Phố trên đỉnh đèo

24/07/2020 13:02

Ấn tượng về Măng Đen luôn sâu đậm trong mỗi chuyến đi. Nhưng lần này không phải về một Măng Đen với những nốt trầm buồn, mà là một thị trấn chính thức nơi đỉnh đèo, đang dần sáng lên những màu sắc của phố thị.

1. Người phụ nữ ăn mặc tuềnh toàng, tóc điểm sợi bạc đưa bàn tay gầy gò vuốt ve gốc thông già xù xì trong khuôn viên tổ hợp khách sạn T&T. “Mày có phải là mầm thông nhỏ bé năm nào mà bà và các bạn trồng không?” - bà thì thầm.

Tôi thật may mắn khi đứng bên cạnh bà trong khoảnh khắc ấy!

Và tôi nhận ra, đôi mắt mờ đục của bà ánh lên màu nhớ về một Măng Đen xa xôi, hoang vắng và gian khổ. Về một thời đã xa, bà và bạn bè đã dâng hiến những ngày tháng tươi đẹp nhất của đời người - lứa tuổi mười tám, đôi mươi.

Dường như thời gian, không gian đều lắng đọng lại, chỉ còn tiếng lá thông vi vút trong gió chiều, như đang ngâm nga khúc hát về những cô gái trồng thông năm nào. “Em lên với Măng Đen, nơi lắm mưa nhiều gió. Mang theo nắng đồng bằng Nghệ Tĩnh ở trong tim…”.

Ngày ấy, đất nước bước ra khỏi chiến tranh chưa lâu, những chàng trai, cô gái hừng hực khí thế của tuổi thanh xuân bắt đầu nhiệm vụ trồng thông trên các quả đồi rộng hàng ngàn héc ta, với hệ sinh vật chủ yếu là cây bụi, sim rừng, một số nơi là đồi trọc, xung quanh Măng Đen.

Ngày ấy, Măng Đen lạnh lẽo và hoang vắng. Cuộc sống của họ gặp vô vàn thiếu thốn, cơ cực và những hiểm nguy bởi thú dữ, bom mìn. Từ mờ sáng đến khi sương đêm ướt lá rừng, họ cần mẫn làm đất, ươm cây con, khi cây lớn lại gùi lên đồi, đào hố trồng… Có ngày mưa rừng chắn lối, gạo hết, phải lót lòng bằng quả rừng, nằm co ro trong những căn lán tạm bợ nép dưới chân đồi, chịu “tra tấn” của ruồi vàng, muỗi và vắt mà mơ ước về một ngày những mầm xanh phủ kín núi đồi.

Đại ngàn Măng Đen. Ảnh: HL

 

Cho đến bây giờ vẫn chưa có ai lý giải vì sao vào những năm 80 của thế kỷ 20, khi cả nước đều tập trung ưu tiên tăng gia sản xuất lương thực, chặt rừng làm rẫy trồng mì, bắp, lúa... thì ở Măng Đen lại có những người đi làm “chuyện lạ đời” là trồng thông ấy.

Còn nhớ, có lần đón các đồng nghiệp phía Bắc, tôi giới thiệu về ca khúc Tình ca Măng Đen của nhạc sĩ Ngọc Tường kèm theo xuất xứ, ai cũng xuýt xoa vì “câu chuyện thật lãng mạn” nhưng chốt hạ “thật… khó tin”. Phải rất khó khăn để thuyết phục các bạn đó là câu chuyện có thật. Và cũng nhờ “chuyện lạ đời” ấy để bây giờ Măng Đen trở thành vùng đất bạt ngàn thông xanh.

2. Tò mò không phải là một tính tốt. Tuy nhiên, trong buổi chiều đẹp như hôm nay, khi ánh nắng hiếm hoi trong mùa mưa nhuộm vàng rực những ngọn thông, tôi tự cho phép mình tò mò theo sau hai mẹ con nữ công nhân trồng thông năm nào để "nghe lén".

Khi leo những bậc đá xanh phủ rêu lên viếng chùa Khánh Lâm, bà mẹ chỉ cho con gái xem những nơi bà từng hạ gùi cây thông non để ngồi nghỉ. Rồi bà khen, đứng ở đây thấy tâm mình trong trẻo đến lạ lùng.

Rồi bất chợt bà hỏi: Măng Đen còn ruồi vàng không? Cô con gái cười giòn tan: Còn chứ mẹ, nhưng chỉ ở rừng thôi. Bà gật đầu: Cái món “đặc sản” này đã có thời làm nản lòng những người như mẹ.

Giá như tôi được góp chuyện, tôi sẽ kể thêm rằng, đến tận năm 2002, khi huyện Kon Plông được thành lập, trong những chuyến công tác lên Măng Đen, tôi vẫn hãi bởi gió ngày đêm gào thét, lồng lộn trên những triền đồi; vẫn phải xúm xít quanh đống lửa vừa chống lạnh lại tránh được ruồi vàng, bọ chó.

Măng Đen hấp dẫn du khách bởi bạt ngàn thông xanh được trồng cách đây gần 40 năm. Ảnh: HL

 

Bước chân hai thế hệ đưa tôi qua các cung đường Măng Đen. Như một thước phim quay chậm, thị trấn nhỏ xinh nằm giữa đỉnh đèo hiện ra với bao đường nét khác lạ. Rũ bỏ những nốt trầm buôn bao năm qua, Măng Đen dần sáng lên những màu sắc của phố thị, với chợ trung tâm sầm uất, quán xá đông đúc, khu du lịch, máy ATM và cây xăng - những hình ảnh gắn liền với đô thị hiện đại.

Thỉnh thoảng, bà mẹ dừng chân trước một hàng quán nằm bên đường nhìn những lò than nồng nồng, ấm sực nổ lép bép, tung hoa cà hoa cải. "Mẹ nhớ lại bếp lửa trong căn lán tạm sưởi ấm những người đói ăn năm nào" - bà thì thầm. Cô gái nắm tay mẹ, thật chặt.

Bà ngạc nhiên đến thích thú khi bước vào Cửa hàng thương mại trung tâm huyện (hay còn được biết đến với tên gọi Siêu thị nhà sách Hoàng Vũ); xuýt xoa khi xem các giá hàng; trò chuyện một cách hứng khởi với cô bán hàng và vui vẻ khi biết ở đây có đủ loại hàng hóa, từ thực phẩm, quần áo, đến văn phòng phẩm… "Không chỉ có người dân ở Măng Đen đến mua hàng, mà còn có cả người dân các xã xung quanh, như Măng Cành, Đăk Tăng..." - cô bán hàng khoe.

3. Cứ như "chính sử" thì năm 2002, huyện Kon Plông được thành lập và thôn Măng Đen, xã Đăk Long được quy hoạch, xây dựng thành trung tâm hành chính. Trải qua 17 năm nỗ lực, ngày 16/7/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 720/NQ-UBTVQH14 thành lập thị trấn Măng Đen trên cơ sở toàn bộ 148 km² diện tích tự nhiên, dân số 6.913 người của xã Đăk Long.

Anh bạn tôi làm ở UBND thị trấn Măng Đen vui vẻ thông tin rằng, khách du lịch đã ở lại chứ không còn đến thăm rồi đi giống "chạy trốn" khỏi Măng Đen nữa. "Như khách sạn T&T đây, hay nhiều khách sạn khác, ngày thường vẫn có khách, còn dịp lễ tết muốn có phòng ư, làm ơn đặt trước nhé. Người dân cũng mạnh dạn làm du lịch, tăng thu nhập từ du lịch rồi. Cứ đến Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring sẽ hiểu ngay". Anh nói rồi cười hài lòng.

Thực tế trên cho thấy quy mô ngành dịch vụ và du lịch đã có bước phát triển cơ bản, đủ để đáp ứng nhu cầu đời sống và tiêu dùng của nhân dân cũng như "níu chân du khách". Cảnh quan thiên nhiên, môi trường trong lành, truyền thống văn hóa đặc sắc; hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đáp ứng đầy đủ tiện nghi cho du khách là những lợi thế để Măng Đen trở thành một điểm đến tuyệt vời của du lịch nghỉ dưỡng. Nên hoàn toàn dễ hiểu khi năm 2019 có tới 170.600 lượt khách đến Măng Đen, trong đó khách nội địa 165.150 lượt, khách nước ngoài 5.450 lượt.

Quảng trường trung tâm thị trấn Măng Đen. Ảnh: HL

 

Cũng nhờ thế mà đời sống nhân dân khởi sắc hơn, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 38 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 62 hộ, không có hộ nghèo nào thiếu đói. Thu ngân sách năm 2019 đạt hơn 12,6 tỷ đồng, vượt 75,35% so với kế hoạch giao. Kinh tế phát triển, địa phương có điều kiện để tái đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Chúng tôi đặt ra mục tiêu cho 5 năm tới là hình thành ba vùng trồng dược liệu tập trung (khoảng 25ha); thu hút đầu tư vào các lĩnh vực du lịch và dịch vụ từ 30-50 tỷ đồng; hình thành ba vùng nông nghiệp công nghệ cao; thu khoảng 25 tỷ đồng từ khai thác quỹ đất; duy trì tỷ lệ che phủ rừng giữ mức 72,8%; thu nhập bình quân đầu người từ 45-50 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 2% - anh bạn cho hay.

Sáng sớm trời còn mù sương, chúng tôi ngồi uống cà phê trên sân thượng khách sạn T&T, phóng tầm mắt ra xa. Quay mặt về đâu cũng thấy hun hút một màu xanh của rừng, vây quanh như một vòng tay ôm. Và thấp thoáng dưới tán thông là hàng trăm ngôi biệt thự, khách sạn mái lợp ngói đủ màu đỏ, nâu, hồng, như trong tranh của danh họa Rembrant, người được xưng tụng là "bậc thầy của ánh sáng".

Có một điều thú vị là các công trình kiến trúc không cái nào giống cái nào, không trùng lặp kiểu cách. Có lẽ, điều này đủ làm nên sự khác biệt về diện mạo hạ tầng của Măng Đen so với nhiều thị trấn mới mọc lên, vốn đa phần đều na ná một kiểu dáng kiến trúc.

Nên mỗi khi nghe bạn bè gần xa thông báo đi Kon Tum, với tất cả sự tự tin, tôi sẽ mời bạn đến Măng Đen. Và Măng Đen chưa bao giờ làm tôi thất vọng.

Những món ăn ngon lạ lùng, đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là món ăn đạt kỷ lục Việt Nam, như là gà nướng, thịt bò nướng kiến vàng, rượu vang sim Măng Đen; những cánh rừng mênh mông; những hồ, thác, suối len lỏi dưới tán rừng, hoa sim tím mỏng manh rung rinh ven đường sẽ làm ngây ngất du khách.

Ngay cả những con người ở Măng Đen, với tính cách phóng khoáng như thác, chân thật như cây rừng, cũng đem lại sức hút mạnh mẽ.

Tất nhiên, thu hút khách là một chuyện, làm sao cho khách ấn tượng mạnh, thương sâu nhớ lâu, làm sao để khách còn quay lại là chuyện khác.

Ấy là nhiệm vụ của những người làm du lịch ở thị trấn nơi đỉnh đèo này.

Hồng Lam

Chuyên mục khác