“Nguồn mạch” Kon Jri Pen

29/12/2022 06:04

Cách A Rênh nói chạm đến trái tim của mọi người, cách A Rênh làm đã góp phần giúp dân thôn Kon Jri Pen thay đổi nếp nghĩ, cách làm. A Rênh như “nguồn mạch” góp phần giúp người dân trong thôn xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. 

Nghe A Rênh gọi điện về báo khoảng 20h, Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng năm 2022” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, người dân thôn Kon Jri Pen, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy háo hức chờ đợi.

Bữa cơm của nhiều nhà dân thôn Kon Jri Pen hôm đó diễn ra sớm hơn thường lệ. Dọn dẹp xong xuôi, nhà nào cũng quây quần, bật tivi, đợi chờ được thấy A Rênh trên truyền hình. Ở đầu cầu Hà Nội, A Rênh hồi hộp bao nhiêu thì ở thôn, bà con lại háo hức chờ đợi bấy nhiêu. Nghe người dẫn Chương trình đọc đến tên A Rênh, nhìn thấy A Rênh vinh dự bước lên bục biểu dương, bà con trào dâng niềm vui trong lòng.

Anh A Rênh đến tận nhà vận động người dân chăm lo sản xuất. Ảnh: H.T

 

Nhớ lại ngày ấy, anh A Rip, thôn Kon Jri Pen vẫn còn bồi hồi: “Nghe nói, cả làng, cả xã, cả tỉnh có được một mình A Rênh được biểu dương tại Chương trình nên bà con tự hào lắm. A Rênh hiền hậu, nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ bà con nên xứng đáng được biểu dương”. 

Về phần A Rênh, tại Chương trình, vừa vui mừng, vừa xúc động nhưng đầy tự hào. Lắng nghe từng lời phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lắng nghe những câu chuyện của những điển hình tiên tiến từ khắp các địa phương trên toàn quốc, A Rênh thấy rằng, bản thân mình càng phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa.

“Có những tấm gương để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Nghe cách họ nói, nhìn cách họ triển khai các phần việc một cách cụ thể tại địa phương, tôi vừa khâm phục, vừa học hỏi được nhiều điều. Ngày hôm ấy, tôi dặn lòng phải cố gắng hơn nữa, tiếp tục phát huy những việc mình làm được, càng giúp ích cho dân bao nhiêu thì niềm vui sẽ nhân lên bấy nhiêu” - A Rênh chia sẻ.

Trở về trong sự chào đón, chúc mừng của bà con trong thôn, A Rênh càng nghĩ rằng, mình càng phải cố gắng để tiếp tục có những hoạt động, mô hình hay phù hợp với đặc thù địa phương. “Để triển khai một hoạt động thiết thực, không dễ dàng, nhưng mình đang cố gắng để phát huy” - A Rênh cười hiền.

Trong suốt 5 năm làm trưởng thôn và 8 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Kon Jri Pen, A Rênh quen với cách sống, cách làm, cả cách suy nghĩ của bà con. Chính vì vậy, A Rênh biết khơi thông “nguồn mạch” để bà con từng bước vươn lên xây dựng cuộc sống mới. 53 hộ dân với gần 100% là người đồng bào DTTS trong thôn đoàn kết, gắn bó khăng khít với nhau như anh em. Để khơi thông “nguồn mạch”, để những quan tâm, chia sẻ được thể hiện bằng hành động cụ thể, A Rênh đã tổ chức họp thôn, vận động người dân cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng  cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn.

Anh A Rênh chăm chỉ lao động, làm gương cho mọi người. Ảnh: H.T

 

Bắt đầu từ việc huy động các tổ giúp nhau sản xuất, A Rênh vận động bà con trong thôn nếu thấy trường hợp nào khó khăn, bà con cùng giúp đỡ sản xuất với tiền công khoảng 100 ngàn đồng/người/ngày, chỉ bằng nửa công hiện nay. Một năm tổ đi làm 2-3 lần, giúp cho 2-3 hộ trong thôn. Số tiền bà con đi làm được sẽ để đóng góp quỹ cho thôn. Làm như thế vừa giúp đỡ được hộ khó khăn về công lao động, vừa có tiền gây quỹ nên bà con rất đồng tình.

Để tránh trường hợp bà con tị nạnh nhau, trước khi giúp đỡ hộ nào, thôn đều bàn bạc, lấy ý kiến và đi đến thống nhất. Đơn cử như anh A Rip, năm vừa rồi, trong lúc khó khăn về nhân công được bà con hỗ trợ công trồng mì. Anh nhớ như in, hôm đó, 80 nhân công trong thôn cùng đi làm giúp nên chỉ trong một buổi sáng, mọi việc đã hoàn thành. Nếu phải thuê nhân công bên ngoài, phải mất gấp đôi số tiền nhưng rề rà, không kịp mùa vụ.

Việc làm được duy trì qua từng năm và mỗi năm từ việc góp công giúp đỡ hộ khó khăn, thôn đã gây được hơn 30 triệu đồng làm Quỹ cộng đồng. Nguồn tiền từ Quỹ cộng đồng sẽ được chi cho các hoạt động chung của thôn, như duy tu, bảo trì đường điện thắp sáng trong thôn, đóng tiền nước, tiền điện cộng đồng và đặc biệt là sử dụng để hỗ trợ các hộ gia đình nghèo tự nguyện xin thoát nghèo.

Khi chưa có nguồn quỹ cộng đồng, các hoạt động trong thôn không nổi trội. Từ khi có Quỹ cộng đồng, các hoạt động nhiều hơn, sôi nổi hơn, được tổ chức bài bản hơn, thu hút sự tham gia đông đủ của từng hộ gia đình, đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. 

Đặc biệt, để xây dựng cảnh quan trong thôn, A Rênh đã cùng với các ban, ngành của thôn phát động cuộc thi giữa các hộ gia đình trong thôn về xây dựng đường hoa, hàng rào đẹp. Cứ vào cuối mỗi tháng, trong các buổi họp thôn, thôn lại xem xét và bầu ra nhà nào làm đường hoa, hàng rào đẹp nhất. Hộ gia đình nào “thắng” sẽ được thôn khen thưởng 100 nghìn đồng. Tuy số tiền không lớn, nhưng đã khích lệ tinh thần của bà con, tạo phong trào thi đua sôi nổi. Nhờ vậy, đến nay, 100% các hộ gia đình có hàng rào và duy trì việc trồng hoa, cây xanh.

Ngồi trò chuyện, bà con còn khoe, ở làng, nhiều hộ dân đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Sự chuyển biến tích cực ấy, cũng nhờ một phần vào sự vận động từ Bí thư Chi bộ A Rênh. Lấy mình làm gương, A Rênh tiên phong chuyển đổi một phần diện tích đất trồng mì bạc màu sang trồng cây ăn trái. Theo đó, A Rênh đã trồng được 14 gốc sầu riêng, 14 gốc mít Thái và 6 gốc bơ. “Trong thôn đã có nhiều hộ làm theo trồng cây ăn trái, làm chuồng trại chăn nuôi xa nhà. Hiện nay, thôn vẫn còn khoảng 10 hộ nghèo, chúng tôi đang cố gắng động viên, giúp đỡ, hỗ trợ để các hộ cùng nhau vươn lên trong cuộc sống”- A Rênh chia sẻ.

Anh A Rênh làm men lá để ủ rượu cần. Ảnh: HT

 

Từ những thay đổi nhỏ từng năm một, nay thôn Kon Jri Pen có đổi thay đáng kể về nhiều mặt, nhất là trong thay đổi nếp nghĩ mỗi người luôn gắn với việc làm cụ thể, đem lại lợi ích thiết thực. Nhưng, không dừng lại tại đó, A Rênh còn đau đáu chuyện giữ gìn hương vị rượu ghè truyền thống để tránh tình trạng ngộ độc rượu. Từ những suy nghĩ của mình, A Rênh quyết tìm cây hyam để làm men nấu rượu như ông bà đã truyền lại.

Sau những giờ làm đồng vất vả, A Rênh lại tìm cây, lá để làm men rượu, ủ rượu cần. Để nấu một được một ché rượu cần phải mất rất nhiều thời gian, nhưng nghĩ lại, khi làng có lễ hội, bà con được uống rượu chất lượng, đậm hương vị truyền thống, A Rênh lại cố gắng. Và, hiểu mục đích A Rênh làm, bà con ai cũng ủng hộ. Thấy cây hyam ở đâu, bà con đều chỉ hoặc hái về, giúp A Rênh ủ rượu.

Với sự hỗ trợ của cộng đồng và chính quyền địa phương, vừa qua, A Rênh đã nỗ lực xây dựng thương hiệu “rượu ghè ông già Rên”. “Chúng tôi động viên, hỗ trợ để A Rênh mang sản phẩm rượu ghè thi OCOP. Hiện nay, những ngày lễ hội của làng, của xã, mọi người đều tìm đến A Rênh đặt làm rượu ghè”- anh A Đi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Tờ Re cho biết.

Cách A Rênh nói chạm trái tim của mỗi người, cách A Rênh làm đã góp phần mang đến sự thay đổi từng ngày ở làng. “Người dân tin tưởng mình, và mình luôn cố gắng để không phụ lòng tin của mọi người”- A Rênh bày tỏ.

Hoài Tiến

Chuyên mục khác