Nhọc nhằn nghề ve chai

30/09/2014 15:06

“Ai nhôm nhựa bán đi. Ai ve chai, đồng nát bán đi…”- tiếng rao của những người làm nghề thu mua phế liệu dường như quá quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta...

 Quen thuộc là vậy, nhưng ít ai để ý và biết được, đằng sau tiếng rao ấy, có những mảnh đời, những số phận cơ cực, chất chứa bao nỗi niềm.

Tha hương kiếm sống

Những người làm nghề buôn bán ve chai ở Kon Tum thường là những phụ nữ trung niên, đến từ khắp các vùng quê như Bình Định, Phú Yên, thậm chí tận ngoài Bắc. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng hầu như họ đều là những người tha hương để mưu sinh.

Tha hương kiếm sống, với chiếc xe đạp họ đi khắp nơi thu mua ve chai. Ảnh: T.H 

 

Chị Đặng Thị Hoa kể rằng, quê chị ở tận Cát Hưng (Phù Cát, Bình Định), cả nhà 5 miệng ăn, 3 đứa con lại đang tuổi ăn học, nhưng chỉ có mấy sào ruộng. Ngày trước, một mình chồng chị bươn chải làm thuê, làm mướn khắp nơi, còn chị ở nhà chăm lo cho mấy đứa trẻ, nuôi thêm vài con heo, con gà, cuộc sống cũng đủ đắp đổi qua ngày. Nhưng mấy năm nay, bọn trẻ lớn lên, chi phí ăn học nhiều hơn, cuộc sống vì thế cũng khó khăn hơn. Anh chị bàn đi tính lại, nghĩ mãi cũng chỉ có cách, thôi thì để chị đi kiếm tiền ở ngoài, còn anh vừa ở nhà trông nom mấy đứa nhỏ, vừa đi làm than, phụ hồ cho người ta thì mới đủ tiền trang trải cho cuộc sống.

“Được mấy chị em cùng quê rủ lên Kon Tum buôn ve chai, vậy là tôi khăn áo lên đường bắt đầu nghề thu mua phế liệu. Sở dĩ tôi chọn cái nghề này vì nó không đòi hỏi nhiều vốn liếng, chỉ cần sắm một chiếc xe đạp độ vài trăm ngàn đồng, một chiếc cân cũ chừng dăm chục nữa, mấy chiếc bao tải và dắt lưng độ hai trăm ngàn là có thể hành nghề. Ban ngày đạp xe đi khắp nơi mua hàng, chiều tối về cân hàng thế là biết ngay lời lãi. Vả lại, làm nghề này cũng không tốn tiền thuê nhà, thường là các đầu mối thu gom cho ở miễn phí, mấy chị em rủ nhau ăn uống chung nên đỡ tốn kém. Đến mùa, tôi lại về quê cấy cày, gặt hái hoặc khi nào ở nhà có công việc cũng tranh thủ về vài bữa” – Chị Hoa giãi bày. Và cứ thế, mấy năm nay, kiếm được bao nhiêu, chị lại gom góp gửi về quê cho chồng để lo toan cuộc sống và học hành của các con.

Một ngày cuối tuần, tôi dọn nhà và gom được một ít vỏ lon bia, chai nước ngọt…, chợt nghe tiếng rao “ai nhôm nhựa bán không”, tôi gọi, một người phụ nữ chừng 50 tuổi ghé vào mua. Nghe cái chất giọng thân quen, tôi tò mò hỏi “hình như chị từ miền Bắc vào đây”. Chị nói quê chị ở tận Hải Hậu - Nam Định. Tôi nói, tôi cũng ở Nam Định và hỏi chị sao lại vào tận đây để mua ve chai. Gặp được đồng hương, chị như có cơ hội cởi tấm lòng, chị kể: Gia đình chị do “cơm không lành, canh không ngọt” nên anh chị mỗi người đi một đường từ lâu rồi, 3 đứa con ở với chị. 5 năm trước, đứa lớn đã lấy chồng, 2 đứa sau vì hoàn cành gia đình khó khăn cũng đã nghỉ học rồi. Vì lo chồng cho con nên chị phải vay nợ mất một ít, nhưng ở quê đất đai chật hẹp, nghề nghiệp cũng ít, chẳng biết làm gì để trả hết món nợ này. Nghe mấy người cùng quê rủ vào Tây Nguyên hái cà phê thuê, thấy bảo công cao lắm, hết mùa cà phê thì đi cắt cành, làm cỏ cao su, mỳ… cũng có tiền. Vậy là chị đi, ban đầu chị cũng đi làm mướn như vậy, nhưng sau đó nhờ có người dắt mối, chị đi buôn đồng nát (từ quê tôi chỉ việc buôn bán ve chai). Mấy năm trước nghề này cũng kiếm ra tiền, nhưng vài năm lại đây, “đội quân đồng nát” nhiều lên, khó mua nên ngày nhiều thì kiếm được hơn trăm ngàn đồng, có ngày đi mỏi cả chân mà cả vốn lẫn lời mới được mấy chục ngàn thì khéo lắm cũng chỉ đủ lo cơm nước. Nhưng dù sao, nghề này cũng có cái sướng là không phải đi làm mướn cho ai, người sức khỏe yếu cũng làm được, cố gắng dành dụm mỗi tháng 1 – 2 triệu đồng, giờ chị cũng trả hết nợ và để dành được một ít, vài năm nữa lo cưới xin cho 2 con…     

Cái nghề buôn bán phế liệu này dễ thì dễ thật và đương nhiên loại hàng này thì chẳng bao giờ lỗ hay hư hỏng gì, nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để làm. Cái quan trọng là phải chịu khó đạp xe, đi khắp các con đường, ngõ hẻm, chẳng ngại hỏi người này, người khác, chẳng quản dơ bẩn thì mới mua được hàng. Những vòng bánh xe của họ vẫn miệt mài lăn bánh giữa dòng đời hối hả, lặng lẽ mưu sinh với cái nghề mà không ít người thường dành cho họ những ánh mắt ái ngại, rẻ rúng...

Nhọc nhằn mưu sinh

Với những người làm các công việc ngoài trời, có lẽ điều họ sợ nhất là nhưng ngày mưa gió và những người làm nghề buôn bán nhôm nhựa cũng thế. Ngày mưa người ta vẫn có thể làm đi làm mướn, phụ hồ; nhưng chẳng có ai mưa gió mà đi mua ve chai cả, nếu đi thì cũng làm gì có ai bán. Vậy nên, trời mưa cũng đồng nghĩa với việc những người buôn ve chai bị thất nghiệp.

Những hôm trời mưa, họ phải nhặt rác để kiếm sống. Ảnh: T.H

 

Chị Nguyễn Thị Liên từ Phù Cát- Bình Định lên Kon Tum làm nghề này đã được non 7 năm rồi, chị ở cùng với một nhóm chị em trong nhà một người chủ đầu mối thu mua phế liệu trên đường Đặng Dung (thành phố Kon Tum). Chị tâm sự: Nắng nôi tuy có cực hơn một chút nhưng bù lại mình còn có hàng để mua; còn những ngày mưa gió, ở nhà không có việc làm mà còn phải lấy cả vốn ra để ăn. Thế nên, những ngày này, có người tranh thủ về thăm con cái, có người chọn cách đi nhặt rác rồi lúc nào tạnh ráo lại lên xe đi mua. Mọi người chỉ mong kiếm được 30.000 – 40.000 đồng đủ để chi phí sinh hoạt cho qua ngày thôi. Ở Kon Tum, thường thời gian từ tháng 7 – 10 là những tháng cao điểm của mùa mưa, những người làm nghề thu mua nhôm nhựa như tôi chỉ mong sao kiếm đủ ngày 3 bữa, đâu dám nghĩ đến việc sắm sửa này nọ.

Thôi thì mưa to gió lớn, cực chẳng đã các chị vẫn có thể đi nhặt rác kiếm sống, nhưng điều khiến các chị nơm nớp lo sợ nhiều hơn đó là mỗi khi trái gió trở trời, ốm nằm ở nhà không biết lấy gì ra để thuốc men, ăn uống. Nhiều người, gom góp được đồng nào lại gửi về quê nuôi con hay lo các công việc trong gia đình, nên có khi chỉ có vài trăm ngàn đồng tiền vốn trong túi, chỉ cần đau ốm vài bữa là coi như hết vốn.

Cũng theo chị Liên, nếu đau sơ sơ dăm bữa thì còn đỡ, thôi thì mượn tạm mỗi người dăm chục ngàn rồi đến lúc khỏe lên đi làm trả lại; nhưng nếu đau ốm nặng chẳng biết phải xoay sở thế nào. Được cái, những người làm nghề này đều coi nhau như chị em, bao bọc, yêu thương nhau, song ngặt nỗi ai cũng nghèo nên không giúp nhau được nhiều.

Ngoài ra, còn nhiều rủi ro cũng luôn rình rập đối với những người đi thu mua nhôm nhựa, như: không có phương tiện bảo hộ lao động nên dễ mắc các bệnh ngoài da, hô hấp do tiếp xúc với chất độc hại; nguy cơ tai nạn giao thông... Biết vậy, nhưng vì gánh nặng cơm áo gạo tiền hằng ngày, vì cuộc sống, những người buôn bán ve chai vẫn phải làm.

Cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, các gia đình cũng có nhiều đồ cũ phải thay, vì thế vẫn rất cần những tiếng rao “ai nhôm nhựa bán mua” của các chị. Hãy đồng cảm với các chị, dù rằng đó là nghề các chị mưu sinh, nhưng cũng chính nghề này đã góp phần làm cho mỗi căn nhà của chúng ta gọn gàng hơn, phố phường sạch đẹp hơn…                                                                                     Thùy Hương

Chuyên mục khác