Sức sống mới ở làng tái định cư

08/04/2022 06:05

Tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của làng Đăk Krăk (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum) sau 7 năm thành lập. Không còn dáng vẻ khô cằn, hoang sơ ngày nào mà thay vào đó là một làng quê nông thôn mới xanh, sạch, đẹp. Cuộc sống ấm no đang hiện diện ở từng nếp nhà.
Làng Đăk Krăk xanh, sạch, đẹp hôm nay khác xa với dáng vẻ khô cằn, hoang sơ ngày mới thành lập. Ảnh: TH

 

Sức sống mới trên vùng đất cằn

Làng Đăk Krăk tiền thân là Khu tái định cư, giãn dân thuộc thôn 4, xã Hòa Bình được thành lập theo Quyết định số 487/QĐ-UBND (ngày 30/5/2012) của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án tái định cư, giãn dân các làng DTTS nội thành thành phố Kon Tum. Việc giãn dân nhằm tạo điều kiện cho hộ có nơi ở ổn định, có đủ điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm nghèo. 

Đầu năm 2015, 72 hộ dân đầu tiên, trong đó có 46 hộ đến từ làng Kon Hra Chót và Kon Tum Knâm (phường Thống Nhất) và 25 hộ đến từ 2 làng Plei Tnghia và Plei Đôn (phường Quang Trung) đã đến định cư ở khu tái định cư. Đến đầu năm 2016, làng Đăk Krăk được thành lập theo Quyết định số 1368/QĐ-UBND ngày 29/12/2015 của UBND tỉnh Kon Tum với 73 hộ dân, 381 nhân khẩu. Các hộ dân này đều là hộ nghèo, thiếu đất ở, đất sản xuất. Họ quyết tâm về làng mới với  khát khao xây dựng một cuộc sống mới khá giả hơn.

Đến làng mới, mỗi hộ dân được Nhà nước xây dựng 1 căn nhà với diện tích 40m2, cấp lương thực ăn trong hơn 1 năm (mỗi người 15 kg/tháng); cấp đất sản xuất và hỗ trợ trồng 1 ha cao su tiểu điền.

Trưởng thôn Y Nếp chia sẻ: Đây vốn là vùng đất khô cằn, bạc màu lại thường xuyên thiếu nước. Buổi đầu ở làng mới, đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng, được sự động viên, hỗ trợ của các cấp, các ngành của xã Hòa Bình và thành phố Kon Tum cùng với ý thức trách nhiệm khi đã được Nhà nước tạo điều kiện về mọi mặt cùng khát vọng vươn lên của những người trẻ, người dân đã nỗ lực cải tạo đất đai, tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi, chịu khó lao động nên cuộc sống dần dần ổn định.

Tôi vẫn còn nhớ, tháng 2/2015 khi đến tham dự lễ ra mắt khu giãn dân xã Hòa Bình, nhiều người không khỏi ái ngại khi thấy bốn bề chỉ có nắng thiêu đốt và những mảnh vườn cằn cỗi, khô khốc. Thế mà giờ đây, sau 7 năm, Đăk Krăk tràn đầy sức sống. Một màu xanh của những vườn cao su, cây ăn trái đã phủ kín quanh khu tái định cư. Đường làng được giữ gìn sạch sẽ, trang trí xung quanh bằng nhiều loại hoa đủ sắc màu. Cuộc sống mới với nhiều đổi thay rõ nét.

Sau 7 năm lập làng, hiện số hộ gia đình ở làng Đăk Krăk đã tăng lên là 86 hộ với trên 400 nhân khẩu.

“Điện, đường, trường, nước sạch thì đã có Nhà nước lo, bà con mình chỉ lo làm ăn để kinh tế phát triển, giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hiện tại, trong làng không có tình trạng người dân uống rượu say xỉn và lười lao động. Các lễ hội đều được bà con tổ chức tiết kiệm và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Người dân sống đoàn kết, thân thiện, cùng chung tay giữ gìn an ninh trật tự, ổn định” – chị Y Nếp tự hào khoe.

Qua rồi cái thời gian khó

Anh Hưih mở miệng cạo để chuẩn bị cho vụ thu hoạch mủ cao su đầu tiên. Ảnh: TH

 

Sau trận mưa đầu mùa, buổi sáng mát dịu, vợ chồng anh Hưih và chị Y Nuyên tranh thủ ra vườn làm máng che, mở miệng cạo để chuẩn bị đưa vào khai thác đợt mủ cao su đầu tiên.

Không giấu nổi niềm hạnh phúc sau hơn 7 năm trồng, chăm sóc, ngóng trông, anh Hưih chia sẻ: Trước đây, nhà mình ở làng Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất) không có đất, có nhà nên cả gia đình 4 người phải ở nhờ nhà vợ. Không đất trồng cấy, quanh năm suốt tháng, hai vợ chồng đều phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Nhưng khi nghe chính quyền thông báo có chương trình giãn dân, vợ chồng mình đăng ký ngay. Xuống đây, được Nhà nước cấp đất, cấp nhà, hai vợ chồng mình vui lắm, bảo nhau chịu khó làm ăn để nhanh chóng thoát nghèo.  Mấy năm đầu, vườn cao su chưa khép tán, mình trồng mì rồi từng bước cải tạo khu vườn cạnh nhà trồng mít Thái, vay vốn ngân hàng mua bò sinh sản.

Hiện tại, mỗi năm từ tiền bán mít, vợ chồng anh thu về khoảng 10 triệu đồng, tiền bán bê con cũng được 30-35 triệu đồng. Ngoài ra, thời gian nông nhàn, anh Hưih còn đi nhổ mì, cạo mủ cao su thuê cho người dân ở làng khác nên cũng thêm thu nhập.

“Cuộc sống gia đình cứ thế vượt qua khó khăn và từng bước ổn định. Sau thời gian, có thêm tiền tích lũy, mình mở rộng nhà cửa, sắm sửa được nhiều vật dụng tiện nghi phục vụ cho sinh hoạt, chăm lo tốt hơn cho con. Đây là điều mà trước đây mình không dám mơ tới”- chị Y Nuyên xúc động tiếp lời chồng.

Với chị Y Ranh, cho đến giờ chị vẫn thấy quyết định rời làng 7 năm trước của gia đình là hoàn toàn đúng đắn. Vừa làm, vừa ngắm từng cây cao su mập mạp, xanh mướt, chị Y Ranh đang tràn đầy hi vọng chờ đón vụ cạo mủ đầu tiên. Niềm hi vọng ấy càng tăng khi hiện nay, giá mủ cao su tăng.

“Lúc mới xuống nhận đất, nhận nhà mình cũng bối rối lắm, vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì có nơi ăn, chốn ở ổn định, nhưng cũng lo lắm vì việc thay đổi chỗ ở là một vấn đề lớn, không biết cuộc sống phía trước ở nơi mới ra sao. May mắn là gia đình mình cũng như tất cả mọi nhà trong làng được các cấp, các ngành quan tâm giúp đỡ rất nhiều như cấp gạo cứu đói, cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống cây, con, hướng dẫn kỹ thuật...nên khó khăn trôi đi từng ngày. Hiện tại, cuộc sống đã ổn định, sắp tới vườn cao su được khai thác chắc chắn kinh tế gia đình mình sẽ khá giả hơn” – chị Y Ranh giãi bày.

Năm nay nhiều gia đình đã bắt đầu khai thác mủ cao su. Ảnh: TH

 

Theo người dân trong làng, những vườn cao su được trồng ở những chỗ đất tốt và các gia đình chăm sóc cẩn thận hơn thì năm nay sẽ được khai thác, còn lại sang năm cũng sẽ bắt đầu thu hoạch. Khi toàn bộ diện tích cao su được đưa vào khai thác hứa hẹn mang lại thu nhập tốt hơn cho người dân.

Vậy là, từ những gia đình nhiều không (không nhà ở, không đất sản xuất, không vốn liếng, không tay nghề...) đến hôm nay các gia đình đã có nhà cửa, đất đai sản xuất, có vườn cao su. Qua rồi cái thời gian khó, tương lai tươi sáng đang mở rộng với mỗi công dân của làng Đăk Krăk.

Hầu hết các gia đình đều trồng được một vườn cây ăn trái để có thêm thu nhập. Ảnh: TH

 

Các gia đình chú trọng phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Ảnh: TH

 

Trưởng thôn Y Nếp tiết lộ: Sự hỗ trợ của Nhà nước chính là đòn bẩy để người dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Hiện tại, hầu hết mỗi nhà đều trồng được một vườn mít hoặc xoài, chăn nuôi 2 – 3 con bò sinh sản cùng với heo, gà, nhờ đó thu nhập khá ổn định. Các gia đình có điều kiện mở rộng nhà cửa, xây dựng bếp, công trình phụ hiện đại rồi làm sân, tường rào bao quanh và sắm xe máy, tivi... Tuy chưa thực sự khấm khá, nhưng cuộc sống của bà con ở làng mới đã tốt hơn rất nhiều, các gia đình đã “an cư” và đang từng bước “lạc nghiệp”.

Có thể nói, sau 7 năm, người dân làng Đăk Krăk đã an tâm gắn bó với nơi ở mới, như gốc cây đã và đang bén rễ, đâm chồi, nẩy lộc phát triển tốt tươi trên những vùng đất mới. Và điều quan trọng là trên chặng đường xây dựng cuộc sống, thôn làng đổi mới, người dân Đăk Krăk tiếp tục có sự đồng hành, giúp đỡ của chính quyền thành phố Kon Tum và xã Hòa Bình.

Thiên Hương

Chuyên mục khác