Thắm đượm tình người trên đỉnh đèo Lò Xo

11/10/2022 13:03

Ở nơi biên giới quanh năm mù sương trên đỉnh đèo Lò Xo, có những tấm lòng, những việc làm thiện nguyện của những người “vác tù và hàng tổng”. Không kể ngày đêm, nắng hay mưa, dù bất cứ thời gian nào họ đều sẵn lòng đến giúp đỡ, sẻ chia những khó khăn, thiên tai, hoạn nạn.

1. Nhắc đến Đội SOS đèo Lò Xo thì không chỉ những người trong tỉnh mà khắp cả nước cũng đều biết đến họ. Bởi nhiều năm nay, Đội SOS đèo Lò Xo trở thành chỗ dựa tinh thần quan trọng cho cánh lái xe đường dài mỗi khi có đi qua cung đèo nguy hiểm này. Các thành viên trong Đội hầu hết đều có công việc mưu sinh hằng ngày. Họ là những y sĩ, thợ sửa xe mô tô, thanh niên, nhưng trước những tai nạn thương tâm, họ tự nguyện tập hợp và tình nguyện cứu hộ, ứng cứu nhanh trên đèo Lò Xo. Thành viên trong Đội hoạt động không kể thời gian dù nắng hay mưa, đêm hay ngày, hễ có trường hợp bị tai nạn giao thông là họ lại lên đường để cứu giúp. Khi đầu thành lập, Đội chủ yếu là giúp đỡ, cứu giúp người và xe không may bị tai nạn và hỗ trợ những xe bị hư hỏng trên đoạn đèo Lò Xo giữa 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

Theo anh Nguyễn Vỹ Ly - Đội trưởng Đội SOS đèo Lò Xo, đội của anh ngày đêm đều có người trực cứu nạn trên đèo. Khi CSGT trực chốt trên đèo Lò Xo báo có tai nạn giao thông, người trực của đội cứu nạn thông tin hết cho các thành viên và đi ngay đến điểm cứu nạn bất cứ thời gian nào.

Đội SOS cùng nhau giúp dân làm cầu treo dân sinh. Ảnh: P.N

 

Trong hơn 8 năm thành lập, Đội SOS đèo Lò Xo đã cứu hàng trăm người trong hoạn nạn, từ anh tài xế xe tải, đến xe khách, xe máy và cả những anh Tây “ba lô” chạy xe máy bị nạn trên đèo đã được họ cứu kịp thời. Suốt ngần ấy năm, khó có thể kể hết được những việc làm đầy nghĩa tình, thắm đượm tình người trên đèo Lò Xo này.

Mới đây, cuối tháng 9/2022, dưới chân đèo Lò Xo xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe khách và xe máy (xảy ra chiều 27/9). Vụ tai nạn đã khiến cả 2 vợ chồng ông A Beo và bà Y Phiên (cùng trú tại xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei) tử vong tại chỗ. Sự ra đi bất ngờ của 2 vợ chồng A Beo bỏ lại 2 đứa con thơ dại. Thương cảnh 2 cháu nhỏ mồ côi cha mẹ, Đội SOS đèo Lò Xo đã vận động quyên góp từ những mạnh thường quân trên khắp cả nước để hỗ trợ, giúp đỡ 2 cháu nhỏ tiếp tục học tập. Đầu tháng 10, thay mặt các mạnh thường quân, Đội SOS đèo Lò Xo bàn giao sổ tiết kiệm cho 2 con của vợ chồng A Beo với tổng giá trị 244.246.000 đồng. Đây là một trong những việc làm đầy ý nghĩa và trách nhiệm với cộng đồng của Đội SOS đèo Lò Xo.

Không chỉ cứu giúp người không may bị tai nạn trên đèo Lò Xo mà các thành viên Đội SOS còn có nhiều việc làm thiện nguyện khác thắm đượm tình người. Trong những năm qua, Đội đã vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân thăm, tặng quà, hỗ trợ áo ấm, lương thực thực phẩm cho hàng trăm hộ gia đình, hàng nghìn cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Glei.

Đội SOS trao tiền hỗ trợ cho 2 cháu nhỏ có ba mẹ tử vong do TNGT. Ảnh: P.N

 

Không chỉ vậy, do thành viên trong Đội đều sinh sống ở mảnh đất Đăk Glei nên họ hiểu được nỗi vất vả của bà con đồng bào dân tộc nơi đây. Vì vậy, Đội đã vận động mạnh thường quân trong cả nước ủng hộ kinh phí, còn các thành viên tham gia ngày công lao động cùng bà con để xây dựng cầu treo dân sinh phục vụ đi lại của người dân. Đến nay, Đội đã vận động xây dựng hoàn thiện 3 chiếc cầu treo là cầu treo Long Nang (thị trấn Đăk Glei), cầu treo Đăk Nớ và cầu treo Đăk Đoát (thuộc xã Đăk Pét) với kinh phí lên tới hàng tỷ đông.

Ngoài xây cầu treo giúp cho đồng bào, Đội SOS đèo Lò Xo còn làm nhiều công tác từ thiện cho đồng bào cửa ngõ Tây Nguyên như phát áo ấm mùa đông, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ người dân bị thiên tai, hoạn nạn.

 Cuối tháng 9 vừa qua, cơn bão số 4 đã gây thiệt hại khá nặng trên địa bàn tỉnh, trong đó, Đăk Glei là 1 trong 2 địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nhất. Cụ thể, đêm 28, rạng sáng 29/9, sau những trận mưa hoàn lưu của cơn bão số 4, ngay dưới chân đèo Lò Xo thuộc xã Đăk Pek có 6 hộ dân trong xã bị đất bùn từ ngọn đồi tràn đầy vào trong nhà. Có nhà bùn lội đến nửa mét. Sau đó, các thành viên Đội SOS đèo Lò Xo đã tình nguyện cùng xuống giúp người dân khắc phục, dọn bùn đất và lau dọn nhà cửa.

Anh Ngô Quang Quyết, một thành viên Đội SOS đèo Lò Xo cho biết: “Ngay sáng sớm nắm được thông tin bùn đất tràn ra mặt đường Hồ Chí Minh đến hơn 50cm, tràn lấp nhà dân tại đoạn qua xã Đăk Pét, chúng tôi đã liên lạc với nhau, phân công người ra điều tiết hướng dẫn phương tiện. Sau đó, tập trung tất cả 9 anh em trong Đội cùng với người dân, trước hết dọn bùn đất mặt đường cho phương tiện lưu thông bảo đảm ATGT, tiếp đó dọn bùn cho 6 hộ dân. Đến trưa 29/9 mặt đường thông thoáng, các hộ dân bị bùn đất tràn vào nhà đã được dọn sạch, ổn định mọi sinh hoạt.

Anh A Thắng, nhà gần khu vực sạt lở kể: Sáng sớm mình xuống chợ thị trấn Đăk Glei qua đoạn này thấy bùn đất tràn qua mặt đường Hồ Chí Minh, phủ đầy nhà dân bên đường. Do chủ quan, nên xe máy mình bị trơn trượt và ngã. Tuy nhiên, một lúc sau quay về đã thấy nhiều người đang dọn bùn và chỉ đường cho các xe máy, ô tô qua đây đi chậm lại.

2. Không chỉ giúp đỡ nhau trong thiên tai, bão lũ mà hơn 10 năm nay, ngay dưới chân đèo Lò Xo có mô hình tổ, nhóm hộ giúp nhau xây nhà đã trở thành kiểu mẫu trong việc chung tay xây dựng thôn làng khang trang, sạch đẹp. Mô hình tổ, nhóm hộ giúp nhau xây nhà ở Đăk Pét hoạt động đơn giản. Mỗi làng thành lập từ 5-10 tổ, nhóm; mỗi tổ, nhóm có từ 7-10 người tham gia. Tất cả đều có sức khỏe, kinh nghiệm trong xây dựng nhờ học các lớp đào tạo nghề nông thôn, học từ những người đi trước.

Mỗi năm trong tổ nhóm sẽ xây từ 1 đến 2 căn nhà; thời gian làm nhà lúc nông nhàn. Ngoài việc làm thợ, mọi người còn giúp nhau đổi công, phương tiện trong việc khai thác, vận chuyển cát, sỏi về xây nhà.

Đội SOS giúp bà con dọn dẹp sau bão. Ảnh: P.N

 

Theo A Thắng - Trưởng thôn Đăk Ven, mô hình trên không chỉ giúp người dân tự xây dựng cho mình căn nhà to, đẹp hơn, mà còn giúp mọi người trong thôn, làng đoàn kết giúp nhau lúc khó khăn. Anh tin tưởng sau này không phải chỉ 1 căn nhà, mà tất cả 170 hộ trong làng đều được ở những ngôi nhà khang trang. Về sau, tổ, nhóm sẽ còn góp công xây nhà vệ sinh để thôn có một môi trường sạch, đẹp. Mô hình trên cũng đã góp phần xây dựng nông thôn mới ở các thôn làng người đồng bào DTTS trên địa bàn xã Đăk Pét.

Điều đáng mừng là mô hình tổ vần đổi công giúp nhau xây nhà trên địa bàn Đăk Pét rất thiết thực đối với bà con DTTS, giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Mô hình còn góp phần hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Đăk Pét. Giờ đây, điều dễ nhận thấy khi dạo quanh các thôn, làng có mô hình trên là các căn nhà đều được xây dựng khang trang, với kiểu nhà vườn nhỏ, mái Thái, thiết kế thoáng, có không gian xung quanh, tạo cảnh quan đẹp cho làng.

Được chứng kiến những việc làm thiện nguyện của Đội SOS đèo Lò Xo và của tổ vần công đổi công giúp nhau xây nhà ở Đăk Glei khiến chúng tôi thấy trân trọng và cảm phục. Những việc làm của họ thật cao cả, thắm đượm tình người, đã và đang tô thắm thêm truyền thống đoàn kết “tương thân tương ái”, “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác