Thả diều – Thú vui & Nỗi lo

27/10/2014 11:04

Khi diều bay cao, các em thay nhau cầm và cùng dõi theo cánh diều bay lượn trên trời cao, cùng tranh nhau áp tai vào dây diều để nghe tiếng gió thổi xì xào. Cảm giác thật thú vị!
Quảng trường 16/3 lúc chiều về. Ảnh: G.T 

 

Thả diều có từ khi nào không rõ, chỉ biết trong ký ức của nhiều người dân Việt Nam, đây là trò chơi dân gian quen thuộc, bình dị. Ngày nay, trong cuộc sống ồn ã những phương tiện giải trí hiện đại, thả diều vẫn là thú vui của nhiều lứa tuổi từ người già, đến trẻ nhỏ với một niềm đam mê khó tả... Tuy nhiên, thú vui của mọi lứa tuổi này cũng là nỗi lo không của riêng ai...

Thú vui của mọi lứa tuổi

Cả chục ngày nay, chiều nào cũng vậy, cứ đi học về, cậu con trai đang học tiểu học lại đòi tôi đưa ra Quảng trường 16/3 để thả diều.

Ban đầu, vì chiều con nên tôi miễn cưỡng sắp xếp chuyện cơm nước dắt con ra Quảng trường, nhưng dần dà, mỗi chiều về tôi lại chủ động đưa con ra đây để lại được bay bổng với cánh diều vi vu thuở còn chăn trâu cùng bè bạn bên cánh đồng quê hương bạt ngàn lúa.

Mùa này, cứ khoảng tầm 4 giờ đến 6 giờ chiều, nếu ai đi ngang Quảng trường sẽ được tha hồ nhìn ngắm những cánh diều đủ màu sắc, kích cỡ lượn bay phất phơ trong gió trên nền trời trong xanh.

Quảng trường 16/3, rộng rãi, thoáng mát, chiều về gió hiu hiu rất thuận lợi cho việc thả diều. Sau một ngày làm việc, học tập vất vả, để xua đi những nhọc nhằn, vất vả, rất nhiều người tìm về đây hít thở không khí trong lành, tìm lại cảm giác thoải mái.

Chủ nhân của những chiếc diều cũng đủ mọi lứa tuổi, từ các em bé với những bước đi lẫm chẫm, học sinh trung học, thanh thiếu niên... và có cả những cụ già.

Không phải chỉ cánh mày râu mới mê thả diều, tôi thật bất ngờ khi chứng kiến một tốp nữ sinh reo hò í ới trên thảm cỏ. Cả nhóm loay hoay ráp khung diều, cột dây, căn chỉnh đuôi cánh rồi cũng chạy lấy đà để gom gió cho diều bay lên. Mỗi lần con diều chực lao xuống đất cả nhóm lại hét toáng lên...

Tập trung... ráp khung diều. Ảnh: G.T 

 

Bắt chuyện, tôi được biết các em đang học lớp 11 Trường THPT Kon Tum, nay học 4 tiết được về sớm nên rủ nhau lên Quảng Trường thả diều để hít thở không khí trong lành và thư giãn sau ngày học tập căng thẳng.

Với các em, môn thả diều này hấp dẫn vì khá dễ chơi, không đòi hỏi nhiều sức, lại ít tốn kém tiền bạc; chỉ một cái diều 5, 6 em cùng chơi chung. Khi diều bay cao, các em thay nhau cầm và cùng dõi theo cánh diều bay lượn trên trời cao, cùng tranh nhau áp tai vào dây diều để nghe tiếng gió thổi xì xào. Cảm giác thật thú vị!

Trong những người đang thả diều, có bác Tư Khoa nhà ở đường Trường Chinh, thành phố Kon Tum.

Bác Khoa nay đã hơn 70 tuổi, bác bảo: Chiều nào đón cháu nội về nó cũng bắt ông dẫn ra Quảng trường chơi diều. Thả diều không khó, nhưng để diều có thể bay được và bay cao, kích cỡ các phần của diều phải tương xứng hợp lý, người thả phải biết hướng gió và đặc biệt là phải biết cách chạy đà...

Ngay cả những em nhỏ đi chập chững cũng thích thả diều. Ảnh: G.T 

 

Hai ông cháu tỉ mỉ ráp diều, ông chỉ cho cháu cách tháo lắp những bộ phận rồi cột dây, chạy lấy đà như thế nào. Khi con diều đã thành hình, ông đứng tại chỗ giữ dây còn đứa cháu cầm diều chạy ra xa lấy đà...

Sau khi tự chạy đà gom gió cho cánh diều bay lên và say sưa dõi theo chiếc diều bay xa mút tầm mắt, anh Thịnh làm ở một doanh nghiệp thành phố Kon Tum kể, hồi còn đang đi học, khi tới mùa thả diều, diều không bán nhiều như bây giờ mà phải tự làm. Làm được một chiếc diều cũng rất công phu, khâu đầu tiên phải chọn những thân tre già, đủ độ cứng, vót nhẵn, to chừng bằng cái đũa làm thân, sau đó dán giấy xung quanh, làm sao cho vừa nhẹ, vừa chắc để khi lên cao gió không quật rách được. Khi dán diều phải tìm một khoảng sân trống thật rộng để dán vì đuôi diều dài và cũng là phần rất quan trọng. Phải dán đuôi làm sao để cho cân với với đầu diều khi đó diều mới có thể bay cao, bay xa được. Còn bây giờ chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn là có được chiếc diều ưng ý. Hàng ngày sau giờ làm việc tôi và vài người bạn thường đến đây để thả diều vừa để hóng mát, thư giãn, vừa để tập thể dục.

Đúng như anh Thịnh nói, bây giờ không như trước kia, để có được một chiếc diều chơi phải hì hục mất mấy ngày chuẩn bị, để có được một chiếc diều ưng ý, người chơi chỉ cần bỏ ra chưa tới một trăm ngàn đồng cho chiếc diều loại lớn.

Có rất nhiều loại diều để lựa chọn, đủ màu sắc, nào diều cá mập, cá voi, diều chim phượng, chim công, diều chuồn chuồn, siêu nhân và cả diều nàng tiên cá… Thế nhưng, quan sát trên bầu trời tôi vẫn bắt gặp một vài chiếc diều tự làm với cái đuôi diều thật dài trông rất ấn tượng.

Có cầu ắt có cung, ngay tại Quảng trường 16/3 cũng có gần chục người bán diều. Một trong số đó là chị Thảo, nhà ở đường Lạc Long Quân.

Chị cho biết, mỗi buổi chiều chị bán được 5 – 7 chiếc, chiếc rẻ giá khoảng 30 ngàn đồng, cao nhất cũng chỉ 100 ngàn đồng; nguồn hàng lấy tại Trung tâm thương mại Kon Tum.

Không chỉ bán diều mà chị Thảo còn bán kèm thêm phụ kiện là dây và thanh tre ngang. Phụ kiện của diều bán rất chạy vì ai cũng muốn diều mình bay thật cao, thật xa nên họ phải mua thêm dây, mỗi cuộn dây có giá 15 ngàn đồng; thanh tre ngang giá rẻ hơn, khoảng 3 ngàn đồng/cây, nhưng rất dễ bị gãy khi gặp gió mạnh.

 

Nỗi lo không của riêng ai

Thả diều vốn là trò chơi dân gian truyền thống có từ lâu đời và đến nay vẫn được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, nếu người chơi không tuân thủ những nguyên tắc bảo đảm an toàn cho chính mình và mọi người xung quanh thì thả diều sẽ không còn là thú chơi lành mạnh nữa mà trở thành... nỗi lo.

Thả diều đòi hỏi phải có những khu đất trống, rộng rãi, thoáng đãng hoặc ở những cánh đồng, ít cây cối, nhà cửa để diều không bị vướng các vật cản, đứt dây...

Trong điều kiện hiện nay, những sân chơi, những khu đất rộng ngày càng bị thu hẹp, bởi vậy để thỏa mãn thú vui thả diều, nhiều người, nhất là các em học sinh tùy tiện thả diều trên đường giao thông và đã có không ít vụ tai nạn giao thông đã xảy ra. Nguyên do là các em mải chăm chú chạy đà thả diều mà tông vào các phương tiện tham gia giao thông; hoặc dây diều vướng vào người đi đường gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Tôi còn nhớ, cũng khoảng thời gian này năm trước, một anh bạn tôi ở Gia Lai bị tai nạn giao thông trong trường hợp rất đáng tiếc. Khi anh đang chầm chậm đi trên đường, bất chợt nơi cổ có cảm giác như bị cắt, giật mình anh vội phanh gấp; chưa kịp hiểu chuyện gì anh đã lăn quay ra đường vì xe sau tông phải, may mà chỉ bị trầy xước. Nguyên nhân nhanh chóng được xác định là sợi dây diều của một cậu bé thả trên đường mà đôi mắt cận thị của anh bạn tôi không nhìn rõ.

Một điều cực kỳ nguy hiểm nữa là không ít em thả diều ở khu vực có lưới điện. Đã có rất nhiều sự cố an toàn điện xảy ra vì dây diều, cánh diều cuốn, vướng vào đường điện gây chập cháy...

Những tai nạn này gây hậu quả khôn lường đến cộng đồng và chính cả tính mạng của người chơi diều. Đã không ít lần ngành Điện than vãn, cảnh báo sự nguy hiểm của việc chơi diều gần lưới điện, tuy nhiên vẫn có người phớt lờ để rồi nhận lãnh những hậu quả đáng tiếc.

Đã bước vào mùa thả diều, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, các trường học, chính quyền địa phương, đặc biệt là các bậc phụ huynh cần nhắc nhở con em mình có ý thức và cẩn thận hơn khi tham gia trò chơi này.

Gia Thịnh

Chuyên mục khác