Những cung đường mùa xuân

15/01/2020 06:06

Nhiều tuyến đường được sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới, tạo thành những “mạch máu” xuyên suốt nối dài từ thành phố đến nông thôn, đến tận các thôn, làng vùng sâu, của tỉnh. Chính những con đường ấy đã góp phần đánh thức tiềm năng ở những vùng đất xa xôi trên địa bàn, tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Thông suốt những tuyến đường

Một mùa xuân mới đang về trên khắp các nẻo đường và đến với mọi nhà với muôn hoa đua nở, với sự tất bật sửa sang nhà cửa đón Tết đến của người dân. Rộn ràng, hối hả, tấp nập là những gì tôi cảm nhận được khi đi dọc những “con đường xuân”.

Lang thang dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, tôi được chứng kiến cảnh xe người nhộn nhịp ngược xuôi. Những chuyến xe vào Nam, ra Bắc dường như cũng vội vã hơn để đón những người con xa xứ về quê “vui Xuân, đón Tết” cùng gia đình, họ hàng. Những chuyến xe chở hàng dường như vội vàng hơn để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết.

Nhìn những chuyến xe xuôi ngược nối từ tỉnh ta đến các tỉnh thành trong cả nước; hay những con đường liên huyện, liên xã được đầu tư nối thông làm giao thương thuận tiện mà tôi cũng như người dân Kon Tum mừng vui.

Hệ thống giao thông phát triển là động lực đánh thức tiềm năng của nhiều địa phương.

Ảnh: Nguyễn Ban

 

Nhớ lại cách đây 20 năm, những con đường xuyên núi, xuyên rừng chỉ là niềm ước mơ của người dân Kon Tum. Thời ấy hệ thống giao thông chưa được đầu tư xây dựng nhiều nên việc đi lại của người dân thật gian nan, vất vả. Mỗi lần chúng tôi đi công tác huyện Đăk Glei hay Kon Rẫy, Kon Plông phải mất cả ngày đánh vật với những con “mưa lầy nắng bụi” mới tới trung tâm huyện.

Hồi đó, đường đến huyện Đăk Glei đất đá lởm chởm, phải mất gần một ngày mới có thể tới trung tâm huyện. Còn muốn vào tới xã Mường Hoong - Ngọc Linh thì phải mất gần một ngày đường đi bộ băng rừng, vượt suối. Tuyến Quốc lộ 24 đi Kon Rẫy, Kon Plông hay các huyện khác cũng chủ yếu là đường đất, chưa được đầu tư xây dựng; việc cán bộ ở xã đi huyện họp phải ngủ giữa rừng là chuyện thường. Đường sá khó khăn nên việc trao đổi buôn bán hàng hóa vì thế cũng hạn chế, đời sống nhân dân quanh quẩn trong đói nghèo.

Những năm qua, ngành Giao thông Vận tải tỉnh nỗ lực, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Xác định rõ nhiệm vụ “Giao thông đi trước đón đầu”, đội ngũ cán bộ, kỹ sư ngành Giao thông Vận tải không quản ngại khó khăn vất vả, tiên phong mở đường cho sự phát triển của tỉnh. Và cứ vậy, hàng năm, cán bộ ngành Giao thông Vận tải âm thầm góp phần “dệt nên những cung đường mùa xuân”. Các con đường kết nối vùng, kết nối các xã vùng sâu vùng xa được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển.

Với sự thông suốt của những con đường, giờ đây người dân không còn cảnh “ăn chực nằm chờ” đón xe về quê; không còn cảnh chờ hàng tuần mới có những chuyến xe vận chuyển hàng hóa phục vụ sinh hoạt. Giao thông phát triển giúp việc đi lại, thông thương hàng hóa vô cùng thuận tiện. Trên tuyến Hồ Chí Minh, từ Kon Tum đi Thành phố Hồ Chí Minh chỉ mất khoảng 10 tiếng hoặc từ Kon Tum đi các tỉnh miền Trung, hay đến trung tâm thành phố Đà Nẵng chỉ mất vài tiếng đồng hồ. Trước đây, muốn đến với Quảng Ngãi chỉ đi được trên tuyến Quốc lộ 24 thì nay còn có thể đi được bằng đường Trường Sơn Đông. 

Hệ thống giao thông nội tỉnh cũng được đầu tư xây dựng khang trang, thông suốt, tạo sự kết nối giữa các vùng, đi lại khá thuận tiện.

Mạng lưới giao thông được đầu tư mở rộng nối liền thành thị với nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Ảnh: Nguyễn Ban

 

Giờ đây từ trung tâm thành phố Kon Tum đến trung tâm huyện Đăk Glei chỉ mất chưa đến 2h (trước đây đi cả ngày) và đến trung tâm xã Ngọc Linh cũng chỉ thêm khoảng hơn 1h đi xe ô tô là đến nơi.

Trước đây muốn đến với Ngọc Tem (huyện Kon Plông) phải mất cả ngày đường đi bộ băng rừng, vượt núi nhưng giờ đây chỉ khoảng hơn 2h ô tô chạy từ trung tâm thành phố là có thể đến được Ngọc Tem trên con đường Trường Sơn Đông hùng vĩ.

Hay từ đường Ngọc Hoàng -Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh, chúng ta có thể đi xuyên từ Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) sang xã Ngọc Linh, Mường Hoong, Đăk Choong... của huyện Đăk Glei một cách dễ dàng. Tương tự từ đường Đăk Kôi- Đăk Psi chúng ta có thể đi xuyên từ Đăk Hà sang huyện Kon Rẫy qua tuyến đường này.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông, hiện ngành Giao thông Vận tải đang tập trung triển khai dự án Tuyến tránh thành phố Kon Tum (dài 25km); đang tiếp tục hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai xây dựng các đoạn xung yếu của Quốc lộ 24 đoạn qua tỉnh Kon Tum; đầu tư sửa chữa nâng cấp Quốc lộ 14C (dự kiến nhựa hoá toàn tuyến vào năm 2020); sửa chữa Quốc lộ 24, 40 và các tuyến Tỉnh lộ 675, 678, đường tái định cư thuỷ điện Plei Krông... Những dự án trên nhằm phát triển mạng lưới giao thông, với mục tiêu làm cho "mạch máu" giao thông sẽ trở thành liên hoàn: " thôn liền thôn, xã liền xã, huyện liền huyện", thông suốt từ tỉnh đến huyện, xã, thôn.

Đánh thức những tiềm năng

Hệ thống giao thông phát triển là động lực quan trọng đánh thức các tiềm năng kinh tế của nhiều vùng, nhiều địa phương trong tỉnh.

Đã hơn chục năm nhưng tôi vẫn còn nhớ như in lời tâm sự của anh bạn kỹ sư cầu đường “Đường mới, đi lại thuận tiện, xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng cao, nhưng mấy ai nhớ đến những người đi mở đường như chúng tôi. Nhưng điều đó không làm chúng tôi buồn mà luôn cảm thấy tự hào, vì từ những con đường đã làm đóng góp vào sự phát triển, mang lại niềm vui, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân”. Tôi nghĩ đó là lời nói chân thành xuất phát từ trái tim yêu nghề, yêu người và vì sự phát triển chung của xã hội. Bởi, nếu không có họ, không có những con đường “đi trước đón đầu” thì chắc rằng khó có sự phát triển như ngày hôm nay.

Những ngày cuối năm, tôi cưỡi lên “con ngựa sắt” của mình làm một chuyến lang thang trên những con đường trên huyện vùng sâu Tu Mơ Rông để thả ngắm nhìn cuộc sống thanh bình của người dân với những xóm làng mọc lên hai bên đường. Chạy xe trên những con đường mới được sửa chữa, nâng cấp, chúng tôi như “bị hút hồn” trước bạt ngàn màu xanh của các loại cây công nghiệp, cây dược liệu; được ngắm thửa ruộng bậc thang trải dài dưới thung lũng của dãy Ngọc Linh hùng vĩ.

Hệ thống giao thông nội tỉnh được đầu tư xây dựng khang trang, thông suốt.

Ảnh: Nguyễn Ban

 

Trên tuyến Quốc lộ 40 B, Tỉnh lộ 678, 672…những chuyến xe chở hàng hóa, nông sản, vật liệu xây dựng liên tục ngược xuôi đi lại. Ngay tại xã vùng sâu Măng Ri, không còn cảnh hàng hóa, nông sản như mì, cà phê, lúa thu hoạch xong phải chờ cả ngày, có khi 2, 3 ngày mới có xe vào thu mua, nhưng nay đã khác, thu hoạch đến đâu, xe đến đậu ngay đường, sát rẫy bốc, chở đến đó.

Theo ông Nguyễn Bá Thành - Chủ tịch UBND xã Măng Ri, do giao thông đi lại thuận tiện nên giờ không còn cảnh tư thương ép giá mà tạo sự cạnh tranh giữa tiểu thương ngày càng quyết liệt để mua được hàng hóa của dân. Điều đó làm lợi cho dân rất nhiều, hàng hóa, nông sản người dân sản xuất được tư thương đến tận nơi thu mua, đời sống kinh tế của người dân được nâng cao.

 Tâm sự với chúng tôi, ông A Hơn - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông khẳng định: "Người dân Tu Mơ Rông bây giờ đã bớt đi nỗi lo về giao thông, chỉ còn tính toán làm ăn để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hiện nay, huyện đang tập trung phát triển các loại cây dược liệu, phát triển mạnh diện tích cà phê xứ lạnh, kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, dược liệu… Với giao thông đi lại thuận lợi như thế này thì không xa, Tu Mơ Rông sẽ sớm thoát nghèo, đời sống người dân nâng cao".

Quốc lộ 24, đoạn qua thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Đi trên con đường mới Đăk Kôi - Đăk Psi chạy xuyên qua 2 xã đặc biệt khó khăn Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy) và Đăk Psi (huyện Đăk Hà) chúng tôi cảm nhận được những đổi thay ở những nơi này kể từ khi con đường được mở. Dọc hai bên đường nhiều ngôi nhà kiên cố mọc lên quanh sườn đồi, ẩn hiện bên vườn cà phê trĩu quả tươi hòa cùng với màu vàng óng của hoa dã quỳ báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Cách đây vài năm, khi tôi cùng cán bộ Sở Giao thông Vận tải tỉnh băng rừng lội suối khảo sát tuyến để mở đường, các ngôi làng nơi đây còn hoang sơ nghèo nàn, ấy vậy mà giờ đã khác hẳn.

Chủ tịch UBND xã Đăk Psi, ông Nguyễn Phúc Đoan khẳng định: Con đường được mở qua nhiều thôn của xã Đăk Psi, ngoài việc giao thông đi lại thuận tiện, chúng tôi nghĩ triển vọng từ con đường là rất lớn, nhất là đối với du lịch. Bởi, ở xã Đăk Psi có thác Đăk Trưa rất đẹp, xã đang khai thác làm điểm du lịch. Con đường này rút ngắn được khoảng cách cho việc đi lại của người dân giữa 2 xã, tạo thuận lợi cho việc hình thành tour du lịch hấp dẫn kết nối qua con đường này với khu du lịch Măng Đen đi qua xã Đăk Psi đến chùa Kỳ Quang (Đăk Hà) và nối với đường Hồ Chí Minh lên Cửa khẩu quốc tế Bờ Y…góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ngày càng phát triển.

Đi dọc những “con đường mùa xuân”, tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của cuộc sống người dân nơi đây. Những con đường như được mặc chiếc áo mới, màu nắng mới đầy ánh xuân, nhộn nhịp người xe đi lại. Khi mạch máu giao thông thông suốt sẽ góp phần quan trọng cho kinh tế- xã hội phát triển.

Văn Phương

Chuyên mục khác