Tái hiện lịch sử bằng nghệ thuật

01/04/2022 13:04

Lặng thầm sau ánh đèn sân khấu, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Phạm Văn Hân – Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh luôn dày công đầu tư cho từng kịch bản, góp sức làm nên những chương trình nghệ thuật để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
Thầm lặng sau ánh đèn sân khấu. Ảnh: HT

 

Ly cà phê nguội ngắt. Trang word trên máy tính trắng xóa. Đã mấy đêm rồi, từ lúc nắm thông tin về chuẩn bị Chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh, NSƯT Phạm Văn Hân đã chuẩn bị viết kịch bản sân khấu. Thế nhưng, cứ viết rồi lại xóa. Có những lúc, ý tưởng hay lại không phù hợp với ngữ cảnh. Khi có ý tưởng phù hợp, nội dung lại đơn điệu, không hấp dẫn. “Làm một chương trình nghệ thuật không khó, nhưng để phù hợp với bối cảnh lịch sử, giúp người xem hình dung, sống lại những sự kiện lịch sử thật sự là thử thách không dễ dàng” – anh Hân chia sẻ.

7 năm viết kịch bản và tổng đạo diễn cho các chương trình nghệ thuật, NSƯT Phạm Văn Hân không nhớ hết mình đã viết kịch bản cho bao nhiêu chương trình, lễ kỷ niệm. Có những chương trình thành công, nhưng cũng có những lúc chưa như mong đợi. “Ngẫm nghĩ, hình dung trước khi viết kịch bản. Trong lúc viết phải suy nghĩ, đắn đo. Và sau khi chương trình hoàn thành, mình lại phải tự đánh giá và rút kinh nghiệm. Người làm ra sản phẩm phải trân quý, biết lắng nghe, đó là lương tâm nghề nghiệp” – anh Hân trải lòng với nghề.

Không như các tác phẩm nghệ thuật khác, khi viết kịch bản cho những hoạt cảnh, chương trình kỷ niệm các sự kiện lịch sử, người viết kịch bản phải đảm bảo tính chuẩn xác từ nhân vật, sự kiện lịch sử, trang phục đến bối cảnh... Anh Hân hay nói rằng, để kể lại cho người sống hiểu những câu chuyện của người đã ngã xuống, buộc người viết kịch bản và người thể hiện (những diễn viên) phải hiểu và phải nhập vai. “Có bột mới gột nên hồ”, để diễn viên có thể nhập vai một cách tốt nhất, phải có một kịch bản hay. Do đó, người viết phải hiểu thật kỹ bối cảnh lịch sử, hiểu rõ về tính chất, ý nghĩa, mục đích của các sự kiện lịch sử.

Anh Hân nhớ mãi lần viết kịch bản cho Chương trình tưởng niệm 50 năm ngày các chiến sĩ Trung đoàn 209 hy sinh tại Chư Tan Kra (Sa Thầy). Để viết kịch bản cho Chương trình này, anh không thể nhớ được bản thân đã tìm đến Chư Tan Kra bao nhiêu lần trước khi viết kịch bản. Anh đến, vừa để tìm hiểu về không gian, bối cảnh, nơi diễn ra sự kiện. Anh cũng đến tìm gặp một số nhân vật lịch sử để lắng nghe, để hiểu hơn về sự kiện.  Anh nói rằng, sách vở, tư liệu là điều cần thiết nhưng chính những nhân chứng sống là mạch nguồn cảm xúc để viết. “Nhiều lúc, nghĩ mãi không ra nội dung, nhưng chỉ cần bất chợt nghe một câu nói của một nhân chứng lịch sử hoặc hình ảnh liên quan, ý tưởng lại ùa về, viết một mạch”- anh Hân trải lòng.

Hiểu rõ, người biên kịch, đạo diễn là “xương sống” cho một chương trình, vậy nên, với mỗi kịch bản, anh luôn dày công suy nghĩ, sắp xếp các tiết mục, nội dung thật hợp lý, vừa đảm bảo tính lịch sử, vừa tạo ra cao trào, hấp dẫn, vừa đọng lại cảm xúc trong lòng khán giả. Trong thời lượng cho phép, anh tính toán để lồng ghép khéo léo các tiết mục vừa kịch, vừa hát, vừa múa một cách cô đọng nhất nhưng đầy đủ nhất.

Trong viết kịch bản và đạo diễn, anh Hân nói nếu không cẩn thận, chương trình sẽ bị lệch. Bởi thế, không ít lần, gần đến giờ diễn, anh vẫn phải cắt hoặc thêm nội dung. Trải lòng với nghề, anh mong mọi người thông cảm, bởi suy cho cùng, điều người đạo diễn hướng đến là một chương trình hoàn thiện, thành công. “Nhiều khi, trong lúc viết, mình sẽ không nhận ra được các chi tiết hay hoặc các chi tiết chưa hợp lý, nhưng trong quá trình hoàn thiện, mình sẽ tiếp tục suy nghĩ để cuối cùng có một tác phẩm chuẩn và ý nghĩa nhất. Những năm qua, các anh em trong đoàn cũng hiểu và chia sẻ với mình. Và ai cũng nỗ lực để có một chương trình thành công nhất” – anh Hân nói.

Các sự kiện lịch sử luôn là đề tài vô tận đối với nghệ thuật sân khấu, nhưng, để có những chương trình, hoạt cảnh ý nghĩa, người viết kịch bản, đạo diễn phải gặp không ít các thách thức. Tâm sự về nghề, anh Hân thổ lộ, nhiều lúc buồn, vì có những kịch bản, khi viết ra, rất hài lòng, rất phù hợp nhưng thực tế nhân lực hạn hẹp nên “lực bất tòng tâm”, không thể thực hiện được. Lúc ấy, anh đành phải chấp nhận điều chỉnh để phù hợp hơn.

Với các chương trình kỷ niệm các sự kiện, anh Hân luôn viết với tinh thần tự hào dân tộc. Vậy nên, khi thực hiện được một chương trình ý nghĩa, để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả, với anh Hân, đó là niềm vui lớn nhất và cũng là niềm động lực lớn để anh tiếp tục cống hiến.

Chương trình nghệ thuật trong Lễ kỷ niệm 90 năm cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Nhà ngục Kon Tum. Ảnh: HT

 

Quanh câu chuyện với anh, tôi nhớ lại buổi Lễ kỷ niệm 90 năm Cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Ngục Kon Tum. Buổi hôm ấy, không ít khán giả đã khóc. Tại Ngục Kon Tum, hoạt cảnh sân khấu như đưa người xem chứng kiến tinh thần quyết tử “chết để sống”, “chết một người để cứu sống muôn người” của những người tù chính trị trong cuộc đấu tranh Lưu huyết cách đây hơn 90 năm. Những tiết mục với nhiều thể loại tiếp nối nhau hài hòa, khi sâu lắng, lúc cao trào... không chỉ giúp mỗi khán giả thấu hiểu sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cộng sản trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai mà còn giúp mỗi người thêm hiểu để cố gắng lao động, học tập tốt nhằm không phụ lòng hy sinh của thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Hôm ấy, đứng phía dưới khán đài, anh Hân chăm chú xem lại các chi tiết của kịch bản, vừa xem cách thể hiện của mỗi diễn viên. Nghe những tràng vỗ tay, những lời trầm trồ khen cho một chương trình giá trị, ý nghĩa, anh thực sự hạnh phúc. “Với người viết kịch bản và tổng đạo diễn, chỉ cần có thế. Nhưng không phải vì thế mà “ngủ quên” với thành tích. Phải học hỏi mỗi ngày để sáng tạo hơn, nhiệt huyết hơn” – anh Hân bày tỏ.

Lịch sử dân tộc luôn là nguồn đề tài vô tận. Nhưng ở địa phương, các sự kiện lặp lại qua từng năm, đó cũng là thách thức cho người viết kịch bản chương trình sân khấu. Phải làm sao để không đi theo lối mòn của năm cũ, phải làm sao để chương trình mới hơn, hay hơn nhưng vẫn đảm bảo ý nghĩa là điều mà anh Hân cũng như những người viết kịch bản, đạo diễn các chương trình nghệ thuật luôn nỗ lực để thực hiện.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác