Quyết tâm giảm nghèo trong năm mới

23/02/2022 13:05

Nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Sa Thầy đã thoát nghèo, thế nhưng, khi áp dụng vào các tiêu chí giai đoạn 2022-2025, họ lại trở về diện hộ nghèo. Do đó, năm mới, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Sa Thầy đặt ra quyết tâm cao, đưa ra các giải pháp thực tế, tạo động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Quanh chuyện giảm nghèo

Trong chuyến công tác mới đây, chúng tôi có dịp về một số xã, thị trấn ở huyện Sa Thầy để tìm hiểu công tác giảm nghèo. Tại xã Rờ Kơi, cuối năm 2021, qua rà soát, toàn xã chỉ còn 61 hộ nghèo. Thế nhưng, tính theo tiêu chí giai đoạn 2022-2025, số hộ nghèo trên địa bàn xã đến 489 hộ, gấp hơn 8 lần. Ông Trần Lệnh Tuyến – Chủ tịch UBND xã nói rằng, phần lớn các hộ đã thoát nghèo năm 2021, lại rơi vào hộ nghèo giai đoạn 2022-2025.

Nguyên nhân, theo quy định cũ (từ năm 2021 trở về trước), hộ thoát nghèo ở khu vực nông thôn phải có thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/người/tháng; hộ ở thành thị thu nhập bình quân trên 1,3 triệu đồng/người/tháng. Còn theo quy định mới (từ năm 2022 – 2025), chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, ngoài các tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, để thoát nghèo, các hộ ở nông thôn phải đảm bảo thu nhập trên 1,5 triệu đồng/người/tháng; ở thành thị thu nhập trên 2 triệu đồng/người/tháng.

Việc các hộ thoát nghèo năm 2021, rồi lại nghèo năm 2022 trở thành thực trạng chung của tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sa Thầy. Như thị trấn Sa Thầy, cuối năm 2021 chỉ còn 45 hộ nghèo. Tuy nhiên, tính theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, số hộ nghèo lại tăng gần gấp 5 lần, lên 255 hộ.

Như trường hợp của anh A DJơng,  làng Kleng, thị trấn Sa Thầy là một ví dụ. Là hộ nghèo, được sự động viên, hỗ trợ các nguồn vốn để phát triển sản xuất, xây được nhà ở, cuối năm 2021, gia đình anh A DJơng vui mừng vì thu nhập bình quân đạt hơn 1 triệu đồng/người/tháng – thoát được nghèo. Thế nhưng, vừa mới thoát nghèo, căn cứ quy định mới, gia đình anh lại tái nghèo. “Mình chủ yếu đi làm thuê để nuôi 3 người con. Công việc bấp bênh, khi có khi không nên thu nhập bình quân chưa thể trên 1,5 triệu đồng/người/tháng để thoát nghèo. Trong thời gian đến, mình sẽ cố gắng phấn đấu để thu nhập bình quân đầu người của gia đình cao và ổn định hơn”- anh DJơng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sa Thầy nói rằng, thị trấn có 3 làng đồng bào DTTS, đa số các hộ nghèo, cận nghèo đều là người DTTS đông con, không có lao động chính hoặc khó tiếp cận khoa học, kỹ thuật trong sản xuất... Do đó, việc giảm nghèo gặp không ít khó khăn.

Quyết tâm giảm nghèo

Mặc dù công tác giảm nghèo là công việc khó, nhưng với quyết tâm cao, vẫn có những hộ thoát nghèo bền vững như chị Y Cher – hội viên Chi hội phụ nữ làng Gia Xiêng, xã Rờ Kơi. Với 1ha cao su, 1ha cà phê, 1ha mì, ruộng lúa nước đều đã cho thu hoạch, qua rà soát theo quy định chuẩn nghèo trong giai đoạn 2022-2025, gia đình chị thoát nghèo. Trao đổi, chị Y Cher vui vẻ cho biết: “Những năm trước, đời sống khó khăn, do diện tích cà phê, cao su chưa cho thu hoạch nên nguồn thu của gia đình thấp. Năm 2021, cà phê, cao su cho thu nhập, đời sống kinh tế gia đình mình khá hơn nhiều. Với mức thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm, gia đình mình đã thoát nghèo và mình cố gắng thoát nghèo bền vững”.

Chị Y Cher chỉ là một trong số ít các trường hợp thoát nghèo bền vững và là động lực để nhiều hộ nghèo khác phấn đấu noi gương, vươn lên thoát nghèo.

Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xã Rờ Kơi quyết tâm sử dụng đa dạng các biện pháp để có thể giảm 4-5% hộ nghèo/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc thoát nghèo gặp nhiều trở ngại.

Chủ tịch UBND xã Trần Lệnh Tuyến cho biết, toàn xã có 365 lao động từ miền Nam trở về do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Xác định việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho các hộ dân là một trong những vấn đề then chốt, vừa qua, xã Rờ Kơi đã chủ động làm việc với các công ty, doanh nghiệp, giúp người dân giải quyết việc làm. Theo đó, đến nay, xã đã giới thiệu được khoảng 70 lao động vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Để tạo đà giảm nghèo giai đoạn 2022-2025, xã Rờ Kơi lên kế hoạch và từng bước triển khai các hoạt động chính: triển khai thực hiện mô hình nuôi heo sọc dưa; cải tạo diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả...

Bước đầu, xã Rờ Kơi đã và đang triển khai mô hình nuôi heo sọc dưa cho 4 hộ nghèo. Theo đó, từ các nguồn lực, xã hỗ trợ 10 triệu đồng để các hộ nghèo mua heo giống, làm chuồng trại để phát triển. Là một trong những hộ được hỗ trợ thực hiện mô hình, gia đình chị Y Xoen – A Lâu (làng Gia Xiêng) đã mua 10 con heo sọc dưa, làm chuồng trại để chăn nuôi. “Mình mừng lắm. Giờ mình cố gắng chăn nuôi, chăm sóc đàn heo, cố gắng không để heo chết, chậm phát triển. Mình mong, cùng với việc làm rẫy, làm lúa, việc chăn nuôi thêm heo sẽ giúp đời sống nhà mình ổn định hơn, thoát được nghèo” – chị Xoen chia sẻ.

Mỗi người dân phải tự nỗ lực vươn lên giảm nghèo bền vững. Ảnh: HT

 

Bên cạnh đó, việc triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của  đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã tập trung tuyên truyền giúp người dân biết cách chi tiêu hợp lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để phát triển sản xuất. “Việc giảm nghèo thực chất rất khó. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng để triển khai, thực hiện đạt hiệu quả” – ông Tuyến cho biết.

Tương tự, Đảng bộ thị trấn Sa Thầy đã đặt ra mục tiêu giảm 5% hộ nghèo/năm. “Áp lực sẽ rất lớn, nhưng chúng tôi xác định rằng, không chạy theo số lượng mà đặt ra quyết tâm phải thoát nghèo bền vững, không để tình trạng hộ chưa thể thoát nghèo theo tiêu chí mà vẫn thoát nghèo” – bà Thúy khẳng định.

 
Hỗ trợ các mô hình giúp người dân phát triển kinh tế. Ảnh: HT

 

Để làm được điều đó, bà Thúy cho rằng, trong thời gian đến, thị trấn Sa Thầy sẽ đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững đến các cấp, các tầng lớp nhân dân nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo. Qua đó khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. Cùng với đó, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để giúp người dân thoát nghèo. Đồng thời, triển khai thực hiện lồng ghép hiệu quả chính sách hỗ trợ sản xuất với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Cuối năm 2021, toàn huyện Sa Thầy chỉ còn 446 hộ nghèo. Theo chuẩn mới, năm 2022, toàn huyện có 939 hộ nghèo. Việc tăng hộ nghèo theo tiêu chí mới tác động lớn đến việc hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Bà Trần Thị Tâm – Phó trưởng Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội huyện  cho rằng, việc giảm nghèo 6%/năm thực chất gặp rất nhiều khó khăn. Có những trường hợp, gia cảnh quá khó khăn, nếu “gò” để đạt chỉ tiêu theo kế hoạch thì sẽ để lại rất nhiều hệ lụy, khiến đời sống của họ thêm khó khăn. Do đó, huyện sẽ triển khai lồng ghép, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để việc thực hiện công tác giảm nghèo thực chất, hiệu quả hơn.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác