Như mây trắng bay

27/07/2020 13:03

Tôi rưng rưng ngắm bóng người lính già in lên điểm cao mang tên 1015. Ông vẫn đang mải miết đi tìm lại những ký ức xưa. Và lạ thay, trên đầu ông, đám mây trắng quấn quýt không rời, như những linh hồn liệt sĩ, đang che chở đồng đội.

1. Tôi cũng không biết mình đang mơ hay tỉnh?

Nếu mơ, sao lại thấy rõ mồn một người cựu chiến binh già đang run run cắm bó nhang vào lư hương trong chiều nắng nơi Đài tưởng niệm? Ánh nắng chiều soi bóng ông nghiêng nghiêng trước bia đá, lửa nhang cháy đỏ bỏng tâm can.

Nếu mơ, sao tôi vẫn cảm nhận rất rõ, buổi chiều, trời biên giới nắng và trong xanh đến lạ lùng, dù đang là mùa mưa. Và trên đỉnh đồi cao hơn 1.000m, không một bóng cây, chỉ lơ thơ dáng cỏ vàng úa. Cái nắng chang chang được nhân đôi. Khát nhân đôi, quéo cổ họng. Mệt nhân đôi, rã rời.

Nhưng nếu tỉnh, sao tôi lại thấy đám mây trắng kia cứ nhởn nha, đủng đỉnh trên đầu người cựu chiến binh già, không chịu bay đi. Như bàn tay che nắng, mơn man, xoa dịu sự nắng nôi nơi đây, để người lính già vơi bớt nỗi mệt mỏi.

Nếu tỉnh, sao tôi như thấy lại mình của mấy chục năm trước, cùng bà ngoại chạy tất tả trên triền đê khấp khểnh vết chân trâu trong chiều hè nắng gắt, khi nghe tin xã đón hài cốt của bác cả về, sau nhiều năm yên nghỉ ở Nghĩa trang liệt sĩ tận huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

Hôm ấy cũng nắng chang chang. Chạy được một thôi đường, tôi ngồi bệt xuống đường, muốn xỉu. Cũng khát nhân đôi, khô quéo cuống họng; cũng mệt nhân đôi, hai chân rã rời.

Đúng lúc ấy, một đám mây trắng bay qua, rồi… dừng lại ngay trên đỉnh đầu 2 bà cháu. Mát. Bà rưng rưng nói: Chắc linh hồn bác cả về che nắng cho bà cháu mình. Tôi ngước nhìn đám mây trắng bồng bềnh ấy với tất cả lòng sùng tín ngây thơ.

Trên điểm cao 1015. Ảnh: HL

 

Ông bà ngoại tôi sinh được ba người con, 1 trai 2 gái, thì ông mất trên đường đi công tác, bác là con trai cả. Một mình bà ngoại nuôi con lớn khôn, dù nghèo, dù khổ, bà cũng cố cho con học hành. "Bác cả mày đẹp trai, học giỏi có tiếng ở vùng này" - bà ngoại thường mở đầu bằng một câu đầy tự hào như vậy.

Học xong phổ thông, bác vào Đại học Giao thông Vận tải, cả huyện chỉ có 2 người. Vừa tốt nghiệp thì  bác nhận lệnh nhập ngũ. Sau ít ngày chuẩn bị, bác đi thẳng vào chiến trường, phụ trách kỹ thuật thi công đoạn đường Hồ Chí Minh khu vực Hà Tĩnh – Quảng Bình. Từ đó,  mỗi năm bác mới được tranh thủ ghé về thăm nhà vài đêm.

Năm 1972, gia đình nhận được giấy báo tử. Cả đơn vị của bác gần như không còn ai sống sót mà lành lặn sau một đợt B52 rải thảm. Tất cả đều được an táng ngay tại chiến trường. Hòa bình lập lại, bác và đồng đội được đón về Nghĩa trang liệt sĩ (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh).   

Anh con út của bác cũng không được gặp bố lấy một lần. Chỉ biết mặt qua bức ảnh đen trắng đặt trên ban thờ thường ngày vẫn nghi ngút khói hương. Sau này anh kể, mỗi khi hỏi "bố con đâu", bà lại chỉ lên trời, nơi có những đám mây trắng bay và nói "bố đang ở trên ấy, cùng với các bạn". Trẻ thơ ngây dại, đã có những buổi trưa, anh chạy theo gọi bố rát cả cổ họng, rồi giận dỗi bỏ cơm vì bố không trả lời.

Sau này, trong các câu chuyện về bác, bà ngoại tôi thường thở dài, nếu bác cả mày còn sống, chắc giờ cũng "làm to", bọn mày đỡ khổ. Nhưng lại cười móm mém: Tính bác cả khí khái lắm. Đừng nghĩ dựa dẫm gì để kiếm lợi nhé. Rồi bà nhìn lên tấm bằng Tổ quốc ghi công, đôi mắt đục lờ ứa lệ.

Những lúc ấy, hẳn bà nhớ bác cả nhiều vô cùng, dù bao nhiêu năm đã trôi qua.

Chiến sĩ Sư đoàn 320 kéo cờ Tổ quốc trên điểm cao 1015 ngày khánh thành Nhà bia tưởng niệm. Ảnh: Nguyễn Độc Lập

 

2. Tôi nhéo má mình một cái thật mạnh. Đau chết đi được. Vậy là mình vẫn tỉnh. Người lính già vẫn đang đứng trước nhà bia thì thầm trò chuyện với đồng đội.

Và lạ thay, trên đầu ông, đám mây trắng kia vẫn quấn quýt không rời. Trong gió, tôi nghe tiếng ông đang gọi tên: anh Hiệp ơi, anh The ơi, anh Hinh ơi… Các anh đã chịu bom napan đốt trận địa, chịu pháo bầy, chịu B52 suốt ba ngày đêm, quần áo rách bươm, ba lô cũng không còn; chịu khát, nhịn đói ôm súng đánh địch để mở toang cánh cửa tiến vào Đăk Tô - Tân Cảnh.

Trong khoảnh khắc ấy, tôi như nghe thấy sông núi cũng đang thì thầm về những tháng ngày chưa xa.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Sa Thầy trở thành căn cứ chỉ huy của Mặt trận B3 từ rất sớm, với những chiến công vang dội. Vì vậy, nhắc đến Sa Thầy, chúng ta không thể không nhắc đến những chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta trên các cứ điểm 995, 1015 và 1049... Trong đó, trận đánh chiếm điểm cao 1015, tức Charlie (hay Sạc Ly) là khúc tráng ca bi hùng nhất.

Do điểm cao chiến lược này có thể quan sát, khống chế cả vùng rộng lớn ngã ba Đông Dương, nên ngay từ những năm 1960, quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã xây dựng 1 cứ điểm quân sự để kiểm soát khu vực.

Trong mùa hè đỏ lửa 1972, cao điểm 1015 là nơi đóng quân của tiểu đoàn 11 nhảy dù Quân lực VNCH, nằm trên một vành đai có nhiệm vụ bảo vệ phía trái đường 14; án ngữ toàn bộ đường vào Đăk Tô-Tân Cảnh từ phía Tây, chặn đứng con đường tiến đánh Kon Tum của ta từ ngã ba biên giới.

Các em học sinh xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy nghe cựu chiến binh kể về trận đánh điểm cao 1015. Ảnh: H.L

 

Với quyết tâm phá vỡ tuyến phòng thủ phía tây sông Pô Kô, thuộc tuyến phòng ngự vòng ngoài của căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh, từ cuối tháng 3/1972, tại điểm cao 1015 và 1049 (tức Delta) đã diễn ra các trận đánh vô cùng khốc liệt giữa các trung đoàn bộ binh 64, 52, 48 và tiểu đoàn 19 đặc công thuộc sư đoàn 320A với lực lượng đóng giữ của quân lực VNCH có sự chi viện của pháo binh, máy bay…

Đặc biệt, từ ngày 12 – 15/4/1972, trung đoàn bộ binh 64 do trung tá Khuất Duy Tiến chỉ huy đã cùng quân và dân địa phương kiên cường chiến đấu, chấp nhận hy sinh để diệt gọn tiểu đoàn nhảy dù 11 quân lực VNCH, chiếm và kiểm soát hoàn toàn điểm cao Charlie.

Chỉ ít ngày sau, Đăk Tô – Tân Cảnh được giải phóng, làm thay đổi cục diện trên chiến trường Bắc Tây Nguyên.

Tôi rưng rưng ngắm bóng người lính già in lên điểm cao mang tên 1015. Ông vẫn đang mải miết đi tìm lại những ký ức xưa. Đâu là M11, M12, đâu là d1, d2? Đâu là nơi bố trí khẩu 12,7 li của đại đội 2, d16 bắn rơi năm máy bay địch trong 15 phút? Còn nữa, đâu là nơi c7 bị bom cháy chiều 13/4 làm 24 chiến sĩ hy sinh và hơn 10 người bị thương?

Bỗng ông ngồi thụp xuống một mỏm đất nhỏ chênh vênh bên sườn dốc, mọc đầy cây xấu hổ. M11 đây rồi. Ông vừa nhổ những cây xấu hổ vừa thì thầm như kể cho mình nghe: Loạt bom B52 rơi đúng Sở chỉ huy Tiểu đoàn 8, Tiểu đoàn trưởng Đàm Vũ Hiệp, trinh sát thông tin hi sinh, nhưng bộ đội vẫn xốc đội hình xung phong. Trước khi bước vào trận đánh, anh Hiệp còn ước ao phá toang phòng tuyến này sẽ nhảy xuống  sông vẫy vùng cho bõ cả tháng trời không tắm giặt.

Bó nhang cháy rừng rực trong chiều nắng.

Hôm nay tiết trời nơi điểm cao này lạ lắm. Nắng như dịu hơn, gió mát hơn, đỉnh Charlie trơ đá sỏi, phất phơ những đám cỏ đuôi chồn cũng bớt oi nồng để đón người lính già về thăm lại đồng đội, những người đã hòa tan máu xương với đất, hồn thiêng ở lại với đồi.

Đã tròn 48 năm, kể từ trận chiến khốc liệt nơi đây, nỗi đau mất mát trong những người còn sống vẫn chưa nguôi ngoai. Và mây, như những linh hồn liệt sĩ, vẫn quấn quýt trên cao, đang che chở, động viên đồng đội, khiến tôi ngước nhìn đến sững sờ.

Người lính già đã đến bên tôi từ lúc nào. Ông cũng lặng người đi khá lâu khi nghe tôi chia sẻ suy nghĩ của mình, rồi khẽ khàng nói: Chung hoạn nạn, chia gian lao. Sẵn sàng chết để đồng dội được sống, thì cái sự che chở cho nhau hôm nay cũng là lẽ tất nhiên.

Trên vùng cao xanh thăm thẳm kia, quầng mây trắng vẫn quyến luyến chưa chịu rời đi.

Hồng Lam

Chuyên mục khác