Thức cùng chợ đêm

05/01/2015 07:54

Chợ họp từ lúc nửa đêm và tan khi trời sáng - đó là điểm riêng biệt của chợ đầu mối nông sản và thực phẩm trên địa bàn phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum.

Từ đây, các loại thực phẩm, rau củ được toả đi khắp nơi đến các khu chợ bán lẻ trên địa bàn thành phố, đến các huyện và theo chân những tiểu thương “hai sọt” lên tận các thôn làng vùng sâu, vùng xa. Những người mưu sinh nơi chợ đêm chiếm số lượng đông nhất và vất vả nhất chính là phụ nữ.

Rộn ràng chợ đêm

Chợ đêm có lẽ là một khái niệm không mấy xa lạ với những ai sống trên địa bàn thành phố Kon Tum. Chợ họp từ lúc nửa đêm và kết thúc khi trời sáng. Ngày nắng, ngày mưa, mùa đông hay mùa hè, chợ đêm vẫn luôn nhộn nhịp với các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá. Nhưng, hoạt động đặc biệt của những phiên chợ này thì không phải ai cũng biết.

Chợ đêm - đầu mối cung cấp các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Ảnh: T.H

 

Trong cái lạnh tê tái của một đêm đông, tôi có dịp theo chân các tiểu thương để được chứng kiến và cảm nhận không khí nhộn nhịp của chợ đầu mối này.

0h sáng, khi hầu hết mọi người đang chìm sâu vào giấc ngủ, thành phố Kon Tum yên ắng trong màn đêm, thì đó chính là lúc chợ đêm bắt đầu họp. Những chiếc ô tô, xe máy chất đầy rau, quả, thịt, cá từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai lên; từ trong các xã, phường vùng ven thành phố Kon Tum, các huyện lân cận như Sa Thầy, Đăk Hà... nhanh chóng đổ về chợ.

Các tiểu thương buôn bán tại chợ đêm đến khá sớm, mỗi người nhanh chóng kiếm cho mình một chỗ đứng và dưới ánh đèn đường, những thùng cá, bao thịt, sọt rau… từ các xe hàng được chuyển cho các tiểu thương để tiếp tục công việc phân phối, bán lại cho những người bán lẻ và cho cả những người dân muốn đi chợ đêm để mua hàng giá sỉ. Khoảng thời gian từ 1 – 3 giờ sáng, đó là lúc chợ đêm hoạt động nhộn nhịp, sôi động nhất, lượng người bán mua cũng đến đông nhất.

Cảnh mua bán ở chợ đêm diễn ra rất nhanh chóng, yên ả, ít nghe những lời rao chát chúa hay mặc cả giá, “cò kè bớt một thêm hai”, bởi các thương lái hầu như đều đã quen mặt nhau, là mối hàng thân thuộc của nhau và rất thông thạo giá cả trên thị trường. Sự khẩn trương, hối hả trong việc mua bán, xen lẫn tiếng cười, tiếng nói, tiếng xe nổ máy… như xua tan đi không khí lạnh lẽo lúc nửa đêm.

Chị Nguyễn Thị Thanh (ở phường Quyết Thắng, thành phố kon Tum) chia sẻ: Vợ chồng tôi làm nghề bán thịt heo ở chợ đầu mối nhiều năm rồi, ngày nắng cũng như ngày mưa, nửa đêm là ra chợ lấy hàng và chia ra để bán cho những người bán lẻ. Ở chợ này, mỗi tiểu thương đều có những mối hàng riêng nên không ai phải tranh giành hay cạnh tranh gì cả, thậm chí có khi khan hàng còn chia sẻ, nhường bớt cho nhau để không ai bị lỡ phiên chợ cả. Gắn bó mưu sinh với cái chợ này mãi giờ thành quen rồi, thức đêm hôm vất vả thật đấy, nhưng bữa nào có công việc gì đó phải nghỉ một phiên lại thấy thiếu thiếu…

Trước đây, chợ đêm được cho phép họp đến tận 10h sáng, nhưng từ tháng 7 năm nay, thành phố Kon Tum siết chặt hơn hoạt động của chợ đêm, vì thế, công việc mua bán, trao đổi hàng hoá ở đây càng phải khẩn trương, nhanh chóng hơn để đến 6h sáng trả lại mặt bằng cho các hộ kinh doanh và các gia đình sống ở khu vực này, cũng như để đảm bảo giao thông. Sau giờ này, mọi hoạt động của chợ đêm ngừng hẳn; rác thải được gom lại đưa vào một góc…

Một đêm dài trôi qua, tiểu thương nào còn dư hàng thì chuyển vào chợ phường Quyết Thắng hoặc chợ Trung tâm thương mại và lúc này chính họ lại trở thành người bán lẻ.

Những thân cò lặn lội trong đêm

Trong số những người buôn bán ở chợ đêm, đông nhất là phụ nữ. Họ- mỗi  người buôn bán một mặt hàng, nhưng ai cũng nhanh nhẹn, hoạt bát, tảo tần như những thân cò mưu sinh trong đêm.

Gạt giọt mồ hôi nóng hổi lăn trên trán, đưa tay đấm nhẹ vào lưng đã quá mỏi vì phải cúi lâu, người phụ nữ tầm 50 tuổi ngẩng mặt lên cười khi tôi hỏi thăm. Chị nói, chị tên Thương, quê chị ở tận Phù Mỹ (Bình Định) nhưng cuộc sống khó khăn vì công việc đồng áng ít, chị lên Kon Tum kiếm việc và chọn chợ đêm để buôn bán mưu sinh. Trước đây, chị phải lặn lội về tận quê để mua cá, tôm lên bán; nhưng giờ chị đã có mối hàng dưới đó chở lên rồi, đến đêm chị chỉ cần nhận hàng và giao lại cho những tiểu thương nhỏ. Công việc khá vất vả vì phải thức đêm, phận đàn bà nhưng vẫn phải khuân vác những thùng cá nặng tới mấy chục ký từ trên xe xuống, rồi sau đó lại phải luôn tay, luôn chân cân hàng cho bạn hàng. Chưa kể đến việc còn phải nhớ, ghi từng mã cân, không được nhầm lẫn vì chỉ một vài sai sót, ít thì không có công, nhiều là thâm vào lưng vốn ngay. Có lẽ cũng vì thế mà chị già hơn so với tuổi…

Người bán hàng tại chợ đêm vất vả đã đành, nhưng những người mua lại hàng để bán lẻ cũng nhọc nhằn chẳng kém. Để kịp cho những phiên chợ sáng, những chuyến hàng về làng, họ cũng phải ra chợ từ nửa đêm để chọn được những món hàng tươi nhất, ngon nhất. Có lẽ, vất vả hơn cả là những người bán hàng “hai sọt” vì họ phải mua rất nhiều mặt hàng nên thường phải đi rất sớm, lấy đủ các món hàng cần thiết rồi lên đường thật sớm, để đảm bảo mang hàng sớm nhất đến với người dân.

Chị Thu làm nghề bán hàng “hai sọt” ở tận huyện Kon Rẫy, thế nên, chị thường phải đi chợ từ lúc 2h sáng lấy đủ các mặt hàng thịt, cá, trứng, rau… đến khoảng hơn 4h sáng là lên đường để kịp mang hàng đến bán cho người dân trước giờ họ đi làm. Tranh thủ ăn vội gói xôi mang theo, uống hớp nước, mặc thêm chiếc áo ấm dầy cộm, quấn thêm một vòng khăn để đỡ bị gió lùa khi đi đường, người phụ nữ bé nhỏ trên chiếc xe máy cà tàng chở hai sọt hàng đầy ắp từ từ rời chợ và mất hút trong bóng đêm.

Khó có thể nói hết sự vất vả của những người phụ nữ buôn bán ở chợ đêm. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, hằng ngày họ vẫn gắn bó với chợ này, tảo tần mưu sinh trong đêm khuya. Trời tảng sáng, tôi cũng tranh thủ mua một vài loại thực phẩm cho gia đình, kết thúc một đêm đi chợ cùng những tiểu thương.

Mỗi ngày trôi qua, chợ đêm lại nhộn nhịp với việc mua bán và những người buôn bán ở đây vẫn lặng lẽ, vui vẻ mưu sinh với việc phân phối, cung cấp nguồn thực phẩm, góp phần phục vụ cho cuộc sống của người dân.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác