Người thổi hồn vào trang phục Ba Na

21/12/2020 13:03

Bằng sự sáng tạo và bàn tay khéo léo của mình, bà Y Banh (53 tuổi, dân tộc Ba Na) ở làng Kon Tum Kơ Nâm, phường Thống Nhất, (thành phố Kon Tum) đã tạo ra nhiều sản phẩm được làm từ thổ cẩm có thiết kế đẹp mắt và hiện đại, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Dưới ánh sáng của chiếc đèn led nhỏ, bà Y Banh cặm cụi may bộ trang phục mới để kịp giao cho khách. Theo bà, thường vào dịp cuối năm, số lượng đơn đặt may nhiều nên bận rộn hơn nhiều. Ngoài bà là thợ chính, còn có 2 người em gái của bà là Y Benh và Y Bech phụ việc. Thời gian thấm thoát trôi qua, tính ra đến nay bà Y Banh và 2 người em của mình gắn bó với nghề may đã hơn 20 năm.

Bà kể rằng, từ khi còn là thiếu nữ đã thích nghề may. Giống như duyên trời định, thời gian ấy bà có cơ hội được gặp và học hỏi nghề may từ nhiều người thợ giỏi trong vùng. Lúc mới vào nghề, bà chỉ nhận may những bộ trang phục truyền thống cho đàn ông, phụ nữ và trẻ em trong làng. Tuy nhiên, đến năm 2013, nhu cầu mặc những bộ trang phục thổ cẩm cách tân xuất hiện và phổ biến nên bà Y Banh bắt đầu tìm hiểu nguồn vật liệu thổ cẩm được dệt bằng máy công nghiệp, có chất liệu vải mềm, được thêu nhiều hoa văn và màu sắc rực rỡ đem về mày mò, sáng tạo ra những bộ trang phục, khăn choàng cổ, túi xách, bóp, ví, khăn trải bàn…có thiết kế hiện đại, đẹp mắt nhưng vẫn giữ “hồn cốt”, đường nét hoa văn đặc trưng của dân tộc để bán cho khách.

Bà Y Banh gắn bó với nghề may đã hơn 20 năm nay. Ảnh: Đ.T

 

Bà Y Banh cho biết, mỗi dân tộc có hoa văn trên thổ cẩm riêng, có cách may, cách mặc khác nhau, thể hiện nét đẹp trong đời sống sinh hoạt thường ngày của họ. Ví dụ như người phụ nữ Giẻ–Triêng sử dụng tấm vải thổ cẩm để mặc quấn ngang ngực; người phụ nữ Gia Rai thì lại chủ yếu mặc áo tay dài; còn người phụ nữ Ba Na lại có cách riêng để bộ trang phục truyền thống trở nên đẹp và nổi bật hơn, đó là “Klôp pơ nar, Reng và Rơ Tong”.

Cầm trên tay bộ trang phục của thiếu nữ Ba Na vừa tự may, bà Y Banh chia sẻ rằng, điểm nổi bật nhất trên váy của người phụ nữ Ba Na đó là có tấm vải Klôp pơ nar, đây là tấm vải có thêu nhiều hoa văn đặc trưng. Reng là những sợi len nhiều màu sắc được thêu để trang trí viền cổ áo, viền cổ tay, viền chân váy với những hình cây, hoa, lá. Còn Rơ Tong cũng là những sợi len nhiều màu sắc được thêu liền mạch với đường chỉ may ở 2 bên sườn của chiếc áo.

Đối với trang phục của phụ nữ, dù cách tân thì bà Y Banh vẫn giữ 3 yếu tố quan trọng là Klôp pơ nar, Reng và Rơ Tong.  Phần cổ áo, ngoài may cổ ngang như truyền thống, bà Y Banh còn may cổ trái tim, cổ tròn, cổ 3 góc, cổ hình thang. Bên cạnh đó, bà còn may những chiếc áo tay dài cho phụ nữ lớn tuổi hay váy liền cho những cô gái trẻ. Ngoài ra, bà cũng may áo tay ngắn cho những cô gái trẻ với số lượng lớn để bán bởi theo truyền thống của dân tộc Ba Na, các cô gái hay mặc áo tay ngắn để khoe nét đẹp khỏe khắn, thể hiện mình có thể gánh vác được việc nhà, việc rẫy, từ đó thu hút sự chú ý của các chàng trai Ba Na. Đối với trang phục đàn ông, bà Y Banh thêu nhiều hoa văn trên áo và may thêm chiếc quần nhỏ gắn liền với chiếc khố.

Bà Y Banh đang may trang phục cho khách. Ảnh: ĐT

 

Bà Y Banh bật mí rằng, may trang phục truyền thống hay may trang phục cách tân cho trẻ em mất nhiều thời gian hơn may trang phục cho phụ nữ hoặc đàn ông trưởng thành vì kích thước trang phục nhỏ nên việc thêu Reng và Rơ Tong khó hơn. “Thông thường để hoàn thành 1 bộ trang phục của phụ nữ hoặc đàn ông trưởng thành cần 5 ngày để cắt vải, may và thêu Reng, thêu Rơ Tong, còn trang phục của trẻ em thì cần đến 7 ngày mới xong” - bà Y Banh nói.

Dẫn tôi đến nơi 2 người em làm việc, bà Y Banh cho hay, ngoài thêu Reng và Rơ Tong, còn một công đoạn cần sự tỉ mỉ và mất nhiều thời gian mới hoàn thành đó là xếp và cột tua. Tua là những sợi dây len nhiều màu sắc nằm ở đầu những chiếc khăn choàng, khố, túi xách. “Để xếp và cột tua cho 1 chiếc khăn choàng có chiều rộng 2 đầu cộng lại khoảng 3m, chúng tôi chia những sợi len đều nhau, sau đó cột lại thành những nút thắt. Cả công đoạn mất thời gian hơn 1 buổi” - bà Y Banh giới thiệu.

Hiện nay, tiệm may của bà Y Banh đang trưng bày khoảng 60 bộ trang phục đàn ông, phụ nữ và trẻ em truyền thống và cách tân; 2 chiếc khăn trải bàn; 20 chiếc khăn choàng cùng hơn 60 chiếc túi xách, bóp, ví và móc khóa. Tất cả được thiết kế đẹp mắt có sức hút với khách hàng.

Bộ váy cách tân của thiếu nữ Ba Na do bà Y Banh may. Ảnh: Đ.T

 

Sau ngần ấy năm làm nghề may, bà Y Banh được nhiều người trong các làng đồng bào Ba Na biết tiếng và tin tưởng đặt may trang phục truyền thống và mua các sản phẩm được làm từ thổ cẩm. Có những khách hàng quen đến từ huyện Sa Thầy, Tu Mơ Rông và Kon Plông.

“Hiện nay, nhu cầu mặc trang phục truyền thống và cách tân trong các buổi lễ quan trọng của gia đình, của làng, khi đi học, khi đi dự tiệc ngày càng nhiều nên khách ghé tiệm may của tôi cũng nhiều hơn. Có thời điểm chúng tôi nhận được đơn đặt may trang phục truyền thống cho hơn 100 cháu nhỏ của một làng ở huyện Tu Mơ Rông nên 3 chị em phải làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm mới kịp giao trang phục cho khách” - bà Y Banh cười nói.

Phát triển được nghề, bà Y Banh giúp gia đình và 2 người em gái có thu nhập ổn định. Bà tâm sự, trong thời gian tới, bà sẽ tiếp tục tìm tòi, thiết kế ra nhiều bộ trang phục và sản phẩm được làm từ thổ cẩm hơn nữa, qua đó đáp ứng nhu cầu ăn mặc của bà con và góp phần quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đức Thành

Chuyên mục khác