Những bước chân không mỏi

30/07/2018 07:11

Cách cả ngàn cây số nhưng với những người lính mũ sắt Hà Nội năm xưa, Chư Tan Kra (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy) sao gần gũi mà thân thuộc lắm. Thân thuộc đến nỗi những dấu chân của họ in hằn trên từng bụi cây, lá cỏ; tiếng nói của họ như quen thuộc với những chú chim rừng; chẳng cần la bàn, Chư Tan Kra chỗ nào bằng, chỗ nào dốc, họ nắm trong lòng bàn tay. Cũng đúng thôi, bởi 9 năm qua, đôi chân của họ vẫn miệt mài gắn bó với nơi đây – chiến trường năm xưa để lắng nghe, để tìm kiếm những người đồng đội mãi mãi về với đất mẹ anh hùng.

26/3/1968, Chư Tan Kra dậy sóng. Để bảo vệ từng tấc của Tổ quốc, những người lính Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 phải hy sinh máu xương, nằm lại yên nghỉ tại điểm cao 995, Chư Tan Kra.

May mắn hơn đồng đội, trở về với người thân, sống trong hòa bình, trong lòng người lính Hồ Đại Đồng - Trưởng Ban Liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209 luôn khắc khoải những nỗi niềm riêng. “Đồng đội tôi vẫn còn nằm lại nơi ấy! Lạnh lẽo, xót thương lắm! Chúng tôi phải tìm, phải đưa các anh về với gia đình” - đứng tại Chư Tan Kra, người lính năm xưa nghẹn ngào xúc động. 

Ông Hồ Đại Đồng tiếp nhận tư liệu từ các cựu binh Mỹ để phục vụ cho quá trình tìm kiếm. Ảnh: H.T

 

Tháng 3/2009, sau khi nhận được email đầu tiên của cựu binh Steve Edmunds – Chủ tịch Hội Cựu binh Sư đoàn 4, Hoa Kỳ về hình ảnh, sơ đồ, vị trí 3 hố chôn tập thể các chiến sĩ của ta trên đỉnh Chư Tan Kra, ông Hồ Đại Đồng đã cùng với 7 người lính từng tham gia trận đánh năm xưa lên đường trở lại nơi Trường Sơn núi rộng sông dài để tìm kiếm, quy tập hài cốt của những đồng đội quả cảm.

Thời gian, khí hậu làm Chư Tan Kra thay đổi nhiều so với 41 năm trước. Chuyến hành trình tìm đồng đội với biết bao khó khăn, thử thách bủa vây. Nắng như thiêu cháy từng lớp da; mưa trắng rừng, mưa xối xả. Rừng vẫn thiêng như vậy, nước vẫn độc như xưa, những bước chân tìm đồng đội vẫn mải miết. Với lòng quyết tâm cao, ở cái tuổi xế chiều, họ vẫn dồn sức trèo qua từng ngọn đồi, cánh rừng, vượt qua những con suối để tìm kiếm. Và những người đồng đội trong lòng đất mẹ như lắng nghe được tiếng bước chân, hơi thở, như hiểu được niềm mong mỏi, niềm khắc khoải của những người lính già. Năm ấy, đoàn đã tìm được một ngôi mộ chung đầu tiên.

Tiếp tục ròng rã 2 năm trời, đến ngày 19/12/2010, ở Đồi Tranh thuộc xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, nơi hơn 40 năm trước là căn cứ hỏa lực FSB 14 của Sư đoàn 4 Mỹ (M2), đoàn đã tìm thấy dấu vết ngôi mộ lớn.

“Tôi không khóc mà nước mắt cứ chảy. Vậy là sau gần 2 năm với gần chục chuyến leo núi dài ngày, đi khắp vòng cung các dãy núi Chư Tan A, Chư Tan Kra… Có lần tôi bị xỉu, các đồng đội phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Kon Tum. Vất vả thế để hôm nay, chúng tôi tìm được ngôi mộ chung thứ hai của đồng đội” – ông Hồ Đại Đồng viết lại những dòng hồi ức đẫm nước mắt.

Hạnh phúc làm sao, vui mừng làm sao khi những hài cốt được quy tập; khi những đồng đội được đưa về, được an nghỉ dưới tượng đài. Mồ hôi, vất vả có xá gì, như được tiếp thêm động lực, họ lại tiếp tục băng rừng, miệt mài tìm kiếm.

Chư Tan Kra năm 2018, nắng như thiêu, như đốt. Trong lễ tưởng niệm 50 năm ngày các chiến sĩ Trung đoàn 209 hy sinh tại Chư Tan Kra, những người lính già có mặt thật sớm, ngồi ngay ngắn như đợi, như để gặp những đồng đội của mình. Những nén nhang được thắp lên với tất cả tấm lòng thành kính. Những giọt nước mắt cứ thế lăn dài trên đôi gò má hốc hác.

“Tháng 12/2017, cùng với sự giúp đỡ của các đơn vị, chúng tôi đã may mắn tìm được ngôi mộ chung thứ 3. Nhưng… vẫn còn khoảng 200 đồng đội đang nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa các anh trở về…” – ông Phạm Văn Chúc rưng rưng.

Đã bước qua tuổi 70 nhưng ông Chúc không bao giờ thiếu trong những lần đoàn lên núi tìm hài cốt đồng đội. Và lần này, ông có mặt tại đây để tưởng niệm những người lính mũ sắt năm xưa đã anh dũng ngã xuống trên đỉnh Chư Tan Kra.

Được sinh ra khi cuộc chiến khốc liệt trên điểm cao 995 đã kết thúc nhưng 9 năm qua, anh Trương Đức Bình (45 tuổi) vẫn miệt mài theo các bác, các chú trong Ban Liên lạc đi tìm những anh hùng, liệt sĩ.

Khó khăn, gian nan, những người lính vẫn rong ruổi tìm kiếm đồng đội. Ảnh: H.T

 

“Hai chú của tôi vẫn còn nằm lại trên mảnh đất này. Điều tôi mong muốn, không chỉ tìm thấy người thân của mình mà tìm thấy tất cả những anh hùng liệt sĩ khác. Tôi hi vọng mình có thể cùng với các chú, các bác đưa các anh hùng về đoàn tụ với đồng chí, đồng đội...” – anh Bình chia sẻ.

Tháng 3, Chư Tan Kra tĩnh lặng. Nắng xuyên lớp áo, lớp mũ tai bèo. Những người lính vẫn rong ruổi với hành trình tìm kiếm đồng đội. Tháng 7, Chư Tan Kra lại mưa như trút nước. “Cả tuần mưa lũ, đường qua ngầm có chỗ ngập đến 1,5m, quả là một chuyến đi gian nan. Chúng tôi í ới gọi nhau dậy từ 4h sáng vậy mà đến 12h30, người cuối cùng mới lên đến nơi có ngôi mộ tập thể của liệt sĩ C2, C5, đơn vị súng phun lửa… Nhưng khó khăn có là gì, chúng tôi vẫn sẽ tìm đến nơi các anh chờ!” – ông Hồ Đại Đồng kể lại.

Mưa gió không màng, khó khăn không nản, với sự nỗ lực, cùng với sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, của tỉnh Kon Tum, những người lính mũ sắt đã tổ chức 25 đợt tìm kiếm, phát hiện, cất bốc được 141 hài cốt liệt sĩ. Những cuộc tìm kiếm vẫn tiếp tục... những bước chân đầy ắp tình người vẫn mải miết trên chiến trường khốc liệt năm xưa…

 Hoài Tiến

Chuyên mục khác