Nỗi niềm từ rượu

20/04/2022 06:11

Không sắc nhọn như dao, không lạnh lùng và tàn độc như súng đạn, nhưng rượu có thể đẩy nhiều gia đình, nhiều mảnh đời lâm vào bất hạnh. Và rượu đã vô tình khiến nhiều em học sinh Trường Tiểu học Đăk Hà (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông) mất cha, rơi vào cảnh cơ cực và thiếu vắng tình thương.

Đã nhiều ngày cô bé Y Đang (lớp 3a3) ở thôn Ngọc Leang phải một mình đi bộ đến trường mà không có cậu em trai A Măng Cứt (lớp 3a3) đồng hành như mọi hôm. Khi hỏi về em trai mình, Y Đang chỉ biết nhìn chúng tôi với ánh mắt rụt rè: “Cháu không biết”.

Sợ A Măng Cứt đi theo lối mòn của anh chị bỏ học giữa chừng, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Đăk Hà đã tổ chức đến nhà vận động em ra lớp. Đã 3 lần tôi cùng cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Bình tìm đến mẹ các cháu – chị Y Phea (41 tuổi), nhưng chỉ duy nhất một lần chị ấy trong trạng thái hơi tỉnh táo vào buổi sáng.

“Đây là lần thứ 2 tôi thấy mẹ Y Đang khá tỉnh táo trong suốt năm học qua, nhà trường thường xuyên đến nhà chị Y Phea thăm hỏi, động viên bởi chị là điểm dựa tinh thần của 9 đứa con” – cô Bình tâm sự.

Sở dĩ, chị Y Phea tìm đến rượu để một phần quên đi nỗi đau 5 năm trước. Chị nhớ như in cái đêm 28/8/2017, anh A Hồ - chồng chị Phea tìm đến rượu như mọi ngày. Men vào lời ra, anh Hồ và người con trai đầu A Kạn (18 tuổi) đã lời qua, tiếng lại. Trong một giây mất kiểm soát, anh Hồ lấy khẩu súng tự chế để đi săn hằng ngày bắn con trai mình. A Kạn gục ngay tại chỗ, người mẹ Y Phea cùng các con nhỏ chỉ biết khóc thét trong bi kịch.

Ngôi nhà của mẹ con chị Y Phea được nhà trường sửa chữa. Ảnh: VT

 

A Kạn được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi, còn anh A Hồ phải đi tù 15 năm vì tội lỗi của mình. Mất đi hai lao động chính trong nhà, chị Y Phea cũng không đủ sức để gồng gánh 9 đứa con. Thiếu tiền, bữa cơm hằng ngày của gia đình chị cũng chỉ quanh quẩn những món rau dại do các con hái từ rẫy mang về. Ngôi nhà của gia đình 10 người cũng chỉ là căn nhà vách ván được nhà trường hỗ trợ phủ lớp bạt xanh để che bớt cái lạnh cắt da, cắt thịt khi mùa mưa, rét đến.

Khi hỏi về cậu con trai A Măng Cứt, chị Y Phea chỉ biết lắc đầu: “Nó không thích ở nhà, nó lên rẫy mì ở luôn rồi”.

Rẫy mì mà chị Phea nói gần 1ha, là chỗ bám víu của gia đình 10 người. Nhưng số tiền thu hoạch từ đám mì khô cằn ấy, chị Y Phea đã dùng bao nhiêu phần để mua rượu uống hằng ngày. Và tôi tự hỏi, bao giờ chị Y Phea bỏ rượu, tương lai lũ trẻ sẽ đi về đâu?

Trời chập choạng tối, tôi tiếp tục cùng cô Nguyễn Thị Bình đến nhà em Y Lái (lớp 3a2) cùng ở làng Ngọc Leang để vận động học sinh ra lớp. Y Lái là cô bé mồ côi cha, rất chịu khó đến lớp. Nhà cách trường hơn 5km, đôi chân thoăn thoắt của cô bé “hạt tiêu” không ngại đường xa để đến trường tìm con chữ. Thế nhưng, vài hôm trở lại đây, Y Lái lại vắng học không phép khiến giáo viên chủ nhiệm vô cùng lo lắng.

Thấy chúng tôi đến, chị Y Nhan (34 tuổi) mẹ em Y Lái đang bế đứa nhỏ hơn 1 tuổi bước ra từ bữa tiệc inh ỏi tiếng nhạc tại nhà hàng xóm, vội chạy về tiếp khách.

Hơi thở còn sực mùi rượu, chị Y Nhan tâm sự: Mấy ngày nay đứa con út bị đau, không thể lên rẫy được, phải nhờ các con nghỉ học ở nhà phụ. Chồng tôi mất vào năm ngoái vì bệnh gan. Giờ đây chỉ còn mình tôi lo cho 7 đứa con.

Khi tôi hỏi cái chết của người chồng có phải do rượu, chị Y Nhan trầm tư, gật đầu. “Chị biết rượu nguy hại thế, sao vẫn còn uống?” – tôi hỏi.

“Ở đây, người ta hay uống rượu lắm, nhà nào cũng vậy. Tối đến không uống rượu thì chẳng biết làm gì” – chị Nhan phân bua.

Mời chúng tôi vào nhà, lũ trẻ đang quay quần bên bếp củi. Ánh lửa hắt lên đôi mắt long lanh, tròn xoe có vẻ sợ sệt của Y Lái. Có lẽ em Y Lái đã biết lỗi nghỉ học không phép của mình khi thấy giáo viên chủ nhiệm.

Để trấn an, cô giáo Bình vội tới xoa đầu em Y Lái, ân cần hỏi thăm. Khuôn mặt lo lắng của cô bé giãn ra, đôi tay nhỏ nhắn tiếp tục xào món đậu ván.

Chỗ đậu ván ấy là do chị em Y Lái thay nhau lên rẫy hái về, bữa cơm hằng ngày của 8 mẹ con cũng là những thứ có sẵn ở núi rừng cùng nồi cơm độn củ mì, độn bắp, thi thoảng “sang” lắm thì được một bữa cơm trắng.

Cô bé Y Lái (trái) phụ mẹ làm việc nhà, chăm sóc các em. Ảnh: VT

 

“Khi ba còn sống, ba đi làm có tiền, các chị em được ăn ngon hơn. Bây giờ chỉ còn mỗi mẹ, mẹ phải nuôi 7 đứa con, các em tự san sẻ nhau miếng ăn, đỡ đần giúp mẹ việc nhà, để cuộc sống được khá hơn” – Y Lái thỏ thẻ tâm sự.

Nhà trường thường xuyên đến vận động A Kiết lên lớp, nhưng em hay nghỉ học lên rẫy để tìm miếng ăn. Ảnh: VT

 

Từ nhiều tháng nay, em A Kiết (lớp 3a3) ở thôn Tu Mơ Rông đã nhiều ngày không đến lớp. Cô giáo chủ nhiệm Trần Thị Thanh Tâm đã không biết bao lần lặn lội đến tận nhà để vận động, nhưng A Kiết chỉ đến lớp một vài hôm rồi lại nghỉ tiếp.

Tôi cùng cô Tâm đến tìm hiểu gia cảnh, hàng xóm ai nấy đều cảm thông cho hoàn cảnh của A Kiết khi cả ba lẫn mẹ em vừa mới mất. Giờ đây, cậu học trò 9 tuổi là chỗ dựa của bà cụ đã ngoài 90 tuổi.

Trong căn nhà được quây bằng bạt xanh, bà cụ lấp ló nhìn chúng tôi qua khung cửa, rồi khòm lưng chống gậy bước ra, cậu học trò A Kiết lẽo đẽo theo sau, nhìn chúng tôi với ánh mặt rụt rè. Khi cô giáo hỏi về lý do vắng học, bà cụ nói: “Ba mẹ nó uống rượu, mất rồi, bỏ lại nó, không ai nhắc nó đi học. Giờ nó đi làm rẫy kiếm ăn, không muốn đi học nữa”. 

Nhìn cậu học trò nhỏ khép nép bên người bà, tôi cùng cô Tâm chỉ biết nghẹn lòng, nhỏ nhẹ dặn dò A Kiết hãy đến trường học, thầy cô sẽ thay ba mẹ chăm sóc, yêu thương và dạy dỗ các em nên người.

Ông Dương Đăng Khoa – Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết: Tôi mới về nhận công tác tại địa bàn xã, qua tìm hiểu đã nắm được hoàn cảnh khó khăn của gia đình các em. Trong thời gian tới, cả hệ thống chính trị của xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bỏ dần thói quen uống rượu, tập trung lo cho công việc và gia đình; đồng thời, sẽ quan tâm đến những gia đình các em nhỏ mồ côi, tìm nguồn hỗ trợ các em, giúp các em vươn lên trong học tập.

Chi đoàn Báo Kon Tum phối hợp với Phòng giao dịch Lê Đại Hành (Thành phố Hồ Chí Minh) - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu trao quà cho các em. Ảnh: VT

 

Cùng chung tay với nhà trường và chính quyền địa phương giúp tạo động lực cho các em đến trường, sau khi tiến hành khảo sát hoàn cảnh gia đình các em nhỏ mồ côi, đoàn viên Chi đoàn Báo Kon Tum đã kêu gọi các nhà hảo tâm tổ chức Chương trình “Tiếp bước em đến trường” vào cuối tháng 3 vừa qua. Kết quả, 13 em  có hoàn cảnh khó khăn đã có xe đạp đến trường, nhà trường có thêm tủ sách thư viện với sách, truyện, dụng cụ học tập do Chương trình trao tặng. Mong rằng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cùng chung tay hỗ trợ để các em nhỏ vùng cao huyện Tu Mơ Rông có được cuộc sống tốt hơn.

Và trên hết, các bậc phụ huynh ở địa phương hãy tránh xa rượu.

Văn Tùng

Chuyên mục khác