Những lớp học mở cửa trước bình minh

14/12/2021 06:15

2 giờ sáng, khi núi rừng còn đang say giấc, trên nhiều nẻo đường vùng biên huyện Ia H’Drai xuất hiện những công nhân khai thác mủ cao su. Trong bộ đồ lao động lấm lem vết mủ, đầu đội đèn pin, họ hối hả đến các điểm trường gửi con để bắt đầu ngày làm việc mới.

Lúc này, cô Lô Thị Oanh (35 tuổi) và cô Trần Thị Lâm (35 tuổi) cũng vội vàng lên điểm trường đội 1 ở thôn Ia Der (xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai) để mở cửa đón học sinh.

Theo lời giới thiệu của cô Đặng Thị Mai Hoa – Hiệu trưởng Trường Mầm non 4/3, Chi nhánh 716 thuộc Binh đoàn 15 cho biết, Trường Mầm non gồm 12 điểm, 24 lớp, nằm rải rác ở các thôn trên địa bàn xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai). Mỗi điểm có tên gọi gắn liền với đội công nhân khai thác mủ cao su, theo thứ tự từ 1 - 12. Trường Mầm non gồm 221 học sinh với 35 cán bộ, giáo viên, nhận giữ trẻ từ 3 tháng đến 5 tuổi, tất cả đều là con em của công nhân cao su.

Dọn dẹp xong lớp học, cô Oanh và cô Lâm vội rửa mặt để sẵn sàng đón trẻ. Trong không gian tĩnh mịch vọng tiếng tắc kè, tiếng chó sủa, cùng tiếng xe máy ầm ì trên đường.

Phụ huynh đến gửi con để đi khai thác mủ. Ảnh: VT 

 

Tiếng xe máy rõ dần hơn và tắt hẳn khi đến trước cổng trường, phụ huynh đầu tiên đã đưa con đến lớp. Giờ mở cửa đã khác lạ, cách phụ huynh đưa con đến trường còn đặc biệt hơn. Các em nhỏ đến lớp đều trong tình trạng ngủ say. Một số cháu chỉ 6 tháng tuổi, đang cuộn mình trong chiếc chăn ấm đã phải rời xa vòng tay bố mẹ khi mặt trời còn chưa mọc.

Bước khe khẽ ra đón học trò, cô Lô Thị Oanh chỉ dám thỏ thẻ chào phụ huynh rồi nhẹ nhàng bế cháu nhỏ vào phòng. Cô không dám phát ra tiếng động sợ cháu nhỏ giật mình tỉnh giấc rồi quấy khóc. Còn phụ huynh, sau khi gửi con cho cô giáo, họ cũng lặng lẽ yên tâm đi khai thác mủ.

Cô Oanh tâm sự: Trời ráo, phụ huynh đi lại dễ dàng hơn, còn trời mưa, phụ huynh đi lại vất vả, các cháu nhìn rất tội nghiệp. Mưa lạnh, phụ huynh phải mặc áo mưa cho cháu, có cháu thì được che dù để khỏi bị tỉnh giấc. Tôi thấy thương các cháu, đang ấm áp say giấc thì phải đến trường để bố mẹ đi làm. Nhưng cũng chẳng còn cách nào khác để các phụ huynh yên tâm phơi mình ngoài lô khi trời còn tối mịt.

Các cô lo cho học sinh từng miếng ăn, giấc ngủ. Ảnh: V.T 

 

Nhìn các cháu nằm im ngủ ngon, cô Oanh và Lâm cũng hạnh phúc phần nào. Cô Lâm kể, có những cháu, suốt mấy tháng đầu gửi trẻ, còn quen hơi bố mẹ, hễ đến lớp là khóc quấy cả đêm, một cháu khóc khiến cả đám khóc theo. Lúc này, mỗi cô hai tay 2 cháu, dỗ  dành từng cháu một. Có những cháu bị ốm, các cô phải túc trực cả đêm, ôm cháu trên tay không nỡ lòng đặt xuống.

“Tôi có một đứa con trai 2 tuổi, hiện đang học lớp này. Lúc cháu mới đến lớp, thấy mẹ bế những bạn khác cháu ghen tị, không cho mẹ bế. Cứ bế cháu nào lên, con tôi đều khóc đẩy ra khỏi mẹ. Giờ thì cháu quen rồi, không còn ghen tị với các bạn nữa” – cô Lâm cười tâm sự.

Khi các cháu ổn định và dần chìm vào giấc ngủ, lúc này các cô cũng tranh thủ chợp mắt, rồi lại thức dậy cùng tiếng gà gáy để chuẩn bị đồ ăn sáng cho các cháu.

Một năm có 12 tháng nhưng đã có 9 tháng các cô thức dậy ăn sáng cùng các cháu, 3 tháng còn lại là thời gian “nghỉ hè” của phụ huynh, là lúc mà các cháu được có giấc ngủ trọn vẹn trong vòng tay bố mẹ và cũng là tháng mà các cô giáo hoạt động đúng với thời gian sinh học theo lẽ thường. Trong 9 tháng ròng rã ấy, thời gian các cháu được ở bên cô giáo còn nhiều hơn ở với bố mẹ, các cháu xem cô như người mẹ thứ 2 của mình, là người để các cháu làm nũng, “ăn vạ” khi gặp chuyện. Ấy vậy mà, khi trời ngả về chiều, các cháu bắt đầu trông ngóng bố mẹ đón về.

Chị Lan Thị Sen đến đón con sau một ngày lao động vất vả. Ảnh: V.T 

 

Trong bộ đồ lấm lem vết mủ, chị Lan Thị Sen (thôn Ia Der, xã Ia Đal) vội vàng đến đón con sau một ngày làm việc vất vả. Gặp mẹ, cô con gái 3 tuổi mừng rỡ quấn quýt ôm lấy mẹ. Cô bé không bận tâm mùi mủ cao su, không ngần ngại đến vết dơ trên áo mẹ, bởi mủ cao su đã quá đỗi gần gũi với cháu.

Chị Sen cho biết: Nhiều năm trước, chị đến đây làm công nhân cao su, hai vợ chồng có đứa con nhỏ. Nhờ có lớp học trông giữ mà hai vợ chồng yên tâm cạo mủ cao su. Giờ đây, đứa con đầu lòng đã học lớp 4, cháu gái này mới 3 tuổi và tiếp tục nhờ các cô trông giữ. Gửi con cho các cô, chúng tôi rất yên tâm. Các cô xem con chúng tôi như con mình, lo cho các cháu từng bữa ăn, giấc ngủ.

Tạm biệt các cô giáo mầm non Ia Đal, chúng tôi đến làng Thanh Niên, thôn 3, xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai) để tìm hiểu về việc gửi con ở nơi này. Làng Thanh Niên chưa có điểm trường mầm non, phụ huynh muốn gửi con phải đi xa hơn chục cây số mới đến điểm trường mầm non làng Mới để gửi. Để những phụ huynh có con nhỏ nơi làng Thanh Niên yên tâm đi làm về đêm, Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy đã mở một nhà giữ trẻ 2 giờ sáng tại làng.

Được người dân cho ngủ nhờ cách điểm giữ trẻ vài chục mét, tôi không sao chợp mắt được vì lạ chỗ hay do thao thức nghĩ đến nhà trẻ. 1 giờ 30 phút sáng, tiếng xe máy ầm ì trên khắp nẻo đường, lúc này bảo mẫu Võ Thị Hương chở bé Tít - cô con gái 5 tuổi của mình đến nhà trẻ. Bé Tít với đôi mắt lờ đờ, tay ôm chặt chiếc chăn bông từ nhà lên, cô bé đứng đợi mẹ mở cửa rồi phi thẳng vào nhà trẻ ngủ tiếp. Có lẽ cô bé đã hiểu được và thích nghi với công việc của mẹ. Bé Tít không chút phàn nàn hay cáu bẳn khi phải thức dậy sớm cùng mẹ đến lớp.

Lớp học của trẻ từ 2,5 đến 3 tuổi của điểm trường số 1, Trường Mầm non 4/3, chi nhánh 716 thuộc Binh đoàn 15. Ảnh: V.T 

 

Gọi là nhà giữ trẻ, nhưng đó chỉ là căn phòng trong dãy nhà mượn tạm của làng. Căn phòng vỏn vẹn hơn 10m2, có vài tấm ván kê tạm để cách đất, lót thêm tấm nệm mỏng dính, là chỗ cho các em tiếp tục giấc ngủ sau khi rời xa hơi ấm của bố mẹ.

Bảo mẫu Võ Thị Hương tâm sự: Nhà giữ trẻ có 2 người, vì số lượng con em gửi tương đối ít nên chúng tôi thống nhất chia làm hai ca sáng tối, mỗi tuần sẽ thay phiên nhau đổi ca. Tôi làm bảo mẫu được 3 năm, suốt 3 năm qua, mỗi lần tôi đến giữ trẻ lúc buổi đêm đều phải chở con gái theo, rồi cho cháu vào ngủ chung với mấy đứa nhỏ. Công việc tuy có chút vất vả, nhưng nhờ có nhà giữ trẻ thế này mà các phụ huynh làm công nhân cao su yên tâm làm việc, không phải lăn tăn chuyện gửi con cái để đi làm.

Nhờ có những lớp học trước bình minh, cùng sự chịu khó, chịu khổ của cô giáo, các phụ huynh làm công nhân cạo mủ cao su có thể yên tâm làm việc khi trời còn chưa sáng. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với lòng yêu nghề, yêu học trò, các cô giáo nơi vùng biên Ia H’Drai vẫn từng ngày chắp cánh tương lai cho các em học sinh nơi đây.

Văn Tùng

Chuyên mục khác