Nỗi niềm thổ cẩm

03/05/2018 12:30

​Nỗ lực truyền dạy, xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã để giữ nghề; tuy nhiên số người làm nghề vẫn ngày càng ít đi, hoạt động của các tổ hợp tác èo uột, người dân chưa sống được với nghề. Thổ cẩm rồi sẽ đi về đâu trước muôn vàn khó khăn đang là câu hỏi đặt ra cần câu trả lời…

Cái khó bó cái khôn

Một buổi chiều muộn, tôi tình cờ đi ngang cửa hàng trưng bày thổ cẩm Tây Nguyên nằm gần ngay cầu treo Kon Klor (làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum).

Thấy hàng hoá được trưng bày bắt mắt, tôi nghé vào. Nghe tiếng khách gọi, chị Y Thoai – chủ cửa hàng tất tả chạy từ vườn vào chào mời.

Khi thấy tôi đặt vấn đề tìm hiểu về việc bảo tồn, phát triển nghề dệt truyền thống, sức sống của thổ cẩm bây giờ thì Y Thoai liền thở dài đáp cụt lủn: Buồn, buồn lắm!

Chị Y Thoai là Chủ nhiệm tổ hợp tác dệt thổ cẩm Tây Nguyên. Trong câu chuyện với chị, tôi biết chị đang cố gắng hết sức để giữ lấy nghề truyền thống của ông bà để lại, tìm mọi cách để thổ cẩm có chỗ đứng trong đời sống, nhưng vô cùng chật vật, khó khăn.

Số lượng phụ nữ còn gắn bó với khung dệt ngày càng ít. Ảnh: T.H

 

Chị Y Thoai chia sẻ: Đây không chỉ là một công việc, mà trong mỗi tấm vải mình dệt ấy nó chứa đựng những nét văn hóa của dân tộc mình, mỗi hoa văn trên các tấm vải là tinh hoa mà các thế hệ cha ông đã đúc kết, truyền lại. Với những người tâm huyết, việc gắn bó với khung cửi, với nghề của cha ông không chỉ là để làm ra một sản phẩm sử dụng mà hơn hết đó còn là việc gìn giữ những nét bản sắc văn hóa của dân tộc mình…

“Thế nên, nhiều năm qua, mình cố gắng tìm mọi cách để duy trì, tìm hướng đi cho thổ cẩm để lôi cuốn nhiều người tham gia, nhưng xem ra không đơn giản chút nào” - chị Y Thoai bộc bạch.

Cũng xuất phát từ điều này mà trong thời gian qua, các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh rất quan tâm, chú trọng đến việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào DTTS với nhiều việc làm thiết thực như đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn...

Thế nhưng, cái khó đang bó lấy cái khôn, việc làm thế nào để duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống vẫn là một câu hỏi khó với cả ngành chức năng và những người tâm huyết với nghề.

Chẳng hạn như Hợp tác xã Dệt thổ cẩm phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum), trước đây được Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và thành phố Kon Tum hỗ trợ nào là đào tạo nghề, đưa sản phẩm ra trưng bày, giới thiệu ở nhà rông Kon Klor, khuyến khích chị em làm nghề... Thế nhưng, cùng với thời gian, phong trào của Hợp tác xã càng ngày càng đi xuống, công việc thất thường, chỉ ít người còn gắn bó được với nghề.

Bà Y Hanh – Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thổ cẩm phường Thắng Lợi tính toán: Để dệt được một tấm thổ cẩm, người làm nhanh cũng phải mất 10-15 ngày, làm chậm thì phải 20 ngày, có khi cả tháng mới xong, trong khi giá bán trên thị trường chỉ được khoảng 1,2 – 1,5 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí nguyên vật liệu rồi chỉ còn khoảng 700.000 – 900.000 đồng, tính ra ngày công lao động chỉ đạt từ 40.000 – 60.000 ngàn đồng. Trong khi đó, bây giờ nếu đi làm thuê, mỗi ngày công cũng được 150.000 – 170.000 đồng. Do vậy, những người trẻ họ không muốn làm, chỉ có vài người già là còn túc tắc dệt thôi.

Khi tôi gợi chuyện về đầu ra của hàng loạt sản phẩm, gương mặt bà Y Hanh thoáng buồn: Những năm 2013 trở về trước, sản phẩm làm ra còn dễ tiêu thụ, bây giờ thì chật vật lắm. Thế nên, dù yêu nghề lắm, nhiều người chỉ có thể coi đây là việc làm thêm lúc rảnh rỗi và cũng chỉ làm cầm chừng thôi, bởi làm ra nhiều cũng không có nơi tiêu thụ.

Cũng như bà Y Hanh, chị Y Thoai trải lòng: Để “giữ chân” các tổ viên ở lại với mình, tôi phải xoay sở, chạy vạy tìm mối hàng, đa dạng mẫu mã sản phẩm; tự tìm tòi, học hỏi cách dệt, hoa văn của các dân tộc trên địa bàn tỉnh để đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng. Khách hàng đặt gì từ quần áo, túi xách, khăn, bóp... tôi đều cố gắng làm bằng được. Thế nhưng, không phải lúc nào cũng có khách, công việc rất thất thường.

Hay như ở Hợp tác xã Hoa Pơ Lang (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy), để tìm hướng đi cho Hợp tác xã, ông chủ nhiệm Trần Đình Phẩm phải chạy đôn chạy đáo tìm nhiều nơi để bán hàng. Thế nhưng, việc tiêu thụ thổ cẩm thì vẫn rất khó khăn, công việc lúc có lúc không, thu nhập  chính của các tổ viên vẫn phải dựa vào việc làm chổi đót...

Trên thực tế, có không ít tổ hợp tác xây dựng được một thời gian rồi lại tự tan rã, người làm nghề khó sống được bằng nghề.

Về đâu thổ cẩm

Theo số liệu thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, toàn tỉnh chỉ có 2 hợp tác xã và một tổ hợp tác dệt thổ cẩm đăng ký hoạt động. Ngoài ra, ở các địa phương rải rác có một số nhóm phụ nữ lớn tuổi làm nghề, nhưng hoạt động cũng chỉ mang tính cầm chừng.

Nghề dệt truyền thống của đồng bào các DTTS đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, sản phẩm thổ cẩm đang đứng trước muôn vàn thách thức.

Thách thức đầu tiên phải nói tới là hiện nay, thổ cẩm truyền thống của đồng bào các DTTS đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm dệt máy được đưa từ nơi khác đến tiêu thụ.

Trong khi giá bán của loại sản phẩm thổ cẩm dệt công nghiệp khá rẻ chỉ từ 200.000 – 300.000 đồng/tấm vải, thì giá những sản phẩm truyền thống lại cao gấp 4 – 5 lần. Chính vì thế, thổ cẩm dệt tay bị lép vế ngay trên “sân nhà” .

Mỗi bộ quần áo thổ cẩm truyền thống có giá cả vài triệu đồng nên không phải ai cũng có điều kiện để sắm. Ảnh: T.H

 

“Mặc dù sản phẩm dệt thủ công đẹp hơn, dày dặn hơn, hoa văn tinh xảo hơn, nhưng không phải ai cũng đủ am hiểu để nhận biết được điều này. Chưa nói đến, giá cả các mặt hàng truyền thống khá cao, một số người không đủ điều kiện để mua nên họ đành chọn sản phẩm dệt công nghiệp để may trang phục cho rẻ. Bên cạnh đó, một số người do không hiểu hết ý nghĩa sắc màu văn hoá chứa đựng trong mỗi tấm thổ cẩm nên mua họ các sản phẩm dệt máy về dùng cho có lệ” – chị Y Thoan giãi bày.

Một trong những điều khiến thổ cẩm ngày càng bị thu hẹp, đó chính là hiện nay việc mặc trang phục truyền thống không thường xuyên. Ngay cả đồng bào các DTTS bây giờ mỗi người cũng chỉ cần 1 – 2 bộ quần áo, túi xách để dùng vào những ngày lễ hội, sau đó lại cất đi. Mỗi bộ quần áo mặc 5 – 6 năm trời mới hỏng nên nhu cầu tiêu dùng không lớn.

Việc đưa sản phẩm thủ công truyền thống ra ngoài để bán cho khách tham quan, du lịch thì lại chưa được quan tâm chú trọng, chủ yếu là người dân dệt rồi gặp khách thì bán ngay tại các gia đình.        

“Ai đến nhà đặt hàng thì tôi làm hoặc trong nhà có sẵn ai mua thì tôi bán chứ cũng chưa mang ra ngoài bán bao giờ. Việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu dựa trên các mối quen biết hoặc do người trong làng giới thiệu với khách” – bà Y Hanh chia sẻ.

Ngay cả khi người dân tự xoay xở thì vẫn thiếu một sự đầu tư, liên kết bài bản để thổ cẩm truyền thống có thể vươn xa.

Chị Y Thoai cho rằng: Bản thân mình cũng đã nỗ lực xoay xở từ việc mang sản phẩm đi tham gia các hội chợ ngoài tỉnh, lên kế hoạch tổ chức quảng bá, giới thiệu thổ cẩm đến với khách hàng, nhưng điều mà các tổ hợp tác cần và mong mỏi hơn hết là có “bà đỡ” cho thổ cẩm một cách thực chất, đúng nghĩa… Ví như có một chương trình (dự án) dài hơi nào đó của các cấp ngành liên quan giúp cho mặt hàng truyền thống này sống lại chứ không chỉ dừng lại ở việc đào tạo nghề. Bởi chỉ khi thổ cẩm có chỗ đứng thì ắt người dân sẽ tự gắn bó với nghề thôi.   

Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của đồng bào DTTS nhưng giờ đang đứng trước bộn bề khó khăn, thách thức của việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Đây có lẽ không chỉ là câu chuyện thuộc về vai trò của phụ nữ, của những người có tâm huyết, mà hơn hết cần phải có sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ của các cấp, các ngành hữu quan để nghề dệt thổ cẩm vừa được lưu giữ, vừa giúp mang lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống.

Thuỳ Hương

Chuyên mục khác