Thành phố Kon Tum: Rộ nạn khai thác đất sét trái phép

27/02/2017 14:09

​Những chiếc máy đào gầm rú trên đồi, những chiếc xe tải chở đất sét hối hả lui tới, những lò gạch trái phép hoạt động ngày đêm tại Khu sản xuất gạch ngói Thanh Trung, phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum). Khó có thể tính được mỗi ngày có bao nhiêu khối đất sét bị đào móc trái phép từ những quả đồi xung quanh...

Sau ít ngày trước Tết Nguyên đán tạm lắng do ngành chức năng tiến hành kiểm tra, từ sau tết đến nay, hoạt động khai thác đất sét trái phép để sản xuất gạch xây dựng lại tái diễn ở khu vực thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum, không chỉ làm thất thoát tài nguyên mà còn gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Theo số liệu mà chúng tôi có được, ở Khu sản xuất gạch ngói hiện có 51 lò gạch của 32 hộ gia đình; trong đó, 20 hộ gia đình có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 12 hộ gia đình hoạt động không phép. Đất sét được khai thác tại chỗ và những quả đồi xung quanh, nằm ngoài Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Dù giấy phép đã hết hạn nhưng Công ty TNHH Hòa Nghĩa vẫn ngang nhiên khai thác đất sét trái phép để sản xuất gạch tuynel. Ảnh: H.L

 

Cũng tại khu vực này có nhà máy gạch tuynel của Công ty TNHH Hòa Nghĩa, được UBND tỉnh cấp phép khai thác 27.000m3 đất sét, thời gian khai thác từ tháng 10/2014 đến ngày 31/12/2016. Công ty TNHH Hòa Nghĩa đã trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản (đất sét sản xuất gạch tuynel) tại vị trí này vào tháng 8/2016, nhưng hiện tại chưa được cấp phép, nên về mặt pháp lý phải dừng mọi hoạt động từ ngày 1/1/2017.

Ngoài ra, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tháng 1/2017, đã phát hiện hộ gia đình ông Nguyễn Bắc Thái có hành vi san ủi mặt bằng khoảng 3ha và đang xây dựng trái phép 1 nhà xưởng diện tích 1.800m2 trong khu vực quy hoạch, gần nhà máy gạch tuynel của Công ty TNHH Hòa Nghĩa. Chính quyền và ngành chức năng đã đình chỉ và xử lý hành vi san ủi mặt bằng, xây dựng nhà xưởng trái phép này.

Trưa 18/2, chúng tôi chạy xe máy bám theo một chiếc xe tải vào khu vực sản xuất gạch ngói ở thôn Thanh Trung, phường Ngô Mây (trước đây là thôn Đăk Chỏa, xã Vinh Quang). Trên chặng đường chưa tới 3km, tính từ đường Hồ Chí Minh vào khu sản xuất, chúng tôi thường phải nép vào vệ cỏ tránh những chiếc xe tải chở đầy gạch.

Từ xa, khu sản xuất gạch ngói hiện ra với những mảng đồi vàng quạch, bị khoét nham nhở. Còn cách mấy trăm mét, không khí đã đặc quánh lại bởi bụi, bởi khói, bởi mùi gạch ướt mới vào lò. Ngay tại đầu khu sản xuất đã có một quả đồi bị khai thác nham nhở, dấu đào đất đã đến sát vạt cao su trên đỉnh đồi. Một máy đào và một xe tải đang dừng ở hiện trường, mấy người đàn ông đang uống nước dưới bóng mát của chiếc xe tải, nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét.

Đi sâu thêm vài chục mét, nhìn sang ngọn đồi bên trái (cách đường khoảng 300m) cũng có 2 máy đào loại lớn đang hì hục xúc đất lên xe, 3  xe tải nối đuôi nhau vào chờ lấy đất, sát bên cạnh cũng là rừng cao su.

Những chiếc xe tải chở đất sét ngang nhiên hoạt động. Ảnh: H.L

 

Con đường chạy xuyên qua khu sản xuất ngập ngụa trong bụi đất vàng ệch, mỗi khi có xe chạy qua là bụi bốc mù mịt không thấy gì. Hai bên đường là những đống đất sét, những đống củi đốt gạch đổ cao như núi, những ống khói của các lò gạch thủ công thi nhau nhả mù mịt. Đang là trưa nắng nhưng vẫn có nhiều lao động làm việc, chủ yếu là lao động nữ. Họ bốc gạch từ lò lên xe, chuyển gạch mới đóng từ dây chuyền ra sân phơi, số ít người đàn ông thì đứng máy cắt gạch, tiếng máy nổ chát chúa.

Trong vai người đi tìm mua gạch, chúng tôi lân la trò chuyện với mấy chị phụ nữ nghỉ giải lao trong khi chờ xe vào lấy hàng thì được biết ở đây có khoảng 50 lò gạch thủ công và 1 nhà máy gạch tuynel của Công ty TNHH Hòa Nghĩa đang hoạt động. Còn có một xưởng sản xuất khá lớn của ông Thái mới đi vào hoạt động nữa chứ - một chị bổ sung - không biết là thủ công hay gạch tuynel nữa.

Từ nơi chúng tôi đứng nhìn chếch sang bên phải là khu vực sản xuất gạch tuynel của Công ty TNHH Hòa Nghĩa. Tiếng máy cắt gạch xoèn xoẹt, những ống khói cao ngất nghểu phun khói mù mịt, mấy chiếc xe tải nặng nề chở đất sét gầm rú... cho thấy nhà máy đang hoạt động.

Theo chỉ dẫn của chị phụ nữ, chúng tôi theo con đường nhỏ bên hông nhà máy, vòng ra phía sau và tận mắt chứng kiến một “đại công trường” khai thác đất sét với quả đồi cao đã bị khai thác nham nhở, hình thành nên những hố sâu hoắm rộng hàng nghìn mét vuông.

Trên “công trường”, một chiếc máy đào hì hụi dưới hố sâu, chiếc còn lại tiếp tục mở rộng quy mô khai thác khi đang tiến hành vừa bóc lớp phong hóa, vừa đào đất đưa lên xe tải vận chuyển ra vào khu sản xuất. Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH Hòa Nghĩa chưa được cấp giấy phép khai thác đất sét tại khu vực này, nhưng hoạt động khai thác vẫn rầm rộ và công khai.

Đi theo con đường độc đạo vào gần cuối khu sản xuất, giáp rừng cao su, chúng tôi thấy khu nhà xưởng được dựng bằng cột thép, mái lợp tôn rộng hàng nghìn mét vuông của hộ gia đình ông Nguyễn Bắc Thái. Không giống như một nhà xưởng xây dựng trái phép, hoạt động “lén lút” mà khá bề thế, công khai với những mẻ gạch đang phơi chờ vào lò và phía sau là một quả đồi đang bị khai thác nham nhở.

Tại đây có 1 máy đào đang hoạt động, nhưng khi chúng tôi định chụp ảnh thì xuất hiện 2 thanh niên đi tới lầm lì nhìn, khiến chúng tôi phải rời khỏi hiện trường.

Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, chúng tôi đã liên hệ làm việc với lãnh đạo phường Ngô Mây. Theo ông Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND phường, hầu hết những nhà làm gạch thủ công ở đây đều di dời từ khu lò gạch cũ tại km3 - đường Hồ Chí Minh lên vào năm 2007, một số hộ thì ở ngoài km 8 di dời vào năm 2014. Việc quản lý khu vực này thuộc về Trung tâm phát triển cụm công nghiệp thành phố Kon Tum, phường chỉ quản lý địa bàn, dân cư.

Ông Hạnh cho biết: Khi nào cơ quan quản lý yêu cầu phối hợp kiểm tra thì chúng tôi sẽ cử lực lượng tham gia. Việc hồ sơ, thủ tục của Công ty TNHH Hòa Nghĩa thì do bên Trung tâm quản lý, riêng trường hợp hộ gia đình ông Nguyễn Bắc Thái san ủi, xây dựng nhà xưởng trái phép, phường đã kiểm tra, đình chỉ thi công rồi.

Trong các hộ gia đình làm gạch thủ công ở đây thì cũng có nhiều hộ không có giấy phép, nhưng thú thật là cũng khó xử lý. Đây là nghề mưu sinh của họ, di dời từ km3 lên đây, đầu tắt mặt tối làm ăn, cũng chỉ lấy đất tại chỗ để sản xuất gạch, mấy ai biết chuyện thủ tục hồ sơ xin phép ra sao, ranh giới vùng quy hoạch chỗ nào- ông Hạnh bộc bạch.

Về phía ngành chức năng, ông Lê Văn Tấn - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) xác nhận ở khu sản xuất gạch ngói thủ công thôn Thanh Trung có diễn ra hoạt động khai thác đất sét trái phép. Và tháng 1/2017, Sở đã cử phòng chuyên môn tiến hành kiểm tra và có báo cáo gửi UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Kon Tum yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp với UBND phường Ngô Mây có biện pháp ngăn chặn các hộ gia đình không có giấy đăng ký kinh doanh khai thác đất sét trái phép.

Được biết, ngày 8/2, UBND tỉnh đã có Công văn số 297/UBND-HTKT chỉ đạo UBND thành phố Kon Tum tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi xây dựng trái phép, khai thác đất sét trái phép trên địa bàn; kiên quyết xử lý theo đúng quy định đối với công trình xây dựng không phép của gia đình ông Nguyễn Bắc Thái. Đồng thời làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan trọng việc để gia tăng số lượng lò gạch thủ công và các vi phạm trên.

Trước thực trạng khai thác đất sét trái phép hiện nay, UBND thành phố Kon Tum cần vào cuộc, xử lý dứt điểm. Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình xóa bỏ các cơ sở sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công đúng theo Kế hoạch số 286/KH-UBND ngày 8/2/2013 của UBND tỉnh tại khu vực thôn Thanh trung, phường Ngô Mây và thôn 3, xã Hòa Bình. Đây là 2 khu vực có nhiều lò gạch thủ công hoạt động, sử dụng nguồn nguyên liệu đất sét mua bán và khai thác trái phép - ông Lê Văn Tấn cho biết.

          H.L

Chuyên mục khác