Thơm từ bãi sông

22/05/2019 13:29

Hàng trăm năm qua, bãi bồi bên con nước Đăk Bla gắn với nhịp sống thường nhật của cộng đồng cư dân các làng ven sông. Ở nơi đó, người với sông, bãi với người gần nhau như hơi thở. Gió sông cũng mang hương thơm của bắp, của mía từ bãi bồi thổi qua làng...

1. Tinh mơ, khi mặt trời còn ngủ say sau dãy núi Chư Hreng, tôi theo A Wư ra bãi. Sương vấn vít trên cành lá, bảng lảng trên mặt sông, chạm vào da mặt thấy lành lạnh. “Đi cẩn thận kẻo ngã đó anh!” - A Wư dặn.

Tôi rón rén bước theo A Wư. Nói ra thì thấy xấu hổ. Mỗi buổi chiều, tôi thường đứng trên cầu Đăk Bla ngắm bãi sông quanh năm phù sa lắng đọng, luôn xanh tươi màu bắp, mía, rau màu; ngắm những bóng người thấp thoáng làm cỏ bắp và cô thiếu nữ Ba Na nghịch nước sau một buổi làm, bắp chân tròn sáng cả vệ cỏ...

Nhưng 20 năm qua, tôi chưa từng thực sự đặt chân xuống bãi bồi.

Nói như A Wư, một người chưa từng đi trên lớp đất bãi vàng nhạt, xôm xốp, giòn tan, chưa "nghe" được tiếng phù sa thở phập phồng, sao có thể nói là biết bãi bồi. Lại càng không thể nói rằng hiểu được đời người, tình đất nơi đây.

Cho nên, khi tôi cứ xoắn xuýt hỏi chuyện về đất bãi, A Wư nhìn tôi: Sao anh không đi cùng em một lần? Đi từ buổi sớm mai để ngắm bãi.

Sao lại phải là buổi mai? Vì lúc bình minh lên, bãi bồi sẽ đẹp đẽ, tươi tắn, nhiều màu sắc. Sương đọng trên những lá bắp non rung rinh, rồi bảng lảng tan cho một ngày bận rộn bắt đầu. Dân làng lũ lượt kéo nhau ra bãi, trỉa bắp, trồng rau, gieo cải. Tiếng cười nói râm ran cả triền sông.

Những ngày này ít gió. Sông Đăk Bla vẫn còn cạn nước, mưa đầu mùa chưa đủ để làm đầy lòng sông. Dòng nước biếng nhác trôi, phải để ý lắm mới nghe tiếng sóng vỗ lóc bóc nhè nhẹ vào mấy gốc cây khô.

Vài con thuyền nan lui cui cặp bãi, thi thoảng lóe lên ánh đèn pin. Đêm săn "lộc sông" của mấy trai làng kết thúc. Những khuôn mặt sạm nắng gió tươi tỉnh dù thức trắng đêm bởi mẻ cá tươi roi rói.

Phía bên kia bờ, ánh đèn lung linh từ khách sạn Đông Dương chỉ với ra được giữa sông, không chạm tới bãi, khiến cho tôi có cảm giác đang sống một đời sống khác, một hành trình khác.

A Wư dừng lại, hít mạnh, 2 tay giang rộng như muốn ôm cả bãi bồi vào lòng. "Anh hít mạnh xem nào, thơm không?".

Tôi làm theo, làn khí mát lành tràn vào phổi, lẫn trong đó là thoang thoảng hương cỏ mật, nồng nồng mùi phù sa, ngọt thanh hương bắp non và quyến rũ hương hoa cà. Thơm đến lạ! Tôi tả lại những cảm nhận thật sự của mình khi lần đầu “sờ được vào miền thẳm sâu của hương thơm bãi bồi” đầy thích thú.

"Bãi mà anh. Ở những cánh đồng trong kia không thơm như này đâu"- A Wư tự hào nói.

Không biết từ bao giờ, từ thời nào, người dân các làng ven sông Đăk Bla bắt đầu gắn bó với bãi bồi. Chỉ biết rằng, suốt dọc sông Đăk Bla, trừ những nơi hiểm yếu, vách dựng, nước xiết, còn lại ta đều gặp những bãi mênh mông, luôn tươi tốt cây trái, rau màu.

A Wư nhẩm tính một hồi rồi lắc đầu: Em cũng không biết bãi ô này nhà em canh tác bao nhiêu đời rồi, hết mùa bắp thì trồng bí, hết mùa bí thì trồng rau. Làng em trở nên đông đúc, sung túc hơn cũng là nhờ bãi sông.

Cũng có khi bãi bồi trắng phếch một màu đất. Ấy là khi đất được nghỉ ngơi sau một mùa bận rộn. Nhưng rồi bạn hãy tin rằng, rất nhanh thôi, rau màu lại xanh rì trên bãi. Như bây giờ vậy, mới ít ngày mà bắp, cà, muống, cải... đã “trải thảm mời người”.

Qua bao nhiêu năm tháng, qua bao nhiêu nắng mưa, thời gian đó đủ cho một tình cảm thiêng liêng giữa người và bãi dần thành hình, bền chặt.

Khác với trước đây, đất bãi chỉ để trồng bắp, trồng mì, thả ít dây bí phục vụ nhu cầu hàng ngày của dân làng; bây giờ, mùa vụ và rau màu trồng trên bãi đã thay đổi theo thị trường.

Trên bãi bồi, theo giọt mồ hôi rơi là mùa nào thức nấy. Với những bà nội trợ nơi phố xá, mấy gùi bắp nếp, ngọn bí, rau muống, rau cải xanh rờn được hái, được cắt từ bãi bồi luôn có sức hút đặc biệt.

Không cần ghé vào chợ để tìm đâu, cứ đi chậm thôi, thong thả thôi, ngang qua các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Đào Duy Từ, Bà Triệu..., hay xung quanh Trung tâm thương mại sẽ gặp những mẹ, những chị, những em gùi rau. Và những mẹ, những chị, những em ấy cũng chẳng cần rao bán hay chèo kéo, nhưng khách vẫn xúm vào mua bằng hết.

Cách bãi bồi không xa là những ngôi làng bình yên. Trong làng, nhà nhà đều không cửa, hoặc có thì cũng mở toang cho gió sông ùa vào, nhìn nhà là hiểu người, chân thật như “bày cả gan ruột” với tha nhân... 

Làm cỏ bắp trên bãi. Ảnh: HL

 

2. Giống như hầu hết hộ gia đình ở làng này, bố mẹ A Wư cũng có đất sản xuất ở bãi. Giữa lòng thành phố Kon Tum, quãng sông Đăk Bla đang xuôi chảy bỗng dưng quành ngang, lượn một vòng duyên dáng, bồi đắp nên bờ bãi phì nhiêu, màu mỡ, trông như cái khuỷu tay. Bãi ô của nhà A Wư nằm ngay chót mũi của cái khuỷu tay ấy.

"Do ông bà tổ tiên để lại đấy. Bãi bồi là nơi nuôi sống dân làng, nuôi sống nhà mình, kể cả những ngày tháng khó khăn nhất. Tiền cho mấy đứa ăn học cũng từ bãi mà ra" - bố A Wư uống rượu với dế bắt dưới bãi hồi chiều, mắt nhìn đám con ngồi xung quanh.

Đứng trên bãi nhìn về phía bắc, nhà cửa phố xá san sát, bóng nhà cao tầng như muốn chồm cả ra mặt sông. Nhìn về phía nam, cũng lại là nhà cao tầng. Ấy là khu đô thị mới và một trường học lớn. "Sau này, em muốn con mình vào đó học"- A Wư cười tủm tỉm.

Tôi đi giữa 2 luống cà tím đang e ấp những nụ hoa chờ khi ánh nắng đầu ngày rọi tới sẽ bung nở. Từ 2 năm nay, bố A Wư đã chuyển một nửa diện tích đất sang trồng cà tím, cung cấp cho chợ đầu mối và các nhà hàng, vì giá trị kinh tế cao hơn trồng bắp.

"Đó, em được học về kinh tế thị trường, nhưng không nhạy bằng ông già đâu" - tiếng A Wư vọng lại đâu đó dưới mép sông.

Thu hoạch rau màu trên bãi. Ảnh: HL

 

A Wư yêu bãi bồi như yêu bản thân mình.

Từ ngày còn nhỏ tí, đứng chưa cao bằng con dao phát rẫy, đám trẻ con như A Wư đã gắn bó với bãi bồi. Sáng sớm tinh mơ, cha mẹ ra bãi trỉa bắp, trồng khoai, chúng lẽo đẽo chạy theo, lê la nghịch với đất cát, nắng lên lại nhảy ùm xuống sông vẫy vùng, nên da đứa nào cũng đen cháy, tóc vàng khét một màu. Lớn lên chút nữa, là những buổi săn chuột đồng, đào dế; nước lũ về ngập bãi thì bì bõm đặt lưới đánh cá...

Nhưng A Wư thích nhất là được ngắm mưa trên bãi, đặc biệt là sau những ngày dài nắng nóng, dù đó là những cơn mưa giông ồn ã trút xuống, hay chỉ là mưa bóng mây nhẹ nhàng lướt qua. Sau mỗi cơn mưa, không chỉ đất trời được gột sạch, A Wư còn thấy đầu óc mình như được tắm gội, mát lành…

Khi trái tim A Wư biết rung lên trước một thiếu nữ đẹp cũng là lúc cậu phải rời nhà, rời bãi, bắt đầu cuộc sống sinh viên.

Lâu lâu có dịp về quê, việc đầu tiên sau khi treo cái túi nhăn nhúm có quai đeo chứa vài bộ quần áo lên vách nhà là tót ra bãi.

Những ngày xa nhà, A Wư luôn nuôi một niềm hy vọng sẽ có ngày được mời cô bạn cùng lớp có nụ cười tươi như hoa Pơ Lang về thăm phố núi, lang thang trên bãi bồi quê mình. A Wư muốn khoe hương thơm nồng nàn của đất bãi; mời bạn bữa ăn trưa đơn sơ dưới bóng cội cây già hoặc thưởng thức trái bắp nếp ngọt sữa.

A Wư muốn mời bạn thăm ngôi làng nằm kề bãi, để đắm mình trong cái rộn ràng buổi sáng, khi mọi người gọi nhau đi ruộng, đi rẫy; trầm tư trong cái man mác buổi chiều, khi những người phụ nữ lúi húi trong gian bếp nghi ngút khói, những người đàn ông xếp bằng ngồi trò chuyện trước hè, những đứa trẻ đùa giỡn dưới gốc cây, những cô con gái mới từ bãi về, thả gấu váy che bắp chân tròn lẳn.

Cậu còn muốn dẫn bạn đi đến từng nhà. Ở ngôi làng đông đúc quay mặt ra sông này, chẳng có mấy nhà đóng cửa. Trong nhà luôn tràn ngập hương thơm từ bãi, chỉ hít thở thôi đã nghe ngọt lịm rồi. Ngày nắng, đêm trăng, người và bãi bồi không bị bứt rời nhau.

Trong bữa cơm tối qua, bố mẹ A Wư bàn với nhau sẽ chuyển toàn bộ 5 sào đất bãi sang trồng cà tím và cà đắng, thay vì để một nửa trồng bắp như lâu nay: "Cà tím và cà đắng hiếm khi mất giá, đầu ra lại ổn định vì các nhà hàng, tiểu thương ở chợ đầu mối thu gom. Như vậy ta sẽ không lo lắng nhiều chuyện em thằng A Wư vào đại học nữa".

Ai bảo giấc mơ không có thực, ở nơi bãi bồi này?

HỒNG LAM

Chuyên mục khác