Niềm vui Đăk Mế

22/06/2021 06:05

Mấy ngày nay, câu chuyện về Nàng Xô Vi trúng cử đại biểu Quốc hội cứ râm ran khắp làng Đăk Mế, xã Pờ Y. Ai ai cũng thấy vui và tự hào, bởi Xô Vi không chỉ là người Brâu đầu tiên đỗ đại học, mà còn là lần đầu tiên dân tộc Brâu có đại biểu Quốc hội.

Tự hào người con của làng

Suốt tuần qua, bà con làng Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) rất vui mừng và tự hào khi người con của làng là Nàng Xô Vi- giáo viên Trường PTDTNT tỉnh, phân hiệu huyện Ia H’Drai trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Tiếng cười nói, nét mặt vui mừng không chỉ với gia đình, người thân của Xô Vi mà của cả dân tộc Brâu trong ngôi làng Đăk Mế.

Nàng Xô Vi sinh ra ở làng Đăk Mế- nằm bên Quốc lộ 40 đi cửa khẩu quốc tế Bờ Y, là nơi quần tụ của hơn 500 nhân khẩu người DTTS Brâu - Đây là một trong những dân tộc ít người nhất trong cộng đồng 54 dân tộc anh em của Việt Nam. Ở ngã ba Đông Dương, biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia này, những đứa trẻ nghèo thường bỏ học theo bố mẹ lên rẫy hoặc lập gia đình sau khi kết thúc cấp hai. Bởi vì họ vẫn còn quan niệm biết “cộng trừ nhân chia” là đủ, song Xô Vi khác. Cô không chấp nhận số phận nên đã quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để trở thành người đầu tiên của dân tộc Brâu đỗ đại học. Và giờ đây, Xô Vi lại là người đầu tiên của dân tộc Brâu trúng cử đại biểu Quốc hội. Đây là niềm vinh dự, tự hào cho dân tộc Brâu nơi ngã ba Đông Dương này.

Cô giáo Nàng Xô Vi tận tình dạy học trò. Ảnh: P.N

 

Trung tuần tháng 6, tôi tìm về ngôi làng Đăk Mế. Trưởng thôn Thao Lợi dẫn tôi đến nhà của bố mẹ Xô Vi. Trong ngôi nhà cấp 4 trống huơ trống hoắc, không bàn, không ghế, Nàng Pang - mẹ của Xô Vi nở nụ cười tươi đầy tự hào và trải chiếu mời khách ngồi. Trong nhà không có ai, vì cả 4 người con đều đã lập gia đình đi ở riêng, chỉ còn Nàng Pang ở nhà. Bố của Xô Vi là Thao Gu thì đến ở cùng với Xô Vi tại huyện Ia H’Drai để chăm sóc cháu ngoại (con của Xô Vi). Mấy ngày nay, Nàng Pang không đi lên rẫy được vì dân làng đến chúc mừng. Theo Nàng Pang, từ ngày trúng cử đại biểu Quốc hội, Xô Vi chưa có dịp về nhà thăm mẹ mà mới gọi điện báo tin cho mẹ biết, bởi cô đang bận ôn thi cho học sinh lớp 12. Suốt từ ngày công bố Xô Vi trở thành đại biểu Quốc hội, ngôi nhà cấp 4 tềnh toàng của bố mẹ Xô Vi lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười vui bởi người dân đến thăm hỏi, chúc mừng.

Nàng Pang vui mừng chia sẻ: Mình vui lắm. Mấy ngày nay, bà con dân làng đến chia vui với gia đình rất đông. Mình mong con sẽ tiếp tục phát huy và có nhiều đóng góp cho đất nước, cho dân tộc Brâu mình.

Còn bà ngoại của Xô Vi là Y Dươi (70 tuổi) lúc nào cũng nở nụ cười tươi đầy hãnh diện và tự hào vì người cháu của mình. Theo bà Y Dươi chia sẻ, bà tự hào vì Xô Vi không chỉ làm rạng danh cho gia đình, dòng họ mà còn là niềm tự hào của cả dân làng và dân tộc Brâu.

Người trưởng thôn tận tụy

Nàng Xô Vi trở thành người đại biểu Quốc hội đầu tiên của dân tộc Brâu thì ngoài gia đình của Xô Vi, có lẽ niềm vui lớn nhất là Thao Lợi - Trưởng thôn làng Đăk Mế. Bởi chính ông là người động viên, khích lệ tinh thần, giúp đỡ và tận tình hướng dẫn giúp Xô Vi vượt qua trong những lúc khó khăn nhất để có ngày hôm nay. Trưởng thôn Thao Lợi cũng là người dẫn Xô Vi xuống Trường PTDTNT tỉnh và gặp lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo để xin cho Xô Vi được đi học.

Trưởng thôn Thao Lợi kể: Hồi ấy, khi Xô Vi đến nhà trình bày mong muốn được đi học cấp 3 nhưng khi ấy việc nộp hồ sơ vào Trường PTDTNT tỉnh đã muộn nên tôi dẫn Xô Vi xuống thành phố gặp lãnh đạo nhà trường và Sở Giáo dục và Đào tạo để xin cho Xô Vi đi học. Sau khi gặp và trình bày, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý và tạo điều kiện cho Xô Vi được học tại Trường PTDTNT tỉnh.

Trưởng thôn Thao Lợi cùng mẹ và bà ngoại của Nàng Xô Vi. Ảnh: P.N

 

Nhưng sau hai tháng đầu học ở Trường PTDTNT tỉnh, Xô Vi gặp nhiều khó khăn vì chưa rành tiếng Kinh, cô bé trường làng tỏ ra bối rối và ngại giao tiếp với bạn bè nên học lực sa sút. Xô Vi lại tìm đến ông và nói: Bác ơi! Cháu học không vào. Cháu sợ không theo nổi. Thấy Xô Vi nói vậy, Thao Lợi tiếp tục động viên, khuyên nhủ và hướng dẫn cách để học tập vươn lên.

Thao Lợi cho biết: Khi ấy, tôi nói với cháu học trên lớp phải chịu khó nghe thầy cô giáo giảng bài, chăm chú ghi chép, những chỗ nào chưa hiểu thì mạnh dạn hỏi thầy cô. Đồng thời, cháu nên tìm và chơi với những người bạn học giỏi hơn để nhờ họ giúp đỡ những khi có những bài không hiểu. Cháu phải cố gắng học cho tốt để sau này giúp đỡ cho con em trong làng chứ.

Được sự khuyên nhủ của người trưởng thôn, Xô Vi đã cố gắng nỗ lực rất nhiều và cô gái trường làng dần mạnh dạn, năng động, học hành tiến bộ và rồi cô cũng vượt qua được 3 năm học phổ thông.

Mùa hè năm 2014, sau khi tốt nghiệp THPT, Xô Vi thi vào Trường Đại học Huế và đậu vào ngành sư phạm Địa. Xô Vi trở thành người Brâu đầu tiên đỗ đại học. Tuy nhiên, gần đến ngày nhập học, nhưng bố mẹ đang đi làm xa (bên Lào) không có điện thoại nên không liên lạc được. Khi ấy, đích thân trưởng thôn Thao Lợi đã đứng ra tổ chức họp thôn tại nhà rông của làng và vận động bà con trong làng góp tiền, gạo, nước mắm, vật dụng... giúp Xô Vi đi học đại học. Đồng thời,  ông đã bỏ tiền túi đứng ra tổ chức một bữa liên hoan mừng Xô Vi trước khi lên đường đi học.

Thao Lợi cho biết: Tôi bỏ tiền ra tổ chức liên hoan cho cháu Xô Vi đi học đại học vừa để động viên cháu Xô Vi, vừa qua đó muốn nhắn nhủ với thế hệ trẻ hãy học tập tấm gương của Xô Vi, cố gắng học tập để vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo.

Trong 4 năm đại học, Xô Vi tự bươn chải, vừa học vừa đi làm phục vụ quán cơm, rửa chén bát... để lo tiền ăn học. Suốt 4 năm đại học, đích thân trưởng thôn cũng đã có nhiều sự giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần để Xô Vi vượt qua khó khăn, hoàn thành chương trình đại học với tấm bằng khá. Cho nên, với Xô Vi, công lao của trưởng thôn Thao Lợi khó có thể kể hết được. Vì vậy, hôm nhận được tin trúng cử đại biểu Quốc hội, ngoài bố mẹ, gia đình thì người tiếp theo mà Xô Vi thông báo và bày tỏ lòng biết ơn là trưởng thôn Thao Lợi. Bởi, nếu không có ông, thì Xô Vi không có ngày hôm nay.

Không phụ lòng mong mỏi của gia đình, trưởng thôn và dân làng Đăk Mế, Nàng Xô Vi đã mang về niềm vui và tự hào cho cả dân tộc Brâu. Dân làng Đăk Mế cũng đang đặt niềm tin và mong muốn người con của làng- nữ đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi sẽ mang tiếng nói của đồng bào DTTS ra nghị trường Quốc hội, kêu gọi các chính sách hỗ trợ về giáo dục, hỗ trợ về việc làm, với mục tiêu là thu hẹp dần khoảng cách về mức sống và thu nhập bình quân so với cả nước.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác