Tình người giữa đại dịch

13/04/2020 13:02

­­Đại dịch Covid-19 hoành hành, hoạt động kinh tế và đời sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong gian khó ấy, thực hiện chủ trương “chống dịch như chống giặc”, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhân dân cả nước chung sức ngăn chặn đại dịch và thể hiện tinh thần nhân ái sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, giúp nhau vượt qua gian khó. Những việc làm ý nghĩa và đầy tình người đang lan tỏa trong cộng đồng, thắp sáng niềm tin rằng, đất nước ta sẽ sớm “chiến thắng” dịch bệnh.

Lan tỏa những tấm lòng

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa thông tin về những hành động đẹp của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trong cả nước chung tay góp tiền, trang thiết bị phương tiện cho công tác phòng dịch và hỗ trợ, sẻ chia với người nghèo trong đại dịch Covid-19. Làn sóng sẻ chia ấy đang trào dâng mạnh mẽ trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng. Đó là nghĩa cử cao đẹp, đầy tình người để cùng nhau vượt qua khó khăn chung, sớm đẩy lùi dịch bệnh.

Ở tỉnh Kon Tum, phong trào “nhường cơm, sẻ áo” ấy đang lan rộng khắp.

Xin được bắt đầu từ câu chuyện “giải cứu dưa hấu” mà nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đứng ra giúp những người nông dân ở huyện Đăk Tô vượt qua khó khăn. Là một phóng viên lăn lộn nhiều ở cơ sở nên tôi từng chứng kiến người nông dân ở đây đã thất vọng như thế nào khi nhìn những đám dưa đến kỳ thu hoạch mà không bán được. Thú thật, đã gần 2 tháng trôi qua, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhưng tôi vẫn không thể quên được những ánh mắt thể hiện sự buồn rầu, thất vọng của những người nông dân trồng dưa hấu ở huyện Đăk Tô bởi hàng chục tấn dưa hấu không bán được. Họ buồn rầu, chán nản cũng phải thôi, bởi bao nhiêu công sức “một nắng hai sương”, của người nông dân lúc bấy giờ đang đứng trước nguy cơ “đổ sông đổ biển”. Họ phải đem đi bán lẻ khắp các tỉnh với giá chưa đến 1.000 đồng/kg. Giữa lúc khó khăn ấy, tình người “giúp nhau trong cơn hoạn nạn” lại phát huy. Nhiều hoạt động thiện nguyện của tuổi trẻ, của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh như giúp người dân thu hoạch, mua giúp, bán giúp dưa được triển khai và hàng trăm tấn dưa đã được giải cứu kịp thời.     

Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành, tôi được nghe nhiều, được thấy nhiều những hoạt động thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng có những nghĩa cử hào hiệp, đóng góp công sức và tiền bạc để chung tay cùng Nhà nước chống lại dịch bệnh và sẻ chia với người nghèo trong lúc khó khăn. Nhiều chủ nhà trọ không chỉ giảm tiền thuê nhà cho người lao động mà mua thêm gạo, mì tôm, thức ăn hỗ trợ để giúp người lao động khó khăn có thể bảo đảm cuộc sống tối thiểu, khi nguồn thu nhập vốn đã ít ỏi của người lao động, nay lại không còn nữa. Nhiều người lại bỏ tiền túi ra mua khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn, xà phòng… tặng cho người nghèo, hỗ trợ công tác chống dịch và những món quà ấy trở thành món quà tinh thần vô cùng giá trị trong cơn "bão dịch”…

Đó là câu chuyện, giữa đại dịch, anh Trần Quang Duy (36 tuổi, ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) đầu tư hàng tỷ đồng xây nhà trọ miễn phí cho người nghèo khiến ai cũng thấy cảm phục.

Theo lời kể của anh Duy, năm 2017, anh quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng 3 khu nhà tập thể với 12 phòng ở. Mỗi phòng có diện tích 36m2, có gác lỡ và công trình phụ khép kín rộng rãi, thoáng mát. Ngay sau khi những dãy nhà trọ được xây dựng xong, anh nhờ những người bạn của mình thông tin rộng rãi để những người có hoàn cảnh khó khăn biết, tìm đến ở trọ miễn phí. Nhiều người lao động nghèo, những cặp vợ chồng trẻ có hoàn cảnh khó khăn đã tìm đến với dãy trọ của anh Duy ở, như tìm được “phao cứu sinh”. Chính vì vậy sự biết ơn của họ với anh khó có thể diễn tả bằng lời.

Anh Duy bộc bạch, trước đây, gia đình anh từng trải qua những ngày gian khó, cũng chính vì nhận được sự giúp đỡ của nhiều người nên cuộc sống của anh ngày càng khấm khá. Anh quyết định xây nhà trọ cho người nghèo ở miễn phí với mục đích “trả nghĩa với đời”.  Anh quyết định lấy tên khu nhà trọ là “nhà trọ tình thương” với mong muốn san sẻ yêu thương, giúp đỡ những người lao động có hoàn cảnh khó khăn có chỗ ở thuận lợi, miễn phí để họ không phải canh cánh nỗi lo tiền thuê nhà... Việc làm của anh Duy càng trở nên ý nghĩa và vô cùng quý báu trong lúc khó khăn của đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

HTX Vận tải hành khách và hàng hóa Tây Nguyên trao tặng nước, đồ dùng cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tại trường CĐCĐ Kon Tum. Ảnh: PN

 

Việc làm của anh Trịnh Quốc Đạt (ở phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) cũng vô cùng ý nghĩa và khiến tôi thật sự cảm động. Gia đình anh không thuộc hộ dư giả gì nhiều, so với nhiều người thì cuộc sống gia đình anh cũng chỉ ở mức thoải mái một tý, một phần thu nhập của gia đình chính từ tiền cho thuê nhà trọ. Anh có 5 phòng trọ ở con đường nhỏ Lê Chân với giá chỉ vài trăm ngàn đồng một phòng. Những người thuê đều thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn. Người đi nhặt ve chai, người đi bán vé số, người thì làm thuê tại các nhà hàng, khách sạn… Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện chủ trương cách ly xã hội, nhiều người không có việc làm, mất việc và ở nhà, không có thu nhập. Trước hoàn cảnh đó, anh Đạt quyết định giảm giá phòng trọ cho người thuê với mức giảm 200.000 đồng/tháng. Tuy số tiền không nhiều, nhưng với không ít người lao động, đó là sự giải cứu, khiến họ vui mừng khôn xiết.

Chung tay chống dịch

Mới đây, (ngày 7/4) em Võ Đỗ Gia Hân (12 tuổi, học sinh lớp 6A – Trường THCS thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy) đã tự tay cầm số tiền hơn 400 ngàn đồng đến Công an huyện Kon Rẫy và trao số tiền trên để ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19 trên địa bàn. Điều đáng trân quý, bởi số tiền này là tiền lì xì và tiền tiêu vặt hàng ngày được  bé Hân để dành “nuôi heo” trong hơn một năm qua.

Hành động của bé Hân- một cô bé mới 12 tuổi, cái lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã khiến các cán bộ Công an huyện Kon Rẫy, cùng các y bác sĩ, lực lượng tình nguyện viên và người dân thuộc diện cách ly tập trung ở huyện Kon Rẫy thực sự xúc động. Chẳng ai nói với ai nhưng tôi hiểu mọi người lấy đó làm động lực  vượt qua khó khăn, làm hết trách nhiệm của mình để góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bảo vệ sự bình yên, sức khỏe cho cuộc sống của người dân.

Chúng ta thấy trân trọng hành động của bé Hân được xuất phát từ việc làm gương của người lớn mà không ai khác là mẹ bé Hân-chị Đỗ Thị Kim Phương. Theo lời chị Phương, trước đó chị đã đến khu vực cách ly tập trung của huyện Kon Rẫy ủng hộ 25kg gạo và 1 thùng mỳ tôm cho lực lượng làm nhiệm vụ tại đây. Khi nhìn thấy việc làm của mẹ và nghe mẹ kể về công việc chống dịch của các cán bộ chiến sĩ, bé Hân đã xin phép mẹ lấy toàn bộ tiền trong heo để ủng hộ lực lượng làm nhiệm vụ.

Cùng chung tay giúp đỡ cộng đồng, phòng chống dịch, trên địa bàn tỉnh có nhiều hoạt động thiết thực để chống dịch của không ít cơ quan, đơn vị. Đơn cử như, vừa qua, Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum, Công ty Xổ số kiến thiết Kon Tum, Viettel Kon Tum cũng đã tiến hành ủng hộ phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể, Chi nhánh Xăng dầu Kon Tum ủng hộ 128 triệu đồng, Công ty Xổ số kiến thiết Kon Tum ủng hộ 100 triệu đồng , Viettel Kon Tum ủng hộ 70 triệu đồng…

Ngoài ra, để hỗ trợ người dân ở các khu cách ly, đại diện HTX Vận tải hành khách và hàng hóa Tây Nguyên đã 2 lần trao tặng cho đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum 120 thùng nước (loại 20 lít), 40 thùng nước uống Aquafina, 6.000 khay đựng đồ ăn nhằm chung tay đóng góp cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Toàn bộ số đồ dùng trên, HTX vận động các nhà xe, doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ.

Bà Huỳnh Thị Thủy - thành viên HĐQT HTX Vận tải hành khách và hàng hóa Tây Nguyên chia sẻ: Khi dịch bệnh bùng phát, mọi người đều mong muốn góp một phần nào đó để hỗ trợ phục vụ công tác chống dịch. Mong rằng, sau đại dịch này mọi người biết yêu thương nhau hơn, gắn kết với nhau hơn và cùng chung tay để lo cho cộng đồng nhiều hơn...

Có thể nói, những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn, những ứng xử đầy trách nhiệm trong “trận chiến” phòng, chống dịch Covid-19 đã giúp mỗi người dân vững tin hơn để vượt qua khó khăn. Mỗi hành động nhỏ ấy đều thắp lên trong mọi người niềm tin yêu, hy vọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời này. Khó khăn rồi sẽ qua đi, dịch bệnh rồi sẽ kết thúc, nhưng những giá trị tốt đẹp, ý nghĩa nhất của đời sống sẽ là những giá trị bền lâu, sống mãi với thời gian.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác