Quỹ sinh kế cộng đồng ở Đăk Hà

08/09/2020 06:03

Phải có đến mấy năm, tôi mới trở lại Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà. Anh Phạm Ngọc Nhẫn – Trưởng ban quản lý thông báo một tin vui: Quỹ sinh kế cộng đồng (từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng) được các cộng đồng sử dụng hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Hiệu quả của quỹ sinh kế cộng đồng

“Nói có sách mách có chứng”, anh Nhẫn đưa chúng tôi đến thăm các mô hình của người dân tại xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà) được phát triển từ quỹ sinh kế cộng đồng. Và khi đến đây, chúng tôi gặp người dân đang học nghề nuôi heo sọc dưa tại nhà sinh hoạt cộng đồng. 

Đang giữa buổi học, sợ ảnh hưởng đến việc học của các học viên, chúng tôi được lãnh đạo xã và Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà đưa đến thăm nhà ông Phạm Minh Tuấn (thôn 3) đang nuôi heo sọc dưa, dê, bò và trồng cà phê... Được biết, năm nay, gia đình ông Tuấn vay 10 triệu đồng từ quỹ sinh kế cộng đồng thôn 3 để nuôi 11 con heo sọc dưa giống. Việc nuôi heo sọc dưa đang mở ra cho gia đình ông hướng phát triển kinh tế mới.

“Nhà tôi đang học nghề nuôi heo sọc dưa. Kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, đàn heo sọc dưa mập và lớn nhanh. Heo sọc dưa nuôi vừa làm giống, vừa bán thịt. Đối với heo thịt, khi nào gần xuất chuồng, gia đình sẽ hạn chế cho heo ăn tinh bột, tăng phụ phẩm nông nghiệp để thịt heo săn chắc, dễ bán” – ông Tuấn bộc bạch. 

Không chỉ nuôi heo sọc dưa, gia đình ông Tuấn còn nuôi 21 con heo lai, 10 con dê, 13 con bò, nhiều loại gia cầm, trồng 6 ha cà phê, cao su... Năm vừa qua, gia đình ông thu trên 500 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng trọt.  

Mô hình heo sọc dưa ở thôn 3, xã Đăk Pxi. Ảnh: VN

 

Gần trưa, chúng tôi ghé vào lớp học nghề nuôi heo sọc dưa ở nhà sinh hoạt cộng đồng. Thầy Trần Đình Lưu – giảng viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện đang đứng lớp cho biết, lớp học được tổ chức hơn 1 tháng nay, có 21 học viên, trong đó có 14 học viên đang nuôi heo từ nguồn vay quỹ sinh kế cộng đồng. Kết hợp giữa lý thuyết với thực hành, việc học và nuôi heo của các học viên diễn ra thuận lợi.

Tôi tranh thủ hỏi chuyện một học viên tên là Y Mừng (thôn 3) đang học nghề. Mừng khen thầy dạy nghề nhiệt tình, dễ hiểu. Qua học nghề, Mừng vay 10 triệu đồng từ quỹ sinh kế cộng đồng thôn 3 với lãi suất 0,5%/tháng, mua 3 con heo sọc dưa và mua thức ăn cho heo. Số tiền còn lại, Mừng mua phân bón đầu tư chăm sóc gần 1 ha cà phê, 0,6 ha cây ăn quả.

“Quá trình chăn nuôi, em tận dụng thêm phụ phẩm nông nghiệp cho heo ăn để giảm chi phí. 3 con heo giống lớn nhanh; các loại cây trồng đều sinh trưởng tốt. Dự kiến cuối năm nay, gia đình em xin thoát nghèo” - Y Mừng quả quyết.

Nghe Y Mừng trao đổi, A Diên (thôn 10) cùng học nghề góp chuyện: Thầy dạy dễ hiểu, các học viên đều nắm vững kỹ thuật. Để học gắn với hành, gia đình em cũng vay 15 triệu đồng từ quỹ sinh kế cộng đồng thôn 10 mua 2 con heo giống, vật tư làm chuồng, thức ăn cho heo... hết 10 triệu đồng. Số tiền còn lại, gia đình mua phân bón đầu tư chăm sóc 0,7 ha cà phê đang cho bói. Quỹ sinh kế cộng đồng đang góp phần giúp người dân thoát nghèo, nâng cao đời sống.

Tác động nhiều mặt

Theo Tỉnh lộ 677 ngược về hướng gần rừng, chúng tôi đến thôn Krông Đuân, xã Đăk Pxi. Mùa mưa nhưng cộng đồng thôn vẫn cắt cử người đi tuần tra bảo vệ rừng. Tranh thủ trên đường đi tuần tra, tôi hỏi A Thao về quỹ sinh kế cộng đồng thôn Krông Đuân. A Thao vui vẻ bày tỏ: Quỹ sinh kế đem lại nhiều lợi ích cho người dân trong cộng đồng. Nhiều hộ thôn Krông Đuân vay vốn từ quỹ để nuôi heo sọc dưa, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp và mua phân bón chăm sóc cây trồng, từ đó phấn đấu thoát nghèo bền vững. 

A Nghi – Trưởng nhóm tuần tra cộng đồng khẳng định: Nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, cộng đồng có thu nhập, có tiền dịch vụ môi trường phát triển sinh kế. Quỹ sinh kế cộng đồng được trích lập từ tiền dịch vụ môi trường rừng để hỗ trợ các gia đình có vốn phát triển kinh tế. Lãi suất cho vay thấp và do cộng đồng quyết định. Dự kiến sang năm, gia đình tôi vay 15 triệu đồng để nuôi dê.

“Mấy năm trước, từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, gia đình trồng được hơn 6 sào cà phê. Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng góp phần giúp gia đình tôi phát triển kinh tế và đến nay đã thoát nghèo” – A Nghi chia sẻ.

Người dân thôn Krông Đuân, xã Đăk Pxi phát triển cà phê bằng nguồn dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: V.N

 

Là người trực tiếp gắn bó với người dân địa phương nhiều năm nay, anh Lê Hữu Thìn – Trạm  trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Đăk Trưa (Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà) đánh giá cao những tác động tích cực từ quỹ sinh kế cộng đồng. Chính anh là người trực tiếp góp phần định hướng cho người dân sản xuất và cùng nhau phối hợp với cộng đồng xây dựng kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng. Theo anh, từ khi đơn giá rừng cung ứng dịch vụ môi trường tăng và việc thành lập quỹ sinh kế cộng đồng, ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của cộng đồng cao hơn trước. Vì vậy, trên lâm phần Trạm quản lý bảo vệ rừng Đăk Trưa và rừng cộng đồng nhận khoán bảo vệ không để xảy ra mất rừng. 

Qua tìm hiểu thực tế và thông tin từ lãnh đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà cùng với việc tham gia tuần tra trong rừng, chúng tôi nhận thấy rừng phòng hộ ở khu vực xã Đăk Pxi được bảo vệ tốt, không có dấu hiệu của sự xâm hại.

Theo ông Phạm Ngọc Nhẫn, từ năm 2019 đến nay, trên lâm phần đơn vị không để xảy ra vi phạm lâm luật. Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà đã giao khoán 12.099,99 ha cho 16 cộng đồng ở xã Đăk Pxi, Ngọc Réo, Đăk Ui (Đăk Hà) và Ngọc Yêu (Tu Mơ Rông). Chỉ riêng năm 2019, Ban quản lý chi trả 7,56 tỷ đồng cho các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Bình quân mỗi ha rừng, cộng đồng nhận khoán thu trên 470 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu này, các cộng đồng chi trả cho người tham gia tuần tra bảo vệ rừng và lập quỹ sinh kế cộng đồng.

Quỹ sinh kế cộng đồng do cộng đồng lập và được sự tư vấn hoạt động từ  Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà và UBND xã. Trong việc quản lý, UBND xã giúp cộng đồng xây dựng quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng và hoạt động quỹ sinh kế cộng đồng.

Theo quy chế, tiền dịch vụ môi trường rừng nhận hàng năm được cộng đồng chi 35% hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng; 20% cho quỹ sinh kế; 15% cho hoạt động chung cộng đồng; 30% cho hộ gia đình, cá nhân cộng đồng nhận khoán. Ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, hộ, nhóm hộ có kế hoạch phát triển kinh tế khả thi và được UBND xã xét duyệt. Lãi suất cho vay do cộng đồng quyết định, nhưng không vượt quá mức theo quy định của pháp luật. Ở xã Đăk Pxi, quỹ sinh kế cộng đồng ở các thôn thường cho các thành viên vay với lãi suất 0,5%/tháng. Đây đang được xem là mức cho vay hợp lý để giúp người vay phát triển sinh kế, giảm nghèo và nâng cao đời sống.

Có thể khẳng định, quỹ sinh kế cộng đồng đang tạo ra những hiệu ứng tích cực giúp người dân trong cộng đồng sống gần rừng tạo sinh kế, nâng cao đời sống và tài nguyên rừng ngày càng được bảo vệ hiệu quả hơn.

Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà được giao quản lý 21.3678 ha rừng, trong đó có 18.217,03 ha rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Là địa bàn trước đây từng là “điểm nóng”, nhưng với việc tăng cường giao khoán rừng cho cộng đồng, trong hai năm trở lại đây, trên lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà không để xảy ra mất rừng.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác