Nhọc nhằn thợ đá

07/01/2019 13:00

​Vùng núi Chư Hreng nổi danh không phải vì thắng cảnh, mà vì...đá chẻ. Bao nhiêu năm qua, khó mà tính nổi đã có bao nhiêu ngôi nhà được dựng lên trên chân móng xây bằng đá chẻ xứ núi Chư Hreng, chỉ biết rằng, đá nơi đây cũng ướt đẫm mồ hôi những số phận đang “ngụp lặn” mưu sinh giữa dòng đời...

Phận đá, phận người

Phải đến 10 năm, tôi mới gặp lại anh T, cũng ngay tại bãi đá dưới chân núi Chư Hreng.

Mười năm, đủ để anh không còn nhận ra tôi, và đủ để đứa con trai của anh kịp lớn, lại theo nghiệp của bố, chí chát đục đẽo cả ngày trên núi kiếm cơm. Cũng đủ để anh, từ chàng thanh niên to khỏe, thành một trung niên ốm o, hay ho sặc sụa và bẳn gắt.

Nhưng có một thứ chưa thay đổi, ấy là anh vẫn phải “đèo bòng” cái nghề chẻ đá để mưu sinh.  

Trong tiết trời hanh hao của mùa Đông, một tốp thợ đá mồ hôi nhễ nhại đang xoay trần giữa những tảng đá to như những ngôi nhà. Họ ngừng làm việc, nhìn tôi với ánh mắt cảnh giác. Chỉ đến khi tôi kêu tên anh T. một cách vui sướng thì nét mặt họ mới giãn ra: À, người quen.

10 năm rồi đấy, anh vẫn làm nghề chẻ đá à? Tôi nhớ trước đây anh từng có ý định đổi nghề rồi mà - tôi hỏi.

Vớ chai nước treo bên nhánh cây khô tu ừng ực, anh nhấm nhẳng: Cũng muốn như vậy, nhưng nói thì dễ, làm thì khó. Như là phận đá gắn với phận người rồi hay sao ấy. Mấy năm trước, cũng tính chuyển nghề sang chăn nuôi, nhưng chỉ một đợt dịch, bao nhiêu tiền bạc tích cóp được đổ vào đàn gà đều bay sạch, thế là lại tay đục tay búa lên bãi đá kiếm tiền nuôi vợ con.

Nói rồi, anh ho sặc sụa, một anh ngồi gần đó lắc đầu: Có vấn đề về phổi rồi đấy. Nghề đá vừa cực nhọc, vừa tổn sức. Dân làm đá, ông nào mà không có bệnh tật trong người.

Sợ tôi không hiểu, anh nói thêm: Đấy, cứ đục đẽo cả ngày giữa trời thế này, nóng quá, vớ chai nước dội cái ào qua người cho “nguội” bớt, rồi để mình mẩy ướt như vậy làm tiếp, đến khô lại dội nước, lâu ngày, hầu như đứa nào cũng bị bệnh phổi. Thêm nữa, dân chẻ đá, đục đá thì bị bụi đá bay vào phổi, thời trẻ không sao, lướt qua được, chứ lúc về già bệnh rề rề, mới thấy khổ vì tiền thuốc thang.

Ấy là chưa kể mảnh sắt (từ cây đục) hay đá vụn văng vào người, gây thương tích là chuyện cơm bữa; một số người còn bị gãy tay, gãy chân. Còn chuyện thoát vị địa đệm, thoái hóa cột sống thì gần như ai cũng bị. Đấy, như anh T. đấy, vừa bị phổi, vừa thoái hóa đốt sống cổ, nhưng hàng ngày vẫn phải ráng làm.

Ai cũng biết làm đá cực, nhưng không chọn nghề này biết làm gì bây giờ; không làm đá, đi xứ khác làm thuê thì cũng vậy, mà đi thì vợ con, bố mẹ già ai lo?

Thế là đành bám đá mà sống.

Chát mặn mồ hôi...

Dù tôi đã năn nỉ rất nhiều, nhưng những người thợ đá vẫn nhất quyết không chịu cho chụp ảnh. "Nói chuyện thì được, nhưng không chụp ảnh đâu, hôm sau lại thấy mặt mình trên báo, ai cũng biết, phiền phức lắm"- một anh càu nhàu.

Vùng núi Chư Hreng nổi danh không phải vì thắng cảnh, mà vì... đá chẻ. Giới xây dựng vẫn đồn đãi nhau, đá chẻ ở núi Chư Hreng đẹp, chất lượng, khi xây dựng đỡ tốn công sức và vật liệu.  

Rải rác dưới các khe núi, các triền đồi có những tảng đá mồ côi to như cái nhà. Những người thợ đá biến nó thành "công trường" để đục đẽo, cho ra những viên đá chẻ vuông vắn, được bán cho 4-5 chủ bãi nằm dọc tuyến đường liên thôn ở Chư Hreng.

Bao nhiêu năm qua, khó mà tính nổi đã có bao nhiêu ngôi nhà được dựng lên trên chân móng xây bằng đá chẻ xứ núi Chư Hreng, chỉ biết rằng, đá nơi đây cũng ướt đẫm mồ hôi những số phận đang “ngụp lặn” mưu sinh giữa dòng đời...

Không ai biết chính xác nghề làm đá chẻ xuất hiện ở Chư Hreng từ khi nào, nhưng theo những thợ đá có thâm niên nhất ở thôn 4 (xã Chư Hreng), thì vào khoảng năm 1996, một số người ở Quảng Ngãi tới, xin phép được khai thác đá lộ thiên, rồi thuê thêm người tại chỗ làm, dần dà nghề làm đá chẻ trở nên "phổ biến".

Đất ít, người đông, dân thôn 4 đang nghèo, bỗng dưng có được nghề "kiếm cơm", nên dù biết là cực nhọc, nguy hiểm, vẫn cứ học theo, rồi người nọ truyền người kia, tự khai thác. Có ai mà biết được, những tảng đá mồ côi, nằm lăn lóc bao đời trên núi, dưới khe lại thành "miếng cơm manh áo" của nhiều gia đình trong những năm qua.

Để cho ra thành phẩm là những viên đá chẻ có kích thước đều nhau, được chủ bãi chấp nhận thu mua, những người thợ đá phải trải qua nhiều công đoạn: khoan, tách đá tảng lớn thành từng tảng nhỏ hơn, sau đó mới đục đẽo ra thành từng viên.

Mới nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế quá trình tạo ra viên đá thành phẩm dựa rất nhiều vào kinh nghiệm, sự khéo léo của người thợ.

Không được nổ đá bằng mìn, thợ đá phải thực hiện bằng tay. Để cắt tảng đá thành từng khối, ngượi thợ làm đá chẻ phải dùng mũi đục và mũi ve đục ít nhất cả trăm mũi dọc theo vị trí cần cắt. Sau khi tảng đá tách thành từng khối, người thợ phải có kỹ thuật cao là đục đẽo đá một cách cẩn trọng để tránh trường hợp đá bị bể vụn hoặc không đều nhau, không chỉ gây thất thoát mà còn không bán được.

Những thợ đá lành nghề, chỉ cần nhìn qua là có thể biết nên đặt mũi đục ở đâu để cho ra đường nứt đẹp nhất, phẳng nhất, hạn chế đá vụn và tiết kiệm công sức nhất. Người ta gọi là lựa thế đá.

Nhọc nhằn thợ đá chẻ dưới chân núi Chư Hreng. Ảnh: T.H

 

Nhưng dù có khéo léo đến đâu, lành nghề đến đâu, thì mỗi thợ đá cũng chỉ làm được 80-100 viên đá mỗi ngày, giỏi lắm kiếm được vài trăm nghìn đồng. Không có gì sai khi nói mỗi viên đá chẻ đều chát mặn mồ hôi.

Không ai có thể làm giàu từ nghề làm đá chẻ. Bởi sức lực của người thợ làm đá chẻ bỏ ra quá nhiều, trong khi thu nhập chẳng là bao. Nhưng nếu không làm đá, bọn tớ không biết làm việc gì khác- anh T. nói.

Ước mơ đổi nghề...

Nếu như lần này bố không cho con đi học nghề, con sẽ bỏ vào thành phố đi làm thuê - thằng con trai của anh T. nói dứt khoát.

Rồi nó đăm đăm ngó đôi bàn tay trầy trụa vì dăm đá, đôi môi mím lại tỏ thái độ kiên quyết.

Nó ấy mà - anh T. cười khổ - muốn theo học nghề sửa xe máy. Nhưng chú tính, nó là đứa chậm chạp, tôi lo là học không được, với lại nhà không có tiền cho nó đi học. Mấy năm nay, nó cứ đòi theo bạn đi làm thuê trong Thành phố Hồ Chí Minh; nhưng vợ tôi nói, ở trong đó lạ nước lạ cái, lại có đủ thứ cám dỗ, bả sợ mất con nên cứ giữ nó ở nhà.

Em thấy rõ là nó không muốn theo nghề đá chẻ tý nào - tôi chân thành nói - Nếu nó đã muốn học nghề sửa chữa xe máy, anh nên đồng ý cho cháu thử xem sao. Bây giờ Nhà nước có chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn, cũng không tốn kém gì.

Ừ, để tôi xem. Thật ra tôi cũng muốn đổi nghề, chứ ngày nào cũng phải vắt kiệt sức lực như thế này, chông chênh lắm - giọng anh trầm đục như tiếng mũi đục bập vào tảng đá.

Từ Tỉnh lộ 671, ngay trước cổng UBND xã Chư Hreng, rẽ theo đường liên thôn vào thôn 4, đi khoảng 3km, bạn sẽ gặp những bãi đá chẻ đổ ven đường. Đó là sản phẩm của những người thợ đá dưới chân núi Chư Hreng. Ở bãi đá, luôn luôn có một "đội quân" bốc xếp đá chờ sẵn, chỉ cần có xe đến mua đá là họ ào tới, thành thục và nhanh nhẹn.

Tất cả đều là phụ nữ. Họ là vợ, là mẹ, là chị của những thợ đá đang hì hục đục đẽo trên núi. Trong đó có vợ anh T.

Người phụ nữ nhỏ thó, nhưng gánh đá chẻ chạy phăm phăm. "Dạo này hàng không bán được, nên ít việc, thu nhập chẳng đáng là bao. Vợ chồng tôi đang ráng dành dụm để mua con bò".­

Tôi ngồi nhìn ra phía xa, những tảng đá mồ côi chông chênh nằm dọc triền núi được phủ một lớp bạc trắng. Có những tảng đã bị phạt mất một góc, hõm sâu vào, như một vết thương không bao giờ kín miệng...

Chưa bao giờ tôi lại ước mình đủ điều kiện để có thể tặng vợ chồng anh T. một con bò đến thế!

Thành Hưng

Chuyên mục khác