Những “sứ giả” của tình yêu thương

08/08/2019 06:01

Không khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, nhưng mỗi ngày, các thành viên của Tổ công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn cần mẫn đồng hành cùng người bệnh, kết nối những tấm lòng nhân ái giúp đỡ cho các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Hơn 3 năm qua, kể từ khi thành lập đến nay, họ lặng lẽ đem tình yêu thương đến với bệnh nhân...

Kết nối những tấm lòng từ thiện

Mấy hôm trước, ghé thăm con người bạn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi đã được nghe kể chuyện về những “sứ giả” của tình yêu thương- tên gọi trìu mến mà nhiều bệnh nhân đặt cho Tổ công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 “Mấy ngày chăm con ở đây tôi mới thấy, nằm viện đã khổ mà người nghèo phải đi viện còn khổ hơn, nếu không may bệnh nặng thì thật đúng là vô cùng khốn khổ. Nhưng cũng may, hằng ngày, tôi thấy có nhiều người tới giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn. Người giúp đỡ bằng tiền, người ủng hộ sữa, nhiều ca nặng được hỗ trợ chi phí chuyển viện…thông qua sự kết nối của Tổ công tác xã hội của bệnh viện”- bạn rủ rỉ.

Về nhà rồi mà câu chuyện bạn kể cứ mãi vương vấn trong tôi. Thế là tôi quyết định quay lại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tìm gặp những “sứ giả” ấy.

Chưa kịp rót ly trà mời khách, Bùi Xuân Thành - Tổ trưởng Tổ công tác xã hội vội vàng nghe cuộc điện thoại của người nhà bệnh nhân gọi đến. Từ loa máy vọng ra, tôi nghe lõm bõm: “Cháu ổn rồi, mai được về, nhưng có người ở Gia Lai nói đưa cháu xuống đó, họ hỗ trợ… Vậy chị nên làm thế nào?”.

Sau khi chúc mừng bệnh nhân, Thành nhanh chóng tư vấn: “Chị cứ đưa cháu về, rồi khi nào tái khám hay điều trị phục hồi thì chị đưa cháu xuống đây, bọn em sẽ giúp chị…”.

Kết thúc cuộc điện thoại, Bùi Xuân Thành kể: Đó là chị Y Đyan (ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) - người nhà của bệnh nhân nhi được bọn em giúp đỡ.

Ngày 30/6, cháu bé nhập viện khi vừa sinh xong và được chẩn đoán là bị thoát vị tủy, nhiễm trùng sơ sinh. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã liên hệ và giới thiệu đưa cháu ra Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng điều trị. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình chị Y Đyan rất khó khăn nên không có khả năng thanh toán chi phí thuê xe chuyển bệnh nhân. Qua các y, bác sĩ, thành viên của Tổ công tác xã hội nắm bắt, đưa thông tin lên trên Website, Fanpage của bệnh viện kêu gọi sự ủng hộ của mọi người. Cùng với nguồn hỗ trợ của bệnh viện và các nhà hảo tâm ủng hộ, Tổ đã trao cho gia đình chị Y Đyan số tiền 16 triệu đồng để thanh toán tiền xe, còn lại để trang trải sinh hoạt phí.

Sau gần 20 ngày điều trị ở Đà Nẵng, cháu chuẩn bị được xuất viện về nhà. Trong suốt quá trình nằm viện dưới Đà Nẵng, có việc gì mẹ của bé vẫn gọi lên nhờ bọn em tư vấn. Đấy, như hôm nay là do có ai đó nói sẽ giúp mẹ con chị ấy, nhưng phải xuống Gia Lai nên bọn em tư vấn cho chị vì thấy thông tin người giúp đỡ không rõ ràng, rồi lo chị xuống đó trái tuyến nếu không được giúp, bảo hiểm không thanh toán thì thật sự là rất khó khăn- Thành chia sẻ.

Hay như trường hợp của A Hùng (xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai), nếu không nhờ sự tận tình, nhiệt huyết của Tổ công tác xã hội, chắc chắn quá trình nằm viện, điều trị của anh sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ngày 4/6, A Hùng nhập viện do bị tai nạn giao thông, được xác định đa chấn thương, chấn thương não. Khi vào viện, A Hùng không có bất kỳ một loại giấy tờ nào, cũng không có người thân.

Các thành viên trong Tổ công tác xã hội đã nỗ lực liên hệ với địa phương và làm thẻ bảo hiểm y tế cho anh. Sau đó, qua các kênh tìm kiếm, mẹ nuôi của A Hùng đã nhận ra và tới chăm sóc anh.

Dù được bảo hiểm hỗ trợ 100% chi phí điều trị, nhưng hoàn cảnh của A Hùng rất khó khăn nên Tổ công tác xã hội của Bệnh viện đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ 4 triệu để cho người nhà trang trải các chi phí sinh hoạt trong thời gian nằm viện.

Theo Bùi Xuân Thành, những trường hợp như A Hùng không phải là hiếm, rất nhiều ca vào viện trong tình trạng nguy kịch, chi phí điều trị cao, nhưng không có giấy tờ, người thân. Tuy nhiên, chỉ cần bệnh nhân cung cấp thông tin, địa chỉ, các thành viên trong tổ chủ động liên lạc với địa phương xác minh, tìm người thân; khó mấy cũng phải tìm. Các thành trong Tổ luôn lắng nghe, nắm bắt hoàn cảnh của người bệnh, xác định mức độ khó khăn; vận động, kêu gọi, kết nối những tấm lòng thiện nguyện.

Với phương châm không để người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, đơn độc trong cuộc chiến chống bệnh tật, Tổ công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, tìm nguồn hỗ trợ; tiếp nhận tài trợ về kinh phí, vật chất để hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn; làm nhịp cầu nối yêu thương giữa người bệnh với những tấm lòng thiện nguyện và các mạnh thường quân.

Trao yêu thương để nhận niềm vui

Với 5 thành viên trẻ trung, năng động, mỗi người một việc, Tổ công tác xã hội không chỉ làm nhịp cầu kết nối về vật chất, mà còn có hoạt động gắn kết yêu thương, lan tỏa yêu thương mang niềm vui đến với các bệnh nhân.

Có mặt tại Khoa ngoại chấn thương - nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng, tôi thực sự ấn tượng khi chứng kiến Lê Nguyễn Diễm Hà- thành viên Tổ công tác xã hội - tận tình giúp các bệnh nhân, từ việc đỡ ngồi dậy, lau mặt mũi, đắp lại tấm mền, đến ân cần hỏi han xem ăn uống có ngon miệng không, có đỡ đau không, có hài lòng về cung cách phục vụ của các y, bác sĩ hay không…

Hỏi thăm về cô gái mặc áo màu xanh trắng này, từ các bệnh nhân đến người nhà họ ai cũng tấm tắc khen: Con bé tốt lắm, chẳng nề hà việc gì, nó chăm sóc, giúp đỡ người bệnh tận tình như người nhà ấy.

Các thành viên Tổ công tác xã hội chăm sóc cho các bệnh nhân. Ảnh: TH

 

Trở lại với trường hợp của A Hùng, hơn 1 tháng nay nằm viện, chỉ mẹ nuôi anh tranh thủ lui tới chăm sóc còn mọi việc đều do Lê Nguyễn Diễm Hà và những người có tấm lòng thiện nguyện được kết nối thông qua Tổ công tác xã hội giúp đỡ từ việc cắt tóc, gội đầu, bón cho miếng cơm, miếng nước… Hành trình điều trị bệnh của A Hùng vẫn đang tiếp diễn và tôi tin rằng, sự giúp đỡ của Hà và cả Tổ công tác xã hội là sự khích lệ rất lớn để anh vượt qua những đau đớn của bệnh tật và khó khăn trong cuộc sống để mau chóng phục hồi.

Lê Nguyễn Diễm Hà chia sẻ: Em cảm thấy thực sự hạnh phúc khi được giúp đỡ cho các bệnh nhân, nhất là những người bệnh nặng mà hoàn cảnh lại khó khăn, em càng thương họ nhiều hơn. Có những việc, bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân nhờ mà mình chưa làm được hoặc làm không được như ý, em áy náy vô cùng; tìm mọi cách kêu gọi mọi người giúp cho bằng được.

Nhằm kịp thời giúp đỡ người bệnh, hằng ngày, Tổ công tác xã hội còn bố trí nhân viên đón tiếp, hướng dẫn tại các khoa để chỉ dẫn người bệnh, người nhà bệnh nhân về quy trình, thủ tục khám, chữa bệnh; giới thiệu, cung cấp thông tin, tư vấn về dịch vụ khám, chữa bệnh; giải thích cho bệnh nhân, người nhà người bệnh trong trường hợp người bệnh có chỉ định chuyển viện, ra viện; tư vấn các chính sách xã hội về BHYT, trợ cấp xã hội...

Thứ tư hàng tuần và mỗi tháng 1 ngày chủ nhật, Tổ công tác xã hội phối hợp với tổ chức đoàn thanh niên địa phương, hoặc vận động những người có tấm lòng thiện nguyện tham gia giúp các bệnh nhân và người nhà của họ. Các bạn trẻ tự tay gội đầu, cạo râu, cắt tóc, bấm móng tay cho các bệnh nhân; tổ chức chương trình giao lưu ca nhạc để động viên tinh thần người bệnh.

Phần thưởng lớn nhất dành cho họ chính là niềm vui của mỗi bệnh nhân ngày xuất viện. “Có bệnh nhân xuất viện rồi vẫn gọi điện đến cảm ơn, hay đơn giản chỉ là cái nắm tay thật chặt của họ lúc về cũng khiến chúng tôi ấm lòng và có động lực để tiếp tục sứ mệnh của mình” – Bùi Xuân Thành bộc bạch.

Tâm huyết và trách nhiệm với cộng đồng, các thành viên Tổ công tác xã hội thực sự là những “sứ giả” của tình yêu thương đến với những mảnh đời bất hạnh, những số phận kém may mắn. Qua đó, tiếp thêm động lực cho nhiều người bệnh nghèo, giúp họ vui vẻ, lạc quan điều trị, vượt qua bệnh tật…

THÙY HƯƠNG

Chuyên mục khác