Những “bác sĩ” của thú rừng

04/08/2020 13:01

Các loại thú rừng được cứu hộ và đưa về Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy) đều trong tình trạng kiệt sức, bị thương nặng. Nhưng bằng tình yêu, tâm huyết những nhân viên của Trung tâm mà nhiều người thường gọi họ với cái tên trìu mến là những “bác sĩ”, “người bạn” của thú rừng vì đã cứu chữa, chăm sóc và giúp chúng tái sinh để về lại với tự nhiên.

Tận tâm và trách nhiệm

Nằm trong khuôn viên của Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật là một khu vực khá biệt lập. Đây được coi là nơi tái sinh của những động vật hoang dã từng bị săn bắt, nuôi nhốt.

Hiện tại, Trung tâm đang nuôi dưỡng 9 cá thể gồm 2 cá thể khỉ mặt đỏ, 5 cá thể kỳ đà, 2 cá thể mèo rừng. Tuy nhiên, có những đợt cứu hộ số lượng lên tới gần 100 cá thể. Khi ấy, Trung tâm phải huy động gần như toàn bộ lực lượng của các bộ phận khác để hỗ trợ chăm sóc, chữa trị cho các cá thể. Những bữa cơm vội, những giấc ngủ tranh thủ, mệt mỏi, đuối sức, nhưng anh em vẫn động viên nhau để cứu chữa, chăm sóc cho từng con vật với mong muốn mau chóng đưa chúng trở về với tự nhiên.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thanh - nhân viên phụ trách cứu hộ động vật hoang dã của Trung tâm mở đầu câu chuyện bằng lời giới thiệu rất đỗi tự hào về nơi mình làm việc: Trung tâm là “bệnh viện”, là “tổ ấm” thứ hai của các cá thể thú rừng không may bị nạn. Ở đây, tất cả các con vật đều được chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng niu bằng tất cả tình yêu thương, sự tận tâm của các anh chị em trong Trung tâm.

Thanh Thanh là cô em út trong “đại gia đình” 12 anh em của Trung tâm. Dáng người nhỏ, có phần hơi nhút nhát, thế nhưng khi nói về công việc cứu hộ, chăm sóc, tập tính của các loài động vật hoang dã thì cô bé lại nói một cách say sưa, khác hẳn với tính cách.

Nguyễn Thị Thanh Thanh cho cá thể khỉ mặt đỏ ăn. Ảnh: TH

 

Thanh Thanh cho biết: Khi thú rừng được tiếp nhận, đưa về Trung tâm thường trong tình trạng kiệt sức do bị nhốt lâu ngày, chăm sóc không đúng cách, thậm chí có nhiều con bị thương nặng. Đối với những con thú rừng bị thương, chúng em phải thăm khám, chữa trị, trường hợp quá nặng thì phải nhờ bác sĩ thú y trong huyện hỗ trợ điều trị. Đến khi con thú có dấu hiệu hồi phục sẽ được đưa đến khu chăm sóc, bảo vệ. Mỗi con thú khi được đưa về Trung tâm đều có một hồ sơ theo dõi sức khỏe, ghi chép rất cẩn thận từ việc ăn uống đến các hoạt động, thói quen, sự thay đổi hằng ngày từ khi tiếp nhận đến khi thả về với tự nhiên.

“Ngôi nhà” của các động vật hoang dã được bố trí ở nơi khá đẹp, suối nước róc rách, không gian thoáng đãng… với những ô chuồng được thiết kế phù hợp với tập tính của các loài. Ví như ô chuồng dành cho khỉ thì được thiết kế cao ráo, thoáng mát, có nhiều cây xà cừ để chúng leo trèo; còn khu chuồng dành cho mèo rừng thì lại có hang đá, cành cây để chúng trốn, núp phù hợp với tập tính săn mồi…

“Hầu hết thú rừng được đưa về đây điều trị đều là thú bị săn bắt ở rừng, có tập tính tự nhiên nên khi thấy người, dễ làm chúng sợ hãi. Do đó, khu này được thiết kế yên tĩnh, hạn chế việc người tiếp xúc ” - Thanh Thanh tiết lộ.

“Chăm sóc các loài động vật hoang dã là công việc không hề đơn giản, chỉ việc cho chúng ăn thôi nhiều khi cũng rất vất vả. Bởi có một số loài ăn rất “sang” nên khi về Trung tâm, anh em phải rất vất vả để kiếm tìm thức ăn cho chúng trong tự nhiên. Chẳng hạn như tê tê chỉ ăn trứng kiến, mối nên nhiều khi anh em phải đi đào tổ mối, tìm tổ kiến để lấy thức ăn cho chúng kết hợp thêm với việc tìm các nguồn thức ăn khác thay thế. Ngoài chế độ dinh dưỡng, việc vệ sinh, chăm sóc sức khỏe đến việc tắm rửa, theo dõi tình hình bệnh tật… cũng không hề đơn giản. Thậm chí còn đối diện với nhiều nguy hiểm như bị thương, bị tấn công trong quá trình chữa trị vết thương, nuôi dưỡng các loài động vật do bản năng hoang dã. Thế nhưng, chỉ cần nhìn vào sự bình phục, trưởng thành qua mỗi ngày của các con vật thì bao vất vả, mệt nhọc cũng tan biến” - chị Đoàn Thị Minh Huyền (nhân viên tại Trung tâm) trải lòng.

Nâng niu từng mạng sống

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật đã tiếp nhận cứu hộ 249 cá thể động vật hoang dã các loại và đến thời điểm này đã cứu hộ, trả về tự nhiên 232 cá thể, 3 cá thể được chuyển đến các trung tâm khác và 5 cá thể bị chết.

Trong “ngôi nhà” chung các loài động vật hoang dã ở đây, 2 cá thể khỉ mặt đỏ náo động nhất, nhưng cũng gần gũi, thân thiện nhất. Khi thấy các nhân viên cứu hộ đến cho ăn, chúng vui mừng nhảy từ cành cây cao xuống vị trí để nhận thức ăn. Nhưng vì sự xuất hiện của người lạ là chúng tôi nên chúng có chút dè dặt, đề phòng. Trong khu chuồng bên cạnh, những chú kỳ đà buồn bã, lầm lì bám chặt vào thân cây gỗ sát hàng rào đang nằm phơi nắng. Cách một đoạn, khu chuồng nuôi 2 chú mèo rừng có phần rộng rãi, tươm tất hơn khi có cả hang đá, sân chơi; thấy người lạ, chúng nhanh chóng chạy trốn và ẩn mình sâu trong hang nhìn ra với ánh mắt tò mò, dò xét.

Mỗi con vật đến với Trung tâm có một số phận khác nhau, nhưng với những người làm công tác cứu hộ ở đây họ đều trân trọng, nâng niu như một sinh mạng để đưa chúng về tự nhiên.

Chị Đoàn Thị Minh Huyền cho khỉ ăn. Ảnh: TH

 

Chị Đoàn Thị Minh Huyền nhớ lại: Năm 2017, Trung tâm tiếp nhận 1 cá thể voọc còn rất nhỏ, khi về sức khỏe rất yếu nên anh em phải thay ca nhau chăm sóc rất vất vả. Thời gian đầu, ngày cũng như đêm cứ 2 tiếng là phải pha sữa cho uống 1 lần. Sau đó, giảm dần xuống 3, rồi 4 tiếng 1 lần, rồi tập cho ăn trái cây, lá chẳng khác gì chăm con mọn. Mấy tháng trời vất vả, nhưng nhìn con vật lớn từng ngày, khoẻ manh, nhanh nhẹn mình thấy ấm lòng. Đến khi bàn giao cho Trung tâm cứu hộ của Thảo Cầm Viên Sài Gòn, mình vừa thấy nhớ, vừa thấy vui giống như đứa con nhỏ của mình được đến định cư ở một nơi tốt hơn. Mấy năm qua, mình vẫn theo dõi cuộc sống, bước đi của nó thông qua những người bạn, đồng nghiệp ở nơi khác.

Còn với cô em út Thanh Thanh cái cảm giác, niềm hạnh phúc lần đầu tiên làm nhiệm vụ cô đã cứu sống được chú vượn đen má vàng bị thương rất nặng vẫn vẹn nguyên như mới xảy ra ngày hôm qua.

“Khi em tiếp nhận bàn giao cá thể này từ Công an huyện Ngọc Hồi nhìn con vật vô cùng đáng thương. Một cánh tay bị thương nặng, sức khỏe suy kiệt. Vì vậy thời gian đầu, hằng ngày em vừa phải rửa vết thương, bôi thuốc, vừa phải lựa tìm những trái cây phù hợp rồi cắt nhỏ, đút cho nó ăn từng miếng, rồi pha sữa cho uống, tắm gội… như chăm một bệnh nhân. Cứ thế, chú vượn tiến bộ từng ngày, nhanh nhẹn, khỏe khoắn hơn. Dần dà, tự cầm lấy đồ ăn, sau đó là leo trèo, chạy nhảy, vui vẻ trở lại đúng với bản năng. Dù gắn bó với nhau chỉ hơn 1 tháng thôi, sau đó, chú vượn được bàn giao cho Trung tâm cứu hộ của Thảo Cầm viên Sài Gòn để tiếp tục được chăm sóc, nhưng em coi nó như người bạn, như đứa em của mình” - Thanh Thanh bồi hồi nhớ lại.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi cá thể được cứu hộ đều bình phục được hoàn toàn và trả về với tự nhiên mà có những cá thể bị chết do bị thương nặng, sức khoẻ suy kiệt, tổn thương nội tạng… Với những người làm công tác cứu hộ thì đó là sự bất lực, mất mát.

Chị Minh Huyền rơm rớm nước mắt kể rằng: “Thật lòng mà nói, khi mình dốc tâm, dốc sức mà vẫn không thể cứu được con vật thì chúng em buồn lắm, xót lắm. Bởi mỗi con vật cũng là một sinh mạng. Nó cũng có khát vọng sống, muốn được tự do trong thiên nhiên. Mỗi khi phải nhìn một con vật yếu ớt rồi từ bỏ cuộc sống, em mất ăn, mất ngủ theo, bâng khuâng, hụt hẫng mất mấy ngày”.

“Uớc gì người dân đừng săn bắt, nuôi nhốt, tiêu thụ động vật hoang dã nữa. Khi ấy, những người làm nghề như tôi sẽ hạnh phúc vì được thất nghiệp”. Đó là mong muốn, là trăn trở của những người làm bạn với thú rừng ở Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và Phát triển sinh vật  của Vườn quốc gia Chư Mom Ray.

THÙY HƯƠNG

Chuyên mục khác