Nỗi niềm Grab

21/11/2020 13:01

Dù có những lợi thế nhất định so với xe ôm truyền thống, thế nhưng dịch vụ vận chuyển Grab vẫn đang nhọc nhằn tìm chỗ đứng tại Kon Tum. Cùng với đó là những vất vả, lo lắng của những xe ôm công nghệ về một tương lai đầy long đong.

Công nghệ nhưng… chưa công nghệ

Phải năn nỉ lắm tôi mới mượn được tài khoản của một người bạn đang làm tài xế cho dịch vụ Grab Kon Tum, vừa để tìm hiểu về dịch vụ này tại tỉnh, cũng để ôn lại kỉ niệm một thời sinh viên từng làm “tài xế áo xanh” ở thành phố Đà Nẵng. Khi mở ứng dụng, tôi phát hiện ra, Grab Kon Tum vẫn còn khá trầm lắng. 

Tại các thành phố lớn, Grab cung cấp dịch vụ đa dạng, bao gồm: Grab Bike (đặt xe máy), Grab Car (đặt taxi), GrabFood (giao thức ăn/nước uống), GrabExpress (giao hàng nhanh trong nội thành)…  Tuy nhiên, tại thành phố Kon Tum, khách hàng chỉ có thể lựa chọn Grab Bike.

Bật ứng dụng từ 7h30 sáng, ngồi nhâm nhi ly cà phê quán “ruột” ở đường Duy Tân (thành phố Kon Tum), đến tận 10h hơn mới nhận được một “cuốc”. Người mở hàng cho tôi là chị Lê Thị Bảo Duyên, đặt cách vị trí tài xế đứng 1,5km. Khi ấy, tôi mới ngẫm thấy lời anh bạn mình có vẻ đúng: “Dịch vụ Grab Kon Tum còn khá lạc hậu nên lượng tài xế đăng ký chạy còn rất ít, khoảng 15 người, đa số là làm thêm. Chính vì lý do này, để đến nơi đón khách, thường tài xế phải di chuyển một đoạn đường khá xa, dẫn đến mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc riêng của khách hàng và ưu thế nhanh chóng của dịch vụ”.

Grab tại Kon Tum chỉ có mỗi dịch vụ Grab Bike. Ảnh: V.T

 

Để đến đón khách, tôi cũng phải trải qua các bước cơ bản như khi gần đến chuyển sang trạng thái “đã đến nơi đón khách”, lúc này điện thoại khách hàng sẽ hiển thị thông báo “tài xế đã đến nơi”; khi khách lên xe thì chuyển sang trạng thái “đón khách”.

“Gia đình tôi có cháu nhỏ, mỗi lần ra ngoài muốn gọi ô tô đi cho đỡ mưa gió mà không có Grab Car; hoặc muốn đặt đồ ăn qua Grab Food cũng đành chịu. Mang tiếng là xe ôm công nghệ nhưng tôi chưa thấy công nghệ lắm!” – chị Lê Thị Bảo Duyên phàn nàn.

Nghe khách hàng chia sẻ, tôi cũng chỉ biết cười trừ, nhận 15.000 đồng cho quãng đường 2,8km, chuyển trạng thái “kết thúc chuyến đi” rồi tiếp tục ôm điện thoại chờ.

Vẫn còn lạ lẫm

Đến giữa trưa, điện thoại vẫn im lìm, tôi quyết định chạy lòng vòng khắp phố, vừa đi vừa nghĩ “tài xế Grab mà chạy khắp phố phường kiếm khách thế này thì khác nào xe ôm truyền thống”. Đến khu chợ Duy Tân, tôi vô tình gặp một người phụ nữ lớn tuổi vừa đi vừa trông ngóng xe thồ hoặc xin xe đi nhờ. Và tất nhiên, tôi trở thành “ông xe ôm”.

Khách hàng là cô Kim Thị Phương Mai (59 tuổi) sống tại phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum. Cô Mai cho biết, bình thường, buổi sáng cô hay đi cùng con xuống chỗ người thân ở chợ Duy Tân chơi, trưa lại đón xe ôm hoặc taxi về. Khi tôi hỏi về dịch vụ Grab, cô Mai lắc đầu: Cô cũng có nghe các con nói nhưng thấy nó rườm rà, phức tạp quá, phải có điện thoại thông minh và kết nối mạng mới dùng được. Hơn nữa, cô nghe thông tin trên báo, mạng xã hội thấy nhiều vụ cướp giật, tài xế bị tử vong có liên quan đến Grab nên cũng không muốn tìm hiểu.

“Mỗi lần đi xe thồ hay taxi về, cô thường mất khoảng 30 – 40 nghìn đồng. Cô chưa đi Grab nên không biết có rẻ hơn không, nhưng thấy taxi tiện lợi hơn, có thể che mưa, che nắng. Grab thì cũng là xe máy cũng như xe ôm truyền thống vậy thôi” – cô Mai cho hay.

Để có thêm thu nhập, các tài xế Grab phải làm thêm việc giao hàng, đón khách ngoài. Ảnh: V.T

 

Không chỉ riêng cô Mai, đa số những người lớn tuổi hoặc các bậc phụ huynh sử dụng smartphone đều chưa từng trải nghiệm ứng dụng Grab. Vì nhiều lý do khác nhau như: Không biết sử dụng như thế nào, cảm thấy bất tiện vì phải trải qua nhiều bước, không yên tâm khi ngồi sau yên xe người lạ. Những lo ngại đó của khách hàng như cô Mai đã khiến Grab Kon Tum trở nên trầm lắng, lạ lẫm với nhiều người.

Nhọc nhằn tài xế Grab

Đưa cô Mai đến nơi, tôi ăn vội đĩa cơm và tiếp tục “lượn” trên đường, vô tình gặp một “đồng nghiệp áo xanh” đang chăm chú nhìn màn hình điện thoại dưới bóng cây tại ngã ba Trường Chinh và Phan Đình Phùng (thành phố Kon Tum). Ghé lại hỏi thăm, được biết đó là chú Vũ Văn Biên (56 tuổi) – một trong những tài xế đầu tiên của Grab Kon Tum.

Thấy mặt tôi có vẻ lạ, chú Biên hỏi: “Lính mới à, bao nhiêu tuổi rồi, sáng giờ chạy được không?”. Nghe tôi giới thiệu sơ qua về bản thân, chú chép miệng: “Còn trẻ sao không kiếm gì khác làm đi, Grab ở đây ế lắm, thu nhập không cao đâu. Sáng giờ chú được hai “cuốc” thôi, ngồi ráng thêm xíu nữa xem được chuyến nào không”.

Chú tâm sự, một năm trước, nghe tin Grab tuyển nhân viên, chú cùng một số anh em trong hội xe ôm truyền thống chuyển thành xe ôm công nghệ. “Nếu so với xe ôm thì thu nhập Grab Bike cao hơn, nhưng cũng chỉ đủ ăn qua ngày thôi” – chú Biên bộc bạch.

Như để làm bằng chứng, chú Biên mở bảng thống kê thu nhập tuần trước cho tôi xem. Theo đó, tuần trước chú chạy được 41 “cuốc”, tổng thu nhập là 720 nghìn đồng, trừ chi phí, mỗi ngày thu nhập được 100 nghìn đồng. “Tiền ít vậy nhưng cũng không dễ kiếm đâu cháu, suốt ngày phải phơi mình ngoài nắng mưa, hít bụi đường, đối mặt với bao nhiêu nguy hiểm. Tài xế Grab ở đây không có lương cứng, tự làm tự ăn và chia 20% thu nhập cho công ty. Hơn nữa, công ty không có bảo hiểm cho tài xế, nếu có tai nạn thì mình tự chịu hoàn toàn”- chú Biên thở dài.

Cũng như nhiều tài xế khác, chú Vũ Văn Biên mong muốn Grab sẽ được nhiều người biết đến và sử dụng hơn. Ảnh: VT

 

Thấy tôi và chú Biên ngồi tâm sự, thêm một anh tài xế đến góp vui cho một ngày ế. Cũng là một trong những tài xế “đời đầu” như chú Biên, anh Nguyễn Đình Trung chia sẻ: Nghề này bạc lắm, các anh lớn tuổi, gia đình ổn định hết rồi, nên mới đi làm, còn trẻ, em kiếm việc gì khác mà làm. Các anh làm lâu rồi nên có các mối gọi điện đặt đồ ăn hay giao hàng nên có thêm chút thu nhập, chứ bình thường “bèo bọt” lắm.

Cũng trầy trật như chú Biên, để có thêm thu nhập lo cho gia đình, anh Trung lựa chọn cách kiêm luôn cả dịch vụ Grab Food và giao hàng. Anh bảo, bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, cứ có khách gọi yêu cầu mua đồ ăn, đồ uống hay giao hàng là anh lên đường ngay. “Phải linh động vậy mới kiếm tiền được, chứ chỉ trông chờ vào mấy “cuốc” xe ôm thì khó lắm. Mà làm vậy cũng lo, có bữa khách nhờ mua gần 2 triệu tiền đồ ăn, vừa chạy xe vào Đăk Cấm giao hàng, tôi vừa lo nơm nớp, sợ bị “bom” hàng”- anh Trung cười chua chát. 

Trời đổ mưa, tôi chia tay chú Biên và anh Trung, quay về trả mũ và áo cho anh bạn, kết thúc một ngày trải nghiệm làm tài xế công nghệ ở thành phố Kon Tum. Ngoái lại nhìn hai bóng áo xanh của anh và chú đang chạy hướng ngược lại, tôi bỗng ngậm ngùi nghĩ, long đong thế này, không biết họ có bám trụ lâu dài với nghề hay không, tương lai của tài xế Grab dường như cũng mông lung như câu cửa miệng “bao giờ mới có khách tiếp theo?!”

Văn Tùng

Chuyên mục khác