Những triệu phú nông dân ở “ngã ba biên”

28/05/2022 06:01

Ở làng Kon Khôn (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi), anh Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Duy Thanh Hải được mệnh danh là những nông dân triệu phú. Đều từ nơi khác đến lập nghiệp, nhưng với khát vọng làm giàu, bằng những “lối đi riêng” họ đã chinh phục thành công miền đất mới và trở thành những gương sáng trong lao động sản xuất ở “ngã ba biên”.

Quyết tâm làm giàu trên quê hương mới

Trong một lần cùng Đoàn công tác của Tỉnh ủy đến thăm mô hình phát triển kinh tế của anh Nguyễn Văn Hà, tôi đã thực sự bị hớp hồn trước một trang trại rộng lớn với 30ha đất canh tác cà phê, cao su và cây ăn trái xen canh, doanh thu năm 2021 đạt trên 2,5 tỷ đồng. Ấn tượng bởi trang trại này, tôi đã quyết tâm quay trở lại để tìm hiểu kỹ hơn về hành trình xây dựng trang trại và làm giàu trên vùng đất mới của anh Hà.

Anh Nguyễn Văn Hà quê ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình). Năm 2000, mới rời quê vào xã Pờ Y định cư theo lời “rủ rê” của một người thân.

Kể về cơ duyên đưa anh đến với vùng đất này, anh Hà chia sẻ: Hồi ấy, khi một người quen ở ngoài quê gợi ý vào trong này làm ăn, tôi đã vào trước tham khảo. Đến nơi, tôi liền bị “mê hoặc” bởi đất đai rộng rãi, màu mỡ, có điều kiện phát triển cây công nghiệp, trong khi ngoài quê tôi đất chật người đông, khó mở mang sản xuất. Vậy là, tôi về bàn với vợ đưa 2 con vào đây lập nghiệp, chính thức trở thành công dân của vùng đất biên giới này.

Với toàn bộ vốn liếng có được, tôi mua 1,5ha cà phê của người dân trong vùng, nghĩ rằng cứ thế nhẩn nha làm ăn là sẽ ổn. Thế nhưng, mọi thứ ban đầu không hề dễ dàng vì tôi chưa quen với việc sản xuất đất rẫy, chưa biết kỹ thuật trồng cà phê, cuộc sống ở nơi mới thiếu thốn đủ thứ. Thế nhưng, hai vợ chồng động viên nhau thôi thì “vạn sự khởi đầu nan”, đã vào đây rồi nhất định phải “bén rễ xanh cây mới về”. Vậy là, chúng tôi vừa học hỏi kỹ thuật làm cà phê, vừa đi làm thuê khắp nơi, mướn đất trồng mì, cứ thế khó khăn dần bớt, từng bước ổn định – anh Hà trải lòng.

Sau nhiều nỗ lực, anh Nguyễn Văn Hà đã có một trang trại cây công nghiệp và ăn trái rộng lớn. Ảnh: TH

 

Khó khăn qua đi, tích cóp được chút vốn nào, anh Hà lại tìm mua những mảnh đất mà người dân canh tác không hiệu quả, đầu tư trồng cao su, cà phê. Trải qua nhiều lần dồn đổi, đến nay, trang trại của anh được gom về 2 khoảnh, gồm 5ha cao su; 25ha cà phê, trong đó, có 7ha cà phê được trồng xen canh với sầu riêng và bơ. Toàn bộ diện tích trồng cà phê và cây ăn trái được anh đầu tư công nghệ tưới nhỏ giọt, canh tác theo phương pháp hữu cơ.

Năm ngoái, với nguồn thu chủ yếu từ cà phê, sau khi trừ các khoản chi phí, anh Hà lời hơn 1,2 tỷ đồng. Năm nay dự kiến, thu nhập sẽ cao hơn bởi 5ha cao su đã chính thức đưa vào khai thác; sầu riêng cũng bắt đầu ra bói. Từ năm sau, dự kiến nguồn thu sẽ lớn hơn bởi tất cả loại cây trồng đều cho thu hoạch và không còn phải đầu tư nhiều như giai đoạn kiến thiết.

Những gì có được hôm nay là sự đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực, quyết tâm làm giàu của người con “quê hương 5 tấn” trên vùng đất mới Pờ Y.

Thành công với “lối đi riêng”

Theo giới thiệu của UBND xã Pờ Y, tôi tìm đến trang trại của anh Nguyễn Duy Thanh Hải để được “mục sở thị” những đồi cà phê, cây ăn trái xanh ngút ngàn, hút tầm mắt.

Nằm cách trung tâm xã Pờ Y gần chục cây số, vượt qua mấy con dốc dựng đứng, trước mắt tôi hiện ra một vùng trồng cây ăn quả rộng lớn, đang mùa thu hoạch trĩu quả. Gió nhẹ mang theo hơi nước từ các hồ chứa thổi lên mát rượi khiến bất kỳ ai khi đặt chân đến đây đều thích thú.

Vừa đưa tôi tham quan một vòng trang trại, anh Hải vừa chia sẻ: Trang trại của tôi không rộng lắm, chỉ hơn 20ha, trong đó, có 6ha sầu riêng xen canh với cà phê; hơn13ha trồng bơ và mít, 1ha trồng tiêu. Bên phải lối vào tôi bố trí trồng mít để dễ vận chuyển; phía bên trái và bên trong cùng, thích hợp để trồng bơ, còn một khu vực dành để trồng sầu riêng. Toàn bộ vườn cây được canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, dùng nguồn điện năng lượng mặt trời để bơm tưới.

Vụ này, vườn bơ mới ra bói nên sản lượng ước đạt trên 10 tấn, với giá bán thời điểm đầu vụ lên tới 70.000 đồng/kg, hiện tại là 30.000 đồng/kg, anh Hải dự tính thu về khoảng 350 triệu đồng và 30 triệu đồng từ tiền bán mít. Diện tích cà phê xen canh vụ vừa rồi cũng đã mang về cho anh gần 1 tỷ đồng. Theo tính toán của anh Hải, phải từ năm sau trở đi, khi diện tích cây ăn trái đồng loạt cho thu quả, nguồn thu của trang trại sẽ lớn hơn rất nhiều.

Để có trang trại cây ăn trái quy mô, bài bản hôm nay là một quá trình đầy đắn đo, cân nhắc để đi tới một quyết định mà theo nhiều người là “điên rồ” của anh Hải.

Vẫn nguyên chất giọng miền Trung, anh Nguyễn Duy Thanh Hải chậm rãi kể: Năm 2018, sau nhiều tìm hiểu, cân nhắc, tôi đã quyết định “chơi một canh bạc”, bỏ một nguồn vốn lớn mua giống cây bơ 034, sầu riêng Mosanking, mít Thái về trồng xen trong vườn cà phê với mục đích sẽ từng bước thay thế vườn cà phê bằng vườn cây ăn trái. Bởi, tôi nhận thấy trồng cà phê tốn rất nhiều công, vào mùa thu hái thường khó tìm nhân công, trong khi trồng cây ăn trái tốn ít công hơn, dễ tiêu thụ. Tuy nhiên, vì vườn cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh, năng suất cao nên khi tôi chia sẻ ý tưởng này, nhiều người nói tôi là “điên”. Nhưng, tôi nghĩ nếu không dám bước ra khỏi vùng an toàn thì khó mà thành công được nên tôi quyết “đi ngược chiều” và phải làm bằng được. May mắn, “đất không phụ công người”, các cây ăn trái đều lên tốt, cây lớn đến đâu, tôi chặt dần cà phê đến đó. Năm 2020, mít bắt đầu cho quả, năm nay thì đến lượt bơ ra trái, loại nào cũng nhiều quả, quả to, ăn ngon. Trái cây thu hoạch đến đâu, thương lái thu mua hết đến đó, đã củng cố niềm tin trong tôi.

Anh Nguyễn Duy Thanh Hải ở Quảng Trị, sau đó, vào Lâm Đồng làm ăn với nghề chạy xe tải. Tuy nhiên, năm 1997, trong một lần tình cờ sang chơi với người quen ở xã Pờ Y, anh Hải liền thấy “yêu” vùng đất biên giới này nên anh quyết định chuyển từ Lâm Đồng sang đây lập nghiệp, trở thành một nông dân thứ thiệt.

Mang toàn bộ tiền tích cóp ra, anh Hải mua được 10ha đất đồi. Ban đầu anh  phát cỏ, trồng mì với mục đích lấy ngắn nuôi dài, rồi có vốn đến đâu, đầu tư trồng cà phê đến đó. Khi cà phê được thu, có tiền tích lũy, anh lại mua thêm đất của các gia đình ở xung quanh. Mặc dù ở địa thế không được đẹp, trên đồi cao, xa đường đi, nhưng với sự mạnh dạn đầu tư san ủi đường đi, múc đất đào ao lấy nước tưới, cần cù cải tạo, giờ anh Hải đã có một trang trại khiến nhiều người phải mơ ước. Hiện tại, anh Hải đang thực hiện các thủ tục để xây dựng thương hiệu cho trái cây của gia đình.

Sự liều lĩnh của anh Nguyễn Duy Thanh Hải sau 4 năm đã thu về quả ngọt. Ảnh: TH

 

Có thể nói, mỗi người một cách làm, hướng đi khác nhau, nhưng cả anh Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Duy Thanh Hải có điểm chung là sự táo bạo, ham học hỏi, ý chí vượt khó, khát vọng làm giàu. Nhờ đó, họ đã thành công, làm giàu cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động trọng vùng và góp xây dựng quê hương.

Thùy Hương

Chuyên mục khác