Sau nhịp trống lân

18/09/2018 07:08

​Tùng... tùng... tùng... cắc, tùng... tùng... tùng... tùng. Tiếng trống lân rộn rã nơi nơi. Thật khó tưởng tượng một ngày nào đó, tiết Trung thu lại không có tiếng trống lân náo nức, giục giã; không có những chú lân sặc sỡ vờn múa giữa vòng người. Nhưng mấy ai biết rằng đằng sau nhịp trống ấy là cả một câu chuyện dài...

1. Tôi vừa được xem một buổi tập luyện của Câu lạc bộ Lân - Sư - Rồng Hoàn Thiện trên đường Trần Phú (thành phố Kon Tum). Gọi là tập luyện nhưng bài bản, lớp lang như đang biểu diễn vậy. Hôm nay Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đinh Vũ Thiện trực tiếp đảm trách múa đầu lân.

Gần 1 tháng nay, cứ 17h hàng ngày, Câu lạc bộ lại tập luyện ở góc đường Trần Phú – Nguyễn Đình Chiểu. "Tết Trung thu đã gần lắm rồi, bọn em phải gấp rút tập luyện cho kịp. Nhìn thì có vẻ trơn tru thế đấy, nhưng thực ra cũng còn phải uốn nắn nhiều lắm"- Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đinh Vũ Thiện nói, người đầm đìa mồ hôi.

Theo Thiện, múa lân không đơn giản là... giơ đầu lân lên rung, lắc, mà lúc đó, người múa phải hình dung mình đang là một con lân thực sự. Từ cái bước đi, đến cái chớp mắt, đều phải lột tả được thần thái của nó, vừa hung mãnh, vừa ngộ nghĩnh. Muốn vậy, phải tập luyện rất nhiều, tập đến nỗi khi nhắm mắt cũng thực hiện được những động tác đó, làm cho nó thấm vào trong người.

Câu lạc bộ Lân - Sư - Rồng Hoàn Thiện trong một buổi tập luyện. Ảnh: T.H

 

Vậy nên, mỗi khi đội đầu lân lên, nghe tiếng trống là em quên hết xung quanh, thấy chính mình là một con lân thực sự, từ đó diễn tả được hết những cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của lân - Thiện cười.

Ví dụ thế này nhé - Thiện vừa nói vừa vung tay ra bộ - khi lân vào sẽ chào 4 hướng, rón rén bước, nhìn trái, nhìn phải như rụt rè, như lo ngại; khi vờn thì dũng mãnh, mạnh mẽ, dứt khoát; khi leo cột thì run rẩy, mắt chớp chớp; khi ngủ thì thư giãn, thoải mái, mắt mơ màng; khi ăn (lấy phần thưởng) thì vui vẻ, nhảy nhót...

Ngay cả đánh trống, chiêng, xèng cũng phải tập luyện rất nhiều. Phải đánh sao cho tiếng trống, tiếng chiêng nghe rộn ràng nhưng có hồn; âm thanh không khô khan, tách rời mà hòa vào những động tác khi vờn, lúc ngủ, khi giận dữ, lúc lại nũng nịu… của con lân.

2. Dù cho xã hội phát triển, dịp Tết Trung thu đã có thêm nhiều hoạt động vui chơi, giải trí mới thì múa lân vẫn thu hút được sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Thế nhưng, có mấy ai hiểu được rằng, đây là môn nghệ thuật đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ nhất của cả một tập thể.

Tôi dám chắc rằng, ai cũng chỉ dán mắt vào những động tác đẹp mắt của lân, cuốn theo âm thanh náo nức của trống chứ không để ý đến sự phối hợp đến độ thống nhất giữa người múa đầu và người múa đuôi, giữa con lân và trống, chiêng, giữa ông địa với con lân.

Ấy là sự kết hợp giữa cương và thả, giữa lỏng và cường, tất cả phải đồng điệu, có sự móc xích lẫn nhau giữa trống, chiêng với lân, giữa lân với ông địa, giữa ông địa với chiêng, trống. Khó có thể làm thành một tiết mục múa lân nếu thiếu một trong ba - Nguyễn Thành Lâm, một thành viên sáng lập khác của Câu lạc bộ giải thích.

Đặc biệt là trống - Thiện giới thiệu - đây là âm thanh giúp cho tiết mục múa lân thêm sôi động, làm toát lên khí thế của con lân, thúc đẩy con lân múa… Trống đánh yếu, không khớp hoặc sai thì con lân không tài nào mà múa cho tốt được.

Nhắc đến con lân, thì sự phối hợp lại càng khắt khe hơn nữa, cần phải đạt đến độ nhuần nhuyễn. Người múa đầu lân và người múa đuôi lân cần hiểu ý nhau, tập luyện với nhau nhiều thì mới kết hợp thành một con lân hoàn chỉnh được. Cứ tưởng tượng xem, nếu người múa đầu nhảy sang trái, người múa đuôi nhảy sang phải, nhảy sớm hơn hoặc nhảy chậm hơn thì sẽ như thế nào?

Như thế, khuất sau những màn diễn sinh động, đầy hào hứng của những chú lân là sự nỗ lực của toàn đội, là sự nhịp nhàng và tinh tế khi cả chục con người luôn cùng lắng nghe nhịp nhảy, nhịp gõ của nhau.

3. Tùng... tùng... tùng..., cắc, tùng... tùng... tùng... tùng, nhịp trống đổ dồn. Chú lân vươn mình thẳng trên cọc sắt cao nhất, đầu gật gật chào rồi nhảy xuống trong tiếng vỗ tay rào rào xung quanh. Một tay nâng đầu lân, một tay quệt mồ hội đọng trên trán, Thiện gật gù: Như thế này là ổn rồi. Anh em nghỉ, mai tập tiếp...

Nhìn những em nhỏ xúm xít xung quanh háo hức xem, Đinh Vũ Thiện cười hiền: Y như em ngày trước. Từ khi còn bé, cứ nghe tiếng trống lân là em nôn nao cả người. Dù đang quét nhà, rửa chén hay học bài thì cũng bỏ đó để chạy ra xem lân cái đã.

Đội lân vừa hoàn thành bài múa Mai hoa thung, tức là múa trên những cây cọc được xếp từ thấp đến cao dần - một tuyệt kỹ trong múa lân, luôn khiến người xem hồi hộp đến thót tim.

Theo những thành viên của Câu lạc bộ, múa Mai hoa thung rất khó, bởi cả người múa đầu và người múa đuôi, trong điều kiện bị trùm kín mắt, phải nhảy chính xác trên những cọc sắt cao trung bình hơn 2m. Vì vậy, người múa lân cần có sự dẻo dai, bền bỉ từ luyện tập, sự chuẩn xác từ kinh nghiệm và sự chắc chắn đến từ ý chí, tinh thần quả cảm.

Bài Mai hoa thung có nhiều động tác phức tạp như đội đầu lân đứng một chân trên đùi, trên tay hoặc vai của người giữ đuôi lân, rồi hai chân đứng trên đùi, quay 180 độ, nhảy ngồi lên đầu… Chỉ cần mất tập trung hoặc kết hợp không hài hòa với tiếng trống để trượt chân thì tai nạn là điều khó tránh khỏi.

Mai hoa thung là bài mua lân khó nhất. Ảnh: T.H

 

Khi mới tập bài Mai hoa thung này, bọn em bị ngã bong gân, trật khớp tay chân là chuyện thường, có người còn phải vô bệnh viện nằm cả tuần đấy anh ạ - một thành viên vừa thở vừa nói.

Vậy múa lân có phải biết võ không? Tôi hỏi Thiện một câu mà tin chắc rằng nhiều người muốn hỏi.

Có đấy anh - Thiện tiết lộ - về cơ bản, các động tác múa lân thường tuân thủ theo các bài quyền. Mỗi thành viên mới của Câu lạc bộ đều mất ít nhất 3 tháng luyện đứng tấn, tập các bài thể lực, võ thuật để luyện cho xương cốt, cơ bắp dẻo dai, cứng cáp... Khi cước bộ vững vàng rồi mới được học múa lân.

Nhưng trên tất cả, phải có đam mê. Vì đam mê, từ khi còn bé tí, Thiện đã tự mày mò làm đầu lân để múa cùng nhóm bạn trong xóm. Lớn lên chút, Thiện xin ba mẹ vào Thành phố Hồ Chí Minh, xin học múa lân ở Câu lạc bộ Nhơn Nghĩa Đường.

Cũng vì đam mê, năm 2014, Thiện cùng 10 người bạn nữa lập ra Câu lạc bộ Lân – Sư – Rồng Hoàn Thiện với mong muốn thúc đẩy, "chuyên nghiệp hóa" phong trào múa lân ở quê nhà. Sau mấy năm nỗ lực, hiện Câu lạc bộ hoạt động ổn định với 60 thành viên. Ngoài múa lân, Câu lạc bộ còn làm và bán đầu lân, ông địa, trang phục..., tạo việc làm cho hơn 10 em nhỏ.

Bây giờ đời sống được nâng cao, lân không chỉ được múa trong dịp Tết hay Trung thu mà các dịp cưới hỏi, mừng thọ, khai trương nhà hàng, mở cửa hàng, khánh thành nhà mới... Nhưng mỗi khi đến Tết Trung thu thì vẫn tất bật hơn cả, náo nức hơn cả. Thật khó tưởng tượng một ngày nào đó, tiết Trung thu lại không có tiếng trống lân náo nức, giục giã; không có những chú lân sặc sỡ vờn múa giữa vòng người.

Không phải chỉ vì kinh tế, vì mưu sinh, mà còn cả vì thú vui, niềm đam mê nữa anh ạ. Nhiều khi anh em nổi hứng, biểu diễn "miễn phí" trên đường phố để phục vụ khán giả nhí ấy chứ. Chỉ cần nghe tiếng vỗ tay hay hò reo của các em nhỏ là thấy vui rồi- Thiện chia sẻ.

Nhưng để có được những màn múa lân mãn nhãn trong mấy đêm trong tiết Trung thu náo nức ấy, những người múa lân như Thiện đã phải chuẩn bị từ trước đó hơn... nửa năm. Nói cho đúng hơn thì ngay sau khi ăn Tết xong, toàn đội đã tập hợp lên bài, học kỹ thuật, tập từng động tác…, cứ thế khổ luyện cho đến thành thục.

Ngắm chú lân thân thiện trong vòng vây trẻ nhỏ, tôi suy nghĩ về chữ “hồn” mà Thiện nhắc tới. Trung thu sẽ rộn ràng tiếng trống, hối hả tiếng chiêng, và chật ních dòng người hào hứng hò reo chạy theo một đội lân trên phố. Nhưng đằng sau đó, là lưng áo ướt đẫm mồ hôi, khuôn mặt mệt mỏi của những người đang thổi hồn vào từng tiếng trống, từng điệu múa, và cả cái phẩy quạt rất đỗi lười biếng của ông địa...

Thành Hưng

Chuyên mục khác