Thồ chữ lên cổng trời Đăk Blô

01/12/2017 06:57

​Đường vành đai vùng biên khúc khuỷu, hiểm nguy, có khi đi cả tiếng đồng hồ không thấy một bóng người nhưng không ngăn được nhiệt huyết của giáo viên vùng biên giới Đăk Blô, huyện Đăk Glei. Nhìn lên là núi cao vời vợi, nhìn xuống cũng là núi, vậy nhưng, tình yêu thương học trò đã giúp thầy cô cần mẫn bám trường, bám lớp, đem lại niềm vui tri thức, tiếng cười cho học sinh rẻo cao.

Phải đến trưa ngày thứ 2, chúng tôi mới bỏ lại gần 70km đường ngoằn ngoèo, sạt lở do ảnh hưởng của cơn bão số 12 để đến được với các điểm trường ở xã Đăk Blô. Dưới núi cổng trời, những ngôi trường nhỏ bé với vài phòng học nằm hiền hòa, yên bình nhưng rộn tiếng cười học sinh.

Vượt núi dạy chữ

“Tôi đang tranh thủ dạy cho học sinh tập hát, chuẩn bị cho 20/11 đây” – thầy A Hoàn, chủ nhiệm lớp 1B, điểm Trường tiểu học Đăk Book vừa ra hiệu cho 2 em học sinh ngưng hát rồi nở nụ cười đôn hậu tiếp khách. Trong căn phòng nhỏ, lấy chuyện làm quà, chúng tôi nghe kể bao nhiêu câu chuyện thân thương ở mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió này.

Thầy Hoàn nói rằng, các điểm trường ở Đăk Blô được ví là nơi hội ngộ. Bởi lẽ, không chỉ có giáo viên bản địa, giáo viên từ khắp các nơi: Quảng Nam, Quảng Bình, thành phố Kon Tum… cũng đến đây giảng dạy.

20/11, những bó hoa dại cũng làm ấm lòng thầy cô. Ảnh: H.T

 

Như điểm trường tiểu học Đăk Book có 15 giáo viên thì có đến 12 người từ các nơi khác đến giảng dạy. Hay ở trường THCS Đăk Blô, chỉ có vài giáo viên bản địa, còn lại đa số từ vùng xa đến.

Đường vành đai vùng biên khúc khuỷu, hiểm nguy, có khi đi cả tiếng đồng hồ không thấy một bóng người cũng không ngăn được niềm nhiệt huyết của giáo viên vùng biên giới. “Hồi mới vào đây công tác, đi bộ hơn 2 ngày trời, nước mắt hòa với nước mưa mới đến được trường. Đường sá đi lại khó khăn nhưng chúng tôi quyết tâm bám làng, ươm chữ cho học sinh” – thầy Hoàn kể.

Cô Y Hinh, giáo viên bộ môn Văn-Sử, Trường THCS Đăk Blô có hơn 10 năm gắn bó với công việc giảng dạy tại trường. Trước đây, gia đình cô ở trung tâm huyện, hàng tháng phải đi đi về về. Cô bảo, hôm nào nắng là ngày hạnh phúc bởi những ngày mưa, cô thầy phải xách dép, cõng giáo án, kéo xe qua những điểm sạt lở mới thồ được con chữ lên núi cho các em. “Nhiều giáo viên trẻ mới về trường, đi từ huyện vào xã, đường bị sạt lở cả điểm đầu và điểm cuối, thế là chỉ biết ngồi khóc chờ cứu viện. Nhiều lúc giáo viên đi dạy mà như đi lội ruộng vậy, quần áo lấm lem, mặt mày tái xanh tái nhợt vì lạnh và mệt” – cô Hinh nói.

Đường đi cách trở, chỗ ở tạm bợ, mưa giột, nắng nóng, thế nhưng một chút thân, một chút thương, những nụ cười thơ ngây của các em học sinh đã giúp các thầy cô khác vượt qua hết những khó khăn, gắn bó với học sinh vùng biên gần hết những năm tháng công tác của cuộc đời.

 Như thầy Hoàn, mới ngày nào còn bỡ ngỡ đặt chân đến vùng đất mới, vậy mà nay đã gắn bó 22 năm, trở thành người con của thôn, của xã Đăk Blô. “Gắn bó với các em quen rồi, hôm nào có việc, không đi dạy được, người thấy buồn lắm, phải tìm cách để lên với các em” – thầy Hoàn nói.

Tình cảm con người nơi đây đã xua tan đi bao nỗi mệt nhọc, gian nan của giáo viên vùng biên giới. Nhìn 2 em Y Ngọc, A Hạo quấn quýt bên thầy Hoàn hát vang bài hát Mái trường mến yêu mà chúng tôi cũng vui lây.

Chuyên cần 100%

Sống cùng bà con mới hiểu hết những khó khăn của người dân vùng biên. Thầy cô tự dặn mình phải cố gắng mang kiến thức đến cho học sinh để các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Việc dạy tiếng Việt, dạy chữ cho 100% học sinh người Giẻ Triêng cũng có nhiều khó khăn nên nhiều lúc thầy cô phải dạy song ngữ. “Chúng tôi phải dịch sang tiếng Giẻ Triêng rồi sau đó dịch ngược lại bằng tiếng Việt để các em hình dung và dùng tiếng Việt thông dụng hơn” – thầy Hoàn kể.

Để đảm bảo việc dạy học tốt hơn, nhiều giáo viên tiểu học còn tham gia học, có chứng chỉ tiếng Giẻ Triêng để tiếp cận gần hơn với học sinh trong quá trình giảng dạy.

Ở mảnh đất sớm nắng, chiều mưa, việc học hành của các em cũng như bấp bênh như con nước. Những hôm nắng, đường sá thuận tiện, học sinh đi học đều nhưng hôm nào mưa, tỉ lệ học sinh đến lớp cũng rơi rớt dần. Thấy vậy, quyết tâm không để học sinh bỏ học, thầy cô đến từng nhà vận động.

Chẳng ngần ngại đường sá xa xôi, cứ thấy học sinh nào nghỉ học buổi sáng, buổi chiều thầy cô liền có mặt tại nhà để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng giúp đỡ, giải quyết. “Đi vận động, tuyên truyền nhiều nên ngõ ngách nào thầy cô cũng biết. Nhờ sự tích cực của thầy cô cũng như ý thức của các em, tỉ lệ chuyên cần ở trường luôn đảm bảo 100%” – thầy Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đăk Blô chia sẻ.

Rồi những ngày mưa bão, thầy cô cũng thấp thỏm theo dòng suối. Nhiều lúc, thầy cô phải đội mưa, qua nhà thông báo cho các em nghỉ học. “Nghe nhà học sinh bị ảnh hưởng, thầy cô cũng xắn quần áo vào giúp đỡ” – thầy Huy nói.

20/11 đến, nếu các nơi rầm rộ tổ chức chào mừng thì ở xã Đăk Blô, dù không hoa, không quà nhưng tình cảm học sinh cũng làm ấm lòng thầy cô. “Nhận những bó hoa dại với tất cả tình cảm của các em, mình thấy ấm áp lắm. Với chúng tôi, chỉ cần các em chăm ngoan, học giỏi, đó là món quà lớn nhất rồi” – cô Giang, giáo viên Trường THCS Đăk Blô chia sẻ.

Hoài Tiến 

Chuyên mục khác