Nhọc nhằn hành trình tìm con chữ

22/11/2020 13:12

Ngày nào cũng vậy, những đứa trẻ lớp 3 đến lớp 5 ở làng Kon Pia phải vượt qua 4 quả đồi với quãng đường gần 7 km từ làng đến trường. Dù khó khăn, những đứa trẻ nơi đây vẫn quyết tâm để tìm học con chữ, nuôi giấc mơ cho tương lai.

Làng Kon Pia là nơi quần tụ của hàng trăm hộ dân đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Ngôi làng nằm quanh một quả đồi rộng lớn, tách biệt và cách trung tâm xã  Đăk Hà  (huyện Tu Mơ Rông) chừng 7km. Từ làng đến trung tâm xã phải đi qua  4 quả đồi dốc dài và cao. Để giúp người dân đi lại, chính quyền địa phương đã xây dựng một con đường nối Kon Pia với trung tâm xã Đăk Hà. Con đường được xây dựng đã lâu, bắt đầu xuống cấp nên đi lại khá khó khăn.

Tôi tìm về làng Kon Pia vào một ngày trung tuần tháng 11. Sáng sớm, trời mù sương. Trong khi nhiều người vẫn chìm trong giấc ngủ thì những đứa trẻ trong làng đã thức dậy chuẩn bị sách vở, quần áo đến trường.

Hơn 5h sáng, căn nhà cấp 4 trống hoắc, rộng chừng 50 m2 nằm lọt thỏm ở làng Kon Pia, Y Ny (học sinh lớp 3A- Trường Tiểu học Đăk Hà) được mẹ đánh thức. Sau khi vệ sinh cá nhân xong, cô bé Xơ Đăng thay quần áo, sắp xếp sách vở chuẩn bị hành trình đến trường. Ở trong bếp, chị Y Tỉnh (32 tuổi- mẹ Y Ny) đã chuẩn bị xong bát cơm trắng và một con cá khô cho con. Khoảng 10 phút sau, Y Ny bước đến nhận bát cơm từ tay mẹ, ăn ngon lành. "Cháu thỉnh thoảng mới ăn sáng, còn lại phải nhịn đói đến lớp"- chị Y Tỉnh nói và giục con ăn nhanh cho kịp giờ đến lớp.

Học sinh làng Kon Pia leo đồi đến lớp. Ảnh: P.N

 

Y Ny là con gái đầu của chị Y Tỉnh, dưới Y Ny, còn hai đứa nhỏ 6 tuổi và 2 tuổi. Cuộc sống gia đình chị Y Tỉnh chỉ trông chờ vào 5 sào mì. Ăn vội bát cơm, Y Ny mang cặp bắt đầu đến trường. Quãng đường từ làng đến trường phải vượt qua 4 con dốc dài. Dù trời lạnh, nhưng chỉ mới vượt qua con dốc đầu tiên, mồ hôi Y Ny đã chảy nhễ nhại. Tranh thủ đứng nghỉ, Y Ny chia sẻ: Con dốc dài và cao quá. Đi một lúc là chùn chân. Cứ qua được con dốc lại phải nghỉ lấy sức mới đi tiếp. Cứ vậy, để đến được trường cũng phải mất gần 2 giờ.

“Vất vả lắm chú ạ! Nhưng cháu sẽ cố gắng để học tập và nuôi giấc mơ làm cô giáo. Cháu sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng cha mẹ, công ơn thầy cô…”- Y Ny tâm sự.

Còn A Tấn (học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Đăk Hà) sau khi đã vượt qua một con dốc dài, vừa ngồi thở hổn hển vừa cho biết, ngày nào cũng vậy, em phải thức dậy trước 5 giờ sáng, vệ sinh xong tranh thủ ăn ít cơm nguội rồi đi học. Cũng có  hôm dậy trễ, không kịp ăn cơm, đành nhịn đói đến trường.

A Tấn leo hết con dốc này đến con dốc khác bằng đôi dép đã mòn gần hết đế. Đi qua mỗi con dốc, vì quá mệt, Tấn lại ngồi bệt xuống đường nghỉ để lấy sức. “Trong nhà bố mẹ cũng mua cho xe đạp nhưng vì dốc quá cao và dài không thể đạp xe được nên chỉ còn cách đi bộ. Em chỉ ước sao cho đường bớt dốc để chúng em đến trường dễ dàng hơn”- A Tấn nói.

Tương tự, ngồi nghỉ cách A Tấn không xa, Y Ngoanh (học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Đăk Hà) kể: Hồi em học lớp 1, lớp 2 em được học tại điểm trường ngay ở làng nên đi lại thuận lợi. Nhưng từ khi lên lớp 3, trong làng không có lớp học, chúng em và các bạn phải ra điểm trường chính, cách nhà gần 7 km để học tập. Hồi mới chuyển ra học ở trường trung tâm, em thường ngủ quên và gần như ngày nào mẹ cũng phải đánh thức em dậy để đi học.

Học sinh làng Kon Pia vẫn hàng ngày vượt núi đến trường tìm con chữ. Ảnh: PN

 

Theo Y Ngoanh, hàng ngày cứ 2 lần, sáng đi chiều về, chúng em phải vượt qua 4 con dốc dài này. Sáng thì phải dạy từ tờ mờ sáng, chiều về đến làng cũng vừa tối. Ngày nào cũng vậy làm đôi chân mỏi rã rời. Mùa mưa cũng khổ, mùa nắng cũng mệt.

Vừa leo qua đỉnh dốc thứ 2, em A Đức (học sinh lớp 3A, Trường Tiểu học Đăk Hà) ngồi giữa đường để nghỉ, phía trước em còn hai con dốc nữa. Dù buổi sáng sớm hơi sương còn lạnh nhưng mồ hôi A Đức ướt đẫm áo.

Nhà A Đức ở tận cuối làng Kon Pia, cách xa trường nhất so với hơn 100 đứa trẻ trong làng, vì vậy hàng ngày Đức thường phải thức dậy sớm hơn các bạn 10-20 phút để đến trường cho kịp giờ.

A Đức kể, nhà đông anh chị (10 người), tất cả đã có gia đình. Bố mẹ thường đi làm, ở lại trên rẫy nên không có ai chở em đi học. Sáng nào, Đức cũng nhịn đói đến lớp, thỉnh thoảng mới có gói mì tôm sống mang theo ăn dần trên đường. "Em thích đi học hơn ở nhà, vì đến lớp học có bạn, đặc biệt bữa trưa được ăn no, ăn ngon hơn ở nhà"- A Đức nói.

Không như học sinh ở thành phố, các em học sinh tiểu học ở vùng sâu Tu Mơ Rông đều tự đi học. Bố mẹ quanh năm bận bịu việc ruộng rẫy nên dù trời mưa hay nắng, lũ trẻ nơi đây phải tự đi bộ đến trường. Vì địa hình ở vùng sâu Tu Mơ Rông đồi núi nhiều, đường dốc nên đi xe đạp rất khó khăn bởi không thể đạp lên được con dốc cao, dựng đứng. Vì vậy, đa số học sinh đều đi bộ và leo qua các con dốc để đến trường.

Cô Hồ Thị Thùy Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Hà cho biết, toàn trường có hơn 620 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó, có 98% học sinh  là người DTTS. Trong số đó, có đến hơn một nửa học sinh điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá đi lại xa xôi, vất vả. Làng Kon Pia là làng xa nhất. Đây cũng là làng có số học sinh khá đông, gần 200 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, trong đó, học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 có hơn 100 em. Tại làng này, học sinh lớp 1-2 có điểm trường ngay trong làng, riêng học sinh lớp 3 đến lớp 5 phải đi đến điểm trường chính để học, chiều lại tự đi bộ về.

“Những hôm mưa lớn, các em vẫn phải tự đi bộ đến lớp. Nhìn học trò ngồi co ro trong lớp, chúng tôi thấy thương vô cùng. Thế nhưng không vì vậy mà các em chểnh mảng việc học tập. Mặc dù phải đi bộ quãng đường xa như vậy nhưng đến lớp vẫn chăm chú, không chểnh mảng việc học tập, do đó, của nhiều em luôn đạt học lực khá”- cô Vân cho hay.

Trong màn sương sớm, nhìn từng nhóm học sinh làng Kon Pia quần áo mỏng manh vừa đi vừa chạy trên quãng đường 7 km, vượt qua 4 ngọn núi cao để đến trường mới thấy nghị lực và quyết tâm của lũ trẻ nơi đây để học con chữ, nuôi giấc mơ cho tương lai.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác