nắng, nhưng những con suối, lạch vẫn đầy ứ nước từ thượng nguồn về, ầm ầm tuôn chảy, như phô diễn sức mạnh của thiên nhiên…

Đường vào xã Ia Đal - nơi bị lũ phá hủy nặng nề nhất - sao mà quá đỗi xa xôi. Từ Đồn Biên phòng Suối Cát vào trụ sở UBND xã Ia Đal ngót đến 5 cây số đường rừng. Vết tích những trận mưa nhiều ngày trước vẫn còn để lại những đoạn lầy lội, lở lói trên đường.

Đêm kinh hoàng

Ngồi xếp bằng trên sàn nhà bằng gỗ vừa mới được dựng nơi ở mới, anh Hà Văn Quản - thôn 4, xã Ia Đal, vẫn chưa hết bàng hoàng...

Vết tích nơi con lũ đi qua

 

Tay run run bưng chén nước trà mời khách, anh Quản kể lại diễn biến vào đêm 8 rạng sáng 9/8 khi nước lũ tràn về: Đêm ấy trời mưa to lắm, chưa bao giờ có trận mưa như thế. Cả nhà đều không dám ngủ sợ nước lũ từ suối dâng lên. Khoảng 1h sáng, tôi giật mình vì tiếng nước réo ầm ầm phía sau nhà. Tôi cầm đèn chạy ra xem thì thấy nước đã tràn về từ hồi nào, ngập lên đến nửa chân nhà sàn. Tôi bèn hô hoán mọi người trong gia đình thoát ra khỏi nhà, lên chỗ cao hơn để trú ngụ. Chẳng mấy chốc, nước đã ngập lên đến sàn nhà, may mà cả nhà không ai việc gì…

Bần thần một lúc, anh Quản kể bằng một giọng buồn: Lũ về nhà tôi bị trôi trên 100 con gà, 3.000m2 ao cá, vốn liếng dành dụm, đầu tư vào làm ăn bây giờ mất sạch…

Cũng cái đêm ấy, hộ gia đình anh Hà Văn Ót ở thôn Ia Đal mất trắng 3 sào lúa, 1.500m2 ao cá bị trôi sạch, giờ cũng lâm vào cảnh túng thiếu.

Bên mâm cơm đạm bạc, anh kể lại: Mấy ngày trước khi lũ về trời mưa to lắm, mưa liên tục không ngớt. Tôi thấy trời mưa rất to như vậy cũng cho là chuyện bình thường, chứ đâu ngờ lũ về. Vì từ trước đến nay ở vùng này chưa bao giờ có lũ. Vậy mà, đêm ấy lũ về ầm ầm, cả nhà cũng phải chạy di tản lên nơi cao hơn để trú ẩn. May mà nhờ các anh dân quân xã di dời tài sản kịp…

Anh Trần Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Đal đưa tôi đến vị trí căn nhà sàn cũ của anh Quản bị ngập sâu khi lũ về. Căn nhà cũ của anh Quản được dựng bên bờ suối, so với độ sâu trên 5m của lòng suối thì căn nhà của anh Quản cũng khá an toàn. Vậy mà khi ấy nước ngập hết đến sàn, mới biết con lũ ấy lớn biết dường nào.

Theo anh Trần Quang Trung, cơn lũ ngày 8-9/8, xã Ia Đal là địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất. Toàn xã có 2 căn nhà bán kiên cố bị thiệt hại hoàn toàn, 4 căn nhà bán kiên cố bị thiệt hại từ 50-70%, 19 căn nhà bị ngập dưới 1m và 17 căn nhà có nguy cơ bị ngập. Bên cạnh đó có 16ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, 5ha bị thiệt hại từ 60-70%, nhiều héc ta hoa màu, cây trồng lâu năm cũng bị thiệt hại nặng, trên 1.200 con gia cầm bị chết, cuốn trôi, 17ha diện tích ao cá bị cuốn trôi…

Tình người trong lũ

Anh Trần Quang Trung cho biết: Ngay trong đêm lũ đổ về, nhận được tin báo của nhân dân, xã đã huy động tối đa lực lượng dân quân, công an xã và cán bộ, công chức xã trực tiếp đến ứng cứu và giúp dân sơ tán gấp. Những ngày sau đó, ngoài lực lượng quân đội, Biên phòng của tỉnh, huyện trực tiếp giúp dân di chuyển tài sản, nhà cửa về nơi ở mới, xã còn huy động tất cả phương tiện cơ giới của những cá nhân, doanh nghiệp đang làm ăn trên địa bàn để hỗ trợ bà con di dời, san ủi đường sá, những nơi bị đất đá vùi lấp với hơn 200 người và hơn 1.200 ngày công… Điều ghi nhận là tất cả những người này đều tự nguyện giúp đỡ bà con và giúp hết mình. Thế mới biết tình người trong hoạn nạn quý giá biết bao…

Hộ gia đình chị Hà Thị Thoát ở thôn Ia Đal bị lũ cuốn trôi 3 sào lúa. Chị  xúc động: Trong lúc lũ về, nếu không nhờ giúp đỡ của mọi người và lực lượng dân quân, công an xã thì thiệt hại cho người dân còn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên điều chúng tôi lo nhất hiện nay là khó khắc phục những diện tích lúa bị thiệt hại. Bà con chúng tôi cũng mong muốn huyện, xã sớm có phương án hỗ trợ về mặt sản xuất như cây, con giống…để bà con tiếp tục sản xuất.

Anh Hà Văn Quản nói: Sau khi bị lũ cuốn trôi lúa, hoa màu, gia cầm và ao cá, gia đình tôi giờ không biết lấy vốn đâu để tiếp tục sản xuất. Bà con chúng tôi cũng mong muốn chính quyền sớm có biện pháp khắc phục sản xuất như hỗ trợ con giống, cây trồng, tạo điều kiện cho những hộ dân bị thiệt hại vay vốn để tiếp tục sản xuất, ổn định cuộc sống về lâu dài.

Ngôi nhà sàn mới được dựng nơi ở mới của anh Hà Văn Quản sau khi lũ về

 

Đem tâm tư của những người dân nơi vùng lũ trao đổi với người có trách nhiệm của huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Nhàn chia sẻ: Trước mắt, huyện đã có những hỗ trợ kịp thời lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con bị thiệt hại do lũ để bà con không bị đói, rét. Về lâu dài, hiện huyện đang chỉ đạo các xã thống kê chính xác con số thiệt hại để có phương án hỗ trợ sản xuất đối với những hộ dân bị thiệt hại để họ có thể khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất.

Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Ia H’Drai - Đông Văn Sơn cho biết: Nhằm giúp nhân dân vùng lũ sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, mới đây UBND tỉnh đã thông báo hỗ trợ 500 triệu đồng cho nhân dân vùng lũ. Tin rằng, với nguồn kinh phí này, việc sản xuất của người dân sẽ sớm trở lại bình thường….

Đến thời điểm hiện tại, UBND các xã bị thiệt hại do lũ đã xuất ngân sách dự phòng mua gạo và nhu yếu phẩm cứu đói cho nhân dân với tổng số tiền 125.600.000 đồng; đồng thời tổ chức tiếp nhận hàng hóa, tiền của các tổ chức, cá nhân ủng hộ.

Điển hình như Công ty Xây dựng Thương mại Quang Nguyễn và Khách sạn Eden (thành phố Đà Nẵng) hỗ trợ 100 tấm tôn và 5 tấn xi măng; Binh đoàn 15 hỗ trợ 100 tấm tôn, 10 tấn xi măng và 25 suất quà, tổng trị giá 60.000.000 đồng; Đoàn Thanh niên Công an tỉnh hỗ trợ 50 suất quà, tiền mặt cho 50 hộ tại xã Ia Đal và 50 suất tại xã Ia Dom, tổng kinh phí hỗ trợ 41.200.000 đồng; Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Đăk Lăk phối hợp với MTTQVN huyện, xã Ia Đal tổ chức hỗ trợ 100 suất quà với kinh phí 40.000.000 đồng; UBMTTQVN huyện (Ban cứu trợ huyện) hỗ trợ với tổng kinh phí 55.000.000 đồng, trong đó hỗ trợ 17.000.000 đồng di dời nhà và 38.000.000 đồng mua gạo; Vụ địa phương II, Ủy ban Dân tộc hỗ trợ 17 suất quà cho 17 hộ dân tộc thiểu số (2.000.000 đồng/suất quà) và Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum hỗ trợ 41 suất cho 41 người có uy tín thuộc hộ gia đình bị ảnh hưởng thiên tai (1.000.000 đồng/suất quà). Bên cạnh đó, lực lượng công an, bộ đội, cán bộ xã, người dân hỗ trợ ngày công di dời và dựng lại 10 căn nhà bị ngập nặng tại xã Ia Đal đến vị trí an toàn...

Bằng những việc làm thiết thực, trách nhiệm, đầy ân tình, sự sẻ chia với truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” của quân và dân huyện Ia H’Drai; của các cấp, ngành, các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện, tin chắc rằng bà con bị thiệt hại nơi cơn lũ đi qua sẽ sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, tiếp tục phát triển kinh tế gia đình.

Bài ảnh: Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác