Tản mạn miền đất nơi đầu sóng

06/07/2015 08:25

Thị xã Hà Tiên và huyện đảo Phú Quốc là 2 địa danh du lịch nổi tiếng của tỉnh Kiên Giang từ nhiều năm nay. Hà Tiên cách đảo Phú Quốc khoảng 45km, nếu đi tàu cao tốc hết khoảng 1 giờ 30 phút; từ Phú Quốc về Rạch Giá khoảng 120km, mất khoảng 2 giờ 30 phút. Đây là tuor du lịch được nhiều khách tham quan lựa chọn.

Đêm Hà Tiên

Đã đi nhiều nơi, nhưng có lẽ chuyến đi thực tế của HNB tỉnh tổ chức đến với tỉnh Kiên Giang lần này dường như cho tôi sự rung cảm nhiều hơn cả. Sự rung cảm ấy là những tâm tư, cảm nhận tự đáy lòng mình về vùng đất, tình người nơi đầu sóng cực Tây Nam của Tổ quốc.

Một góc thị xã Hà Tiên. Ảnh: T.T

 

Đêm Hà Tiên trong veo. Tôi thao thức không ngủ! Đêm càng khuya, khi những âm thanh dộn dịp của ngày thường chìm dần vào đêm lặng. Văng vẳng xa xa, chỉ còn lại tiếng sóng biển ạt ào trong màn đêm.

 Miên man đêm Hà Tiên. Những dòng suy nghĩ chắp vá, không đầu, không cuối cứ bất chợt hiển hiện trong tâm tư một cách tự nhiên. Ở đó, là sự cảm nhận về một vùng đất thanh bình, nên thơ đã từng được ngợi ca trong quá khứ, cũng như hiện tại. Cảm nhận về vùng đất của một thời sục sôi “bão táp” cách mạng, của những người dân anh hùng, quả cảm trong lao động cũng như trong kháng chiến.

Vâng, chính mảnh đất này đây, khi Tổ quốc ta đã hòa bình thống nhất, tiếng đạn bom vừa yên, thì kẻ thù hiếu chiến lại rắp tâm lâm le, xâm chiếm. Đất nước lại gồng mình với cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới Tây Nam. Những con người quả cảm của xứ sở kiên cường này, thêm một lần nữa lại bước vào khói lửa đạn bom. Cuộc chiến ấy, đã có hàng ngàn chiến sĩ, đồng bào của chúng ta đã hy sinh anh dũng, để bảo vệ vẹn toàn vùng đất này hôm nay.

 Đêm Hà Tiên mênh mông. Nơi mảnh đất cực Tây Nam này, cũng là nơi yên nghỉ của người anh trai tôi. Anh là người lính đã hy sinh anh dũng cho mảnh đất thân yêu này trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Tôi cũng đã hơn một lần đến với nhiều nơi của tỉnh Kiên Giang, để dò tìm mộ chí người anh trai mình. Mỗi lần đi ấy, là một lần thắp lên trong tôi những hy vọng... cho dù là rất mong manh.

Bằng việc lần tìm, hỏi han thu thập thông tin từ những người cán bộ kháng chiến cùng thời, những người đồng đội cùng đơn vị của anh, nhưng kết cục của sự tìm kiếm mộ chí đều rơi vào bế tắc.

Và, sự bấu víu cuối cùng khi ấy của gia đình tôi, là đành dựa vào ngoại cảm. Dù bán tín, bán nghi, nhưng theo sự chỉ dẫn này, cũng phần nào đem lại nguồn an ủi cho gia đình tôi, đó là một mộ phần liệt sĩ vô danh.

Theo tâm linh không biết đúng hay sai, nhưng tôi biết trong rất nhiều những ngôi mộ không tên này, tất cả các anh đều là đồng đội của anh trai mình. Những người đã ngã xuống để bảo vệ từng miền đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong tôi, một nỗi buồn man mác, bâng khuâng... vì chuyến đi này trái đường, tôi không đủ thời gian để đến nghĩa trang, thắp nén nhang cho anh và đồng đội của anh được.

Đêm Hà Tiên, và những tâm tư miên man... Có lẽ chợp mắt chưa lâu, chuông điện thoại đã đổ hồi báo thức. 4h30’, tôi và một đồng nghiệp trong đoàn thực tế đã lục tục xỏ dày để bách bộ, vãn cảnh Hà Tiên buổi sớm.

Chúng tôi rảo bước trên con đường dọc bờ biển, lắng nghe tiếng sóng ộp ạp, vỗ bờ. Ở thị xã Hà Tiên, có lẽ đêm ngắn hơn so với nhiều thị xã tôi đã đi qua. Mới hơn 4h30’ các hàng quán ăn ở đây đã mở cửa đón khách. Khách vào quán ăn giờ này cũng đã có nhiều. Khách chủ yếu là những đoàn tham quan du lịch. Họ điểm tâm sớm để kịp các tour tham quan theo dự kiến.

Được biết mấy năm gần đây, thị xã Hà Tiên là điểm thu hút khách du lịch khá đông. Vào dịp tháng Năm, tháng Sáu, dường như các nhà nghỉ, khách sạn luôn luôn chật kín khách. Đoàn đi thực tế của HNB tỉnh Kon Tum chúng tôi phải đặt phòng trước mấy ngày mới có được chỗ nghỉ tàm tạm qua đêm.

Chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc 313. Ảnh: T.T

 

Du khách tới đây không chỉ tham quan, tìm hiểu về vùng đất có nhiều địa danh lịch sử, ngắm danh lam thắng cảnh thiên nhiên mơ mộng, mà hầu như các đoàn khách đều tìm đến cột mốc 313. Đây là cột mốc loại A, cặp cửa khẩu quốc tế Hà Tiên của Việt Nam và Preak Chak - Campuchia.

Thế mới biết, cho dù ở bất cứ đâu, người địa phương nào, mỗi người dân Việt Nam luôn luôn thể hiện sự quan tâm của mình đến chủ quyền bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc, với tấm lòng sâu nặng. Cũng như nhiều đoàn khách khác, đoàn thực tế của HNB tỉnh Kon Tum chúng tôi đã chụp hình lưu niệm tại cột mốc 313 trước khi tạm biệt Hà Tiên để đến với huyện đảo Phú Quốc.

Phú Quốc – Đảo ngọc thân yêu!

Phú Quốc là hòn đảo du lịch lớn nhất Việt Nam, thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Từ lâu, Phú Quốc đã nổi tiếng là hòn đảo ngọc trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Đoàn thực tế sáng tác chúng tôi lên tàu từ Hà Tiên vào lúc 9h15’. Cũng như nhiều anh em trong đoàn, đây là lần đầu tiên tôi được đến với đảo Phú Quốc. Bởi vậy dù gió quất rát mặt, mắt cay xè nhưng tôi vẫn đứng hoài trên boong tàu để được ngắm nhìn cho thỏa thích.

Tàu cá trên bến Dương Đông. Ảnh: T.T

 

Dọc hành trình, tàu đi qua nhiều đảo lớn, đảo nhỏ. Trong đó, nhiều đảo có bà con ngư dân sinh sống. Với tôi, đảo nào cũng rất đẹp. Đảo nào cũng đậm đặc một màu xanh thậm của cây lá, tràn đầy sức sống.

Vùng biển phía cực Nam những ngày biển không động thật đẹp và nên thơ. Nước biển xanh thẳm, xa xa những con sóng nhỏ bạc đầu nhấp nhô trắng xóa. Bất giác, trong tôi chợt liên tưởng đến ca từ của một bài hát về biển: Ơi biển Việt Nam ơi sóng Việt Nam/ Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng/ Vùi sâu dưới đáy những gì yêu thương/ Biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương...

Gần tiếng rưỡi đồng hồ trên chuyến tàu cao tốc (chặng đường khoảng 45km), tôi có cảm giác thời gian trôi đi thật nhanh. Gần 11h, đoàn chúng tôi cập cảng Phú Quốc. Trong tôi rạo rực một cảm giác xốn sang, thật khó lý giải.

Đoàn dùng bữa ăn trưa ở một nhà hàng ngay ven bờ biển. Chúng tôi chọn vị trí thuận lợi để có thể vừa ăn, vừa được ngắm biển quê hương. Các món hải sản bình dân ở đây giá rẻ, nhưng món nào cũng ngon, bởi hầu hết là tươi sống.

Theo lịch trình chuyến đi, chúng tôi lưu lại trên đảo không nhiều. Thời gian chỉ còn lại một buổi chiều và một đêm ngủ lại, hôm sau phải trở về Rạch Giá. Bởi vậy, chúng tôi phải tranh thủ tối đa để đi được nhiều nơi có thể. Cách tham quan theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” - tiếc lắm, nhưng biết làm sao được.

Các điểm đến của đoàn như Trại nuôi ngọc trai, Nhà thùng nước mắm, nơi chế biến rượu sim... đều rất vội. Ngoại trừ Khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc, đoàn nán lại khá lâu. Chúng tôi thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; thăm các khu nhốt các tù binh.

Chỉ với một vài hình tượng phác họa, cũng đủ thấy sự tàn bạo đến cùng tận của kẻ thù đối với các chiến sĩ cách mạng. Thông qua đó, ta càng thấy khâm phục một ý chí kiên cường và lòng yêu nước bất diệt của các bậc cha anh. Những người đã ngã xuống cho Phú Quốc hôm nay hồi sinh, cho Tổ quốc nở hoa độc lập.

Quỹ thời gian để khám phá đảo ngọc Phú Quốc thật ngắn ngủi. Dù đã “vắt chân lên cổ” để đi cho được nhiều nơi, nhưng còn quá nhiều các địa danh nổi tiếng như Suối Tranh, Bãi Sao, quần đảo An Thới... chúng tôi phải đành ngậm ngùi khất hẹn.

Khác với Hà Tiên, ngoại trừ khu vực chợ đêm Dinh Cậu, thì hầu như khung cảnh về đêm ở Phú Quốc như trầm mặc hơn. Chưa khuya lắm, đường phố đã ít xe, người qua lại. Đêm giữa trùng khơi, cho tôi một cảm giác mênh mông, nhưng gần gụi.

Theo lịch trình của đoàn, sáng hôm sau chúng tôi phải lên đường về đất liền chuyến sớm. Để tranh thủ chút thời gian còn lại, mới hơn 4h sáng, tôi đã cuốc bộ một vòng để ngắm nhìn thêm vài con phố, bến thuyền trước giờ tạm biệt đảo ngọc thân yêu.

Bách bộ trên cầu Nguyễn Trung Trực. Cầu được bắc qua con sông Dương Đông nối liền đường Nguyễn Trung Trực với đường 30/4. Được biết, trước khi chưa có cầu này, nếu không qua sông bằng phà, thì du khách phải đi vòng khoảng 4km. Ở hai bên bờ thượng lưu, và hạ lưu cầu là bến neo đỗ các tàu đánh cá của bà con ngư dân.

Ngắm nhìn những tàu cá đông đúc, ra vào tấp nập, những ngư dân nước da rám cháy vì sóng, gió mặn mòi của biển cả, cũng đủ biết họ đều là “cội rễ” với nghề, có nhiều đời gắn bó với biển.

Những năm gần đây, khi Biển Đông “dậy sóng”, thì cũng như bao ngư dân ở các vùng miền khác, việc bám biển không chỉ riêng là hành nghề đánh bắt cá. Mà với họ, còn luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác. Họ là những chiến sĩ “biên phòng” thực thụ, sẵn sàng dấn thân, xông pha nơi tuyến đầu, ngày đêm bám biển để khẳng định chủ quyền nơi biển đảo thiêng liêng...

T.T

Chuyên mục khác