Thanh niên làng Kon Tum Kơ Nâm làm du lịch

13/08/2018 07:37

​Hiểu biết về địa danh, con người, văn hóa và có vốn ngoại ngữ, nhiều bạn trẻ ở làng Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) như Y Nhi, Ksor Nga Klăn Tung, A Đương… đã chọn nghề hướng dẫn viên du lịch. Không chỉ có thêm thu nhập, các bạn trẻ còn góp phần quảng bá vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên và văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum.

1. Đến nhà rông Kon Klor, tôi tình cờ gặp Y Nhi - cô gái người Ba Na sống ở làng Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) đang dẫn đoàn khách gần chục học sinh người Úc tham gia chuyến du lịch trải nghiệm tại đây.

Y Nhi (giữa) hướng dẫn các em học sinh người Úc tham gia tour du lịch trải nghiệm

 

Y Nhi làm công việc hướng dẫn viên du lịch đến nay được gần 8 năm. Cô gái người Ba Na này kể, học hết lớp 11, vì gia cảnh khó khăn nên em phải nghỉ học ở nhà phụ bố mẹ làm ruộng rẫy. Thấy du khách nước ngoài hay đến làng tham quan nhưng bà con chẳng ai có thể giao tiếp được nên Y Nhi tiếc lắm vì không thể giới thiệu nhiều nét văn hóa độc đáo để du khách biết. Từ những lần như vậy, Y Nhi quyết tâm tự mày mò học tiếng Anh cho bằng được.

Lần nọ, Công ty Du lịch sinh thái Miền Cao đóng chân trên địa bàn thành phố Kon Tum dẫn khách du lịch về làng Kon Tum Kơ Nâm tham quan, thấy Y Nhi nói tiếng Anh với du khách khá lưu loát nên đã đề nghị em tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch và sau đó nhận em vào làm việc.

Y Nhi cho biết, từ khi được làm hướng dẫn viên du lịch, em thường đưa du khách về các làng trong phố ở Kon Tum để giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm, vẻ đẹp những bộ trang phục truyền thống, kiến trúc nhà sàn, nhà rông, các nhạc cụ truyền thống, cách làm rẫy của bà con; có khi lên đến tận Kon Rẫy (làng Kon Du), Kon Plông (làng Kon Pring)… để thưởng ngoạn cảnh đẹp và văn hóa của bà con nơi đây.

Và, không chỉ du lịch trải nghiệm bằng chuyến đi, Y Nhi còn tự tay nấu những món ăn truyền thống độc đáo của đồng bào Ba Na như thịt nướng, cơm lam để cho du khách cảm nhận, thưởng thức…

Y Nhi chia sẻ, điều khiến em thích và vô cùng tự hào là được giới thiệu cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người của làng quê mình để du khách gần xa biết đến.

Vừa có thu nhập, vừa có cơ hội học hỏi thêm nhiều điều hay, nhiều bạn trẻ ở làng Kon Tum Kơ Nâm như: Y Rit, Y Na Ly, Y Hem, A Đương… cũng mày mò học tiếng Anh để cộng tác làm hướng dẫn viên du lịch cho một số doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch.

Em gái của Y Nhi - tên Y Đốt - cũng đã tự học tiếng Anh để theo nghề của chị. Y Đốt cho biết, bây giờ em đã có thể giao tiếp với người nước ngoài và sắp tới đây sẽ học thêm chứng chỉ nghiệp vụ du lịch để tự tin bước vào nghề.

 

2. Trong lúc chờ đợi đến giờ dẫn đoàn khách du lịch đến từ Pháp tham gia tour trekking leo núi và khám phá vẻ đẹp ở làng du lịch Kon Ktu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), Ksor Nga Klăn Tung ở làng Kon Tum Kơ Nâm tranh thủ ra trước khách sạn Đăk Bla, nơi lưu trú của các vị khách để trò chuyện cùng tôi.

Ksor Nga Klăn Tung (thứ 2 từ trái sang) hướng dẫn khách trải nghiệm tại làng du lịch Kon Ktu

 

Chuyến hành trình 2 ngày, nhưng Ksor Nga Klăn Tung trông rất thoải mái vì như đã quen với công việc này. Cô bé người Ba Na nhí nhảnh chỉ vào cái ba lô: Tối nay em ở lại trong rừng cùng đoàn khách, mai mới xuống núi nên mang theo đồ đạc hơi lỉnh kỉnh chị à.

Phải ở lại trên núi, lỡ gặp mưa thì thế nào? - Tôi hỏi.

“Cũng thường mà chị, mưa thì em giăng bạt bên trên chỗ ngủ, còn đoàn khách có nhu cầu đi trekking theo loại hình du lịch này đã được em dặn trước nên cũng chuẩn bị như vậy” - Ksor Nga Klăn Tung vui vẻ nói.

Ksor Nga Klăn Tung cho biết, mỗi năm, bước vào kỳ nghỉ đông của phương Tây, du khách các nước Anh, Pháp, Bỉ, Úc… thường đến Kon Tum rất đông, trong đó đông nhất là những du khách trẻ tuổi thích trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp tự nhiên, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Hành trình khám phá, trải nghiệm tùy theo sở thích của mỗi đoàn du khách mà có sự khác nhau. Ví dụ như cùng leo ngọn núi ở Kon Ktu nhưng với du khách mạo hiểm có thể cuốc bộ đường vòng từ 5 đến 6 tiếng đồng hồ mới lên được tới nơi; nhưng cũng có đoàn khách chỉ muốn trải nghiệm thì có thể đi đường thẳng, chỉ mất từ 2 đến 3 tiếng đồng hồ…

Ksor Nga Klăn Tung hứng khởi kể: Cảnh quan tự nhiên ở đây đẹp lắm chị à. Khách du lịch nước ngoài thường thích kiểu du lịch như thế này. Họ thích những địa điểm còn hoang sơ, tự nhiên hơn là đã có sự can thiệp của con người. Tùy vào yêu cầu của khách đi tour dài hay ngắn mà chúng em có khi về trong ngày, có khi ở lại đêm trên rừng từ 1 đến 2 ngày cùng du khách rồi mới xuống núi…

Thế 1 ngày đi tour trekking như vậy, em được trả bao nhiêu tiền cho công việc hướng dẫn du khách? - Tôi hỏi tiếp.

Ksor Nga Klăn Tung không ngần ngại chia sẻ: Đó là tùy vào quãng đường đi xa hay gần và tùy loại hình du lịch. Nếu loại hình du lịch trekking đi về trong ngày mà ở xa thì 400.000-500.000 đồng/ngày, còn ở lại thì thêm 100.000 đồng/đêm. Với loại hình du lịch về văn hóa, du lịch cộng đồng như tham quan nhà rông Kon Klor, làng Kon Ktu, nhà mồ người Gia Rai… thì từ 200.000-300.000 đồng/ngày, tùy mức độ xa hay gần.

Tuy nhiên, điều đáng quý ở cô bé người Ba Na này đó là không chỉ làm nghề để kiếm thêm thu nhập mà còn mong muốn góp sức mình để quảng bá du lịch Kon Tum - Ksor Nga Klăn Tung cho biết.

Năm 2015, Ksor Nga Klăn Tung tốt nghiệp loại giỏi Khoa tiếng Pháp Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp đại học, vì chưa xin được việc làm nên em quyết định tham gia lớp nghiệp vụ du lịch để lấy chứng chỉ xin vào làm hướng dẫn viên cho một công ty du lịch đứng chân trên địa bàn thành phố Kon Tum.

Ngoài vốn tiếng Anh và tiếng Pháp thông thạo, nghiệp vụ hướng dẫn viên đã được học, Ksor Nga Klăn Tung còn chịu khó tìm hiểu những phong tục tập quán, văn hóa, lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số tại các làng du lịch thông qua các già làng hoặc những người lớn tuổi để tích lũy kiến thức, phục vụ tốt hơn việc giới thiệu, quảng bá du lịch Kon Tum.

Ksor Nga Hlăn Tung nói: Tích lũy thêm kiến thức và sự hiểu biết là điều cần thiết cho bản thân. Vì chỉ khi mình hiểu sâu sắc vấn đề đó, vẻ đẹp đó thì mới tạo cho du khách cảm nhận được giá trị của cảnh quan, của vẻ đẹp mà mình giới thiệu. Có như vậy, mới mong du khách trở lại với Kon Tum.

Và đến nay, dù đã có công việc với nguồn thu nhập nhưng Ksor Nga Klăn Tung vẫn duy trì nghề hướng dẫn viên du lịch khi có điều kiện về thời gian.

Đang hào hứng với cuộc trò chuyện, đoàn khách người Pháp đã có mặt. Ksor Nga Klăn Tung tạm biệt tôi, quay sang nói mấy câu tiếng Pháp với du khách rồi bắt đầu hành trình cuốc bộ hướng về cầu treo Kon Klor…

Trò chuyện với Y Nhi, Ksor Nga Klăn Tung… tôi nghĩ đến hình ảnh những người dân bản địa ở Sa Pa (Lào Cai) làm du lịch, họ đã để lại những ấn tượng thật đẹp trong lòng du khách. Ở Kon Tum cũng vậy, thiết nghĩ, để phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, cộng đồng, rất cần đến đội ngũ những hướng dẫn viên du lịch là người tại chỗ như các bạn trẻ làng Kon Tum Kơ Nâm...

          Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác