Nuôi gà bằng dược liệu ở vùng biên Ia H’Drai

03/06/2020 06:04

Với khí hậu khắc nghiệt ở vùng biên giới, việc tìm ra hướng đi phù hợp trong chăn nuôi là trăn trở của người dân ở xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai). Nuôi gà dược liệu vừa phòng, chống được dịch bệnh, vừa mang hiệu quả kinh tế cao, chính là sinh kế phù hợp mà người dân ở đây đã và đang triển khai.

Đón tôi ở phòng làm việc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Đal - Phùng Ngọc Chiến mời ly nước chè xanh, như để làm vơi đi cái nóng hầm hập như nung người, trong tiết trời tháng 5 ở vùng biên giới.

Đợi tôi nhấp xong ngụm trà, anh thong thả nói: Nhà báo muốn tìm hiểu về hướng đi mới trong chăn nuôi ở xã Ia Đal là đúng lúc rồi! Hiện nay, xã đang triển khai thí điểm mô hình nuôi gà bằng thức ăn dược liệu để có hướng nhân rộng trong toàn xã. Nếu thành công, mô hình nuôi gà bằng thức ăn dược liệu này chính là biện pháp chăn nuôi hiệu quả, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa tạo ra sản phẩm thịt gà ngon, mới, lạ và sẽ tạo ra sức hút tiêu thụ, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân.

Qua tìm hiểu từ người Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã năng động này, tôi được biết ý tưởng nuôi gà bằng thức ăn dược liệu này chính là do đồng chí Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Thạch đặt nền móng (lúc đó đồng chí Nguyễn Hữu Thạch đang là cương vị Chủ tịch UBND huyện). Việc làm thế nào để bà con ở một huyện nghèo vùng biên, mới được thành lập như Ia H’Drai thoát nghèo nhanh, bền vững chính là trăn trở của anh cùng tập thể các đồng chí lãnh đạo huyện.

Đàn gà được nuôi trong chuống thoáng đãng, rộng rãi, hợp vệ sinh. Ảnh: ĐN

 

Thoạt nghe tưởng là khó, nhưng nuôi gà bằng thức ăn dược liệu cũng đơn giản, dễ nuôi, tỷ lệ gà sống và phát triển, chịu đựng với thời tiết khắc nghiệt, có khả năng chống chọi với dịch bệnh cao nên được người dân tiếp cận ngay.

Chính vì vậy, khi triển khai chủ trương nuôi gà bằng thức ăn dược liệu, xã Ia Đal có trên 20 hộ đăng ký tham gia. Theo đó, đến nay, có 30 hộ tham gia nuôi gà dược liệu theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp Hoàng Bách ở thành phố Kon Tum. Gà được nuôi tập trung tại Hợp tác xã Hợp Tiến (thôn 3) với quy mô chuồng trại 5.000 con. Hiện tại, Hợp tác xã nuôi thí điểm 3.000 con gà từ giữa tháng 3, đến nay gà phát triển nhanh, mạnh khỏe. Hiện, gà có trọng lượng khoảng 1kg và đến khi xuất chuồng mỗi con có trọng lượng từ 3-3,5kg, giá thành khoảng 120.000đồng/1kg.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phùng Ngọc Chiến chia sẻ: Kinh phí để phát triển đàn gà thuộc gói hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu đồng (gồm chi phí mua con giống, máy móc để chế biến dược liệu, hỗ trợ kỹ thuật). Nguồn dược liệu bao gồm trên 20 loại cây dược liệu như nghệ, sả, hành tây, đinh lăng, tía tô… Hiện tại, các thành viên của Hợp tác xã trồng được 5ha sả, 10ha nghệ…

Vượt hơn 10km đường bê tông nông thôn để đến Hợp tác xã Hợp Tiến, dọc đường đi anh Phùng Ngọc Chiến đưa tay chỉ cho tôi thấy những vườn dược liệu được bà con trồng tập trung và rải rác trong vườn nhà. Giữa cái nắng nóng oi  ả của vùng đệm biên giới, những vườn dược liệu vẫn xanh ngắt như vươn mình chịu đựng, chống chọi với khí hậu khắc nghiệt của thiên nhiên.

Lúc chúng tôi đến Hợp tác xã, những người chăm sóc gà đang thay nước uống trong bình cho gà. Quan sát, chúng tôi thấy trang trại nuôi gà được xây dựng rất khoa học. Trang trại vừa có chỗ thả rông gà, vừa có nơi cho gà ngủ, ăn uống… thoáng đãng và hợp vệ sinh.

Nuôi gà bằng thức ăn dược liệu khá đơn giản, dễ nuôi, tỷ lệ gà sống và phát triển cao nên được người dân tiếp cận ngay. Ảnh: Đ.N

 

Y Tiết - một người làm công chăm sóc gà từ tỉnh Đăk Lăk sang cho biết: Ở đây có 12 người làm công việc chăm sóc gà được Hợp tác xã trả lương 6 triệu đồng/người/tháng. Công việc hàng ngày là cho gà ăn, thay nước uống thường xuyên, dọn phân trong chuồng.

Ông Lê Văn Hào - Chủ nhiệm Hợp tác xã Hợp Tiến chia sẻ: Ngoài khoảng tiền đầu tư từ huyện, bà con là thành viên của Hợp tác xã còn khó khăn nên không phải đóng một khoản kinh phí nào, chủ yếu là đóng góp công lao động như trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến dược liệu, chăm sóc đàn gà…

Ngừng một lúc, ông Hào đưa bàn tay gân guốc, đen nhẻm vì nắng, rót nước mời khách. Đợi khách nhấp ngụm trà, ông Hào nói tiếp: Nuôi gà bằng thức ăn dược liệu khó mà dễ. Ban đầu các thành viên chưa quen, nhưng qua tập huấn kỹ thuật, bây giờ ai nấy đều thành thạo kỹ thuật chăn nuôi và nắm bắt được quy trình chế biến dược liệu.

“Gà còn nhỏ, tháng đầu tiên chỉ cho ăn cám tổng hợp. Đến tháng thứ hai, trộn dược liệu vào chung với cám cho ăn, sau đó giảm dần tỷ lệ cám cho đến khi bỏ hẳn cám, cho ăn toàn dược liệu. Gà nuôi bằng dược liệu, thịt thơm và bổ” - ông Hào chia sẻ.

Ông Hào không giấu giếm kinh nghiệm: Dược liệu sau khi thu hoạch sẽ được lấy lá, thân (tùy theo từng loại dược liệu) xay nhuyễn như cám và trộn hỗn hợp với nhau làm thức ăn cho gà. Theo mô hình này, toàn bộ diện tích cây trồng dược liệu không chỉ để làm thức ăn nuôi gà dược liệu mà còn giúp người dân có thêm một khoảng thu nhập từ việc bán thân, củ dược liệu.

Ông Lê Văn Hào đang kiểm tra số lượng sả vừa được thu hoạch. Ảnh: ĐN

 

Trao đổi với chúng tôi, giọng ông Hào rành rọt: Ngoài làm thức ăn cho gà, lá, thân sả còn được nấu thành tinh dầu, pha trộn với nước cho gà uống để tăng sức đề kháng; mỗi tháng, còn xuất ra thị trường từ 25-30 lít tinh dầu sả với giá mỗi lít 400 ngàn đồng. Mỗi hécta sả cho thu hoạch khoảng 30 tấn thân sả; giá trên thị trường 4.000.000 đồng/tấn thân sả. Còn cây nghệ, ngoài việc lấy thân, lá làm thức ăn cho gà, các thành viên trong Hợp tác xã còn lấy củ chế biến thành tinh bột nghệ xuất ra thị trường. Bình quân mỗi hécta nghệ cho khoảng 30 tấn củ; giá nghệ trên thị trường khoảng 4.000.000 đồng/tấn củ. Tương tự các loại dược liệu khác ngoài chế biến thức ăn cho gà, còn chế biến các sản phẩm phụ khác, tùy theo từng loại mà có quy trình chế biến khác nhau.

Đưa tay quệt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán vì nóng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phùng Ngọc Chiến bộc bạch: Qua tìm hiểu các tính năng kháng sinh phòng, chống dịch bệnh từ các loại dược liệu làm thức ăn nuôi gà, hy vọng đàn gà sẽ khỏe mạnh và nhanh lớn. Gà nuôi bằng dược liệu theo mô hình này, sản phẩm thịt sạch và an toàn. Trong năm nay, xã sẽ có kế hoạch nhân rộng mô hình nuôi gà bằng thức ăn dược liệu tại thôn 1, 2 theo mô hình nhóm hộ và sau đó sẽ rút kinh nghiêm nhân rộng ra toàn xã.

Như tưởng thưởng cho kế hoạch sản xuất của Chủ tịch UBND xã Ia Đal, một cơn gió hiếm hoi từ đại ngàn bỗng dưng thổi về làm dịu đi cái nóng bức giữa trưa. Nhìn những vườn dược liệu đang rì rào trong gió và với sự cần mẫn, chịu thương, chịu khó của bà con nông dân địa phương, chúng tôi hy vọng mô hình chăn nuôi gà bằng dược liệu góp phần giảm nghèo, mang lại hiệu quả kinh tế và góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng biên giới còn nhiều gian khó.

DƯƠNG ĐỨC NHUẬN

Chuyên mục khác