Rục rịch lo hàng Tết

05/12/2018 06:17

Còn hơn 2 tháng nữa Tết Kỷ Hợi 2019 mới chạm ngõ nhưng các cơ sở sản xuất: miến, bánh tráng, thịt hun khói Bazan, chuối ép… đã tất bật chuẩn bị nguyên vật liệu, tuyển nhân công sản xuất hàng hóa cung ứng ra thị trường. Cùng với việc đảm bảo số lượng, các cơ sở còn chú trọng đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rục rịch vụ Tết

Mặt trời vừa ló rạng, 8 nhân công làm việc tại cơ sở miến dong của hộ gia đình ông Nguyễn Nhân ở thôn Phương Quý 1, xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum) đã bắt tay vào guồng máy làm việc để kịp đưa ra thị trường số lượng lớn hàng hóa phục vụ Tết Kỷ Hợi sắp đến.

Đon đả đón khách, ông Nhân cho biết, những năm trước, miến dong của gia đình ông đa số cung ứng cho khách sỉ và lẻ tại các huyện trong tỉnh. Năm nay, thị trường được mở rộng ra các tỉnh, thành phố: Gia Lai, Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng… nên cách đây 2 tuần, ông đã phải nhập về 15 tấn bột dong tươi để sản xuất, cung ứng cho bạn hàng.

“Năm ngoái chỉ có 4 nhân công làm nhưng năm nay số lượng nhân công tăng lên gấp đôi mới đảm bảo đủ hàng. Hiện tại chúng tôi đã nhận đơn đặt hàng Tết ở một số tỉnh, thành phố” - ông Nhân cho hay.

Mặc dù số lượng nhân công đã tăng gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái, tuy nhiên, ông Nhân xác định, những tháng giáp Tết, việc sản xuất sẽ không kịp.

“Chúng tôi cũng đã thông báo trước với nhân công rằng những ngày gần Tết có thể phải bó miến ban đêm để kịp có hàng giao cho khách” - ông Nhân nói.

Cũng như cơ sở của ông Nhân, ngoài việc sản xuất để đảm bảo lượng hàng cung cấp cho khách sỉ và lẻ hàng ngày, cơ sở thịt hun khói Bazan của anh Hồ Việt ở thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) cũng ráo riết chuẩn bị nguyên liệu, nhân công để sản xuất hàng hóa phục vụ Tết.

Anh Hồ Việt cho biết, vào ngày thường, chỉ có anh và vợ là nhân công chính, những tháng cuối năm, vợ chồng anh phải tuyển dụng thêm 2 nhân công để đảm bảo việc sản xuất hàng Tết.

Không chỉ lo về nhân công, dự kiến mức tiêu thụ trong Tết năm nay sẽ gấp 3 so với năm ngoái (khoảng 100 con heo trong tháng Tết) nên từ nhiều ngày nay, anh Hồ Việt đã đặt mua các nguyên vật liệu đảm bảo để sản xuất sản phẩm.

Nhiều năm làm nghề, cô Trương Thị Trinh - chủ cơ sở sản xuất Chuối ép tẩm mật ong tại 197/14 Phan Chu Trinh (thành phố Kon Tum) hiểu rõ áp lực sản xuất hàng Tết.

Cô Trinh hối hả sản xuất chuối ép tẩm mật ong để kịp đáp ứng ra thị trường

 

Theo lời cô, cứ đến Tết, lượng hàng tiêu thụ gấp đôi ngày thường nên việc bị “hối hàng” là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, để có đủ hàng hóa cung ứng ra thị trường, ngay từ đầu tháng 10 âm lịch, cô đã tất bật bắt tay vào sản xuất.

Theo đó, cô đã đặt cả tấn chuối tươi để sản xuất ra sản phẩm chuối ép phục vụ thị trường. “Nếu không đặt sớm khó có đủ nguyên liệu để làm. Vì hàng có thời hạn sử dụng khá lâu (6 tháng) nên tôi tập trung làm sớm, hút chân không rồi bán ra thị trường” - cô Trinh chia sẻ.

Ngoài chuối ép tẩm mật ong, để đa dạng các sản phẩm bán ra thị trường, cô Trinh còn làm thêm sản phẩm chuối ép tẩm mật ong chanh, chuối khô nguyên chất, chuối ép miếng... Tất cả đều được bán với giá 70 ngàn đồng/kg.

 Đảm bảo an toàn thực phẩm

Bên cạnh việc tất bật sản xuất, đảm bảo nguồn hàng cung ứng, các cơ sở sản xuất còn rất chú trọng đến việc đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cô Trinh cho biết, dù Tết lượng hàng nhiều hơn nhưng cô không thuê thêm nhân công mà tập trung làm một mình.

“Trước đây, tôi cũng có thuê nhân công nhưng vì nhân công làm không theo ý mình, không đảm bảo chất lượng nên tôi ngưng và làm một mình. Dù tôi làm nhỏ lẻ nhưng yếu tố chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu” - cô Trinh nói.

Ngoài ra, cô Trinh còn rất kỹ trong việc chọn nguyên liệu. Cô chọn chuối chín mùi nhưng không bị hư hỏng; chọn mật ong nuôi đảm bảo, chất lượng chứ không vì lợi ích của bản thân mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cũng như cô Trinh, chất lượng là yếu tố mà anh Hồ Việt ưu tiên hàng đầu. Anh Việt đặt và sử dụng heo làng bà con nuôi để làm thịt hun khói. Đặc biệt hơn, trong chế biến sản phẩm, anh chỉ lấy phần nạc, thăn, đùi, vai. Không vì khách hối hàng mà làm ẩu, từng xâu thịt được anh làm theo đúng quy trình, thời gian quy định. Sau khi tẩm ướp, anh treo thịt cách bếp lửa khoảng 50cm theo phân tầng và trở đi trở lại cho chín đều. Cứ trở đều trên bếp như thế cho đến khoảng 4 ngày 4 đêm anh mới cho vào bì, hút chân không, ghi tem, nhãn đầy đủ và bảo quản.

Anh Hồ Việt chia sẻ: Mình đặt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu nên từ khâu nguyên liệu, sơ chế, chế biến, thành phẩm đều rất kỹ lưỡng. Cũng nhờ vậy, lượng khách hàng thân thiết ngày một nhiều và hiện tại mình đang có hướng đưa sản phẩm vào các siêu thị ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Cơ sở sản xuất miến dong của ông Nguyễn Nhân tất bật đóng hàng

 

Tương tự, ông Nguyễn Nhân cho biết, cơ sở sản xuất, chế biến miến dong của ông rục rịch sản xuất hàng hóa sớm một phần để kịp có số lượng hàng hóa đảm bảo phục vụ thị trường, một phần để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Lúc nào cũng vậy, nếu bị khách “hối hàng” quá nhiều thì rất dễ xảy ra việc sơ suất trong chế biến. Chính vì vậy, với mặt hàng có thời hạn sử dụng lâu, tôi làm sớm để không cập rập; thực hiện các khâu kỹ càng hơn, đảm bảo an toàn thực phẩm” - ông Nhân nói.

Trời nhá nhem tối, các cơ sở sản xuất vẫn tất bật với rất nhiều công việc. Ai nấy đều mong muốn sản phẩm chất lượng do cơ sở mình làm ra đều có được đầu ra ổn định, đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết.

Bài và ảnh: Bình An

Chuyên mục khác