Người Quảng Ngãi ở Sa Thầy

02/03/2021 06:04

Hơn 45 năm định cư ở vùng đất Kon Tum, cộng đồng người Quảng Ngãi đã phát huy tinh thần kiên cường, vượt khó, ổn định cuộc sống và tích cực đóng góp xây dựng quê hương thứ 2 ngày càng phát triển.

Một thời gian khó

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác định canh định cư, di dân xây dựng vùng kinh tế mới, tháng 11/1976, khoảng 1.600 hộ dân với 2.000 khẩu từ huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quãng Ngãi) lên thành lập điểm kinh tế mới Sa Sơn (huyện Sa Thầy). Vì vậy, hiện nay, Sa Thầy là nơi có số lượng người Quảng Ngãi đông nhất trên địa bàn tỉnh.

 Mới đó mà đã hơn 45 năm trôi qua, đến nay chưa phút giây nào những người con xứ Quảng quên được cái ngày rời quê hương lên mảnh đất Kon Tum này và càng không thể quên được những nhọc nhằn, gian khó thuở ban đầu. Đến nay, lớp người đầu tiên lên Kon Tum lập làng xây dựng vùng kinh tế mới có người đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất Bắc Tây Nguyên. Người còn sống thì đã ở cái tuổi xưa nay hiếm.

Trong đoàn người đi kinh tế mới đó, có vợ chồng bà Võ Thị Phương (80 tuổi) cùng 6 người con lên lập nghiệp ở Sa Thầy từ năm 1976. Gia đình bà Phương quê gốc ở xã Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh nay là thành phố Quảng Ngãi).

Bà Phương - một trong những người đầu tiên đến với Sa Thầy và sống ổn định trên quê hương mới. Ảnh: P.N

 

Bà Phương kể, hồi đó, đường sá đi lại rất khó khăn, từ Quảng Ngãi lên được Kon Tum đã mất mấy ngày đường, rồi lên Sa Thầy cũng cả ngày đi bộ. Lúc đó là thời điểm cuối năm, thời tiết lạnh, rất khó chịu, vượt cả quãng đường xa xôi đến mảnh đất này nhưng đón họ chỉ là những con đường mòn đầy đá sỏi và rừng le bụi chỉ còn trơ gốc. Họ phải tự tay phát từng gốc le để có chỗ dựng nhà bằng tre nứa để ở.

Quanh năm gắn liền với biển xanh, cát trắng, muối mặn chuyển sang sống ở nơi rừng núi trập trùng nên lạ nước lạ cái. Chưa kịp bắt nhịp với cuộc sống thì căn bệnh sốt rét trở thành nỗi ám ảnh. Bà con phải thay phiên nhau mắc võng, 4-5 người khiêng một người bệnh đi gần 15km đường rừng ra thị xã Kon Tum để cứu chữa. “Nhà cửa tạm bợ, đau ốm triền miên. Nhưng biết sao được, mọi người cứ cố gắng trấn an, động viên nhau để vượt qua khó khăn”- bà Phương nhớ lại.

 Cho đến nay, dù đã hơn 45 năm, nhưng ông Trương Văn Thái (65 tuổi, trú tại thôn 3, thị trấn Sa Thầy) vẫn nhớ như in ngày mà ba mẹ ông cùng 6 anh em rời quê hương Quảng Ngãi theo chủ trương của Đảng, Nhà nước lên xây dựng vùng kinh tế mới tại huyện Sa Thầy.

Ông Trương Văn Thái nhớ lại: Hoang vu, heo hút, nghèo nàn là cảm nhận đầu tiên đến với Sa Thầy. Khi ấy, đường khi lên Sa Thầy là đường mòn ngoằn nghèo giữa rừng le, trúc thâm u. Ngoài người địa phương, lực lượng thanh niên xung phong thì chúng tôi là người dầu tiên có mặt trên mảnh đất Sa Thầy. Khi ấy, chúng tôi cùng với đơn vị thanh niên xung phong bắt tay tập trung khai hoang thực địa, mở đường, dựng nhà.... bằng đôi bàn tay và sức người. Lúc này, chủ yếu là thanh niên xung phong của Sơn Tịnh, Quảng Ngãi lên làm nhiệm vụ, còn hộ dân thì rất thưa thớt với hơn100 hộ. Cuộc sống lúc bấy giờ khó khăn trăm bề, xung quanh là rừng núi rậm rạp, thú dữ sống chung với người, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh khắp mọi nơi, nhất là sốt rét đã làm chết rất nhiều người. Nhiều hộ gia đình không chịu nổi đã rời bỏ trở lại Quảng Ngãi hoặc đi đến vùng đất khác.

“Vạn sự khởi đầu nan”, khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng những người dân anh hùng trong chiến đấu từ miền xuôi lên, đã sát cánh cùng đồng bào dân tộc Gia-Rai tại chỗ, bắt tay vào việc dựng những căn nhà tạm, mở đường, ngăn đập thủy lợi, chặt le, phá đất, rà phá bom mìn, khai hoang cánh đồng... để phát triển sản xuất. Giờ đây, ngồi nhớ lại ngày gian khó ấy, ai cũng thấy tự khâm phục mình kiên cường, không khuất phục trước khó khăn, gian khổ.

Chung tay xây dựng quê hương mới

Từ một vùng rừng núi âm u, giờ đây, mảnh đất Sa Thầy đã trở nên trù phú và là quê hương thứ hai của hàng chục ngàn hộ dân người Quảng Ngãi. Hiện nay, ở  Sa Thầy, ngoài đồng bào DTTS tại chỗ thì người Quảng Ngãi có số lượng đông nhất huyện. Có nhiều xã dân số gốc Quảng Ngãi đã chiếm trên 50% như ở Sa Bình, Sa Sơn, Sa Nghĩa, Sa Nhơn...

Với đức tính cần cù, chịu khó của người Quảng Ngãi, đến mảnh đất Sa Thầy, người dân đã tích cực khai hoang, phục hóa, biến mảnh đất cằn trở nên màu mỡ đa dạng hóa các loại cây trồng vật nuôi, tập trung phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo.

Người dân Quảng Ngãi ở Sa Thầy đóng góp tích cực vào sự phát triển của huyện. Ảnh: PN

 

Đất không phụ công người, dần dần cái đói được xóa, cái nghèo giảm nhanh, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Như gia đình bà Võ Thị Phương, hồi mới lên, cuộc sống gia đình khó khăn, phải chạy vạy từng bữa cơm, nhưng nhờ sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm mà giờ đây gia đình bà là một trong những hộ có đời sống kinh tế khá giả nhất mảnh đất Sa Thầy. 10 người con của bà Phương nay đã trưởng thành, có việc làm ổn định. Bản thân bà Phương đang sở hữu hàng chục ha đất trồng cà phê, mì, cao su, phát triển kinh tế trang trại… cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

“Đời sống người Quảng Ngãi ở đây đã đổi thay hơn xưa rất nhiều. Cũng nhờ đất đai tươi tốt, khí hậu hài hòa mà người mọi việc từ gieo trồng đến sức khỏe đều “thuận buồm xuôi gió”- bà Phương chia sẻ.

Không chỉ gia đình bà Phương, hầu như những hộ gia đình người Quảng Ngãi ở Sa Thầy đến nay đều có đời sống khấm khá, kinh tế phát triển. Từ chỗ chỉ có một mảnh đất nhỏ, giờ đây nhà nào cũng đã mua được đất mở rộng sản xuất, xây được nhà kiên cố khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn.

Điển hình như gia đình ông Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1958, quê ở xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh) hiện đang ở thị trấn Sa Thầy. Gia đình ông Bình cũng là lớp người đầu tiên từ Quảng Ngãi lên lập nghiệp ở Sa Thầy. Thời gian đầu, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn, đời sống chủ yếu dựa vào làm kinh tế vườn như trồng cao su, cà phê, tiêu, nuôi cá…Sau này, gia đình ông Bình dần mở rộng, chuyển sang làm kinh doanh buôn bán. Giờ đây, gia đình ông kinh doanh buôn bán đủ thứ với hệ thống cửa hàng, nhà hàng có thể nói là lớn nhất ở thị trấn Sa Thầy. Gia đình ông Bình giờ đây là một trong những hộ nằm ở tốp đầu về thu nhập của thị trấn Sa Thầy. Ba người con của ông Bình đều được học hành đàng hoàng, tốt nghiệp đại học và đang tiếp tục phát huy truyền thống của gia đình, đóng góp vào xây dựng mảnh đất Sa Thầy ngày càng phát triển.

“Nhìn lại chặng đường đã qua để có được như ngày hôm nay, phải nói rằng đó tinh thần, ý chí và sự đoàn kết của con người chính là sức mạnh làm nên tất cả. Tôi đã đến mảnh đất Sa Thầy và gắn bó với nơi đây gần 46 năm, được chứng kiến sự phát triển, đổi thay từng ngày của thị trấn Sa Thầy nói riêng và huyện Sa Thầy nói chung làm tôi rất mừng và luôn đặt niềm tin rằng Sa Thầy sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới”- ông Trương Văn Thái  tâm sự.

Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa trên quê hương thứ hai, cùng với ý chí kiên cường, tinh thần vượt khó, cộng đồng người Quảng Ngãi trên mảnh đất Sa Thầy đã và đang có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển. Từ thế hệ đầu tiên lên lập nghiệp, đến nay, các thế hệ người Quảng Ngãi ở Sa Thầy đang tiếp nối truyền thống của cha ông, tích cực lao động sản xuất để xây dựng quê hương mới ngày càng phát triển. Hiện nay, nhiều người con Quảng Ngãi ở Sa Thầy đang giữ các chức vụ, vị trí quan trọng trong bộ máy của huyện, tỉnh, và cũng như là lực lượng nòng cốt, xung kích, đi đầu trong xây dựng quê hương mới.

Gắn bó với mảnh đất mới, gần nửa thế kỷ qua, cộng đồng người Quảng Ngãi đã phát huy tinh thần kiên cường, đoàn kết, luôn giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương Sa Thầy nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung ngày càng phát triển.

PHÚC NGUYÊN

Chuyên mục khác