Thương hiệu gạo chất lượng cao Đoàn Kết

03/11/2020 06:03

Lâu nay, người dân xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) thường giỏi thâm canh lúa và là nơi đi đầu trong việc đưa các giống lúa mới vào sản xuất ở địa phương. Từ thực tiễn và trước yêu cầu đặt ra trong sản xuất, UBND xã Đoàn Kết quan tâm và tạo điều kiện cho Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp (SX&DVNN) Đoàn Kết xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, sạch vì sức khỏe cộng đồng.

Sản xuất giống lúa chất lượng cao

Từng gắn bó với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh nhiều năm, tôi biết người dân xã Đoàn Kết có nhiều kinh nghiệm và giỏi thâm canh lúa nước. Không phủ nhận điều này, ông Lê Tự Đích - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Kết, có gần 60 năm gắn bó với đồng ruộng nơi đây khẳng định: ở thành phố Kon Tum, năng suất bình quân cao nhất thường là trên cánh đồng Đoàn Kết.

Trên cánh đồng này, trước đây, cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện và hỗ trợ người dân khảo nghiệm một số loại cây trồng như bắp, mía, bí, đậu tương... để góp phần đa dạng hóa cây trồng, giúp nông dân tăng thu nhập. Tuy nhiên, trên thực tế, các loại cây trồng trên vẫn chưa thể thay thế được cây lúa. Cây lúa vẫn là cây trồng chiến lược, cung cấp nguồn lương thực quan trọng và cho thu nhập ổn định ở địa phương.

“Đồng ruộng Đoàn Kết có chất đất sét được bồi lắng bởi phù sa rất hợp với cây lúa. Người nông dân gắn bó cây lúa trên cánh đồng Đoàn Kết từ xưa đến nay như một lẽ tự nhiên. Và cánh đồng Đoàn Kết cũng từng là nơi thí điểm các giống lúa mới một thời như IR64, Khang dân, Nhị ưu 838, 13/2, HT1... và nay là  giống lúa Đài thơm 8 và lúa thơm RVT. So với các giống lúa trước, giống lúa Đài thơm 8 và lúa thơm RVT không chỉ cho năng suất, giá trị cao mà còn có phẩm chất nổi trội về chất lượng gạo (gạo chất lượng cao), cơm thơm được thị trường và người tiêu dùng ưa chuộng”- ông Đích khẳng định.

Ruộng lúa Đài thơm 8 ở xã Đoàn Kết. Ảnh: V.N

 

Trước khi tham gia sản xuất xây dựng thương hiệu gạo Đoàn Kết, ông Đích tham gia mô hình lúa Đài thơm 8 và lúa thơm RVT. Theo ông, qua các tài liệu từ việc chuyển giao ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất và từ những gì mắt thấy cũng như thưởng thức cơm gạo do mình làm ra, thì giống Đài thơm 8 có mùi thơm nhẹ đặc trưng, hạt cơm trắng bóng, dẻo, lúa để đến cuối vụ xay xát ăn vẫn còn dẻo, thơm ngon. Giống thơm RVT có cơm thơm nhẹ, mềm, dính, trắng, bóng và cơm ngon. Việc Hợp tác xã SX&DVNN Đoàn Kết phối hợp với cơ sở xay xát xác định lúa Đài thơm 8 và lúa thơm RVT là hướng đi đúng và được người dân trên địa bàn ủng hộ.

Gia đình ông Đích sản xuất  6 sào lúa Đài thơm 8 và lúa thơm RVT, năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha; cá biệt, có đám ruộng Đài thơm 8 đạt trên 10 tấn/ha. Lúa sản xuất ra được cơ sở chế biến ở địa phương thu mua chế biến. Giá lúa Đài thơm 8 và lúa thơm RVT cao hơn so với các lúa khác, gia đình và người dân sản xuất hai giống lúa này rất phấn khởi. 

Từ thực tiễn sản xuất, bà Nguyễn Thị Lượm (thôn 6, xã Đoàn Kết) chia sẻ: Gia đình sản xuất lúa Đài thơm 8 đạt năng suất 8-9 tấn/sào; lúa thơm RVT năng suất 7-8 tấn/sào. Cả hai giống lúa đều có năng suất cao, phẩm chất gạo tốt và giá trị cao. Giá gạo lúa RVT 15 nghìn đồng/kg; giá gạo Đài thơm 8 là 12 nghìn đồng/kg. Giá gạo lúa thơm RVT, lúa Đài thơm 8... cao hơn so với so với giá các gạo lúa khác hiện có trên địa bàn. Trong những năm đến, gia đình sẽ tiếp tục sản xuất hai giống lúa này để góp phần xây dựng hiệu gạo Đoàn Kết và nâng cao thu nhập cho gia đình.

Giúp nông dân nâng cao đời sống từ thương hiệu gạo

Gắn bó với người dân trong quá trình xây dựng thương hiệu, ông Lê Tấn Bửu – Giám đốc Hợp tác xã SX&DVNN Đoàn Kết phấn chấn và ấm lòng khi thấy người dân tham gia xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao Đoàn Kết đều đạt được lợi ích về nhiều mặt. Đó là lúa Đài thơm 8, thơm RVT đều có năng suất cao; giá lúa, gạo lại cao hơn các giống lúa khác ở địa phương sản xuất; lúa, gạo dễ tiêu thụ, không sợ bị tư thương ép giá.

Đồng thời, để góp phần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao Đoàn Kết, Hợp tác xã hướng nông dân hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; sử dụng thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh, không gây tác hại môi trường, không gây ảnh hưởng sức khỏe cho người nông dân trong quá trình sản xuất và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.  

Để người nông dân hưởng ứng việc xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, sạch vì sức khỏe cộng đồng theo mục tiêu đề ra, từ vụ mùa năm 2019 đến nay, gia đình ông Bửu tập trung sản xuất lúa Đài thơm 8 và lúa thơm RVT. Đặc biệt, trong vụ đông-xuân vừa qua, gia đình ông sản xuất Đài thơm 8 đạt năng suất trên 10 tấn/ha, lúa thơm RVT đạt năng suất 8-9 tấn/ha.

Bà Nguyễn Thị Thanh Phương – chủ cơ sở xay xát, thành viên của Hợp tác xã SX&DVNN Đoàn Kết. Ảnh: VN

 

“Cả hai giống lúa này đều có năng suất cao, nhưng lúa thơm RVT năng suất thấp hơn năng suất lúa Đài thơm 8 một ít. Bù lại, giá lúa thơm RVT thường cao hơn Đài thơm 8 khoảng 1 nghìn đồng/kg; cơm gạo RVT mềm và thơm hơn. Tính ra, lợi nhuận thu được từ sản xuất hai giống lúa này cũng ngang nhau. Tuy nhiên, trong vụ mùa, lúa Đài thơm 8 thường hay bị bệnh đạo ôn” – ông Bửu chia sẻ kinh nghiệm và khuyến cáo.

Thấy được lợi ích nhiều mặt và qua sự tư vấn của Hợp tác xã SX&DVNN Đoàn Kết, nông dân xã Đoàn Kết tập trung phát triển mạnh giống lúa Đài thơm 8 và lúa thơm RVT. Tại thời điểm tôi đến thăm, ruộng lúa thơm RVT và Đài thơm 8 của các thành viên Hợp tác xã đều trĩu bông, hạt lúa sáng, căng, ít lép... trông rất thích mắt.

Trong quá trình xây dựng thương hiệu, ông Bửu cho biết, Hợp tác xã chủ động phối hợp với chủ cơ sở xay xát (là thành viên của Hợp tác xã) thu mua và xay xát lúa Đài thơm 8, lúa thơm RVT, đóng bao bì, gắn nhãn mác Hợp tác xã SX&DVNN Đoàn Kết. “Lúa gạo chất lượng cao, sạch vì sức khỏe cộng đồng của Đoàn Kết đang được người tiêu dùng trên thị trường ở tỉnh ưa chuộng vì cơm ngon, thơm”- ông Bửu khẳng định. 

  Vào thăm cơ sở chế biến, tôi khen gạo RVT, Đài thơm 8 có mùi thơm dễ chịu. Bà Nguyễn Thị Thanh Phương – chủ cơ sở xay xát, thành viên của Hợp tác xã SX&DVNN Đoàn Kết không giấu niềm vui: Từ ngày nhận chế biến, tham gia vào việc xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao Đoàn Kết, cơ sở sản xuất gạo đến đâu, tiêu thụ đến đó. Lượng lúa thu mua, chế biến ra gạo tăng 10 – 15% so với những năm trước. Tuy nhiên, để góp phần tăng giá thu mua, hạ giá thành sản phẩm và khuyến khích nông dân tiếp tục đẩy mạnh sản xuất giống lúa chất lượng cao, đề nghị cấp trên hỗ trợ một phần giá bao bì cho cơ sở chế biến trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao Đoàn Kết theo Chương trình OCOP. 

Ông Lê Hồ Kim Trọng – cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Đoàn Kết, đánh giá cao thương hiệu gạo chất lượng cao Đoàn Kết. Ông cho biết, cấp ủy, chính quyền địa phương đang tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện cho Hợp tác xã SX&DVNN Đoàn Kết xây dựng thương hiệu và chuẩn bị các điều kiện để đưa sản phẩm gạo chất lượng cao Đoàn Kết tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp thành phố và cấp tỉnh.

Ông Lê Tấn Bửu – Giám đốc Hợp tác xã SX&DVNN Đoàn Kết cũng mong muốn các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục đồng hành, vận động nông dân tích cực tham gia xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao Đoàn Kết; hỗ trợ nhãn mác; xây dựng thêm những mô hình giống lúa mới chất lượng cao để sản xuất ổn định, góp phần giúp nông dân tăng thu nhập và nâng cao đời sống từ lúa gạo.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác